Lo về năng lực thích ứng

CAO HUY THẢO 29/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Với việc đưa ra dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể - một chính sách liên quan đến tương lai hàng chục triệu người Việt Nam, có thể nói đây là thời điểm tốt để đối thoại bình đẳng giữa Bộ GD-ĐT và người dân...

 

 

Điểm quan trọng còn lại là có thực sự lắng nghe trên tinh thần cầu thị để sửa đổi vì lợi ích chung?

Đổi mới là tất yếu

Nói một cách công tâm, không thể dừng hoặc trì hoãn việc đổi mới chương trình GDPT thêm nữa. Thực trạng giáo dục VN, sự thay đổi của thế giới, của điều kiện sống... đã rõ, giáo dục, trong đó GDPT có giá trị nền tảng, cũng phải thay đổi nhằm chuẩn bị con người và nguồn nhân lực phù hợp cho ngày mai.

Không nên giữ quan điểm ác cảm với đổi mới, vì lý do “không muốn con em trở thành chuột bạch thí nghiệm” hoặc “điều kiện thực tế chưa đủ để đáp ứng đổi mới”, hoặc lấy những thành tựu của các nền giáo dục tiên tiến để đòi hỏi những đề án và chương trình thực sự hoàn hảo.

Không thể trông chờ kiểu “ngày mai sẽ giảm giá” như một câu chuyện ngụ ngôn, bởi những thành tựu mà nhiều đất nước có nền GDPT tiên tiến đạt được không phải là kết quả có ngay từ đầu hoặc chỉ sau một thời gian ngắn.

Họ nghiên cứu xây dựng chương trình một cách nghiêm túc, khoa học, không theo lối mòn, trong quá trình thực hiện lại đối chiếu thực tiễn, nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, dĩ nhiên là trên nền tảng chương trình tổng thể đã xác định mục tiêu quá trình dạy - học và năng lực cần đạt của người học.

Dự thảo chương trình tổng thể đã đề cập yếu tố “phát triển” này, tuy chưa được nhấn mạnh và cụ thể hóa.

Bộ xác định quan điểm “bảo đảm kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình GDPT đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” trong dự thảo, nhưng “kế thừa” vẫn là chính.

Sự thay đổi chỉ nằm ở các nội dung: chuyển đổi mục tiêu giáo dục sang phát triển năng lực người học; khái niệm về giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; biểu hiện phẩm chất và biểu hiện năng lực người học; định hướng dạy học (tích hợp và phân hóa); cách gọi tên các môn học.

Như vậy, ngoài định hướng dạy học có sự thay đổi cơ bản, rất nhiều yếu tố trong hệ thống giáo dục vẫn chưa thay đổi đồng bộ.

Việc xác định các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc, hoạt động giáo dục... chỉ làm lộ rõ sự lúng túng trong xây dựng chương trình tổng thể, vừa muốn đáp ứng yêu cầu của công luận về giảm tải chương trình, giảm số môn học; lại vừa tiếc, không đành bỏ đi môn học nào để giữ cho được quan điểm giáo dục toàn diện.

Chia ra các loại thì không thấy là nhiều, nhưng nếu gộp lại thì tổng số môn học vẫn là như xưa. 

Chưa kể vai trò của hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo - một cái tên mới - có mặt ở tất cả các bậc học, có mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoạt động giáo dục này rất dễ giẫm chân vào các môn học.

Sự trùng lặp cũng là một trong những yếu tố gây quá tải học tập.

Đó chính là điều khiến dư luận cho rằng chương trình rồi vẫn sẽ gây quá tải cho học sinh khi đi vào thực hiện. Một chương trình giáo dục chưa thực sự ra đời mà đã bị đánh giá là nặng nề ắt khó tạo hứng khởi cho thầy và trò thực hiện.

 

 

Nhìn vào năng lực thích ứng

Việc xây dựng chương trình tổng thể được tiến hành từ tháng 6-2015, nay mới công bố. Nhưng theo nghị quyết Quốc hội, chương trình mới được thực hiện cuốn chiếu từ năm học 2018-2019.

Với chương trình tổng thể, mất gần 2 năm để xây dựng. Vậy với 1,5 năm trong quỹ thời gian còn lại có đủ để xây dựng các công đoạn tiếp theo một cách cẩn trọng như thế, hay lại phải xây dựng theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, vốn là cách làm cũ đã khiến xã hội mất niềm tin? 

Đó là chưa nói đến yêu cầu vào năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ “phải hoàn thành và trình các đề án khác trước khi thực hiện chương trình giáo dục mới, như nâng cao năng lực giáo viên, đổi mới quản lý giáo dục, kiện toàn cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức hoạt động dạy - học”.

Tới thời điểm này, người dân vẫn chưa có thông tin.

Ngay khi đã có một chương trình tổng thể tốt, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, xây dựng được con người và nguồn nhân lực mới, vẫn còn phải chờ đợi các chương trình môn học, rồi sau đó là sách giáo khoa có đảm bảo được mọi yêu cầu khắt khe của chương trình tổng thể hay không.

Cứ giả định mọi chuyện đều tốt đẹp, giai đoạn thực hiện sẽ là lúc mà năng lực thích ứng để đổi mới của cả hệ thống giáo dục được thử thách, từ năng lực quản lý của bộ, sở, phòng đến các hiệu trưởng, giáo viên... Đấy mới chính là thách thức của đổi mới chương trình GDPT.

Trong khi đó, chương trình tổng thể chỉ dành một phần nhỏ để nói về “điều kiện thực hiện chương trình GDPT”, lại còn gần như bê nguyên cái cũ vào.

Nhiều khi, thành bại của một công cuộc lớn như đổi mới GDPT lại tùy thuộc một yếu tố nhỏ: quy mô trường và sĩ số học sinh của một lớp. Yêu cầu của chương trình GDPT mới là “dạy học để phát triển năng lực”, nghĩa là giúp mỗi học sinh phát hiện, trải nghiệm để từ đó có biện pháp thúc đẩy mỗi em tự hình thành năng lực.

Để thực hiện hiệu quả quan điểm giáo dục này, nhiều nước chỉ xây dựng quy mô trường nhỏ (dễ quản lý toàn diện, chú trọng quản lý hoạt động dạy - học), sĩ số lớp ngày càng thấp. Liệu chúng ta có nỗ lực để làm điều này không? Nếu không, mọi chuyện vẫn như cũ, bất chấp mọi thứ đổi mới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận