Đi tìm thời gian chưa mất

HOÀNG CÔNG DANH 24/11/2018 03:11 GMT+7

TTCT - ​Nhiều người có thú vui sưu tập những thứ xa xưa. Xưa, một khái niệm tương đối về thời gian mà không ai dám định ra cụ thể. Bao lâu được gọi là xưa, nó cũng còn tùy vào thứ đồ vật.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Đồ đồng đồ đá phải ngót trăm năm. Đồ điện tử điện cơ thì cỡ hai chục năm, thậm chí chỉ chục năm vật dụng máy móc này đã lỗi thời và xếp vào hàng đồ cổ.

Tôi đi tìm một cái đồng hồ đồ cổ như vậy, hiệu Seiko. Từ thời bao cấp, đã có thơ rằng: Một yêu anh có Seiko / hai yêu anh có Peugeot cá vàng... Seiko gần như là thương hiệu đồng hồ độc quyền thể hiện đẳng cấp đàn ông Việt từ thời đó cho đến tận những năm cuối thế kỷ.

Những năm chín mươi ấy, chú tôi có cái đồng hồ Seiko. Lúc đó hầu như đồng hồ ở quê tôi chỉ mỗi hiệu này, ai có đồng hồ thì đương nhiên nó là Seiko. Giá cũng đắt đỏ nhưng không đến nỗi khan hiếm, các chú thanh niên trong làng hầu như đều có. Thanh niên làm được tiền đều tích lũy để ưu tiên mua một cái đồng hồ, bởi nó là vật đi suốt tuổi trẻ.

Khan hiếm chăng chỉ là mẫu mã, chỉ có mỗi loại mặt hình chữ nhật vát bốn góc. Hình đó phải gọi là bát giác thì đúng hơn. Vỏ và dây bằng thép màu bạc, mặt đồng hồ màu đen. Kim có phủ lớp dạ quang, gọi là luy-mi-nơ (lumineux).

Buổi tối nằm ngủ với chú thỉnh thoảng tôi quay sang xem cái kim phát sáng, chuyển động như con đom đóm. Chú bảo đồng hồ phải có kim dạ quang để buổi tối đi tán gái, ra ngoài đồng ngồi kim phát sáng rất oai!

Có đồng hồ, chú giữ rất cẩn thận. Tắm, cởi ra vì sợ nước vào. Bưng bê mấy đồ góc cạnh, cởi ra cho khỏi vẹt mặt gương. Nhưng kỹ lưỡng thế nào cũng có lần bị ẩm, hơi nước li ti phủ mờ mặt gương, phải đem ra phơi nắng cả buổi (lúc đó chưa có máy sấy).

Thỉnh thoảng chú lấy kem đánh răng thoa đều mặt đồng hồ, xoa xoa như matxa, xong lấy vải mềm chùi một lượt là đồng hồ sáng bóng hẳn lên. Đùa nhau hàm răng có thể không đánh, nhưng đồng hồ phải thơm mùi kem P/S.

Tôi chưa bao giờ có được đồng hồ Seiko như các chú, bây giờ tự dưng muốn một cái.

Lên mạng tìm thử, hằng hà sa số đồng hồ Seiko. Cái vài chục triệu mình không mua được. Cỡ năm triệu thì có người khuyên nên mua cái điện thoại thông minh, vừa dùng đủ thứ việc lại có thể coi giờ. Vài ba triệu bạc thì sợ trúng hàng nhái hàng đểu. Tôi từng vào một cái chợ đầu mối ở thủ đô, nhan nhản đồng hồ gắn đủ các thương hiệu mà giá chỉ vài chục ngàn đồng.

Giờ biết tin ai trong khi mình ít tiền. Đành phải tin vào ngày xưa.

Nhớ ngày xưa các chú cũng mua đồng hồ ấy ở chợ quê thôi chứ đâu có siêu thị đại lý gì. Chợ quê có một đặc điểm là người bán hàng giữ nghề rất lâu, thậm chí cả đời chỉ bán mỗi món ấy. Những người thợ đồng hồ đa phần đều làm nghề cho đến già.

Vậy thì tìm đến các ông thợ đồng hồ ở chợ quê, may ra còn hàng xưa.

Vài chiếc đồng hồ nằm phủ bụi trong tủ gỗ đã lâu không được thay pin nên đứng giờ. Thời gian ngưng lại từ mấy năm trước. Những chiếc đồng hồ đã bị chính ông chủ lãng quên, giá hồi đó bao nhiêu cũng không nhớ luôn. Vài trăm ngàn một chiếc, bây giờ thì quá rẻ, nhưng giá ấy hồi xưa là đắt đỏ rồi. Nên người bán cũng cảm tính nói đại một con số nào đấy.

Nói thế không phải cứ đi các quầy đồng hồ ở quê, gặp các ông lão bán hàng là kiếm được Seiko xưa dễ dàng đâu. Dù họ vẫn giữ nghề nhưng hàng thì bị trà trộn trong những đợt nhập về sau này. Nên có khi cầm được cái Seiko lên mà không biết nó phải hàng ngày xưa không.

Làng quê đang ban phát cho khách hàng những niềm tin. Tin rau ở quê thì sạch hơn rau bán trên phố, gạo ở các làng an toàn hơn gạo cửa hàng. Tôi cũng là một khách hàng, đi tìm Seiko bằng niềm tin ấy.

Trong một góc nhỏ chợ xép, tôi đã thấy được một cái đồng hồ lấm bụi. Không cần kem đánh răng, chỉ vuốt nhẹ tay đã hiện lên chữ Seiko ánh kim sáng bóng. Tôi mua nó chỉ với ba trăm ngàn không chút lưỡng lự, dù chẳng biết nó là hàng thật hay hàng nhái. Ông chủ phải giọt dầu máy mới mở được nắp để lắp pin, kể cả động tác này tôi cũng không biết là thật hay đang diễn.

Thôi thì, băn khoăn làm gì khi trong mình đang hi vọng tìm lại thời gian chưa mất, như tìm về cái chân thực của làng quê. Và có cỗ máy thời gian nào rẻ hơn thế để ta có thể về với ngày xưa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận