"Giao thiệp xã hội cũng cần có chu kỳ"

YÊN LINH THỰC HIỆN 27/01/2013 04:01 GMT+7

TTCT - Bạn đóng Facebook được bao lâu rồi? Tại sao lại đóng?

Sống cùng công nghệ cao:

LTS: Câu chuyện “Sống cùng công nghệ cao” đã thu hút đa dạng các ý kiến. Nhiều bậc cha mẹ lo âu, nhưng cũng có lời kêu gọi phải bản lĩnh sống trong thế giới mà truyền thông xã hội đang trở thành lối sống. Kết thúc loạt diễn đàn này, TTCT trò chuyện với bạn Nguyễn Đức S. - 22 tuổi, sinh viên đại học y, người vừa quyết định “deactivate” (tạm đóng) tài khoản Facebook của mình, và lời khuyên mới nhất của nữ hoàng Đan Mạch cho giới trẻ sử dụng truyền thông xã hội…

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

- Tôi off Facebook được một tuần rồi. Nguyên nhân ư, vì cảm thấy mình bị sao nhãng bởi chuyện của người khác hơn là chuyện của chính mình. Mình có thể trầm trồ về người khác, nhưng vì vậy mà lại quên mất bản thân và mất tập trung vào chuyện mình có thể làm.

Bạn đã tham gia Facebook bao lâu rồi? Bạn có cảm thấy mình bị nghiện? Bạn có tham gia mạng xã hội khác không?

- Từ năm năm rồi. Ban đầu mục đích là để liên lạc với những người bạn ở xa. Nhưng dần dần nó trở thành một phần rất hiển nhiên của đời sống, thành công cụ thể hiện cảm xúc trên bình diện hằng ngày.

Tôi có tham gia Tumblr, nhưng đây là một dạng mạng xã hội mang đậm chất cá nhân hơn, chứ không tập trung nhiều vào tương tác như Facebook. Tương tác ở đây chủ yếu là chia sẻ hình ảnh hay bài viết hay, chứ không phải trò chuyện đấu đá nhau hay có thể nói bóng gió qua Facebook.

* Sau khi đóng Facebook, bạn cảm thấy thế nào?

- Năng suất làm việc của tôi tăng lên gấp nhiều lần. Thời gian đầu, tôi cảm thấy quyết định của mình khá đúng đắn. Theo tôi, chuyện giao thiệp xã hội cần phải có một chu kỳ, đối với tôi đó là một dạng cảm hứng, đem đến ý tưởng cho mình, nhưng tôi cũng cần thời gian dành cho riêng mình. Nhưng rồi một thời gian sau tôi cũng thấy… bứt rứt vì cảm thấy mình ngưng "giao thiệp" quá lâu.

* Nhưng đâu chỉ phải lên Facebook mới "giao thiệp" được? Bạn có thể trò chuyện với bạn bè hay giao tiếp công việc trực tiếp được mà. Con người đã từng giao tiếp trước khi có mạng xã hội.

- Khác chứ. Qua Facebook, bạn có thể tiếp cận được, trong một khoảng thời gian ngắn, bất cứ lúc nào, với một số lớn người, dẫn tới sự khẳng định cho ý tưởng của mình, sự công nhận cá tính của mình.

Trong giao tiếp bình thường, mỗi khi có một ý tưởng muốn bàn luận, tôi phải suy nghĩ trong đầu xem câu chuyện này có thể nói được với ai. Trong khi trên Facebook, tôi chỉ cần ném ý tưởng đó ra thì những ai đồng điệu sẽ dễ dàng tìm đến chia sẻ. Đó là cái lợi của giao tiếp trên mạng mà giao tiếp bình thường khó có được. Ngoài ra, có thể dễ dàng tìm bạn và lại an toàn (ngạc nhiên chưa!) ở chỗ bạn có thể nhanh chóng kết bạn, tìm hiểu được người bạn đó thế nào và có thể "bỏ rơi" đối tượng nếu bạn thấy chán mà không cần "chào ra đi" như trên giao tiếp thực.

* Nhưng đâu phải ai cũng sống thật trên mạng? Biết đâu người ta sống ảo, đưa những thông tin ảo về họ?

- Tôi cũng gặp trường hợp này rồi. Nhưng dù sao gặp một người offline sau khi đã quen họ online thì bạn đã biết chút đỉnh về người ta hơn là gặp một người mà hoàn toàn chưa biết gì. Nếu người ta đã sống ảo trên mạng thì chính những cuộc gặp thật sẽ giúp bạn phát hiện những độ lệch này, bằng kỹ năng phân tích thông tin và chọn lọc.

* Như vậy chứng tỏ bạn phải có bản lĩnh khi giao tiếp trên mạng xã hội?

- Đúng vậy. Đó là lý do tôi phải "đau đớn" đóng Facebook sau một thời gian.

* Trước khi sử dụng Facebook, những mối quan hệ của bạn thế nào?

- Tôi có rất ít mối quan hệ, nhưng là những mối quan hệ chất lượng.

* Vậy những mối quan hệ trên Facebook thì thế nào? Kém chất lượng hơn à?

- Khi chưa có Facebook thì tôi đâu có chọn lựa khác. Tôi vào Facebook từ cấp III, sau đó lên đại học thì bạn bè tứ tán, Facebook giúp tôi giữ mối liên kết cuối cùng với những quan hệ cũ và tìm được những mối quan hệ mới. Tôi thích Facebook ở chỗ giúp tôi giữ liên lạc với bạn bè.

Facebook cũng giống như một kiểu số điện thoại khác. Ngày nay gặp nhau người ta đâu cần hỏi số điện thoại (quá riêng tư chăng), mà chỉ cần hỏi địa chỉ Facebook là được rồi.

* Bạn thích Facebook ở điểm nào?

- Nó mở ra cho tôi nhiều mối quan hệ mới. Mình không thích phải tới gặp mặt thật sự để duy trì mối quan hệ vì tốn thời gian. Có những mối quan hệ mình không hề thân đến mức phải gặp nhau vì ai cũng có công việc riêng của họ. Đối với Facebook thì tôi có thể ngồi một chỗ, mặc đồ ngủ và vẫn có thể duy trì những mối quan hệ của mình hoặc kết bạn mới.

* Còn mặt tác hại của mạng xã hội?

- Như đã nói ở trên, nó làm tôi sao nhãng và chú tâm vào những chuyện không liên quan gì đến mình, ảnh hưởng tới năng suất làm việc của mình.

* Nếu phải so sánh thì bạn thấy mạng xã hội đem lại lợi hay hại nhiều hơn?

- Theo tôi, nó có tính chất chu kỳ. Bạn phải có cách điều hòa được nó, không thể để nó thành một thói quen hằng ngày được, nhưng bạn cũng không cần phải triệt tiêu nó hoàn toàn vì nó cũng có thể là một phương tiện giải trí và giao tiếp lành mạnh. Tất cả đều dựa vào sự điều chỉnh và ý thức của bản thân.

* Bạn có dự định thế nào về tương lai? Chừng nào bạn tính "active" lại Facebook?

- Ít nhất là tôi sẽ lên lại Facebook để theo dõi mọi người sau khi mình đã làm xong hết những công việc mình cần làm. Tức là phải đặt công việc lên trên Facebook. Nếu mà lên lại Facebook sớm thì giống như cai nghiện không xong vậy.

* Cảm ơn bạn. Chúc bạn "cai nghiện" thành công và làm chủ được cuộc sống trên mạng của mình.

YÊN LINH thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận