Đời rong phiêu bạt

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN 01/07/2013 03:06 GMT+7

TTCT - Đứng tựa vào lan can nhìn xuống thềm bêtông bên dưới chân kè, tôi đoán có hơn 10 hộ gia đình. Những tấm bạt màu xanh che nửa kín nửa hở giúp tôi hình dung được sinh hoạt hằng ngày của họ.

Phóng to
Phơi rong - Ảnh: Đ.T.T.T.

Lúc đó tầm 6 giờ chiều. Có vẻ như cơm nước đã xong, bởi trên những phiến ximăng nhô cao tiếp giáp thềm bêtông bờ kè và taluy dốc xuống biển có những cái xoong cùng chén bát xếp úp lại trong rổ thứ tự lớp lang. Bếp lò đã lạnh, sạch tro, mấy cây ngo vương vãi. Kế đó, thau cho chó ăn sạch láng và những con chó vẻ no đủ đuổi nhau kêu ăng ẳng. Mấy cái nón cời úp ngửa rải rác.

Cũng có những cái xoong được đậy điệm cẩn thận mà tôi đoán có thể thức ăn còn dư hay chừa phần ai đó đi đâu chưa về. Vài cái thuyền thúng úp lại, bên trên có miếng lưới màu xanh hay đống củi đã chẻ sẵn, dựa vào đó có mấy miếng ván, chiếc xe đạp...

Chỗ tôi nhìn xuống là khoảng “sân” ngoài trời dành cho sinh hoạt bếp núc, tôi thấy được bên trong lều qua khoảng trống hình tam giác. Trên một vạt (gỗ làm) giường có trải chiếc chiếu to, cái quạt nan cạnh cái mền xếp gọn. Một dải dài những tấm bạt che thành “nhà” khẳng định nếp sinh hoạt xóm làng. Tôi đi một đoạn bờ kè. Vài người đàn ông đang lụi cụi gì đó, vừa làm vừa nói với nhau, “nhà” này với “nhà” kia không có ranh giới. Những phụ nữ ngồi trên phiến ximăng nhìn ra biển tán chuyện. Phía xa kia, nơi mép nước, một người đàn ông bế xốc đứa trẻ trần truồng, khoát nước lên mình nó rồi cả hai cười vang.

Hết đoạn lều đến khu vực phơi rong. Ở đây có thể thấy trên phần lề đường lát gạch con sâu, dưới thềm bêtông bờ kè, bãi đá... chỗ nào cũng có những tấm bạt, trên đó là rong trải đều.

Trên đường, cánh đàn ông nửa đứng nửa ngồi vắt vẻo vào lan can chuyện trò rôm rả. Một vài người tóc đã điểm sương quay ra đường hay nhìn xuống biển lặng lẽ hút thuốc. Phần lớn là thanh niên, tuổi lao động, sức vóc vạn chài, vai u thịt bắp, da ngăm đen, tóc cháy hoe vì nắng gió. Gần đó một vài phụ nữ đong đưa trên võng được mắc vào giá là những cây gỗ tròn đóng lại, chuyện vãn với nhau. Họ làm nghề vớt rong biển, cùng một xóm ở Dốc Lết (Ninh Hòa) vào Nha Trang.

Cuộc đời gắn liền với biển, nay nơi này, mai nơi khác, chỗ nào có rong là họ tới. “Năm ở nhà có bốn tháng” - một phụ nữ nói với tôi. Gia tài ở đây của họ là túp lều, chiếc thuyền thúng, có nhà đem theo xe máy, xe đạp, cả chó cũng theo. “Để ở nhà không ai cho nó ăn. Hết tháng giêng, vợ chồng con cái, xoong nồi, chén bát, mùng mền chăn chiếu, xe đạp... chất hết lên ghe rồi rồng rắn đi tìm rong”.

Tôi bắt chuyện và họ kể bây giờ rảnh tay rồi, chị đến sớm hơn chẳng ai ở không. Đàn ông 6 giờ sáng lên thuyền ra khơi, dò chỗ nào có rong lặn xuống vớt. Trước còn đi gần, giờ rong gần hết phải đi xa. Phụ nữ “ở nhà” cơm nước. Tầm 2-3 giờ chiều ghe về. Phụ nữ bắt đầu việc phơi rong. Hằng ngày giũ, đảo cho khô rồi vô bao. Có bạn hàng đến mua cân ký. Một ký rong giá 7 ngàn rưỡi.

Tôi hỏi mỗi mùa đi như vậy để dành được không, một người đàn ông có nụ cười thật tươi nói với tôi bằng giọng khá lạc quan: cũng kiếm được mấy chục (triệu). Cạnh đó, người phụ nữ dè dặt hơn, bằng kinh nghiệm của tay hòm chìa khóa: “Ăn bờ ngủ bụi khổ cực cũng chỉ đủ năm làm cho bốn tháng mưa, nghỉ ở nhà ăn không”.

Quả đúng nghĩa cụm từ “ăn bờ ngủ bụi”. Bên này họ dựng lều trên thềm bêtông bờ kè, phía bên kia đường là khu quy hoạch của thành phố, đất đã phân lô, lề đường lát gạch con sâu, hai hàng cây bên đường phần lớn là phượng và chuông cao tầm tầm đang vào mùa hoa đỏ rực, gần chục năm mà chưa thấy ai đến xây nhà. Trên một khu đất trống đầy cỏ dại cũng khoảng chục hộ gia đình căng bạt làm chỗ ở qua hết mùa rong.

Một vài đứa trẻ chạy mỏi chân, trèo lên võng nằm ké với mẹ. Tôi hỏi theo vầy làm sao đi học? Họ im lặng. Một cô bé từ dưới đi lên, mẹ ơi, hết dầu gội đầu rồi, mai đi chợ nhớ mua nhen. Ở đây họ mua nước sinh hoạt giá hai ngàn đồng can 20 lít, chở tận nơi.

Chiều đã sẫm lắm rồi, đàn muỗi quần đảo dưới chân tôi. Tôi hỏi một chị tối ngủ có mùng chớ? Chị bảo: “Có, nhưng muỗi nhiều lắm, chưn cẳng đầy ghẻ nè. Ở dưới chân kè này đêm nào mưa ngồi cả đêm”. Tôi nghĩ chắc đó là lý do để họ chọn dựng lều “ăn bờ” bên này hay “ngủ bụi” bên kia. Có thềm bêtông sạch sẽ nhưng bù lại phải ngủ ngồi hôm mưa.

Tôi chào họ - những “đời rong phiêu bạt” - và dắt xe xuống đường. Gió thơm nồng mùi rong.

Cuộc đời đa dạng không đâu xa mà ngay trên con đường biển này, khoảng chưa đầy 2 cây số.

TTCT cảm ơn các bạn: Đặng Thái Tùng, Viên Viên, Nguyễn Chiêu Dương, Ngô Phương Quỳnh, Uyên Mi, Hoa Bằng... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận