Kêu gọi giảm ăn thịt: Cuộc chiến vô vọng?

BÌNH MINH 25/01/2024 05:14 GMT+7

TTCT - Thuyết phục mọi người ngừng ăn thịt có phải là một cuộc chiến bất khả thi?

Kêu gọi giảm ăn thịt: Cuộc chiến vô vọng?- Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã đạt được những bước đột phá ấn tượng về thịt giả, nhưng việc tiêu thụ thịt thật lại phổ biến hơn bao giờ hết. Thuyết phục mọi người ngừng ăn thịt có phải là một cuộc chiến bất khả thi?

Các nhà sản xuất protein thay thế và những người tranh đấu cho phong trào giảm ăn thịt (vì môi trường, vì sức khỏe hay phúc lợi động vật) cuối cùng phải thừa nhận một thực tế: con người vẫn thích ăn thịt hơn cả. 

Ngay cả những phong trào không yêu cầu mọi người từ bỏ bất cứ thứ gì còn gặp nhiều khó khăn, nói chi đến một phong trào khuyến khích chúng ta từ bỏ món bít tết yêu thích.

Giảm ăn thịt tốt cho môi trường thế nào?

Một câu hỏi cũ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn liên tục đưa ra các câu trả lời mới. Chẳng hạn, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food tháng 7-2023 cho thấy tác động môi trường của chế độ ăn chay chỉ bằng 30% chế độ ăn nhiều thịt.

Trong một bài viết cho trang The Conversation, hai tác giả nghiên cứu - Michael Clark và Keren Papier đến từ Đại học Oxford (Anh) - cho biết họ đã nghiên cứu dữ liệu về chế độ ăn uống của 55.000 người, đồng thời liên kết những gì họ ăn hoặc uống với năm thước đo chính gồm phát thải khí nhà kính, sử dụng đất, sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước và mất đa dạng sinh học.

Kết quả cho thấy ngay cả chế độ ăn thuần chay kém bền vững nhất vẫn thân thiện với môi trường hơn chế độ ăn thịt bền vững nhất. Trên mỗi đơn vị thực phẩm được tiêu thụ, thịt và sữa có tác động lên môi trường gấp từ 3 - 100 lần so với thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Điều này chỉ ra sự khác biệt rất lớn giữa người ăn chay và người ăn nhiều thịt. Xét về mặt phát thải khí nhà kính, chế độ ăn của những người ăn chay trong nghiên cứu chỉ gây tác động bằng 25% so với người ăn thịt. Tương quan với các chỉ số còn lại, sử dụng đất, nước, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đa dạng sinh học lần lượt là: 25%, 46%, 27% và 34%.

Những phát hiện này rất quan trọng vì hệ thống thực phẩm được ước tính gây ra khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 70% lượng nước ngọt sử dụng trên thế giới và 78% ô nhiễm nước ngọt. 

Ở Anh, việc ăn thịt đã giảm trong thập kỷ tính đến năm 2018, nhưng để đáp ứng các mục tiêu về môi trường, Chiến lược lương thực quốc gia và Ủy ban biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh khuyến nghị giảm thêm 30 - 35%.

Đừng nói "thuần chay"

Con người đã tồn tại được khoảng 2,5 triệu năm và đã có 2,4 triệu năm ăn thịt động vật. Bất chấp những đột phá của khoa học trong việc phát triển các sản phẩm thay thế thịt ngon, mọng nước, hay nhận thức ngày càng tăng về rủi ro sức khỏe của ăn nhiều thịt và thái độ ủng hộ giá trị đạo đức của việc ăn chay, con người vẫn cứ ăn thịt.

Theo khảo sát trên 60.000 người tuổi từ 18 - 64 ở 21 quốc gia trong cả năm 2022, có tới 86% người tham gia nói chế độ ăn của họ có thịt. Điều này củng cố thực tế rằng "bất chấp xu hướng xoay quanh các sản phẩm thay thế thịt và sản phẩm từ thực vật, việc ăn thịt vẫn là tiêu chuẩn ở hầu hết mọi nơi trên thế giới", báo cáo Statista Consumer Insights nhận định. Chỉ có 3 quốc gia (Thụy Sĩ, Trung Quốc và Ấn Độ) có ít hơn 80% số người được hỏi nói rằng họ có ăn thịt.

Trong một bài viết cho The Atlantic, tác giả Annie Lowrey cho rằng việc thuyết phục người Mỹ ăn chay không hề dễ dàng. Chỉ 5% người Mỹ nói rằng họ ăn chay và chỉ một phần nhỏ dân số, có lẽ là 1%, thực sự không bao giờ ăn thịt.

Các dữ liệu cho thấy các hoạt động yêu cầu giải phóng động vật không thực sự có tác dụng. Có một sự bất hòa về nhận thức dai dẳng được mô tả là "nghịch lý thịt" - mọi người quan tâm đến động vật nhưng không ngừng ăn thịt chúng.

Kêu gọi giảm ăn thịt: Cuộc chiến vô vọng?- Ảnh 2.

Có giải pháp mới nào chăng? The Washington Post hồi tháng 12-2023 dẫn chứng một thử nghiệm quốc gia với kết quả được đăng trên chuyên san Environmental Psychology (Tâm lý Môi trường). 

Nghiên cứu này so sánh nhãn thực phẩm và nhận thấy mọi người ít chọn những sản phẩm được mô tả là "thuần chay" và "có nguồn gốc thực vật" hơn sản phẩm được quảng cáo là có lợi ích sức khỏe và bền vững.

Patrycja Sleboda, nhà nghiên cứu chính và là trợ giáo sư tâm lý học tại Trường Baruch, Đại học thành phố New York, cho biết: "Những phát hiện được áp dụng cho tất cả các nhóm nhân khẩu xã hội và mạnh mẽ nhất trong số những người tự nhận mình là người ăn thịt đỏ". 

Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các thuật ngữ như "thuần chay" và "làm từ thực vật" thường không hiệu quả lắm trong việc thuyết phục người ăn thịt tiêu thụ nhiều thực phẩm không có nguồn gốc từ động vật.

Hơn 7.000 người Mỹ được yêu cầu chọn giữa giỏ quà có và không có thịt và sữa. Lựa chọn không có sản phẩm động vật được dán nhãn ngẫu nhiên là "thuần chay", "có nguồn gốc thực vật", "lành mạnh", "bền vững" hoặc "lành mạnh và bền vững". 

Chỉ có 20% người tham gia chọn giỏ thực phẩm không có thịt và sữa khi nó được dán nhãn "thuần chay". Con số đó tăng lên 27% khi giỏ được dán nhãn "có nguồn gốc từ thực vật". Nhưng khi giỏ được dán nhãn "lành mạnh", "bền vững" hoặc "lành mạnh và bền vững", tỉ lệ người tham gia chọn nó đã tăng lên hơn 40%.

Wändi Bruine de Bruin, một trong những tác giả nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học South California, lưu ý rằng từ "thuần chay" có thể mang đến liên tưởng tiêu cực đối với những người ăn thịt. Nghiên cứu khác về ghi nhãn thực phẩm đã nhiều lần phát hiện ra rằng việc sử dụng từ "thuần chay" hoặc "ăn chay" để mô tả sản phẩm khiến nhiều người ít mua chúng hơn.

Những phát hiện của nghiên cứu cũng nêu bật một thách thức đang diễn ra: khuyến khích người ăn thịt cắt giảm thói quen này không phải là điều dễ dàng. Ngay cả khi giỏ quà được dán nhãn là "tốt cho sức khỏe" và "bền vững" thì giỏ đựng thịt và các sản phẩm từ sữa dường như vẫn được ưa chuộng hơn.

Khó khăn của các sản phẩm thịt làm từ thực vật cũng là một phần của "cuộc chiến bất khả thi nhằm thuyết phục mọi người ngưng ăn thịt", như lời Annie Lowrey. Nhưng tất nhiên mọi thứ không dừng lại.

Clark và Papier, hai tác giả nghiên cứu tác động môi trường của người ăn chay, kết lại bài viết trên The Conversation: "Lựa chọn ăn gì là chuyện hoàn toàn cá nhân. Đó là những thói quen đã ăn sâu vào tâm trí và khó thay đổi. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi và những nghiên cứu khác đang tiếp tục củng cố bằng chứng cho thấy hệ thống thực phẩm đang có tác động to lớn đến môi trường và sức khỏe toàn cầu, điều này có thể được giảm bớt bằng cách chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng rằng công việc của mình có thể khuyến khích các nhà hoạch định chính sách hành động và mọi người đưa ra những lựa chọn bền vững hơn trong khi vẫn ăn thứ gì đó bổ dưỡng, giá cả phải chăng và ngon miệng".

Họ dùng từ "bền vững", chứ không phải "ăn chay".

Nhãn cảnh báo giúp ăn ít thịt hơn

Theo Popular Science, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Appetite, các nhà tâm lý học ở Anh đã tạo ra một nhiệm vụ lựa chọn thực phẩm trực tuyến với khoảng 1.000 người tham gia. Tất cả những người này đều ăn thịt, và được yêu cầu lựa chọn giữa bữa ăn có thịt, cá, chay hoặc thuần chay 20 lần.

Một nhãn cảnh báo dùng trong thí nghiệm.

Một nhãn cảnh báo dùng trong thí nghiệm.

1/4 số người tham gia đưa ra quyết định dựa trên hình ảnh từng món ăn. Những người còn lại được chỉ định ngẫu nhiên để xem nhãn cảnh báo về tác động của thịt đối với sức khỏe, biến đổi khí hậu hoặc nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai (tương tự hình ảnh cảnh báo trên bao thuốc lá).

Nhóm nghiên cứu nhận thấy mỗi loại nhãn cảnh báo đều làm giảm ham muốn ăn thịt của đối tượng: 9% với nhãn sức khỏe, 7% với nhãn khí hậu và 10% với nhãn đại dịch. Các cá nhân cũng xem nhãn khí hậu là đáng tin cậy nhất. Nhãn ít được tin cậy nhất là đại dịch, nhưng lại có khả năng có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn.

Jack Hughes, nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Durham ở Anh, tác giả chính của bài báo, cho biết một lý do khiến những cảnh báo này có thể có tác dụng là vì mọi người nhìn thấy kết quả tiêu cực gắn liền với thịt, vì vậy họ có cảm giác cần lựa chọn một loại thực phẩm khác.

Lindsey Smith Taillie - nhà dịch tễ học dinh dưỡng tại Đại học North Carolina - cho rằng dán nhãn hình ảnh trực quan có thể thu hút sự chú ý và khiến mọi người suy nghĩ về hành vi tiêu thụ thực phẩm của mình, song sẽ phản tác dụng nếu thông điệp khiến người tiêu dùng cảm thấy tức giận hoặc mang tính cấm đoán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận