Hợp tác xã khoa học

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 10/07/2012 22:07 GMT+7

TTCT - Từ hợp tác xã nông nghiệp...

Từ những năm 1960, miền Bắc Việt Nam tiến hành xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp và sau đó mô hình hợp tác xã được thực hiện trong các lĩnh vực sản xuất và thương mại, dịch vụ khác.

Phóng to
Minh họa: NOP

Tuy nhiên với đặc điểm là một nước nông nghiệp, hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn vào thời điểm đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã trở nên điển hình trong số các mô hình hợp tác xã, đến mức khi nói đến hợp tác xã, người ta nghĩ ngay đến các hợp tác xã nông nghiệp.

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp này được xây dựng trên quan điểm làm chủ tập thể về tư liệu sản xuất. Nói nôm na là “làm chung ăn chung”. Cách vận hành của các hợp tác xã này có thể hình dung ngắn gọn như sau: Các gia đình nông dân vào hợp tác xã bằng cách góp ruộng đất, trâu cày và một số vật dụng lao động khác vào làm của chung.

Việc tổ chức, quản lý và điều hành sản xuất sẽ được tiến hành theo chiều dọc từ trên xuống dưới, qua nhiều cấp khác nhau: trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn, đội. Đội sản xuất là cấp tổ chức thấp nhất nhưng lại là đơn vị sản xuất chính. Vì thế, đa số người dân chỉ quan tâm đến cách tổ chức vận hành của các đội sản xuất, thông qua ông đội trưởng. Những việc còn lại đã có “trên” lo.

Mỗi ngày, người lao động sẽ nhận phân công công việc, xem ngày hôm nay mình làm gì, ở đâu. Làm việc theo kẻng hợp tác, do các ông đội trưởng điều hành. Đến lượt mình, ông đội trưởng lại được “lập trình” bởi các ban bệ ở xóm, xã, huyện, tỉnh, trung ương theo các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu đã vạch sẵn từ năm trước hoặc tức thời theo một chỉ thị cấp tốc nào đó.

Các tư liệu sản xuất được phân công cho các hộ gia đình bảo quản và chăm sóc theo kiểu “tập thể quản lý, cá nhân chịu trách nhiệm”. Thành quả của lao động chung, tức là lúa gạo, hoa màu... sẽ được tập kết về sân kho và chia cho các hộ gia đình, tùy theo số nhân công và ngày công lao động đã được ông tổ trưởng chấm từ trước đó. Những người tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng hi vọng mô hình này sẽ giúp xóa bỏ bóc lột và bất bình đẳng xã hội, tạo ra một thiên đường mới cho người nông dân.

Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Tình trạng đi muộn về sớm, “cha chung không ai khóc”, vô trách nhiệm, bệnh thành tích “làm thì láo báo cáo thì hay” chỉ trong một thời gian ngắn đã trở nên vô phương cứu chữa. Đất đai bạc màu, tư liệu sản xuất xuống cấp và bị phá hủy nhanh chóng, năng suất lao động thấp... là những biểu hiện mà ai cũng nhìn thấy của các hợp tác xã nông nghiệp.

Kết quả là gì? Là cả nước đói. Đói trên vựa lúa của chính mình! Và vì vậy mà “khoán hộ”, hay còn gọi là “khoán chui” ra đời (ở Vĩnh Phúc), tức trả lại một phần ruộng đất và tư liệu sản xuất về cho người dân để họ tự canh tác và tự chịu trách nhiệm. Việc này đã làm năng suất lao động tăng lên vượt bậc, người dân thoát đói. Sau một năm, từ một nước nhập khẩu lương thực, diễn nôm là đói ăn, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới chỉ trong một thời gian không lâu sau đó.

Đến hợp tác xã khoa học

Mô hình hợp tác xã kiểu đó tuy bị khai tử trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng thật đáng tiếc, đã kịp lan sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Có thể nhận thấy điều này rất rõ: Việc nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học Việt Nam được tổ chức theo kiểu các hợp tác xã khoa học, dưới tên gọi các bộ môn. Đầu học kỳ, các giảng viên nhận phân công giảng dạy theo lịch từ trưởng bộ môn. Những nội dung khác như giáo trình, chương trình giảng dạy, chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo... đã có “trên” lo.

Với viện nghiên cứu, cách tổ chức cũng tương tự. Thay vì bộ môn là các phòng chuyên môn.

Thời gian đầu, các bộ môn và phòng chuyên môn còn chấm công giảng viên và nhà khoa học giống như trong các hợp tác xã nông nghiệp. Sau này có bớt đi và gần như bỏ hẳn nhưng về bản chất, cách tổ chức làm việc, đánh giá hiệu quả và hưởng thụ thành quả trong các đại học và viện nghiên cứu vẫn không thay đổi so với các hợp tác xã nông nghiệp của thế kỷ trước. Tương tự như các hợp tác xã nông nghiệp, mô hình này tổ chức hoạt động nghiên cứu, giảng dạy theo kiểu “làm chung ăn chung” dưới sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới.

Hệ quả dễ thấy nhất của cách tổ chức này là sự sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân bị giảm mạnh, năng suất khoa học thấp, các nhà khoa học và giáo sư không có phòng làm việc riêng... Tất cả đều sử dụng chung một văn phòng - trên thực tế là nơi hội họp và uống trà tán gẫu của cán bộ. Do đó, rất ít người thật sự làm việc ở trường đại học và viện nghiên cứu, vì ai có thể làm việc nếu không có chỗ làm việc?

Nhiều người biện bạch rằng việc các giáo sư, nhà khoa học không có phòng làm việc riêng là do cơ sở vật chất thiếu. Nhưng nhìn sâu xa thì thấy nguyên nhân thật sự của hiện tượng này là cách tổ chức trường đại học và viện nghiên cứu theo mô hình hợp tác xã đã ngăn cản nhà khoa học có không gian riêng. Tất cả đều phải “làm chung ăn chung” mới đúng nguyên tắc tổ chức.

Tình trạng đi muộn về sớm, thiếu sáng tạo cá nhân, “cha chung không ai khóc”, “làm thì láo báo cáo thì hay”... trong các hợp tác xã khoa học cũng trở nên phổ biến như trong các hợp tác xã nông nghiệp. Thất thu trong khoa học do lãng phí và năng suất lao động thấp, vì thế cũng là hậu quả đương nhiên.

Tuy sai ngay ở khâu tổ chức nhưng lại được bao cấp và không gây hậu quả “chết người” ngay lập tức, cộng với sức ì của hệ thống nên mô hình này vẫn tồn tại dai dẳng trong các trường, viện. Không ai chết đói ngay nếu các trường đại học vẫn tổ chức giảng dạy theo chương trình và cách thức cũ; cũng không ai chết đói ngay nếu các bộ môn, các phòng nghiên cứu vẫn “làm chung ăn chung” theo kiểu hợp tác, vì đã có Nhà nước trả lương. Hậu quả là mọi thứ cứ mãi “giậm chân tại chỗ”.

Đó là lý do vì sao lĩnh vực giáo dục và khoa học Việt Nam đang bị đánh giá là tụt hậu hơn các lĩnh vực khác hàng chục năm. Thay vì lạc hậu trong hoạt động, các lĩnh vực này lạc hậu ở ngay khâu tổ chức và quản lý, vận hành.

Hệ quả của sự tụt hậu này là chất lượng nguồn nhân lực do hệ thống giáo dục đại học đào tạo ra thấp, thành tựu nghiên cứu khoa học không đáng kể, trình độ công nghệ lạc hậu và đóng góp của khoa học công nghệ vào nền kinh tế gần như bằng không.

Kinh nghiệm của các nước có nền khoa học tiên tiến hiện nay cho thấy hoạt động khoa học phải được tổ chức trên cơ sở cá nhân thay vì tập thể. Thay vì bộ môn và các phòng nghiên cứu, họ tổ chức thành các nhóm nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm chuyên sâu. Mỗi giáo sư sẽ đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm chuyên sâu này. Họ được tin tưởng vì đã qua tuyển chọn gắt gao, được trao quyền và phải chịu trách nhiệm về hoạt động khoa học của mình và không kém phần quan trọng là được trả lương xứng đáng với phần lao động mà mình đã bỏ ra.

Mô hình tổ chức trên cơ sở cá nhân này cộng với cơ chế lương hợp lý sẽ giúp thu hút tài năng khoa học, phát huy tính sáng tạo và trách nhiệm cá nhân trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Đó là lý do vì sao các nước này có năng suất lao động rất cao trong khoa học.

Với Việt Nam, nếu không xóa bỏ được mô hình hợp tác xã khoa học này thì thất thu trong khoa học, trong giáo dục đại học và phát triển công nghệ sẽ là điều không tránh được, giống hệt như hiện tượng thất thu trong nông nghiệp Việt Nam thế kỷ trước.

Năng suất khoa học VN: chỉ xấp xỉ một đại học Thái Lan!

Trong thời gian từ năm 2000-2011, Việt Nam công bố được 9.127 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được 39.980 bài, cao gấp 4,4 lần so với Việt Nam.

Từ năm 2010, con số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng trên 1.000 (năm 2010 là 1.233, năm 2011 là 1.389). Tuy nhiên trong hai năm qua, năng suất khoa học của Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam gấp 4 lần, khoảng cách về số ấn phẩm khoa học giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng rộng. Nói cách khác, suốt mười năm qua, Việt Nam vẫn chưa tạo được một bước đột phá trong năng suất khoa học.

Việt Nam

Thái Lan

Trường/Viện

Số bài báo (%) (*)

Trường đại học

Số bài báo (%) (*)

Viện KH-CN

1.113 (12,2)

Mahidol

8.386 (21)

ÐH Quốc gia

1.041 (11,4)

Chulalongkorn

8.016 (20)

Bách khoa Hà Nội

418 (4,6)

Chiangmai

4.313 (10,8)

Viện Toán

381 (4,2)

King Mongkuts

3.002 (7,5)

ÐH Cần Thơ

283 (3,1)

Prince Songkla

2.978 (7,5)

Sư phạm Hà Nội

282 (3,1)

Kasetsart

2.604 (6,5)

Viện Vệ sinh dịch tễ

264 (2,9)

Khon Kaen

2.573 (6,4)

ÐH Y Hà Nội

215 (2,4)

AIT

1.483 (3,7)

BV Nhiệt đới

141 (1,5)

Thammasat

1.254 (3,1)

ÐH Huế

129 (1,4)

Suranaree

937 (2,3)

(*): Tỉ lệ % trên tổng số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học - Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn tổng hợp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận