Đoạn cuối vườn địa đàng

ĐÔNG NAM 17/12/2015 23:12 GMT+7

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Ứng xử cộng đồng” (xem TTCT số ra ngày 6-12) là hai bài viết về một nghịch lý trong cuộc sống chúng ta: trong khi những thói tật xấu xí đang trở nên phổ biến hay được một số kẻ xem là “chiến tích”, thì những hành động bày tỏ lòng biết ơn, sự tử tế đang bị xem nhẹ. Mời các bạn cùng gửi ý kiến tham gia câu chuyện.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Khi Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng với lời nguyền rủa của Thượng đế, con người xem điều đó như một giai thoại, một truyền thuyết nhuốm nhiều màu sắc tôn giáo.

Xét trên bình diện triết lý, chúng ta có thể cho rằng từ xa xưa con người đã chứng kiến những khung cảnh xinh đẹp bị biến mất vì nhiều biến cố, và con cháu Adam - Eva có lẽ xây dựng câu chuyện vườn địa đàng để tiếc nuối về một điều tốt đẹp nào đó đã vuột mất, hoặc để loài người nỗ lực hơn trong việc khôi phục và xây dựng những thiên đường trần thế cho mình.

Dù có một thực tế là chẳng ai biết vườn địa đàng đẹp đến mức nào, nhưng trong nhận thức về sự tiến bộ và nền văn minh nhân loại, các cộng đồng luôn cố gắng xây dựng những “khu vườn” của mình, từ vuông sân bé nhỏ trong nhà đến các công viên quốc gia rộng lớn, và bảo vệ nó không chỉ như một nơi để thưởng ngoạn mà còn là một giá trị vì một xã hội xinh đẹp hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

Vì thế thật đáng trách khi trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt vườn hoa, cánh đồng hoa bị xâm phạm một cách “dã man”. Danh sách khá dài, từ gần đây nhất là vụ giẫm đạp hoa ở thung lũng Hồ Tây đến những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang, ở làng hoa Nhật Tân, Hà Nội bị giẫm đạp đến thảm hại, là hoa hướng dương ở Nghệ An chỉ được “hưởng dương” một thời gian ngắn vì bị ngắt khỏi cành để làm phụ kiện chụp hình, số phận vườn hoa hướng dương tại Đà Lạt cũng không khác mấy.

Thủ phạm là con người, trong đó có không ít nam thanh nữ tú luôn háo hức với cái mới, với mọi trào lưu tự làm nổi mình bằng những cách không giống ai, kể cả những cách tồi tệ. Càng chê trách, họ càng sung sướng đến phát cuồng vì đã được chú ý. Chúng ta có thể hình dung họ đang ở nơi nào đó, đọc từng lời bình luận về mình, ngạo mạn khi thấy mình đã tạo nên một cơn bão chỉ trích, cứ như thể họ đã dám làm một việc tày đình mà người khác không dám vậy.

Cay cú, điên tiết, phẫn nộ của cộng đồng trở thành liều thuốc kích động đối với họ. Chúng ta thấy gì ở đây? Lẽ nào đó chỉ là sự bốc đồng; sự thiếu giáo dục từ gia đình, xã hội, nhà trường; rồi thể chế không đủ sức răn đe; thói hư tật xấu của người Việt; con sâu làm rầu nồi canh...?

2 Nhìn qua hành vi này, cộng đồng thấy xấu hổ nhưng những người vi phạm thì không, nhu cầu thỏa mãn tức thì cái mà họ thích đã thắng những quy tắc ứng xử chuẩn mực. Điều quan trọng là họ thừa biết nếu làm vậy sẽ bị “ném đá”, vấn đề ở đây là họ xem việc “ném đá” như một lời công nhận tư cách “thẳng thắn” và “tính cách” hơn người, “dám sống” của họ.

Giờ đây bẻ hoa, ngắt cành và tàn phá những cánh đồng hoa trên diện rộng không còn là trò đùa đơn lẻ của một nhóm nhỏ cá biệt, nó đã có tính “kế thừa” rồi. Lễ hội hoa anh đào năm nào nay đã trở thành nỗi lo của các nhà tổ chức nhưng lại là phát pháo lệnh cho kẻ thiếu ý thức nhận ra họ đã có thể công khai biến hành vi giẫm đạp những thứ đẹp đẽ được người khác dày công dựng nên thành cuộc trình diễn của riêng mình.

“Một vườn hoa, một cánh đồng hoa rồi công viên quốc gia; một sự nông nổi, một sự ngu dốt rồi một sự độc ác; tất cả đang tiến theo cấp số nhân, không ít người hiện nay sẵn sàng làm việc xấu và lôi kéo nhau nhưng không sẵn sàng thừa nhận trách nhiệm hay sự ngu muội của bản thân”.

Thật hả dạ khi thấy cái đẹp được ca tụng lại bị chà đạp dưới chân, một sinh hoạt mang tính cộng đồng giờ sẽ là cuộc chơi của riêng ai đó.

Có ý kiến cho rằng đừng đẩy mọi việc đi quá xa, đó chỉ là những bông hoa, còn những kẻ vi phạm đa số chỉ là bọn “trẻ trâu”, làm trò của lứa tuổi đang quá dư thừa hormone tăng trưởng và adrenaline, không phải trong chúng ta đây ai cũng có một thời tuổi trẻ bồng bột và không ít người còn thích thú kể lại chiến tích bẻ ổi, trộm vặt, phá làng phá xóm, chọc ghẹo thầy cô cho con cháu đó sao! Cũng đâu thiếu đôi ba người lớn, những quý cô quý bà tuy đã qua thời bồng bột nhưng cũng thích chen chân để có vài tấm ảnh “lung linh”...

Nhưng việc tấn công vào những hoạt động mang tính chất cộng đồng xã hội - vốn đã được định hình theo một số quy ước chung - là đã đánh vào một nguyên tắc nhạy cảm: đó là sự tôn trọng người khác. Khó có thể chấp nhận việc nhân danh cá nhân hay thỏa mãn cái tôi để phỉ nhổ vào cái chung đã được hình thành trước đó.

Một vườn hoa rõ ràng là của chung, tất cả cần có sự tôn trọng tối thiểu theo đặc thù riêng của từng sự vật hiện tượng. Khi một cá nhân hay một nhóm nhỏ phá hủy nó, lập tức tất cả đều bị tổn thương. Những kẻ giẫm đạp hoa trở thành những kẻ không có đầu óc, thiếu nhận thức cá nhân và xã hội, người thưởng thức không có cơ hội chiêm ngưỡng cái đẹp, thiên nhiên bị hủy hoại, xã hội bị đánh giá thấp; nhường chỗ cho sự thui chột, méo mó, tăm tối, ngu muội của tâm hồn lên ngôi.

Trong hàng tá nguyên nhân có lẽ có một sự thật rùng mình rằng: đối với những kẻ phá hoại thì cái đẹp giờ nhàm quá rồi, sự tôn trọng và lòng tự trọng đã lỗi thời rồi, còn cái xấu từ vị trí yếm thế bắt đầu được tụng ca?

3Điều tốt rất khó học, mất thời gian và phải trung thành với nhiều nguyên tắc không chỉ của riêng mình mà của cả xã hội mà mình là thành viên trong đó. Khi một cá nhân lôi kéo những người khác cùng xấu với mình, họ nghĩ cái xấu có khả năng thắng thế, điều từ trước đến nay mọi khái niệm đạo đức hay lương tri đều bác bỏ.

Một vườn hoa, một cánh đồng hoa rồi công viên quốc gia; một sự nông nổi, một sự ngu dốt rồi một sự độc ác; tất cả đang tiến theo cấp số nhân, không ít người hiện nay sẵn sàng làm việc xấu và lôi kéo nhau nhưng không sẵn sàng thừa nhận trách nhiệm hay sự ngu muội của bản thân. Khi một xã hội chẳng có một định chế đủ sức khống chế cái xấu và thiếu vắng sự lành mạnh cũng như các giá trị tốt đẹp thì đó là lúc chúng ta đã đi đến đoạn cuối của vườn địa đàng.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận