TTCT - Vẫn biết bệnh tật đâu có đợi ngày lành tháng tốt, nhưng nếu có thể, đừng lên bàn mổ vào thứ sáu. Ảnh: ShutterstockMột nghiên cứu đăng trên JAMA Network Open hôm 4-3 cho thấy những bệnh nhân được mổ vào thứ sáu (hoặc thứ năm trước kỳ nghỉ lễ) có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn khoảng 5% so với người mổ vào thứ hai (hoặc thứ ba sau kỳ nghỉ). Và đây không chỉ là biến chứng kiểu "nằm viện thêm vài hôm cho khỏe", mà bao gồm cả tái nhập viện, nhiễm trùng, thậm chí tử vong trong vòng một năm sau ca mổ.Nhóm nghiên cứu, do bác sĩ Sanjana Ranganathan (Bệnh viện Houston Methodist, Houston, Texas) dẫn đầu, đã phân tích hơn 450.000 ca phẫu thuật ở Ontario (Canada) trong giai đoạn từ 2007 đến 2019 để đưa ra kết luận trên.Ontario là nơi có hệ thống y tế công tương đối đồng nhất, loại bỏ được các yếu tố gây nhiễu như chế độ bảo hiểm y tế hay tài chính. Vì vậy, sự khác biệt trong kết quả hậu phẫu giữa các ngày trong tuần gần như chỉ có thể quy về một thủ phạm: chính hệ thống y tế vận hành không đều giữa đầu tuần và cuối tuần.Soi kỹ hơn, lý do đầu tiên được nghiên cứu phân tích là vấn đề nhân lực. Vào các ca mổ diễn ra vào thứ sáu, người đảm nhận thường có xu hướng là các bác sĩ trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn. Đây là giai đoạn "giao ca cuối tuần", khi các chuyên gia dày dạn có thể đã tranh thủ nghỉ phép, còn nhiều tân binh nhiều khả năng sẽ mổ với ánh mắt đầy háo hức nhưng đôi tay đang… run run nhẹ.Không những bác sĩ chính, cả đội ngũ y tá, gây mê, hộ lý - nghĩa là một ê kíp đứng sau một ca mổ - cũng có thể ra quân bằng các nhân viên ít kinh nghiệm hơn vào cuối tuần. Khi sự phối hợp không còn ăn ý như những ngày đầu tuần, nguy cơ xảy ra sơ suất cũng tăng theo.Nếu cho rằng nghiên cứu này vẫn mang tính cục bộ, một công trình quy mô thậm chí còn lớn hơn, công bố trên The BMJ năm 2013, đã phân tích hơn 4,1 triệu ca phẫu thuật tự chọn (nghĩa là không phải phẫu thuật khẩn cấp) tại các bệnh viện công ở Anh trong ba năm. Kết quả cho thấy: so với các ca mổ diễn ra vào thứ hai, bệnh nhân mổ vào thứ sáu có nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật cao hơn 44%. Còn nếu rơi vào cuối tuần? Nguy cơ tử vong tăng tới 82%. Tức là gần gấp đôi.Hay là bệnh nhân cuối tuần thường bệnh nặng hơn? Cũng không phải. Trong nghiên cứu 2013 này, các bệnh nhân mổ cuối tuần thường có ít bệnh nền hơn, thời gian chờ mổ dài hơn và các ca mổ thường ít phức tạp hơn. Điều này cho thấy không phải người bệnh yếu hơn, mà là hệ thống y tế yếu đi vào những ngày ấy. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng các ca mổ có rủi ro cao như cắt bỏ dạ dày, phẫu thuật ruột, mổ tim hay phình động mạch bụng là nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của hiệu ứng cuối tuần. Ngay cả những phẫu thuật được xem là phổ biến và an toàn hơn như thay khớp gối, mổ thoát vị hay cắt amiđan cũng có nguy cơ tử vong cao hơn nếu thực hiện vào thứ sáu.Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Surgery năm 2015 đã chứng minh rằng hiệu ứng cuối tuần có thể ảnh hưởng đến cả những ca mổ khẩn cấp. Các nhà khoa học thu thập dữ liệu hơn 80.000 ca phẫu thuật cấp cứu tại các bệnh viện ở bang Florida (Mỹ), bao gồm những ca mổ phổ biến như cắt ruột thừa, mổ túi mật do viêm cấp, và phẫu thuật thoát vị nghẹt. Trong số này, có tới 23,6% ca diễn ra vào cuối tuần, cho kết quả không mấy vui vẻ. Cụ thể, tỉ lệ biến chứng sau mổ tăng rõ rệt: nhiễm trùng vết mổ tăng 29%, viêm phổi tăng 41%, nhiễm trùng tiết niệu tăng gần 40%.Đặc biệt, ở các ca mổ ruột thừa, phẫu thuật vốn được xem là kinh điển của ngành y, khả năng phải truyền máu sau mổ tăng 43% nếu diễn ra vào cuối tuần. Thời gian nằm viện cũng lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn (trung bình tăng thêm 185 USD), và quan trọng nhất: bệnh nhân mổ cuối tuần không được chăm sóc tốt như bệnh nhân mổ trong tuần.Vậy người bệnh nên làm gì? Theo các nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu trên, nếu là một ca phẫu thuật tự chọn, kiểu như thay khớp gối, cắt amiđan, thắt ống dẫn tinh thì bạn có quyền chọn ngày. Và khi được hỏi: "Anh/chị muốn mổ ngày nào?", hãy mỉm cười và trả lời: "Thứ hai nhé, cho chắc ăn!".Còn với những ca khẩn cấp, tất nhiên, không ai chọn được. Bệnh đau đâu có hỏi lịch. Chính vì vậy, cốt lõi vấn đề là phải làm sao để chất lượng khám chữa bệnh, phẫu thuật giữa mọi ngày trong tuần là như nhau. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống y tế, chứ không riêng bệnh viện hay bác sĩ nào. Điều này đòi hỏi sự điều phối hợp lý, phân bổ nhân lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ trực cuối tuần và một hệ thống vận hành trơn tru mọi ngày, kể cả khi không khí cuối tuần đang vẫy gọi ngoài cửa sổ.Nếu cơ thể là một ngôi nhà, phẫu thuật giống như gọi thợ đến sửa mái. Bạn không muốn họ bắt đầu tháo ngói vào chiều thứ sáu rồi bỏ đi nghỉ, để mặc bạn nằm đó dưới cơn mưa biến chứng. Và vì dao kéo có thể sắc bén nên bác sĩ có thể giỏi, nhưng nếu chọn nhầm thời điểm thì chuyện lành lặn đôi khi cũng phụ thuộc vào lịch trực. Tags: Phẫu thuậtY khoaY họcBác sĩNghiên cứu
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% cấp xã TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 12/04/2025 Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố).
Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính THANH BÌNH 12/04/2025 Mỹ vừa loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.
Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn NGỌC AN 12/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 753 ngày 12-4 về việc thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.