Giả dối hồn nhiên?

HẠ CƯỜNG 05/11/2012 21:11 GMT+7

TTCT - Chuyện giáo viên cóp giáo án, mua giáo án đã là chuyện bình thường. Thế nhưng khi cấp quản lý tỉnh bơ trách: “Giáo án người ta tải lên mạng đủ kiểu, download rồi điền tên đóng tập có khó gì, vậy mà để bị ghi là dạy không có giáo án” thì không còn bình thường nữa rồi. Sao nghe nó kỳ quái, nản lòng, dở khóc dở cười...

Phóng to
Minh họa: viip

Ngày nay, các tác giả sách giáo khoa thường không dừng lại ở chỗ đưa khung kiến thức cần đạt được, mà còn viết thêm “sách giáo viên” - thực chất là soạn giáo án giùm giáo viên. Thấy chưa đủ, các tác giả còn soạn thêm “sách thiết kế bài giảng” các loại. Ngành sư phạm đào tạo thế nào để bây giờ phải trang bị đầy đủ “súng ống” cho giáo viên cả nước như thế thành ra lợi ít hại nhiều bởi sự rập khuôn, thiếu tính sáng tạo. Giáo viên cứ dạy theo ý tưởng người khác, cứ triền miên khuôn sáo rồi giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu?

Đầu năm học này, trường tôi đề nghị một học sinh xuất sắc chuẩn bị lời phát biểu cho ngày khai giảng. Bí thư Đoàn trường đưa em tờ giấy, hồn nhiên nói: “Bài này thầy lấy trên mạng nè, hay hơn, hấp dẫn hơn”, nói rồi thầy bí thư thu lại bài mà học sinh kia đã viết. Em học sinh được cho là giỏi nhất ấy sẽ nghĩ sao đây? Mà lạ, cũng không thấy có giáo viên nào phản ứng.

Hằng năm, các loại báo cáo tổng kết năm học, báo cáo thành tích công đoàn, báo cáo của Đoàn thanh niên... cùng tất cả các loại văn bản đều chép lại những năm học trước hoặc chép từ trường bạn hoặc chép trên mạng. Sửa không kỹ, đọc lên nghe lộn tháng lộn năm, lộn tên trường, lộn địa danh lạ huơ lạ hoắc nào đó.

Hãy nghe thêm hai giáo viên kiêm nhiệm quản lý chuyện trò với nhau: “Ông mail cho tôi mượn bản cam kết phòng chống ma túy, an toàn giao thông của trường ông đi”. Giáo viên kia vô tư nói: “Trên mạng chứ đâu, lên mạng lấy” rồi chỉ luôn địa chỉ trang web.

Hệ quả của hồn nhiên và tỉnh bơ “làm giả” đó là những chuyện cười ra nước mắt. Tôi nhớ có một học sinh làm bài văn quá hay, bị cô giáo nghi chép ở “văn mẫu” bèn cho ngay con zero. Học sinh này uất đến phát khóc, sau em đoạt giải nhì văn toàn quốc mới rửa được “mối hận” xưa. Một giáo viên văn phụ trách tập san nhà trường tuyên bố thẳng: “Học sinh viết văn thì có thể cho in, chứ làm thơ là chúng tôi gạt qua một bên vì làm sao biết được chúng cóp ở đâu đó”. Ôi, cảnh giác đến mức ấy mà vẫn “lọt sổ” vài bài đạo thơ của học sinh, cả của giáo viên.

Làm giả, làm láo mãi đã thành sự thật. Sự thật đó là người ta không còn coi làm giả là tội lỗi nữa. Kỳ lạ hơn, có vẻ như còn ngầm khen chịu khó chép/sưu tầm. Lộng giả đã thành chân ngay trong trường học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận