Kazakhstan: Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn

ĐẶNG THÁI 27/11/2022 05:36 GMT+7

TTCT - Khi Mặt trời vừa lên, dãy Thiên Sơn hùng vĩ hiện ra tầng tầng lớp lớp với tuyết phủ tráng lệ dưới bầu trời thu xanh trong. Tôi nhấm nháp từng ngụm trà nóng giữa khung cảnh đẹp nín thở ấy, trong đầu vang lên những nhịp điệu của nhạc sĩ Lê Thương...

Kazakhstan: Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn - Ảnh 1.

Tháp Baiterek ở trung tâm Astana, đằng cuối phía xa là tòa nhà/chiếc lều Khan Shatyr cao nhất thế giới. Ảnh: Ken and Nyetta trên Flickr

Chúng tôi hạ cánh xuống thành phố Astana lúc 10h30 tối. Astana là thủ đô của Cộng hòa Kazakhstan, thành phố vừa đổi lại tên cũ được hai tuần sau 3 năm mang tên Nur-Sultan. Kazakhstan miễn visa 30 ngày cho công dân Việt Nam đi du lịch nhưng các nhân viên xuất nhập cảnh vô cùng bỡ ngỡ với quyển hộ chiếu Việt Nam. 

Họ chạy đôn chạy đáo, gọi điện thoại, nhắn tin, gõ máy tính hơn một tiếng đồng hồ, không ai biết nói tiếng Anh để giải thích cho chúng tôi hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cuối cùng một người xin lỗi rối rít và một người đóng dấu nhập cảnh cùng nụ cười "chữa cháy": "Welcome to Kazakhstan!". Nhiệt độ ngoài trời nửa đêm mùa thu Astana là 1°C!

Chúng tôi nhận phòng ở một khách sạn nhỏ, không gần trung tâm lắm, vậy mà khách khứa ra vào liên tục, chỉ là không ai nói với ai gì nhiều, có người xách theo cả cái lồng đựng chó to tướng.

Astana là một thành phố trẻ, mới trở thành thủ đô từ năm 1997. Trong 25 năm qua, rất nhiều tiền của đã được đổ vào đây để xây dựng hàng loạt công trình cơ quan, trụ sở, bảo tàng và đền đài. Kiến trúc của Astana được nhiều người thích thú bởi sự... kỳ quái của chúng. 

Bên bờ sông Ishim là Phủ tổng thống với kiến trúc kết hợp phần dưới là Nhà Trắng của Mỹ, phần trên là Điện Capitol. Hai bên là hai tòa tháp hình nón cụt bọc kính vàng chói lọi. Phía kia của trục "thần đạo" là trung tâm thương mại Khan Shatyr do KTS Norman Foster thiết kế, hình dáng như một cái lều phủ bạt nhựa trong suốt hình nón khổng lồ. 

Rồi Cung Hòa bình và hòa giải có hình kim tự tháp, Đại học Nghệ thuật quốc gia hình miệng núi lửa. Nhà hát opera mới khánh thành năm 2010 cao sừng sững lại xây kiểu cổ điển với hàng cột La Mã. Rồi bảo tàng lớn nhất Trung Á, đền thờ Hồi giáo lớn nhất Trung Á...

Kazakhstan: Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn - Ảnh 2.

Bình minh trên dãy Thiên Sơn khu vực Vườn quốc gia Ile-Alatau. Ảnh: Đặng Thái

Tôi đi thang máy lên ngọn tháp Baiterek, nằm chính giữa khu vực trung tâm, biểu tượng của thành phố Astana. Ngọn tháp cao 97m, đánh dấu năm 1997 khi thành phố Akmolinsk trở thành thủ đô. Baiterek nghĩa là "cây dương cao", là hình ảnh trong truyện thần thoại khi con chim thần Samruk (một dạng phượng hoàng của văn hóa Ba Tư) đẻ trứng trên chạc cây baiterek. 

Cây baiterek là cây đời, cây vũ trụ kết nối âm giới, trần gian và thiên giới trong thần thoại người Turk. Quả trứng này, cũng là đài quan sát 360° trên tháp, tượng trưng cho sự sống mới của dân tộc Kazakh, một kỷ nguyên mới sau độc lập. Người dân xếp hàng dài dằng dặc để được lên đến tầng có khuôn bàn tay dát vàng của tổng thống đầu tiên Nazarbayev rồi chạm một lần cho biết.

Khách du lịch chủ yếu là người trong nước và người Nga, họ từ Omsk tới, từ vùng Sibêri sang như Novosibirsk hay Yekaterinburg.

Tối hôm đó, tôi bay đi Shymkent (thành phố lớn thứ ba), đường ra sân bay dài chỉ 18km nhưng đi qua không biết bao nhiêu đèn giao thông. Chuyện vãn trên đường với bác tài taxi, nghe tôi nói mình là "туристов" (khách du lịch), bác tài lắc đầu: "Bad time. Bad time. Người Nga thời điểm này sang quá đông nên vé tàu xe và phòng nghỉ đắt đỏ lắm".

Kazakhstan: Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn - Ảnh 3.

Bình minh trên những dải đất đen màu mỡ bỏ hoang giữa thảo nguyên mênh mông ở miền bắc Kazakhstan - nơi diễn ra chiến dịch khai hoang quy mô khổng lồ vào những năm 1950 ở Liên Xô, cày xới 25 triệu ha đất nông nghiệp mới nhưng cũng làm thoái hóa 9 triệu ha trong số đó. Ảnh: Đặng Thái

Sau 1 tiếng, chúng tôi cũng đến nơi... 5 phút sau giờ quầy check-in đóng cửa, không còn một dấu vết gì của Hãng SCAT giá rẻ! Tôi chạy trong hốt hoảng để tìm quầy vé của hãng. "Chịu rồi, tối nay, ngày mai đều không có chuyến bay", người của hãng lắc đầu. 

Chúng tôi quyết định thay đổi kế hoạch để đi Almaty (cố đô và là thành phố lớn nhất) vì trên bảng thông tin thấy có bốn chuyến của bốn hãng. Nhưng nhân viên của tất cả các hãng tôi gặp được đều lắc đầu. "Cho tôi đi tới bất kỳ thành phố nào cũng được!" - tôi đề nghị. Họ vẫn lắc đầu. Tôi tìm trên mạng, ngày mai cũng không còn một ghế nào. Cô nhân viên của Hãng FlyArystan khuyên tôi nên mua vé... ngày kia.

Tôi quay sang tìm vé tàu hỏa nhưng đi tàu hết 15 hoặc 20 tiếng tùy loại tàu. Bỏ cuộc ở sân bay lúc 12h đêm, chúng tôi quay về khách sạn cũ. Nhưng giá phòng bỗng nhảy lên hơn gấp đôi, từ 18.000 tenge lên 38.000. Tôi thử lên mạng xem thì phòng rẻ nhất ngày mai quanh thành phố là 45.000 tenge. 

Vừa lúc đó, hai người đàn ông Nga bước vào hỏi xem còn phòng không, khiến tôi phải lấy phòng ngay lập tức. Tôi bắt đầu vỡ ra câu chuyện người Nga "đi du lịch" khi nhìn thấy đống giấy photo hộ chiếu khách Nga trong quầy lễ tân. Không có một phụ nữ nào trong số khách Nga này. Lệnh tổng động viên một phần ở Nga vừa ban hành tuần trước. Và người Nga đi Kazakhstan không cần hộ chiếu quốc tế.

7h sáng tôi xuống lễ tân nhờ đặt hộ vé tàu vì trang mua vé bằng tiếng Nga. Chật vật hàng tiếng đồng hồ cũng đến được trang thanh toán sau khi có sự giúp đỡ của mấy người Nga đang bồn chồn ngồi ở sảnh. Điểm duy nhất để phân biệt người Nga quốc tịch Nga và người Nga quốc tịch Kazakh là người Nga - Nga biết một ít tiếng Anh, đủ để nghe nói ở mức tối thiểu. 

Vé tàu qua một đêm bỗng bốc hơi như mây như khói, tôi hốt hoảng mua bất kỳ vé nào còn sót lại cho tối nay. Nhưng lại không thanh toán được bằng thẻ phát hành ở Việt Nam. Tôi túm lấy một anh người Nga. Anh cũng mới đến, còn chưa thuộc tỉ giá tiền Kazakh, không biết có đủ tiền rúp trong thẻ không, nhưng vẫn thử thanh toán hộ tôi hai lần. 

Rủi thay, thẻ tín dụng của Nga cũng không được hệ thống thanh toán ở đây chấp nhận. Tôi cảm kích cảm ơn người bạn Nga lạ mặt, ngay cả lúc khó khăn nhất, trên đường "tự cứu" mình, vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ kẻ lạ. Tôi phải đi ra tận ga mua vé tàu, và dĩ nhiên, chỉ còn vé ngày hôm sau.

Một buồng trên tàu có bốn giường, chúng tôi mua 3, giường còn lại là của một anh Nga khác. Lúc này cả toa tàu chật kín đàn ông Nga, từ trẻ đến không còn trẻ nữa. Câu chuyện cả đêm của chúng tôi với Igor bắt đầu bằng việc tôi mời anh ăn món cánh gà chiên mua ở ga tàu, trông y hệt KFC nhưng cay phồng miệng.

Igor bảo từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ, hôm nay anh mới lại được nói tiếng Anh. Anh nghe hiểu khá tốt, cao to, tầm ngoài 35 tuổi, có vợ và hai đứa con, làm buôn bán nhỏ, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tôi hỏi anh giờ đi đâu tiếp, Igor nói trước mắt anh tìm cách tới Almaty vì có anh bạn ở đó đã được hơn tuần rồi. 

Sau đó, anh sẽ bay đi Thổ Nhĩ Kỳ, ở đấy 2 tháng, rồi có lẽ sẽ đi Việt Nam 1 tháng. "Vợ con tớ sẽ đặt một tour du lịch đi Thổ Nhĩ Kỳ rồi gặp nhau bên đó - Igor trầm ngâm nói thêm - Cũng chẳng biết đi đến lúc nào, nào ai muốn ra trận đâu. Nhưng ngày xưa đánh nhau ở Afghanistan đến tận 10 năm".

Chúng tôi nói đủ chuyện, về giá cả giữa Nga và Kazakhstan, về giá xăng dầu và ai ở Nga được lợi, về khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của người Nga, về việc cảnh sát có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở Kazakhstan... Cuối cùng, khi tôi hỏi giờ anh mong muốn có được điều gì nhất, Igor nhìn thằng con tôi nằm ngủ trên giường, nói: "Giờ tớ muốn nhất là được thấy gia đình mình".

Tàu lạch cạch dừng ở một ga xép giữa đêm thảo nguyên lạnh buốt.

Almaty chào đón chúng tôi bằng một buổi chiều nắng ấm vàng rực. Thành phố duyên dáng nằm dưới chân núi sừng sững, có thể thấy đỉnh núi tuyết từ trong phố. Các tòa nhà kiến trúc Xô viết ẩn mình sau những hàng cây xanh đang đổi màu vàng giòn tan dưới nắng thu. Người đi trên phố ăn mặc thướt tha hơn, đội trẻ phi xe trượt điện hai bánh vù vù trên vỉa hè cũng sôi động hơn. 

Chúng tôi thuê một căn lều có giường, có điện, có buồng vệ sinh, chỉ cách thành phố chừng 30km nhưng cheo leo trên sườn núi. Khi Mặt trời vừa lên, dãy Thiên Sơn hùng vĩ hiện ra tầng tầng lớp lớp với tuyết phủ tráng lệ dưới bầu trời thu xanh trong. Tôi nhấm nháp từng ngụm trà nóng giữa khung cảnh đẹp nín thở ấy, trong đầu vang lên những nhịp điệu của nhạc sĩ Lê Thương:

"Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,

Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.

Người đi ngoài vạn lý quan sơn,

Người đứng chờ trong bóng cô đơn".

Hai tuần sau, Igor cuối cùng cũng hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận