Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn

HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 14:00 GMT+7

TTCT - Sở Y tế TP.HCM đã chính thức bổ nhiệm bác sĩ Lê Anh Tuấn làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - vị giám đốc bệnh viện chuyên khoa đầu tiên trên cả nước được chọn qua thi tuyển.

Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển:  Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn - Ảnh 1.

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM (phải) - cùng lãnh đạo Sở Nội vụ TP trao quyết định cho bác sĩ Lê Anh Tuấn. Ảnh: DUYÊN PHAN

"Tôi rất vui, vinh dự và cảm nhận thách thức rất to lớn khi vượt qua kỳ thi tuyển và nhận quyết định. Bởi đây là vị trí được lãnh đạo TP.HCM, ngành y tế và tập thể cán bộ công nhân viên Bệnh viện Mắt TP đặt nhiều kỳ vọng" - Giám đốc Bệnh viện Mắt TP, bác sĩ Lê Anh Tuấn, trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần sau khi nhận quyết định bổ nhiệm vào ngày 29-12-2022.

Thi tuyển: những cái khó của "lần đầu tiên"

Cuộc thi tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt TP diễn ra qua hai vòng, với 25 ứng cử viên. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn (lúc đó là phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) đạt điểm tuyệt đối ở vòng trình bày và bảo vệ đề án vào ngày 3-12.

"Nội dung đề thi rất thú vị và sát thực tiễn. Để đạt được kết quả cao đòi hỏi người thi phải có kiến thức bài bản, có nghiên cứu, kinh nghiệm trong quản lý và có trăn trở trước thực tế - bác sĩ Tuấn chia sẻ về cuộc thi tuyển - chọn lãnh đạo, quản lý đơn vị qua thi tuyển là hình thức hay và nên tiếp tục tổ chức ở những cơ quan khác, nhất là ở các đơn vị thiếu hụt nguồn cán bộ quy hoạch tiếp cận chức danh cần bổ nhiệm".

Bệnh viện Mắt TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên trong nước chọn được giám đốc qua thi tuyển. Mọi việc bắt đầu bằng một thế kẹt: không có ai đăng ký thi tuyển. "Hội đồng chờ hoài không có ứng viên nào đăng ký. Bởi các ứng viên đủ điều kiện dự thi thì đều đang là quản lý các bệnh viện (phó giám đốc bệnh viện hạng 1 và giám đốc bệnh viện hạng 2). 

Họ e ngại khó trúng tuyển vào vị trí này vì ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng quản lý bệnh viện. Hội đồng thi tuyển phải mời tất cả cán bộ đủ điều kiện thi tuyển để động viên, khích lệ họ coi đây là dịp sát hạch lại kiến thức, khả năng của mỗi người. Nhờ đó, cuối cùng có 25 người đủ tiêu chuẩn thi tuyển" - ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kể.

Tới cái khó thứ hai: khâu ra đề thi. Đó phải là một đề thi với những yêu cầu bám sát thực tiễn, quan trọng phải "lọc" được người phù hợp nhất. Lý thuyết thì ai cũng từng học, đọc, hiểu và biết, nhưng vận dụng vào thực tế thì ứng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn cũng như kỹ năng quản lý. 

Các nội dung trong đề thi tuyển đều là những vấn đề hóc búa của ngành y hiện nay như làn sóng nhân viên nghỉ việc; chồng chéo quy định trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; chậm thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tự chủ bệnh viện...

Vấn đề quản lý điều hành của Bệnh viện Mắt TP.HCM được đưa vào đề thi để các ứng viên đưa ra kế hoạch hành động và bảo vệ kế hoạch này trước hội đồng thi. Những nội dung thi cũng chính là công việc mà người trúng tuyển phải giải quyết hằng ngày khi làm giám đốc bệnh viện này.

Mỗi bài thi ở vòng 1 được hai giám khảo chấm hai lần, sau đó so lại và đưa ra kết quả chính thức. Ở vòng 2 (vấn đáp), các thí sinh trả lời chung một câu hỏi để tạo sự công bằng. "Tân giám đốc Bệnh viện Mắt TP là người có điểm cao nhất trong 25 ứng viên và đáp ứng đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Còn người trúng tuyển có là người giỏi nhất hay không thì thời gian trả lời chính xác vì cuộc thi cũng chỉ đánh giá đầu vào", giám đốc Sở Y tế thận trọng nói.

Và vì thế, ông Tăng Chí Thượng cho biết: "Sở Y tế không ngồi yên chờ kết quả mà sẽ có những hỗ trợ để tân giám đốc Bệnh viện Mắt TP phát huy kiến thức và kinh nghiệm trong thực tiễn". 

Sở đã đề xuất UBND TP cho bệnh viện này thí điểm đề án hội đồng quản lý hai cấp do bác sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất (gồm cấp hội đồng quản trị với thành viên là đại diện các sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, đại diện người bệnh và cấp hội đồng quản lý là giám đốc và các phó giám đốc bệnh viện).

Nhưng với ông Thượng, "việc thi tuyển giám đốc bệnh viện không nên tổ chức đại trà, chỉ nên áp dụng đối với các đơn vị đặc thù như Bệnh viện Mắt TP (khó khăn về quy hoạch cán bộ, chưa có người thay thế)".

QUÁ NHIỀU "GHẾ" CHỜ NGƯỜI

Theo đề án thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP.HCM, hiện TP còn khuyết 34 vị trí trưởng phó phòng thuộc các quận, huyện và các sở. TP cũng đã ban hành kế hoạch thi tuyển 13 vị trí lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương như phó phòng quản lý đô thị, phó phòng tài nguyên và môi trường, phó chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP, phó hiệu trưởng trường THPT, phó trưởng phòng Sở Công thương…

Theo đề án này, người ứng tuyển các chức danh lãnh đạo phòng ban là người tại chỗ hoặc cán bộ, công chức viên chức thuộc các cơ quan đơn vị khác thuộc TP.HCM. Nếu cán bộ, công chức ngoài TP.HCM muốn dự tuyển thì đơn vị tổ chức thi tuyển phải báo cáo chủ tịch UBND TP xem xét. 

Nội dung thi gồm hai phần: ứng viên vượt qua phần thi viết mới được tham gia phần trình bày đề án. Cán bộ công chức đang là cán bộ quản lý thì được dự thi tuyển vị trí cán bộ quản lý, lãnh đạo cao hơn hai bậc, người được đề cử phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực ba năm và chỉ được thi tuyển chức danh phó phòng.

Đến nay, các đơn vị trên địa bàn TP đã thi tuyển thành công giám đốc Bệnh viện Mắt TP, phó hiệu trưởng của ba trường THPT. UBND quận 1 đã tổ chức thi tuyển chức danh phó phòng quản lý đô thị nhưng đến nay chưa công bố kết quả.

Tuy nhiên, với một số chuyên gia thì đề án này quá an toàn. Đối tượng được dự thi rất ít, gần như chỉ có những người trong diện quy hoạch mới đủ điều kiện tham gia, nên cuộc thi không có tính cạnh tranh cao, không có cơ hội cho người ngoài tham gia dự thi và trúng tuyển các chức danh lãnh đạo nên không đạt được mục tiêu đột phá để chọn người giỏi, người trẻ, người tài như đề án đề ra ban đầu.

Kết quả thi tuyển phó hiệu trưởng ba trường THPT ở TP.HCM vào tháng 12 vừa qua là một ví dụ. Ba người trúng tuyển phó hiệu trưởng là giáo viên của ba trường tại chỗ, trong khi chế độ đãi ngộ đối với những người trúng tuyển không khác so với chế độ của những lãnh đạo tương đương được bổ nhiệm theo quy hoạch. Đó là một điểm dở nữa của đề án.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng điều kiện ứng tuyển quá khắt khe và đối tượng thi tuyển lãnh đạo ở TP.HCM còn bó hẹp khi đối tượng dự thi chỉ là công chức, viên chức thuộc TP.HCM (nếu ở tỉnh khác phải được chủ tịch UBND TP xem xét). Ông cho rằng nếu UBND TP cho phép người ngoài quy hoạch, người không làm việc trong khu vực công tham gia thi tuyển thì kỳ thi sẽ mang tính cạnh tranh hơn, và không bỏ qua những người giỏi và có tâm phục vụ trong khu vực công. ■

Những lỗi lầm của cách bổ nhiệm cũ:

Theo UBND TP.HCM, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý theo cách cũ bộc lộ một số hạn chế như thiếu cạnh tranh, chưa tạo điều kiện để cán bộ công chức trẻ, giỏi có động lực phấn đấu, chưa có đột phá trong đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng. Một số cơ quan, đơn vị còn nặng tư tưởng "có lên không có xuống", bệnh kinh nghiệm nên lãnh đạo được bổ nhiệm có năng lực hạn chế, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện chuyên môn và đạo đức. Cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự hiện chưa phát hiện, trọng dụng hết những người có tài có đức.

Cách mới: Tạo điều kiện cho người giỏi, người trẻ làm quản lý

Hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo là hướng đi khắc phục những nhược điểm trên, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm, hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận