TTCT - Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến sửa đổi Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, tuy nhiên thời gian lấy ý kiến chưa đầy một tuần, quá ngắn đến mức gây ra lo ngại về mục đích của việc sửa đổi. Sinh viên ra trường có thề tự tin trong môi trường quốc tế có thể được xem là một trong những dấu chỉ thành công trong đào tạo. Tuy vậy, khởi đầu một năm mới vẫn là thời điểm cho chúng ta nhìn về phía trước với hi vọng và mong đợi. Liệu chúng ta có thể hi vọng gì vào những đổi thay trong giáo dục ĐH năm nay? Tự chủ Đại Học Trong nhiều phát biểu gần đây của những người lãnh đạo Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT, có thể thấy tự chủ ĐH là vấn đề sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đó là tín hiệu tích cực, vì quyền tự chủ của các trường, đặc biệt trong vấn đề nhân sự và chuyên môn, được xem là chỗ “thắt cổ chai” làm hạn chế năng lực sáng tạo và đổi mới ở cấp trường. Tuy vậy, có hai vấn đề cần lưu ý trong việc tăng cường quyền tự chủ: Một, quyền tự chủ là một trong những điều kiện cần, tuyệt nhiên không phải là điều kiện đủ để nâng cao chất lượng. Tự chủ cũng không tự động dẫn tới chất lượng, thậm chí nó còn có thể gây ra thảm họa chất lượng nếu không có một thiết chế giải trình trách nhiệm phù hợp. Điều này đã được nêu ra nhiều lần, nhưng đến nay chúng ta cũng chưa có chính sách nào cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường, ngoài những nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định. Hai, quyền tự chủ sẽ không có mấy ý nghĩa nếu như năng lực lãnh đạo không đủ mạnh. Được quyền chủ động trong chương trình đào tạo là một chuyện, tạo ra những chương trình đào tạo tốt là chuyện khác. Trong cùng một điều kiện về thể chế và pháp lý, trong cùng một bối cảnh văn hóa và điều kiện kinh tế, chúng ta vẫn có những trường đạt được thành công đáng kể hơn nhiều so với những trường khác, thể hiện qua thành tích hay thành tựu của cựu sinh viên và khả năng hội nhập của họ trong môi trường toàn cầu. Trong những yếu tố tạo ra thành công ấy, năng lực lãnh đạo chắc chắn có một vai trò quan trọng. Hơn bao giờ hết, các trường cần có những người lãnh đạo chuyên nghiệp, nhất quán trong mục tiêu, mềm dẻo trong giải pháp, am hiểu bối cảnh và biết nhìn xa. Hơn ai hết, họ phải có khả năng thay đổi, khả năng lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt. Đồng thời, họ phải là những người kiên định với mục tiêu và không bao giờ phản bội những giá trị đạo đức nền tảng của họ cũng như của nhà trường. Và dĩ nhiên, họ phải là những người có khả năng truyền cảm hứng và khơi gợi những gì tốt nhất trong người khác. Người học và chính sách Trước nay chúng ta thường xem người học là “sản phẩm” của quá trình giáo dục đào tạo ở nhà trường, một đối tượng tiếp nhận thụ động và có thể dễ dàng nhào nặn. Điều này đang thay đổi. Trong bối cảnh Việt Nam, chưa bao giờ người học có nhiều khả năng lựa chọn hơn hiện nay. Trước đây, khi cung không đủ cầu, vào ĐH là một cuộc cạnh tranh quyết liệt, và người học chỉ có thể dựa vào năng lực làm bài thi của mình để chọn trường thích hợp. Còn ngày nay, có đủ mọi thể loại: trường công, trường tư, trường có vốn nước ngoài, các chương trình liên kết... Ngay trong từng phân khúc, các trường cũng rất đa dạng, từ mức học phí, điều kiện, phương tiện vật chất cho dạy và học, chất lượng giảng viên, chương trình học, triết lý đào tạo, uy tín trên thị trường tuyển dụng... Vì thế, một mặt người học cần phải là “người tiêu dùng khôn ngoan”, học cách tìm kiếm, chọn lọc và đánh giá thông tin để có hiểu biết đúng đắn về những gì nhà trường thực sự có thể mang lại; mặt khác, họ cần tạo ra một áp lực buộc các trường phải hoạt động lành mạnh hơn. Cuộc “bỏ phiếu bằng chân” của người học sẽ giúp các trường tập trung vào những hoạt động thực sự là sứ mạng và là ý nghĩa tồn tại của họ, thay vì cho những nỗ lực chỉ nhằm vào bề ngoài. Chính sách hiển nhiên sẽ tạo điều kiện hoặc sẽ cản trở tiềm năng phát triển của các trường. Chúng ta hi vọng quy trình làm chính sách sẽ được cải thiện để bao gồm được tiếng nói của nhiều bên, đặc biệt là dựa trên dữ liệu nghiên cứu và qua quá trình phản biện của giới nghiên cứu độc lập. Hiện nay việc xây dựng những văn bản chính sách quan trọng như Luật giáo dục ĐH, nhất là những nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn chủ yếu dựa vào đội ngũ chuyên viên của bộ. Việc lấy ý kiến chủ yếu là thông qua công văn gửi đến các trường, tức là nhằm vào giới quản lý. Tất nhiên ý kiến của giới lãnh đạo cấp trường rất quan trọng, vì họ là người hiểu rõ nhất tác động thực tế của các chính sách, nhưng cần lưu ý là các trường sẽ góp ý theo hướng có lợi cho trường không chắc là lúc nào cũng có lợi cho người học và cho xã hội. Mặc dù chính sách có vai trò vô cùng quan trọng, một lần nữa chúng ta cần nhấn mạnh sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người học, trong việc định hình chính sách và cách xử sự của các trường. ■ Các nhà tuyển dụng là một bên rất quan trọng có lợi ích thiết thân với chất lượng đào tạo ĐH, nhưng cho đến nay, thật đáng tiếc là họ vẫn đóng một vai trò thụ động và hầu như không có tiếng nói gì đáng kể trong việc vận hành nhà trường. Lý do là vì, một mặt, các trường chưa thấy hết tầm quan trọng của họ, và chính sách vĩ mô chưa tạo ra những thiết chế khích lệ họ tham gia vào việc quản trị nhà trường cũng như xây dựng một quan hệ hai chiều giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Tuy thế giới việc làm có lợi ích gắn với chất lượng đào tạo của các trường, nhưng đối với từng doanh nghiệp thì quan hệ gắn bó lợi ích đó không trực tiếp, vì thế đến nay, theo một nghiên cứu do T&C Consulting thực hiện, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số hình thức hợp tác hạn chế với các trường, ví dụ trao học bổng cho sinh viên giỏi như một cách đầu tư để tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng cho họ. Tags: Đại họcGiáo dụcCải cách giáo dụcGiáo dục đại họcĐi họcCải cách đại học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.