TTCT - Hà Nội mang tiếng là “không vội được đâu” nhưng không có nghĩa là nó đứng im. Nếu nhìn vào tốc độ xây dựng thủ đô thì thậm chí ta phải gọi là “thần tốc”. Tranh: Lê Thiết CươngCụm từ “thần tốc” được dùng ở đây hình như mới chỉ là lần thứ hai sau ngày Quang Trung tiến quân ra Thăng Long năm 1789. Những nẻo đường dẫn vào thành phố thay đổi từng ngày về cảnh quan mặt tiền nhưng có một điểm chung nhất dễ nhận ra: tắc đường.Tắc đường không phải là chuyện mới lạ với Hà Nội. Thời sau chiến tranh phá hoại miền Bắc, người Hà Nội từ nơi sơ tán kéo về bắt đầu làm quen với cảnh tắc đường. Điển hình là nút giao cắt đường xe lửa với phố Khâm Thiên, kéo dài qua Ô Chợ Dừa xuống đến Nam Đồng.Mỗi người một chiếc xe đạp vừa nhúc nhích vừa đứng chờ có khi hàng tiếng đồng hồ. Vỉa hè biến thành đường cho xe luồn lách cũng tắc tị. Thế nhưng nếu so sánh với bây giờ thì ngày ấy vẫn còn hạnh phúc trong lành chán. Không tiếng còi xe và khói bụi. Rất khó xảy ra tai nạn với chiếc xe đạp. Thành phố cũng chỉ có nơi này là hay xảy ra tắc đường mà thôi.Giờ đây tất cả các cửa ô dẫn vào Hà Nội luôn phải gánh chịu một lượng phương tiện khổng lồ gồm đủ các loại xe cộ. Từ anh xe máy chở rau và lợn cồng kềnh cho đến xe ba bánh chở vật liệu xây dựng.Từ xe đạp điện lũ trẻ phóng hàng ba cho đến xe máy người lớn bóp còi inh ỏi. Và cuối cùng là ôtô các loại nhả khói cùng tiếng gầm động cơ gắt gỏng. Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác, Ngã Tư Vọng, cầu Chương Dương, đường đê dọc sông Hồng đến cầu Vĩnh Tuy giờ đã không còn có nổi một giờ trong ngày thông thoáng. Giờ cao điểm chỉ có thể đi với tốc độ người đi bộ.Vài năm nay, người Hà Nội vô cùng ngạc nhiên về tốc độ tăng dân số của mình. Ngạc nhiên là bởi mỗi nhà chỉ có từ một đến hai con nhưng dân số vẫn tăng vùn vụt đến con số 200.000 người một năm. Đại khái mỗi năm Hà Nội có thêm “một huyện dân”.Anh lái xe ôm đầu phố đưa vợ con từ miền biển Nam Định lên Hà Nội thuê nhà sinh sống. Chồng xe ôm, vợ đồng nát cũng đủ tiền nuôi hai con vào đại học. Học xong không xin được việc làm, con trai lại nối nghiệp bố và con gái nối nghiệp mẹ. Chúng về quê lấy vợ lấy chồng và lại kéo ra Hà Nội sinh con đẻ cái...Những chung cư cao tầng ở khắp quanh thành phố mọc lên như nấm. Người ta nhẩm tính sơ bộ một cây số đường Lê Văn Lương có 40 tòa cao ốc 25-35 tầng. Cao ốc áp sát vào tận trung tâm thành phố phía bờ sông Hồng.Khu triển lãm Giảng Võ là địa điểm cuối cùng sẽ mọc lên một tổ hợp hàng chục tòa nhà 50 tầng. Con phố Giảng Võ có chiều dài chỉ hơn một cây số thôi sắp sửa phải gánh thêm lượng người khổng lồ ở chung cư ấy. Nếu cộng chiều cao của toàn bộ các khu nhà có lẽ còn dài hơn cả con phố chính.Nó chính là con phố dựng đứng. Cái mặt đường Giảng Võ chắc cũng chỉ đủ chỗ cho ngần ấy người ở trong những tòa nhà ấy ra đứng mà thôi. Những công trình ngùn ngụt ham hố chứa người như vậy chắc hẳn không nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở của anh xe ôm, chị đồng nát hay cử nhân thất nghiệp.Đã có ông dân biểu thành phố trong kỳ họp vừa rồi nêu cách giải quyết vấn đề tắc đường. Đó là xây dựng một “Hà Nội mới” bên cạnh “Hà Nội cũ”. Chuyện này mang tầm vĩ mô cỡ Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chứ chẳng chơi! Và nếu thế thì đây lại không phải là việc của Hà Nội. Tags: Phiếm đàm TTCTEo ơi Hà Nội đứng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.