Mang tác cắt tóc

TTCT - Vào giữa tháng mười, lão Sim lù lù trở về làng Thạch Mỹ với một khuôn mặt dị dạng, trông như một bức tranh lập thể bậc thầy. Mặt lão hằn lên hai vết sẹo dài.

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Hai vết sẹo khá sâu, thẳng đét như mương rãnh, chạy song song với sống mũi, cắt khuôn mặt làm ba phần trông rất ghê răng. Mồm lão lại cương quyết vẹo sang một bên. Tổng thể khuôn mặt trắng bệch với đôi môi mỏng dính của lão toát ra sự tàn bạo buộc người đối diện phải khựng lại. Dường như cả con người lão đang chập chờn một vùng từ trường nguy hiểm bao quanh.

***

Đã bốn năm rồi, lão Sim biệt tăm. Người làng Thạch Mỹ đã quên phắc lão. Họ lo làm ăn, lo bươn chải kiếm tiền để hưởng thêm những tiện ích đời mới. Lão Sim thật sự đã rớt ra khỏi trí nhớ của mọi người.

Nay lão Sim trở về làng cũ, không ai nhận ra đó là lão Sim. Không ai nhận ra. Ngoài khuôn mặt dữ dằn, lão còn nói giọng Nam pha Bắc, tròn vành rõ tiếng, đậm chất giang hồ. Lão Sim đấy ư? Không ai trong làng Thạch Mỹ tin nổi. Lão Sim ngày trước đã sở hữu một khuôn mặt thật sự phúc hậu. Một khuôn mặt hiền khô như đất cổng làng. Giọng nói của lão ngày trước là âm thanh của quê kệch thân thương. Còn bây giờ là một lão Sim ngược hẳn, nhìn vào người ta gặp một sự sợ hãi tràn trề. Nhìn vào người ta phải thủ thế, đề phòng cái ác từ trong người lão bất ngờ phóng ra. Sự khác thường này quả là mệt nhọc. Dứt khoát không tốt tí nào cho làng Thạch Mỹ quanh năm bình ổn.

Lão Sim trở về làng cũ có lẽ đem theo nhiều tiền. Lão mua một miếng đất mặt tiền đường nhựa xương sống liên thôn, xây một tiệm cắt tóc khang trang, treo bảng hiệu chễm chệ. Một bảng hiệu màu máu, đề tên “Mang Tác cắt tóc”. Ngay cái bảng hiệu, người ta cũng có cảm giác bất an khi nhìn thấy nó.

***

Rõ ràng không ai hiểu nổi vì sao lão Sim lấy tên bảng hiệu là Mang Tác. Vì không hiểu tại sao tiệm cắt tóc của lão Sim có tên Mang Tác nên người ta cứ bị sự tò mò ám ảnh. Người ta luôn có ý định muốn vào để hỏi cho ra lẽ, nhưng cùng lúc khuôn mặt kinh khủng của lão lại dứt khoát đẩy người ta tránh xa việc dại dột này.

Nhưng một hôm có một cụ già lại giải nghĩa được cái tên Mang Tác này. Đó là cụ Lài coi ngày giờ, dân cư ngụ lâu năm ở làng Thạch Mỹ. Cụ đã nhớ lại ngày trước, khi lão Sim còn sống ở làng Thạch Mỹ, có một lần lão Sim bị bịnh đau màng óc. Lúc ấy, lão Sim phải bán nhà để chạy chữa. Bệnh khỏi, lão sinh chứng nói nhảm. Gặp ai lão cũng nói một câu dài thòng, liền một hơi, rối rắm như cái rổ may của bà ngoại.

Đó là câu: “Cũng chỉ là con xách đó thôi, vậy mà có thêm bốn tên nữa là quảy, là áo già, là đỏ tai, là mang tác. Cùng ở trong rừng nhưng con hươu chỉ thêm một tên duy nhất là con lộc. À mà con nai cũng vậy. Con nai còn gọi là con mê, trong khi con trưởng hét mặt xám, sói đít, vẫn cứ là con trưởng hét, không thể nào là con khỉ được. Nhưng rõ ràng con người lại khác với con khỉ. Con người không sói đít mà sói đầu. Chư vị biết không? Sang đến giống thảo mộc cũng rối rắm không kém. Cây chi tử lại khác với cây la hán tùng, trong khi mai chiếu thủy lại quá nhỏ so với cây mít nài. Đó, cứ lung tung như thế mãi sẽ một ngày giản dị cho mà xem. Không tin, cứ chờ đấy”.

Cụ Lài còn bảo thêm rằng lúc ấy người làng Thạch Mỹ đâu có sợ lão ta. Họ chỉ ái ngại và gợn lên một chút se lòng trước sự nói nhảm của lão. Cụ Lài quả quyết cái tên bảng hiệu “Mang Tác cắt tóc” nhất định phải từ câu nói điên khùng đó mà ra. Cuối cùng cụ Lài bấm đốt tay và nhấn mạnh: “Mang Tác đích thị là tên một con thú rừng. Loại thú này đặc biệt không có túi mật. Thịt nó ngon đệ nhất trần gian”.

Người làng Thạch Mỹ hoàn toàn đồng ý với cách lý giải của cụ Lài. Và họ cứ nghĩ quẫn rằng nếu vào đấy cắt tóc, mình nhất định sẽ thành con mang tác vì thịt mang tác rất ngon. Quyền lực của nghĩ quẫn có một sức mạnh vô hình. Quyền lực ấy ngăn họ vào tiệm cắt tóc Mang Tác. Nhưng ngược lại, quyền lực của nghĩ quẫn cũng buộc họ phải tìm cách đi ngang qua tiệm cắt tóc, nhìn thử xem có con mang tác nào bị lão làm thịt chưa.

Trong khoảng bốn năm lão Sim xa làng, có lẽ lão đi lang bạt xa xôi lắm. Xa tận đâu, không ai biết được. Lão làm việc gì, có thể là việc chẳng lành, cũng chẳng ai biết được. Lão Sim của ngày hôm nay quả thật là một ẩn số bao trùm. Một ẩn số rắn chắc đối với dân làng Thạch Mỹ tò mò.

***

Tuy ai cũng sợ hãi lão Sim, nhưng rồi cũng có bốn người vào cắt tóc tiệm lão.

Người thứ nhất, đó là chú Xanh. Chú đã vào Mang Tác cắt tóc một lần. Chú là thương binh đã một thời xông pha trận mạc, tinh thần rất vững vàng, nhằm nhò gì ba cái nghĩ quẫn bạc nhược. Vậy mà chú vẫn căng thẳng kể với nhiều người như sau:

“Tôi cắt tóc tại tiệm Mang Tác chỉ mỗi một lần, về nhà tôi suýt cúng chè xôi để tạ ơn thần linh đã phù hộ mình còn sống. Không hiểu tại sao tôi cứ cảm giác mình vừa thoát chết. Thoát chết nên lòng muốn cúng thế thôi. Có lẽ do khuôn mặt lão Sim dữ tợn quá, trong khi mồm lão lại ăn nói nhỏ nhẹ quá. Sự trái ngược này làm nỗi sợ hãi trong tôi tăng vùn vụt. Phải chi lão ta quát tháo, cộc cằn, hẳn là tôi sẽ không sợ. Khi tay lão cầm dao cạo đưa vào mặt tôi là tôi run bắn. Lão cạo râu, tôi nghe đôi môi mình đã rớt xuống đất ngọt xớt vì dao lão bén quá. Nhưng tôi đưa tay sờ đôi môi mình vẫn còn. Thế mới lại sợ hơn nữa chớ!”.

Nói xong, chú Xanh nhằng miệng cười mếu, nện chiếc nạng xuống đất kịch kịch, hai sợi gân xanh ở thái dương cứ giật liên hồi. Có lẽ chú đã bực mình vì cơn sợ trong người vẫn còn duy trì đến giờ, mặc dù chuyện ấy đã xảy ra tuần trước.

Người thứ hai là bác Lẫm. Bác cũng từng cắt tóc ở đó một lần. Bác bối rối bẻ vặn mấy ngón tay liên hồi. Bác e ngại nhận định:

“Làm nghề cắt tóc, ngoáy tai, cạo râu, cạo mặt... phải cần một khuôn mặt hiền lương. Lão Sim đã sai lầm trầm trọng khi chọn nghề và hành nghề. Tôi đã vào Mang Tác rồi, cảm giác tôi chẳng khác gì của chú Xanh. Khi lão nhìn trìu mến vào tôi và cười không ra tiếng, lúc ấy tôi muốn rớt tim. Ấy vậy mà lão ta cười hoài mới nguy khốn chớ. Không có chuyện gì vui mà cứ nhìn mình rồi cười vu vơ. Tôi thật sự toát mồ hôi hột. Suốt thời gian cắt tóc tôi cứ nhắm mắt không dám dòm vào gương, mục đích khỏi thấy khuôn mặt ghê rợn của lão. Mang Tác ơi là Mang Tác. Đồ chết tiệt!”.

Người thứ ba vào tiệm cắt tóc của lão Sim đó là bà Sỹ. Sau này, gặp ai bà cũng nhìn quanh quất để chắc chắn không có lão Sim ở đấy, rồi bà mới dám xáp tới lắp bắp tâm sự như sau:

“Tôi dắt thằng cháu ngoại đến Mang Tác để nạo tóc. Nó vừa thấy lão Sim, nó khóc thét. Khóc quá trời khóc. Khóc té đái trong quần luôn. Tôi lật đật ẵm cháu về cho nhanh vì tôi cũng quá sợ. Không biết lúc ấy tôi ẵm nó hay nó ẵm tôi mà về được đến nhà. Eo ôi, nhìn gần lão ta cứ y như quỷ sứ hiện hình. Ghê răng quá, cha mẹ ơi!”.

Người thứ tư vào tiệm Mang Tác là tôi.

Thấy tiệm Mang Tác luôn luôn vắng khách, một hôm tôi quyết định vào đó cắt tóc một chuyến xem sao. Đây là một quyết định được thúc đẩy do tò mò đã nhen nhúm từ trước, một quyết định tôi không cưỡng được. Tôi tự nghĩ khuôn mặt lão tuy hung tợn thật, nhưng cũng chẳng có gì phải hoảng sợ. Tôi tự nghĩ cho dù lão có nhìn tôi chằm chằm và cười không thành tiếng cũng chẳng có gì phải hốt hoảng. Tôi nghĩ lão chỉ là người đáng thương. Có lẽ lão đang hận thù một ai đó mà người đó dứt khoát không phải là mình. Lão chỉ là kẻ đang đau khổ, đáng thông cảm hơn là đáng sợ. Thế thôi. Có lẽ người tôi nhiều chất nghệ sĩ quá nên coi quỷ dữ không dữ bằng mình.

Tôi bình thản hỏi lão Sim lúc đang cắt tóc tôi:

“Tại sao bác chọn nghề cắt tóc?”.

Giọng lão trườn nhẹ nhàng, đều đều và lạnh băng như nước đá:

“Sở dĩ tôi chọn nghề cắt tóc vì nghề này không đòi hỏi trình độ học vấn, không đòi hỏi sức mạnh thể lực, nhưng vẫn có quyền cầm dao gí vào mặt người khác”.

Nghe lão nói rành mạch như thế, tôi giật thót. Tôi vội lấm lét nhìn vào tấm gương trước mặt, thấy lão Sim cười. Một cái cười cực kỳ lạ lùng quái đản. Mồm lão vẫn ngoác ra, nhưng đó không phải hình ảnh của nụ cười. Đó đích thị là hình ảnh của cái miệng đang táp con mồi. Lạ thật, tôi đã bắt đầu sợ hãi. Nỗi sợ đã thật sự vươn vai, đập cánh phần phật trong người. Ừ, có thể lắm chứ. Người ta sợ lão là phải.

Quái đản trên khuôn mặt, ắt sẽ quái đản trong tâm hồn. Quái đản trong lời nói, ắt sẽ quái đản trong hành động. Tôi tiếp tục theo dõi lão trong tấm gương. Đột ngột, nỗi sợ ấy liền co rút lại, chạy ngoằn ngoèo lạnh buốt sống lưng. Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu. Nhỡ trong cơn quáng mắt, lão nhìn nhầm tôi là con mang tác thịt ngon đệ nhất thì nguy to. Ồ, không. Không phải thế. Tôi tự trấn an mình. Dường như lão cần nhu cầu phải nắm dao, khi trước mặt lão có một con người bằng xương bằng thịt.

Tôi cố bình tĩnh hỏi tiếp:

“Tại sao bác lại muốn nắm dao?”.

“Câu ấy tôi đã luôn tự hỏi. Và đang trên đường truy lùng câu trả lời”.

Vừa nói dứt lời, lão với tay bốc nhanh con dao cạo, cơn sợ trong người tôi bùng phát. Tôi vụt đứng dậy, bứt tấm khăn choàng trắng, vắt ngay lên thành ghế:

“Tôi trễ giờ. Khỏi cạo. Tiền đây”.

Tôi quăng tiền xuống mặt ghế, sải chân nhanh ra khỏi quán. Tôi đi như chạy. Một buổi trưa im ắng cực kỳ và nóng bức cũng cực kỳ. Văng vẳng đâu đây có tiếng chó tru trôi nổi. Lại có tiếng gà trưa gáy gay gắt. Tiếng gáy như từ tiệm Mang Tác chui ra và lăn chạy trên đường.

Khi ra khỏi quán một quãng, tôi ngồi xuống thở phào nơi vệ đường. Cảm giác được thoát khỏi nơi tử địa làm tôi sung sướng như trẻ con.

Có lẽ tôi là người khách cuối cùng của tiệm “Mang Tác cắt tóc”.

***

Đúng một tháng sau, lão Sim giải nghệ cắt tóc. Lão bán đất và tiệm cho chú Nậm cùng thôn với giá rẻ mạt. Lão Sim lại đi đâu mất. Lão lại biệt tích. Có lẽ lão ra đi trong đêm không ai thấy. Tôi linh cảm rằng lão đã đi theo tiếng gọi của hai vết sẹo.

Lúc ấy là giữa tháng mười hai, thời điểm làng Thạch Mỹ luôn có nhiều cơn mưa trái mùa...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận