"Mở" với Iran, "cứng" với Syria?

NGUYỄN NGỌC HÙNG 29/09/2013 19:09 GMT+7

TTCT - Phát biểu tại khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đảm bảo rằng đất nước của ông “hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với thế giới và khu vực”. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama tỏ thái độ quyết liệt đối với xung đột ở Syria.

Có lẽ một lần khác

Phóng to
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tại New York ngày 24-9

Bài diễn văn của ông Rouhani được chờ đợi nhiều nhất vì Iran bị nghi ngờ muốn sở hữu vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân phục vụ dân sự. Theo Le Monde, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố “nên thử con đường ngoại giao với Iran”, đồng thời nhắc ông Rouhani cần phải biến lời nói thành hành động.

Iran “mềm dẻo anh hùng”

Ngày 17-9, tại thủ đô Tehran, khi nói chuyện với các chỉ huy cao cấp của Lực lượng Vệ binh cách mạng, lãnh tụ tối cao Cộng hòa Hồi giáo Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei đã mô tả đường lối ngoại giao mà chính quyền của ông Rouhani mới khởi xướng và đang triển khai là sách lược “mềm dẻo anh hùng”. Sự ủng hộ của Đại giáo chủ Khamenei đối với tân tổng thống nhậm chức đầu tháng 8 mới đây được giới quan sát Ả Rập cho là bằng chứng rõ ràng về một đường lối được tính toán một cách chủ động.

Theo aawsat.com, cũng trong cuộc gặp trên, ông Khamenei đồng ý cho các hoạt động “chỉnh sửa một cách có lý” trong đường lối đối nội và đối ngoại.

Ông nói: “Để bảo vệ cách mạng, chắc chắn là Lực lượng Vệ binh cách mạng phải nắm bắt đầy đủ và toàn diện mọi biến động trên tất cả các lĩnh vực, nhưng không nhất thiết phải tham gia các hoạt động chính trị”.

Lời huấn thị này lập tức xua tan mối lo ngại vừa dấy lên trong nội bộ Iran, bởi mới hôm trước Rouhani cũng phát biểu tương tự khi gặp các tư lệnh Vệ binh cách mạng và dư luận cho là “tổng thống có thể đã đi quá xa” khi dám khuyên lực lượng này không nên can thiệp vào chính trị.

Để triển khai những chủ trương của sách lược “mềm dẻo anh hùng”, bộ máy nhà nước thật sự được thay máu. Danh sách nội các mới toanh gồm 18 thành viên được trình lên quốc hội thì 15 bộ trưởng đã được phê chuẩn ngay cuộc bỏ phiếu đầu tiên, bao gồm tất cả các ghế quyền lực và chủ chốt như quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tài chính, kinh tế... Hầu hết các tân bộ trưởng này đều từng là thành viên nội các của hai đời tổng thống trước đây (liên tục từ 1989-2005) là Hashemi Rafsanjani (ôn hòa) và Mohammad Khatami (cải cách). Điều này cho thấy nội các mới vừa có “tính kỹ trị” cao, vừa không dính đến những tai tiếng “cực đoan, bảo thủ” của chính quyền Mahmoud Ahmadinejad, nhưng không phải là kém dạn dày kinh nghiệm.

Đáng lưu ý, ông Rouhani đã chọn đô đốc Ali Shamkhani - một người gốc Ả Rập - vào ghế thư ký Hội đồng tối cao an ninh quốc gia, và một phụ nữ - bà Masouma Ibtikar giữ một trong ba ghế phó tổng thống. Bà Ibtikar từng làm phó tổng thống suốt hai nhiệm kỳ của ông Khatami (1997-2005) và là người phụ nữ Iran duy nhất cho đến nay đảm trách chức vụ này.

Khi nhậm chức ngày 3-8, ông Rouhani đã tuyên bố mục tiêu đưa đất nước vượt qua giai đoạn bi đát về kinh tế và tình trạng bị bao vây, trừng phạt quốc tế. Hai mục tiêu trọng yếu này liên quan mật thiết, trong đó thoát khỏi trừng phạt kinh tế quốc tế có ý nghĩa quyết định, bởi nó đã khiến Iran mất tới 40% thu nhập vì không xuất được dầu thô. Vì thế trong hai tháng qua, cả ông Khamenei lẫn ông Rouhani liên tiếp có những tuyên bố gây ngạc nhiên về sự cởi mở đột xuất đối với những vấn đề hết sức gai góc trong quan hệ của Iran với khu vực và thế giới.

Những cử chỉ “nhỏ” hơn, nhưng không kém phần thu hút công luận, là một số động thái với các quốc gia trong khu vực. Đáng ngạc nhiên nhất là việc ông Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Zavad Zarif gửi lời chúc mừng qua mạng xã hội đến “người Do Thái Israel và người Do Thái định cư tại Iran” nhân dịp lễ đầu năm mới của người Do Thái hồi đầu tháng 9. Thậm chí ngoại trưởng Iran còn công nhận sự kiện Đức quốc xã triệt hạ người Do Thái bằng lò thiêu hồi Thế chiến thứ hai là “có thật”. Ông này khẳng định “người phủ nhận sự thật này (Ahmadinejad) đã đi rồi!”.

Tổng thống Rouhani nhiều lần dùng những lời lẽ hữu nghị hướng tới thế giới Ả Rập, nhất là Saudi Arabia, và bày tỏ hi vọng giải quyết “những bất đồng nhỏ” để khôi phục quan hệ tốt đẹp “giữa những người anh em đạo Hồi với nhau”.

Không sở hữu bom nguyên tử, nhưng...

Liên quan đến vấn đề hạt nhân, ông Rouhani đã khẳng định Iran không cần vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh đất nước, đồng thời tuyên bố sẵn sàng tiến hành thảo luận dựa trên lịch trình cụ thể để giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran với các cường quốc. Một mặt thề rằng Iran không tìm cách sở hữu bom nguyên tử, nhưng ông Rouhani cũng khẳng định Tehran có quyền làm giàu uranium trong lĩnh vực hạt nhân phục vụ dân sự.

Tuyên bố trên cũng nhất quán với những phát biểu trước đó của ông Khamenei khi huấn thị Lực lượng Vệ binh cách mạng, và cả trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC ngày 19-9 của ông Rouhani được alarabiya.net đăng lại: “Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng không muốn sở hữu vũ khí hủy diệt, trong đó có vũ khí nguyên tử. Điều duy nhất chúng tôi muốn là công nghệ nguyên tử hòa bình”.

Tuy nhiên, giới phân tích Ả Rập rất am hiểu “người láng giềng Ba Tư” cho rằng có lẽ Iran quyết định trước mắt tập trung đạt cho được trình độ hoàn thiện về kỹ nghệ năng lượng nguyên tử đã, rồi sau này... tính tiếp! Tại Đại hội đồng LHQ, trưởng đoàn Israel Yuval Steinitz, bộ trưởng phụ trách những vấn đề chiến lược và tình báo, đã tẩy chay diễn văn của ông Rouhani khi nói: “Chúng ta đã nghe quá nhiều từ trống rỗng và không có một quyết định mới nào, thậm chí chẳng có lời hứa mới về việc áp dụng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.

Cản ngại Syria

Một mặt tỏ ra rộng mở với Iran, mặt khác Tổng thống Obama phát biểu rất cứng rắn với Syria khi ám chỉ rằng cộng đồng quốc tế luôn sẵn sàng dùng đến vũ lực nếu chế độ của Tổng thống al-Assad không hợp tác về việc hủy kho vũ khí hóa học của mình. Ông Obama nói: “Chính phủ Syria đã có bước đi đầu tiên, giờ phải Hội đồng Bảo an kiểm tra xem họ có giữ đúng cam kết. Khủng hoảng Syria và sự bất ổn của cả khu vực thuộc những thử thách rộng hơn mà kể từ nay cộng đồng quốc tế phải đương đầu”.

Có lẽ khủng hoảng Syria là vật cản lớn nhất hiện nay cho sự xích lại gần nhau giữa Iran với phương Tây và thế giới Ả Rập. Tehran đã chính thức tuyên bố ủng hộ thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ về việc đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của quốc tế, nhưng ông Rouhani cũng khẳng định mối đe dọa lớn nhất đè nặng lên khu vực Trung Đông là việc vũ khí hóa học có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Giới phân tích Ả Rập cho rằng không loại trừ khả năng Iran sẽ có thay đổi đáng kể về đường lối đối với đồng minh Syria. Với Iran, Hezbollah mới là “con ruột”, còn ông al-Assad chỉ là “đồng minh chiến lược”. Mặt khác, Syria của Tổng thống al-Assad căn bản là một chế độ thế tục, trong khi Iran theo chủ thuyết giáo quyền Hồi giáo. Nếu tìm được phương sách bảo đảm an toàn cho sự tồn tại của Hezbollah và vị thế của Iran tại Syria, có thể Iran sẽ “hi sinh” chế độ al-Assad để đổi lấy những lợi ích lớn hơn nhiều khi cải thiện được quan hệ với thế giới Ả Rập và phương Tây.

Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon sẽ triệu tập hai ngoại trưởng Mỹ và Nga cùng với nhà trung gian hòa giải của mình là ông Lakhdar Brahimi vào cuối tuần này, đồng thời hi vọng sớm tổ chức hội nghị Geneva 2 trong tháng 10 để giải quyết vấn đề Syria, trong đó có việc hơn 2 triệu người dân Syria chạy sang các nước láng giềng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận