TTCT - Tự chủ giáo dục, lựa chọn cho đại học và chất lượng nguồn nhân lực là những vấn đề mà bất kỳ nền giáo dục nào, ở cấp độ nào và trình độ phát triển nào cũng phải giải quyết. Nhiều nước châu Á vẫn tiến hành các kỳ thi đại học tập trung hằng năm cho mọi thí sinh ôm giấc mộng vượt vũ môn, trong khi phần lớn các nước phương Tây gần như trao toàn quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc tuyển chọn các cử nhân tương lai. Mô hình nào là khôn ngoan hơn? Và mô hình nào phù hợp với Việt Nam hơn trong bối cảnh chất lượng nguồn nhân lực hiện tại?Phóng toVestibular là kỳ thi toàn quốc của Brazil, gộp cả hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một - Ảnh: wordpress.comDễ chỉ ra những vấn đề của một kỳ thi đại học tốn kém, quá nhiều sức ép và đôi khi trở thành một cuộc tranh cãi tầm quốc gia về việc nên duy trì hay bãi bỏ các kỳ thi mang nặng màu sắc khoa cử truyền thống ở các nước châu Á. Tuy nhiên, như hai mặt của đồng xu, không phải lúc nào “tây học” cũng là điều đúng đắn.Câu chuyện từ phía “Tây học”Thật ra, một nửa các trường đại học ở Anh đã mất tín nhiệm vào đánh giá điểm số ở các trường cấp III tới mức họ vẫn phải tổ chức các kỳ thi tuyển đầu vào gắt gao.Bộ Giáo dục Anh năm 2012 đã thực hiện một báo cáo chỉ ra rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng “lạm phát điểm số” đang lan tràn ở các trường cấp III. Các trường này, do muốn học sinh của họ vào đại học dễ dàng hơn thông qua hệ thống xét tuyển mà không có thi tuyển đầu vào đã phân phát một cách vô tội vạ những điểm A và A* để học trò có một cuốn học bạ đẹp nhằm dễ cạnh tranh hơn khi nộp đơn vào các đại học. Cũng là một kiểu bệnh thành tích như ở các nước đang phát triển.Trong năm 2012, ít nhất 75 trường đại học ở Anh đã thiết lập các kỳ thi đầu vào, bao gồm hàng loạt trường dạy những ngành cơ bản như luật, y khoa và toán học. Đại học danh tiếng Oxford cũng đã yêu cầu khoảng 9/10 số người nộp đơn phải trải qua một bài kiểm tra đầu vào cho năm học 2013. So với năm 2009, khi chỉ 1/3 các đại học ở Anh yêu cầu kiểm tra đầu vào, rõ ràng nhu cầu có một kỳ thi tiêu chuẩn đã tăng lên.Mùa hè năm 2011, khoảng 27% những đơn nộp vào các đại học ở Anh có điểm cấp III là A* hoặc A, tăng gấp ba lần so với những năm 1980 và là năm thứ 29 tăng liên tiếp. Khó tin là số học trò xuất sắc ở Anh hiện giờ đã tăng gấp ba lần so với quá khứ, nhưng sự rộng rãi hơn (và họ bắt buộc phải thế trong cuộc chạy đua đưa học trò vào đại học) của thầy cô giáo là có thật.Tình cảnh đó khiến hiện giờ ở Anh tồn tại song song ba hình thức “thi” đại học. Bao gồm: 1) Hệ thống xét tuyển (mà Việt Nam chưa bao giờ áp dụng ở các đại học), 2) Hệ thống kỳ thi tiêu chuẩn, nhất là cho khối các trường y, luật và khoa học cơ bản (giống với kỳ thi đại học toàn quốc của Việt Nam hiện giờ) và 3) Hệ thống các trường tự tổ chức thi, khi mỗi trường đưa vào các môn đặc thù của họ, từ thống kê, tiếng Anh, lịch sử, ngôn ngữ cho tới văn học cổ điển, giáo dục học hay thực hành y tá (hệ thống này giống với hệ thống các trường đại học tự ra đề và tổ chức tuyển sinh trước kia của Việt Nam).Khó thể nói hệ thống nào ưu việt hơn trong ba lựa chọn đó, nhưng điều quan trọng là các trường đại học được tự chủ cao độ về hình thức tuyển sinh. Mỗi một lựa chọn đều có những ưu và khuyết điểm của nó, nhưng khi song song tồn tại nó cho phép không chỉ các trường đại học mà cả người học và nhà quản lý giáo dục lựa chọn cho mình những cách tiếp cận khác nhau.Sự đa dạng trong các lựa chọn cũng sẽ phản ánh đúng đắn các lực thị trường, nhu cầu của người học, của thị trường lao động và của cả những yếu tố văn hóa khó đo đếm hơn như tâm lý trọng bằng cấp cao hay thấp, áp lực của phụ huynh với con em về tấm bằng đại học...Việc nhiều trường ở Anh trước kia xét tuyển nay trở lại với hệ thống thi tuyển có thể là bài học tham khảo hữu ích cho những lời kêu gọi hủy bỏ kỳ thi đại học tập trung. Anh nhìn chung là một quốc gia phát triển với hệ thống giáo dục hiện đại, các định chế của một nền dân chủ đã hình thành đầy đủ, vậy mà vẫn không tránh khỏi tình cảnh chạy đua điểm số.Việt Nam, với sự minh bạch trong quản trị nhà nước nói chung, và trong điều hành giáo dục nói riêng còn yếu, sẽ đứng trước rủi ro lớn về tình trạng chạy đua điểm số trong học bạ, “học giả điểm giả”, nếu vội vàng chuyển từ hệ thống thi đại trà hiện nay sang hệ thống xét tuyển dựa trên học bạ và thành tích các năm học phổ thông.Những đắn đoNhật Bản mang tới một bài học khác. Quốc gia châu Á nổi tiếng với những “kỳ thi địa ngục” này, khi học trò cấp III sẽ không thể đỗ đại học nếu ngủ một ngày quá bốn tiếng và các trung tâm luyện thi tư nhân (gakushu juku) nhồi nhét để biến học trò thành những “con gà đá” thật sự cho các kỳ thi, đang cân nhắc bỏ hẳn thi đại học đại trà trong năm năm tới.Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (với kỳ thi cao khảo), tính khốc liệt của kỳ thi đại học đã được đề cập nhiều. Hầu như mỗi năm đến kỳ thi đều xuất hiện những câu chuyện về áp lực của các kỳ thi này, từ việc máy bay tạm ngưng cất hạ cánh để giữ yên tĩnh cho các thí sinh ở Hàn Quốc, phụ huynh biểu tình vì thắt chặt kiểm soát tiêu cực ở Trung Quốc hay các vụ học trò tự sát do thi rớt ở Nhật Bản.Tuy nhiên, truyền thông đã có khuynh hướng thổi phồng những câu chuyện cá biệt. Quan trọng hơn, khá rõ ràng là ở các nước đó khác biệt giữa thi đỗ và trượt đại học cũng là khác biệt giữa thành bại trong một đời người. Vì vậy, áp lực như thế là hoàn toàn xứng đáng.Trở lại với câu chuyện về hệ thống tuyển sinh đa dạng ở Anh, một mô hình mà có lẽ Việt Nam nên hướng tới, có một số điều kiện cần và đủ để triển khai mô hình đó trong thực tế. Điều kiện tiên quyết là sự tự chủ gần như tuyệt đối cho các trường đại học (điều đã khó hơn nhiều do việc cấp phép mở đại học tràn lan thời gian qua khiến chất lượng quản trị đại học đang xuống rất thấp.Trong khi cả nước Anh tính tới tháng 8-2008 chỉ có hơn 160 trường đại học, thì Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 400 trường). Với hệ thống xét tuyển cần xây dựng từng bước sự minh bạch và trung thực ở các trường phổ thông, điều không dễ chút nào trong bối cảnh hiện nay, và có lẽ chưa thể thực hiện ngay được.Thứ nữa, Bộ Giáo dục - đào tạo cần xây dựng không phải một mà nhiều bộ đề thi tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt là cho các ngành đặc thù như y khoa, luật, khoa học cơ bản (toán học, vật lý học, hóa học, sinh học...). Các hội đồng đề thi quốc gia sẽ phải họp ra đề hằng năm và việc trường đại học chọn sử dụng bộ đề nào hoàn toàn là quyền của họ.Cuối cùng, việc tự ra đề thi đã là điều quen thuộc ở hầu hết các trường đại học trước giai đoạn thi đại trà hiện nay và sẽ không quá khó để áp dụng trở lại.Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có 34 nước thành viên là những nước giàu nhất thế giới và theo báo cáo về giáo dục của họ, chi phí cho các cá nhân và xã hội với những người trẻ tuổi rời trường học mà không có bằng cấp gì đang ngày càng gia tăng. OECD kêu gọi bằng mọi cách phải tránh cho các xã hội này “những sự mất mát cả một thế hệ”.Dựa trên xu hướng hiện giờ, 82% thanh thiếu niên ở OECD sẽ hoàn tất giáo dục cấp III, nhưng những ai không qua được ngưỡng đó sẽ gặp phải thách thức rất lớn khi tiến vào thị trường lao động. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng rất mạnh trong thời kỳ khủng hoảng với những người không có bằng cấp III.Các nhà nghiên cứu của OECD kết luận rằng giáo dục mang tới lợi ích cho xã hội trong dài hạn vì những người được giáo dục cao hơn thường ít được trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội hơn, cũng như trả nhiều thuế hơn khi có việc làm. Nhưng chỉ thông qua thi cử thì không thể kết luận như vậy.Hệ thống Vestibular (từ tiếng Bồ Đào Nha: vestibulo, có nghĩa là “sảnh vào”) là kỳ thi cạnh tranh và được sử dụng rộng rãi nhất trong các trường đại học ở Brazil để chọn sinh viên đầu vào.Kỳ thi thường bắt đầu từ tháng 11 tới tháng 1, ngay trước năm học mới bắt đầu vào tháng 2 hoặc tháng 3, thường kéo dài hai ngày với các môn khác nhau.Kỳ thi gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất có 90 câu trắc nghiệm trong các môn tiếng Bồ Đào Nha, văn học Bồ Đào Nha và Brazil, toán, lịch sử, địa lý, sinh học, hóa học, vật lý và ngoại ngữ. Những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi trắc nghiệm sẽ vào vòng hai, nơi họ làm các đề tự luận ở cùng những môn nói trên.Ngày thi thứ ba sẽ là ngày thi các môn “chuyên ngành”, chia theo khối của trường đại học mà thí sinh đăng ký. Chẳng hạn trường y sẽ có các môn hóa, sinh và địa lý, trường luật sẽ là sử, địa và toán... Một cách dễ hiểu, Vestibular là một kỳ thi tổng hợp cả hai kỳ thi tốt nghiệp cấp III và kỳ thi vào đại học ở Việt Nam.Vestibular được giới thiệu ban đầu với mục đích ngăn chặn tình trạng vị người thân và ảnh hưởng của những nhân vật tai to mặt lớn trong hệ thống xét tuyển trước đó ở các đại học Brazil. Tới tận năm 1996, khi luật giáo dục mới được thông qua, đó là kỳ thi được nhà nước thừa nhận và quy định thành luật duy nhất trong hệ thống giáo dục ở quốc gia Nam Mỹ này.Tất nhiên, như mọi kỳ thi tuyển đại trà khác, Vestibular cũng phải đối mặt không ít chỉ trích. Thứ nhất là tính tiêu chuẩn hóa cao độ của nó khiến học trình ở các trường cấp III trở nên rập khuôn để đáp ứng nhu cầu kỳ thi. Những chỉ trích khác là phổ biến: áp lực với thí sinh, sự thua thiệt của những người có xuất thân nghèo khó hơn, sự nở rộ của các trung tâm luyện thi...Một số trường đại học cũng có chính sách ưu tiên gây tranh cãi, cộng 10-15% điểm cho các học trò học cấp II, III ở các trường công, được cho là nghèo hơn, cộng điểm cho các học trò gốc Phi và da đỏ... Tags: Giáo dụcChâu ÁThi đại họcHải minhTiêu điểmThi tuyển
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.