TTCT - Alain nói về hạnh phúc (*) không phải là cuốn cẩm nang liệt kê các thành phần của hạnh phúc và cách để đạt được chúng. Đây là cuốn sách bàn nhiều đến quan hệ của con người với chính mình, để nói lên một chân lý giản dị: không dễ tìm hạnh phúc trong bản thân mình, nhưng dù sao cũng không thể tìm ở nơi nào khác. Phóng to Émile Chartier là nhà triết học Pháp rất nổi tiếng trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông sử dụng bút danh Alain trong hàng ngàn “propos” - tạm dịch là “trao đổi” - những bài viết ngắn đa chủ đề. Thể loại vừa là văn, vừa là triết này là phát minh của ông, trong đó bằng cái nhìn của nhà triết học, ông soi rọi nhiều đề tài muôn thuở của cuộc sống, truyền cảm hứng để người đọc phải suy nghĩ lại về những thứ tưởng như đã quá thân thuộc. Câu hỏi khó từ 100 năm trước Alain tên thật là Émile Chartier (1868-1951), là một nhà triết học, giáo sư và nhà báo lớn của Pháp nửa đầu thế kỷ 20. Ông từng dạy và tạo được ảnh hưởng sâu sắc lên một lớp thế hệ học trò ưu tú như Simone Weil, Georges Canguilhem, André Maurois, Julien Gracq... Ông nổi tiếng với những bài trao đổi ngắn (tạm dịch từ “propos”) bàn về mọi vấn đề trong cuộc sống. Alain nói về hạnh phúc là một trong những tập trao đổi nổi tiếng nhất của ông. “Làm sao để hạnh phúc?” là câu hỏi mà 100 năm trước người ta thấy khó như thế nào thì ngày nay vẫn vậy, bất chấp mọi thay đổi. Mỗi người đều có danh sách nguyên nhân bất hạnh, từ chứng đau đầu đến tình hình đất nước. Danh sách đó có thể dài bất tận, cho đến khi chúng ta nhận ra mình vẫn chưa có một thái độ sống đúng đắn: Nếu khôn ngoan thì đừng vội đổ lỗi cho người và vật xung quanh mà trước tiên hãy đề phòng chính mình đã. Đề phòng bản thân mình - đó là điều Alain nhắc đi nhắc lại trong 93 propos của tập sách. Những thứ gần gũi nhất với chúng ta - cơ thể và tâm hồn - là một tập hợp vừa mạnh vừa yếu, vừa ngây thơ vừa rất tinh ranh, nó lừa ta mọi lúc mọi nơi, từ những phản ứng bình thường đến những suy tư cao xa. Mặt mày cau có dẫn tới tâm trạng nặng nề, cử động vội vã căng thẳng thì làm gì cũng thấy khó chịu, cứ như thế, “cơ thể hướng về nỗi buồn và dung dưỡng nỗi buồn ấy”. Đến lượt mình, tâm trí phóng đại những khổ sở trong cơ thể và gán cho chúng ý nghĩa siêu hình, và “những lời than vãn có dáng dấp của lý lẽ” tạo ra lo lắng triền miên với bất hạnh tưởng tượng: tai nạn, đau đớn, tan vỡ. Chúng ta không ngừng thương vay khóc mướn, gặm nhấm nỗi buồn, nghĩ đi nghĩ lại về lỗi lầm đã qua và hoảng sợ trước những gì chưa xảy ra. Phần lớn chúng ta không biết sống đầy đủ với giây phút hiện tại. Đừng tư duy trong một vũ trụ đóng Alain kéo những nỗi lo mơ hồ về với mặt đất, ông lặng lẽ chỉ cho chúng ta thấy: trong mỗi người đã có đủ những gì để làm bản thân hạnh phúc. Chẳng có hoàn cảnh tồi tệ nào mà không thể cải tạo, bằng ngay chính cơ thể và tâm hồn chúng ta đang có. “Nếu bạn muốn đuổi theo niềm vui, bạn cần dự trữ một ít niềm vui trước” - những nụ cười, những cử chỉ lịch sự, những suy nghĩ giản dị và lành mạnh sẽ giúp chúng ta tránh được xu hướng làm cho “nỗi buồn chễm chệ ngự trên ngai và luôn được tôn kính quá mức”. Ông khuyên chúng ta những điều hiển nhiên và thiết thực nhất mà dường như ai cũng biết, nhưng ai cũng quên: hãy tiết chế cơ thể mình, giữ sức khỏe và luyện tập để có cung cách điềm tĩnh, hòa nhã; hãy làm việc chứ không phải chịu đựng, vì khoái cảm đồng hành cùng hành động; đừng tư duy trong một vũ trụ đóng quá gần với cảm xúc của mình, tư duy phải được du ngoạn và phải được chiêm nghiệm, như thế cơ thể của ta mới cảm thấy dễ chịu. “Chuyển động đúng đắn sẽ phải đẩy chúng ta ra xa khỏi bản thân mình, cái vừa tốt cho tinh thần vừa tốt cho mắt” - kết luận hóm hỉnh này nói lên một thực tế: người hạnh phúc là người điều khiển tốt bản thân và luôn hoạt động, nhưng không quá quan tâm đến bản thân để sa vào việc nuông chiều và nhìn ngắm cái tôi của mình. Phong cách của Alain là viết một mạch, không sửa chữa, cũng thường không dài, bởi vậy các bài trao đổi của ông luôn đến với chúng ta trong sự thẳng thắn, tươi mới và sôi nổi, nhưng không kém phần tinh tế. Ông viết về chứng phiền muộn, về việc tập thể dục, về những lời cầu nguyện, về lễ nghi, về lời chửi rủa, về nghệ thuật ngáp... Một bài trao đổi có thể đọc lại nhiều lần, mỗi lần có thể hiểu thêm hoặc thắc mắc thêm một chút, để biết thêm muôn vàn chuyện rất gần với cuộc sống, và đều là chuyện quan trọng nếu chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của mình. ___________ (*): Hồ Thanh Vân - Cao Việt Dũng - Nguyễn Ỉ Long dịch, NXB Trẻ, 2013 Tags: Đọc sách cùng bạnThanh VânÉmile ChartierAlain
Nước Mỹ vận hành chương trình tài trợ khoa học cho doanh nghiệp nhỏ ra sao? NGUYỄN TRUNG DÂN 13/03/2025 2424 từ
Sáp nhập để các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên hướng ra biển và có biển? NGỌC AN 17/03/2025 Nhiều chuyên gia khuyến nghị việc mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập tỉnh thành theo hướng mở rộng phía biển sẽ giúp giao thông và giao thương thuận lợi hơn.
Hôm nay xét xử cựu vụ phó Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nhàn AIC trong vụ án gây thiệt hại 17 tỉ THÂN HOÀNG 17/03/2025 Cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn tiếp tục bị tòa án đưa ra xét xử trong vụ án thứ 5, với cáo buộc cùng vụ phó thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gây thiệt hại 17 tỉ đồng.
Vụ nữ tài xế xe Mercedes tông 10 xe máy ở Thủ Đức: Phát hiện trên xe có thư tay nội dung tiêu cực MINH HÒA 17/03/2025 Ngày 17-3, liên quan vụ nữ tài xế lái ô tô Mercedes tông 10 xe máy ở ngã tư Thủ Đức, TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có lá thư viết tay với nội dung tiêu cực.
Tin tức thế giới 17-3: Mỹ không kích liên tục vào Yemen; Houthi nã tên lửa vào tàu sân bay Mỹ BÌNH AN 17/03/2025 Ukraine thay tổng tham mưu trưởng quân đội; Vatican lần đầu tiên công bố ảnh Giáo hoàng Francis trong bệnh viện.