LTS: Diễn đàn “Ứng xử cộng đồng” hơn tháng qua đã nhận được đóng góp của nhiều độc giả, trong đó có những ý kiến xoay quanh vấn đề giáo dục, các nguyên tắc ứng xử và cả tinh thần lễ nghĩa để khắc phục tình trạng “những người xấu xí”. Kết loạt Câu chuyện cuộc sống này là ý kiến của một giảng viên đại học về cách lựa chọn hành vi sao cho để đừng lạc lối trong đám đông. Chuyện của Raine Còn năm phút nữa là đến giờ kiểm tra, Raine hối hả chạy vội vào lớp học buổi sáng, vừa chạy vừa thu lại sợi dây tai nghe nhạc iPod rồi nhét vào chiếc cặp đeo bên hông. Cậu thở hổn hển ngồi xuống bên cạnh bàn học của tôi. Bao giờ cũng vậy, Raine thường là người cuối cùng vào lớp học môn global PR của giáo sư Dean Kruckeburg, người nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trong khoa. Cứ hai tuần một lần, thầy Dean cho sinh viên làm một bài kiểm tra với nội dung dựa trên các chương sách mà thầy viết. Để kiếm được điểm A phải đọc và hiểu rõ các hàm ý trong những lý thuyết và nghiên cứu điển hình. Sáng nay Raine không đọc hết chương sách chuẩn bị cho bài kiểm tra. Đêm qua cũng như mọi đêm, cậu làm việc pha chế cocktail ở quán bar đến gần sáng mới về. Giáo sư Dean phát các bài kiểm tra cho sinh viên rồi đi ra khỏi lớp học về phòng làm việc của ông. Trong lớp này tôi là sinh viên nước ngoài duy nhất nên việc kết bạn được với Raine là một may mắn bởi cậu có vẻ chín chắn hơn những người đồng lứa. Cậu hay nói chuyện với tôi và quan tâm đến quê hương tôi cũng như các câu chuyện thời sự quốc tế. Vậy nên tôi liếc nhìn Raine xem cậu làm bài thế nào. Trán Raine vã mồ hôi, có lẽ do không đợi được thang máy nên cậu chạy vội cầu thang bộ. Khuôn mặt cậu tỏ rõ sự thất vọng. Tôi biết Raine không làm được bài. Ngay trên mặt bàn học của Raine cũng như của tôi và các sinh viên khác là quyển sách của giáo sư Dean. Trong phòng học chỉ có sinh viên với nhau và chúng tôi đều biết giáo sư Dean sẽ không quay lại cho tới khi gần hết giờ kiểm tra. Nhưng ngược lại với những điều tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần khi còn học ở quê nhà, Raine đã không làm gì cả. Cậu vẫn nộp bài dù chẳng cảm thấy vui vẻ gì với một kết quả điểm số chắc chắn sẽ rất thấp. Buổi kiểm tra của lớp học ở Mỹ năm đó thật sự làm tôi suy nghĩ nhiều hơn về hành vi của con người. Tại sao khi hoàn cảnh giống nhau, cá nhân lại đưa ra các lựa chọn hành vi khác nhau? Nếu cùng phải làm bài kiểm tra và chưa kịp học bài, sách thì có sẵn ngay trước mặt và thầy giáo đi ra khỏi phòng, các sinh viên sẽ lựa chọn hành vi nào? Lấy ngay quyển sách để tìm lời giải rồi kiếm điểm cao hay chấp nhận sự thiệt thòi điểm số để giữ được giá trị trung thực cá nhân nhằm đóng góp xây dựng một cộng đồng lành mạnh, biết tôn trọng lẽ phải và đạo đức? Sau này tôi biết là những câu hỏi này chỉ mới với tôi chứ thật ra không có gì mới mẻ trong nhiều ngành khoa học xã hội, nơi mà nghiên cứu về lựa chọn và thực hiện hành vi xã hội luôn là trọng tâm. Một trong những nghiên cứu nổi tiếng và được ứng dụng rộng rãi ở các lĩnh vực y tế, truyền thông, tiếp thị xã hội và hành vi trong tổ chức là lý thuyết hành vi của giáo sư Icek Ajzen tại Đại học Massachusetts. Giáo sư Ajzen suy luận hành vi con người được quyết định bởi ba yếu tố chính. Đầu tiên là niềm tin của cá thể vào hậu quả của hành vi và sự đánh giá hậu quả hành vi đó. Tiếp theo là niềm tin vào sự mong đợi xã hội mà cá nhân cho là những người xung quanh sẽ mong đợi hay không mong đợi mình thực hiện hành vi đó. Sau cùng là niềm tin của cá nhân vào khả năng bản thân thực hiện thành công hành vi đó. Giáo sư Ajzen lần lượt gọi các niềm tin này bằng các tên ngắn gọn là niềm tin hành vi, niềm tin vào chuẩn xã hội và niềm tin vào khả năng cá nhân. Ba niềm tin này sẽ dẫn đến ý định thực hiện hành vi của cá nhân. Rất nhiều nghiên cứu tiếp theo đăng tải trên các tạp chí khoa học liên quan đã đưa ra những bằng chứng ủng hộ tính tin cậy của lý thuyết này. Điều bất thường lại là điều bình thường! Gần đây, mối liên hệ giữa yếu tố niềm tin vào chuẩn xã hội và hành vi cá nhân đang nổi lên bởi những hành vi có hại cho sức khỏe và xã hội đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại, nhất là với những người trẻ tuổi thường bị áp lực chuẩn xã hội của nhóm và đám đông để thể hiện mình. Tại các trường đại học ở Mỹ, áp lực nhóm lên các hành vi phản xã hội như hút thuốc, uống bia rượu quá mức hay quan hệ tình dục bừa bãi là đáng kể. Tại Đại học Virginia, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Wesley Perkins và bác sĩ Michael Haines đã lập hẳn một trung tâm nghiên cứu về chuẩn xã hội để nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho các chương trình truyền thông thay đổi hành vi dựa trên thay đổi chuẩn xã hội. Nhóm nghiên cứu đã xác định hai yếu tố mà các cá nhân dựa trên đó để hình thành ý định thực hiện hành vi của mình. Thứ nhất là niềm tin của bản thân cá nhân vào hành vi là đúng hay sai. Thứ hai là suy đoán của cá nhân về suy nghĩ và mong đợi của cộng đồng xung quanh đối với hành vi của mình là đúng hay sai. Nói nôm na là một cậu sinh viên nếu như ở vào tình huống của anh chàng Raine bạn tôi sẽ nghĩ và tin rằng quay cóp bài là sai. Nhưng khi xung quanh ai cũng quay bài và hầu như không có sự trừng phạt nào đáng kể thì cậu sẽ cho rằng đám đông cũng mong cậu hành động như họ. Cái xấu mà được càng đông người tham gia thực hiện càng khó bắt tội. Nhưng hơn hết, nó giúp cá nhân ẩn trú an toàn trong đám đông về mặt tâm lý với một chút cứu rỗi cho sự sám hối với hành vi trái lẽ phải, trái đạo đức. Qua một thời gian, khi niềm tin hành vi cá nhân không được bảo trợ thì ngay cả những suy nghĩ cứu rỗi cuối cùng ấy cũng sẽ không còn nữa. Chuẩn hành vi xã hội gần như hoàn toàn bị quyết định bởi những nhận định dựa trên quan sát hành vi những người xung quanh và làm theo như những con zombie trong các bộ phim kinh dị. Bản tính vị kỷ cố hữu được dịp bùng phát như một thứ dịch bệnh. Liệu những lý thuyết và nghiên cứu hành vi ở quốc gia phía bên kia bán cầu có liên quan gì đến các quốc gia bên này bán cầu với nền văn hóa Á Đông? Một nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam xuất bản trên tạp chí Social Marketing tập trung vào hành vi giao thông xe máy của người dân TP.HCM đã cho thấy kết quả: những người tham gia nghiên cứu nói rằng nếu ai cũng vượt đèn đỏ mà bản thân mình không vượt thì đó mới là điều bất bình thường (*). Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những quốc gia có tính cộng đồng cao thì cá nhân càng có xu hướng tìm kiếm sự ủng hộ hành vi từ các cá thể xung quanh. Theo Geert Hofstede, Việt Nam là một trong những quốc gia đó. Có thể chúng ta sẽ không hoàn toàn bị thuyết phục bởi những lý thuyết nghiên cứu hàn lâm vì sự khô khan của chúng. Vậy hãy thử nhìn ngắm cuộc sống sôi động xung quanh ta xem thế nào. Có bao giờ ta thấy một vụ cướp giật trên đường phố và tìm cách bỏ đi dù bản thân vẫn nghĩ nên làm điều gì đó mới phải đạo, nhưng đồng thời ta nghĩ rằng điều tốt nhất là nên tránh khỏi những rắc rối và có lẽ những người xung quanh ta cũng sẽ nghĩ vậy? Có bao giờ ta tranh giành nhau chụp ảnh trong những hội hoa và đạp nát đám hoa cỏ thiên nhiên thơ mộng, dù chúng ta biết như thế là sai nhưng vì đám đông quanh mình ai cũng làm thì chẳng sao cả? Hay có bao giờ chúng ta tranh giành đồ ăn trong tiệc buffet mà dù biết “miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng vì ai cũng xông vào thì ta nào có ngán chi? Lễ cướp oản và suất ăn nhanh miễn phí Tôi nhớ thời nhỏ sống ở quê những năm sau chiến tranh, làng tôi có lệ là khi cúng ở đình làng xong thì bày biện đồ ăn thức uống lễ tế trên mảnh chiếu rộng giữa sân đình cho bà con nhận oản. Nhưng chưa ai kịp nhận thì đám thanh niên đã ào vào tranh giành nhau, giật cháo, cướp xôi đến nỗi buổi nhận oản bị đổi tên là “cướp oản”. Có người bị cháo nóng đổ bỏng chân tay vẫn nhất quyết không rời khỏi chiếc chiếu bày đồ cúng vì còn muốn quơ nhiều đồ ăn về nhà hơn. Tôi đã nghĩ động cơ hành vi đó có lẽ là do cái đói, cái nghèo của một vùng quê lam lũ. Nhưng lý giải làm sao khi ông bà ta đã nói rằng “đói cho sạch rách cho thơm”? Lý giải làm sao khi ngay cả ở kỷ nguyên số, lúc mà người ta chỉ lo thiếu sóng WiFi chứ không lo thiếu đồ ăn thức uống nữa thì đám đông vẫn ùn ùn lao xe máy đến một tiệm ăn nhanh, tranh nhau từng centimet khoảng trống chỉ vì một suất ăn miễn phí? Có lẽ người ta biết đấy, mình tranh giành nhau ăn chùa thế này chẳng hay ho gì, nhưng khi cả đám đông cũng thế thì ai cũng như ai. Và cái suy nghĩ “ai cũng như ai” đã trở thành một cứ điểm lý tưởng để ta cố thủ và trú ẩn trong đám đông vật lý cũng như đám đông trừu tượng. Cái suy nghĩ này có vẻ ngày càng lớn và xuất hiện ở nhiều lĩnh vực trong xã hội đương đại. Ai cũng quay cóp bài thì ta có quay cóp cũng chẳng sao. Ai cũng vứt rác trên đường phố thì ta xả rác cũng chẳng sao. Ai cũng ăn hối lộ thì ta có ăn cũng chẳng sao... Lâu dần, điều bất thường được bình thường hóa, bỏ qua, dung thứ và có khi còn được khen là tinh khôn. Thể chế dung thứ Sau kỳ học năm ấy, vào mùa Noel tuyết rơi, Raine mời tôi về nhà cậu, nơi có dòng sông Mississippi nổi tiếng trong tác phẩm của văn hào Mark Twain. Đường đi tuyết rơi dày đặc, đôi lúc bánh xe trượt mất lái vì chạy lên lớp tuyết trơn ướt. Raine lái xe đủ chậm để giải thích cho tôi vì sao cậu không bao giờ quay bài ngay cả khi không ai biết được điều đó. Raine bảo cậu không tin việc quay cóp sẽ giúp cậu học giỏi, nhưng quan trọng hơn cả là cậu lo hành vi đó sẽ dần hình thành thói quen dễ dãi với bản thân. Điều đó sẽ hủy hoại giá trị cá nhân cùng cả sự nghiệp tương lai của cậu, bởi cậu cho rằng nơi mình sống không dung thứ những hành vi tương tự. Raine cũng bảo tôi là cả lớp chẳng ai làm điều đó cả, như một minh chứng đầy thuyết phục để bảo vệ lý lẽ của cậu. Dĩ nhiên là cậu có nghe nói ở một số nước khác sinh viên “chia sẻ” bài khi đi thi cử. Cậu nói: “Có thể là họ có giá trị khác lớn hơn, như giá trị cộng đồng chẳng hạn. Cũng có thể là thể chế của họ dung thứ điều đó nhiều hơn là ở đây”. Môn học ấy, Raine khoe được điểm C trừ, đủ để cậu tiếp tục các lớp học tiếp theo. Có lẽ Raine không chủ ý so sánh những gì mình nói với lý thuyết hành vi nổi tiếng của giáo sư Ajzen. Nhưng cậu đã vô tình khái quát lý thuyết đó một cách bình dân nhất dù đã dùng uyển ngữ để tránh những nhạy cảm khác biệt văn hóa với tôi. “Giá trị cộng đồng” mà Raine nói tới là một điều tốt, nhưng khi nó làm bệ phóng cho một hành vi phản xã hội như quay cóp bài thi thì đã trở thành áp lực của đám đông mất định hướng chứ không phải cộng đồng. Còn “thể chế dung thứ” mà cậu nhắc đến chính là điều giáo sư Ajzen gọi là niềm tin của cá thể vào hậu quả của hành vi và sự đánh giá hậu quả hành vi đó. Bữa ăn tối hôm ấy với bố mẹ và anh trai của Raine, bố cậu hỏi việc học tập của con thế nào. Raine kể vắn tắt kết quả môn học mà cậu cho là khó nhằn nhất ấy, bố cậu vui vẻ bảo: “Con làm tốt lắm. Ngày mai chúng ta sẽ đi săn vịt trời, nhưng con và bạn sẽ cần nhiều áo ấm vì tuyết sẽ rơi dày hơn đấy”.■ (*): Nghiên cứu “But I am normal: Safe driving in Vietnam” xuất bản năm 2015 trên Journal of Social Marketing, số 5, quyển 2, trang 105-124. Tags: Câu chuyện cuộc sốngỨng xử cộng đồngNhững người xấu xí
HLV đội tuyển Lào: Việt Nam có thể tiệm cận Hàn Quốc, Nhật Bản HOÀNG TÙNG 09/12/2024 HLV trưởng đội tuyển Lào Ha Hyeok Jun đánh giá đội tuyển Việt Nam mạnh bậc nhất Đông Nam Á và nếu bổ sung thêm thể chất có thể tiệm cận trình độ của đội tuyển Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đánh bại Lào 4-1, Việt Nam giành 3 điểm đầu tiên ở ASEAN Cup 2024 QUỐC THẮNG 09/12/2024 Đội tuyển Việt Nam đánh bại Lào 4-1 để giành 3 điểm đầu tiên tại ASEAN Cup 2024 tối 9-12.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Trung Quốc đầu tư cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi và đường sắt đô thị NGỌC AN 09/12/2024 Chiều tối 9-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp, làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn của Trung Quốc.
Ông Putin cho tổng thống Syria bị lật đổ được tị nạn tại Nga DUY LINH 09/12/2024 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối cho biết nơi ở của ông Bashar al-Assad, sau khi có thông tin nhà lãnh đạo Syria bị lật đổ xin tị nạn ở Nga.