TTCT - Những thị dân ung dung lướt mạng tại gia bằng máy tính hay nhiều loại thiết bị di động với đường truyền cáp quang. Những người thu nhập kém hơn hay cư dân những vùng xa xôi chắt chiu từng byte dữ liệu khi online bằng smartphone giá rẻ và gói cước 3G cực thấp. Một “khoảng trống” nữa đã xuất hiện trong chênh lệch giàu nghèo. Bất bình đẳng về tiếp cận Internet không còn là một vấn đề mới. Ảnh: harvard.edu Bất chấp yếu tố “di động” trong tên gọi, mạng Internet di động (như 3G, 4G) ngày càng được dùng như nguồn phát Internet tại gia vì chi phí thấp hơn đường truyền dùng cáp (wired Internet) mà ta vẫn quen dùng. Lưu ý, kết nối di động khác với kết nối không dây (WiFi). Việc ta sử dụng WiFi ở nhà là do modem phát sóng, chứ bản chất vẫn là đường truyền có dây đấu nối với hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, trong khi gói cước 3G chỉ cần thuê bao qua SIM, không cần thêm hạ tầng, thiết bị gì tại nhà. Đường truyền Internet tại nhà tưởng như thứ hẳn nhiên phải có trong thời hiện đại thì với một bộ phận cư dân, nhất là những người ở vùng nông thôn, điều này nằm ngoài tầm với. Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 6 cho biết 17% người Mỹ trưởng thành xác định mình là “người chỉ dùng Internet di động”, nghĩa là có smartphone và không có đường truyền Internet tốc độ cao tại nơi mình sống. Tỉ lệ này hơn gấp đôi con số 8% năm 2013. Nghiên cứu của Pew - thực hiện trên 1.502 người Mỹ trong vòng một tháng, từ 8-1 đến 7-2 - cho thấy yếu tố thu nhập đóng vai trò quan trọng trong khoảng cách Internet giữa dân Mỹ. Cụ thể, 92% những người tham gia thăm dò có thu nhập hơn 75.000 USD/năm cho biết có đường truyền Internet ở nhà, trong khi với nhóm người kiếm ít hơn 30.000 USD/năm thì tỉ lệ này chỉ là 56%. Tương tự, 23% người trả lời thuộc nhóm người da màu chỉ lên mạng bằng smartphone và không có đường truyền băng thông rộng tại nhà, còn tỉ lệ với nhóm người Hispanic (người nói tiếng Tây Ban Nha) là 25%. Vì sao chỉ dùng smartphone? Nếu nhìn vấn đề một cách tích cực, có thể thấy sở dĩ nhiều người chọn lên mạng bằng smartphone thay vì tốn tiền cho dịch vụ băng thông rộng tại nhà một phần vì mạng di động ngày càng nhanh, các gói cước giá cả cũng phải chăng, nhất là các gói lưu lượng không giới hạn hoặc hạn mức cao. Ngoài ra, có thể có những người cảm thấy mình đã lên mạng cả ngày ở chỗ làm rồi, về nhà chỉ cần lướt mạng bằng smartphone là đủ. Báo cáo của Pew cho thấy một nguyên nhân khác: trong số những người không có mạng Internet băng thông rộng tại nhà, 37% cho rằng lý do chính là vì họ cảm thấy smartphone của họ đã quá đủ chức năng nên không cần vào thêm mạng để dùng máy tính hay laptop. Đó là mặt tích cực. Còn lại, có những nhóm người phải chịu thiệt thòi không có mạng tại gia vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Theo báo cáo Deloitte Global, nhiều vùng nông thôn và khu vực đang phát triển ở Mỹ không có đường cáp Internet, và dùng mạng Internet di động là lựa chọn nhanh và khả dĩ nhất với họ. Ngoài ra, thu nhập cũng là một lý do, như nghiên cứu của Pew đã chỉ ra. Deloitte Global cho biết tại tất cả các quốc gia mà nghiên cứu khảo sát, các hộ nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất thường có khả năng chỉ dùng smartphone để vào mạng cao hơn nhóm thu nhập cao. Trong nhóm những người không có mạng băng thông rộng tại nhà, 21% cho rằng tiền cước hằng tháng là nguyên nhân quan trọng duy nhất khiến họ từ chối hòa mạng và 6% cho rằng máy tính quá đắt tiền. Gánh nặng của việc “chỉ dùng di động” Những con số có vẻ khô khan trên vẽ ra bức tranh khoảng cách về sự thuận tiện và hiệu quả của việc lên mạng giữa người giàu và người nghèo. Nói cách khác, lên mạng tốc độ cao, đa thiết bị giờ là đặc quyền của người có tiền. Và rõ ràng đây không phải là câu chuyện của riêng nước Mỹ. Nhưng gượm đã, rõ ràng ta có thể làm rất nhiều thứ với một chiếc smartphone có 3G: lướt web, dùng mạng xã hội, gửi tin nhắn, soạn email, xem video, chơi game… Mạng di động tốc độ cũng khá, thậm chí đã có 4G. Nhưng hãy tưởng tượng mình có chịu được không nếu phải sống ngày này qua tháng nọ mà chỉ có thể vào mạng bằng smartphone? Ta có thể chat trên Messenger liên tu bất tận, nhưng thử gõ một email dài hơn 20 dòng xem? Một bản báo cáo? Một bảng biểu bằng Excel? Chưa kể yếu tố đa tác vụ, làm nhiều việc cùng lúc, vừa tra cứu Google vừa gõ trong Note không hề là chuyện dễ dàng trên điện thoại. Dĩ nhiên làm bằng iPhone vẫn được, nhưng quan trọng là mất bao lâu? Người viết bài này không dám nghĩ đến việc hoàn thành bài viết 1.800 chữ với nhiều thao tác tra cứu mà chỉ dùng iPhone và 3G. Hãng tin AP hồi tháng 6-2018 cho biết có 3 triệu học sinh Mỹ chỉ có smartphone và dùng Internet di động, không có đường truyền tại nhà. Con số này chiếm 17% tổng số học sinh ở Mỹ và các em thiệt thòi hơn rất nhiều so với bạn bè có mạng cáp quang ở nhà. AP dẫn câu chuyện của nữ sinh Raegan Byrd ở Hartford, Connecticut mỗi ngày phải làm bài tập trên màn hình nhỏ xíu của smartphone, vì nhà em không có máy tính lẫn đường truyền Internet. Byrd phải chuyển đổi qua lại giữa các trang web, tin nhắn trao đổi bài vở với bạn bè và phải viết bài luận trên điện thoại. “Nhưng khi mạng có vấn đề, em phải viết tay các bài khóa” - Byrd nói với AP. Tương tự, nữ sinh trung học phổ thông khác là Lilah Gagne, 17 tuổi, chỉ vào mạng bằng gói cước di động vì em sống ở hạt Meigs, vùng nông thôn đông nam bang Ohio, nơi mạng Internet tốc độ cao là điều xa xỉ - phần vì đắt đỏ, phần vì có nhiều nơi cáp quang chưa đến được. Để làm bài tập, Gagne phải ở lại trường muộn hơn, đến văn phòng của mẹ hay nhà bạn xài “ké” WiFi, hay ngồi ở cửa hàng Taco Bell mỗi khi gói cước hết dung lượng. Trong một bài viết trên The Conversation tháng 2-2016, Crystle Martin, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học California, chỉ ra những thiệt thòi khác mà người buộc chấp nhận dùng Internet bằng smartphone phải chịu, những thực tế đáng buồn mà đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất đúng. Với một gia đình khá giả có gói cước cáp quang tốt nhất, họ có thể sử dụng mạng thoải mái trong phòng làm việc với máy tính bàn và laptop, đọc báo trên iPad, nghe nhạc trực tuyến từ iPhone và xem Netflix trên smart TV, không phải lo chắt chiu dung lượng hay sợ mạng chậm. Nhưng với các gia đình khó khăn, cả nhà chỉ có một smartphone và một thuê bao Internet di động thì sao? Martin dẫn nghiên cứu của chính mình cho biết việc chỉ có duy nhất “lối vào” Internet là thiết bị di động khiến các gia đình thu nhập thấp và người trẻ không được bình đẳng khi kết nối Internet với những người có điều kiện hơn. “1/5 các gia đình chỉ có thể vào mạng bằng thiết bị di động (trong nghiên cứu của tôi) kể rằng nhiều thành viên trong gia đình phải dùng chung một thiết bị, và điều này có nghĩa mỗi cá nhân sẽ chỉ có thể vào mạng trong một khoảng thời gian hạn chế” - Martin viết. Đây rõ ràng là rào cản cho mọi thành viên trong gia đình, nhất là những người còn đi học, khi họ không thể truy cập tài nguyên Internet thoải mái để nghiên cứu, tìm hiểu phục vụ việc học tập, không thể xem YouTube để học ngoại ngữ, bài giảng online, trao đổi với thầy cô, bạn bè… Một thiệt thòi khác cho những người không thể vào mạng bằng máy tính là không phải trang web nào cũng tối ưu truy cập bằng thiết bị di động. Ai từng thử mua vé máy bay bằng cách vào web của hãng hàng không trên smartphone có thể hiểu điều này. Ngoài ra, các trang web sử dụng công nghệ tương tác cao, đa phương tiện, đòi hỏi nhiều video hình ảnh sẽ làm nản lòng những người dùng gói Internet di động vì dung lượng thấp.■ Sáng kiến xóa bỏ khoảng cách Khi nhận thức được tồn tại chênh lệch giàu nghèo trong việc truy cập Internet, các chính phủ và cả doanh nghiệp cần có giải pháp để hỗ trợ những người chỉ dùng di động và thu hẹp khoảng cách. “Điều quan trọng là công nghệ cần phải được tạo ra không chỉ để giúp người có laptop và desktop. Nếu không, chính những người thu nhập thấp sẽ chịu hậu quả” - tác giả Dave Gershgorn nhấn mạnh trong bài viết “Internet tại gia đang trở thành điều xa xỉ chỉ dành cho người giàu” trên mạng Medium. Gershgorn cũng cho biết Chính phủ Mỹ đã nhận thấy ngày càng nhiều công dân truy cập các trang web dịch vụ liên bang bằng smartphone. Vì thế mà năm ngoái, Mỹ đã thông qua đạo luật chính phủ kết nối, yêu cầu các trang web của cơ quan công quyền liên bang phải có phiên bản thân thiện với người dùng di động. Báo cáo Deloitte Global đề xuất các doanh nghiệp chú trọng phát triển website thân thiện cho người dùng điện thoại di động tốc độ thấp, ví dụ có thêm phiên bản chỉ có chữ, hình ảnh tĩnh hoặc định dạng audio thay vì video. Nhà mạng Mỹ T-Mobile hồi tháng 3-2019 thử nghiệm chương trình cung cấp mạng tại nhà tốc độ cao cho các vùng sâu vùng xa kém phát triển. Chương trình kỳ vọng sẽ giúp 50.000 hộ gia đình có kết nối với tốc độ 50 Mbps chỉ với 50 USD/tháng, không giới hạn lưu lượng truy cập. Tags: SmartphoneMáy tínhLên mạngXa xỉ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.