Một liều hy vọng & những lời hứa suông

TỊNH ANH 03/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tiêm ngừa cho phần lớn dân số khi dịch bệnh vẫn đang tiến triển có nên là chuyện chỉ để nhà nước lo, hay cần có sự san sẻ từ nguồn lực tư nhân?

 
 Ảnh: Getty Images

Kể từ khi những mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên được tiêm, câu chuyện bất bình đẳng trong triển khai tiêm chủng giữa các nước đã được nhắc đi nhắc lại.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nguồn cung vắc xin COVID-19 toàn cầu dự báo sẽ thiếu hụt ngay trong năm nay, và người dân nhiều nơi trên thế giới có thể sẽ phải chờ đến 3 năm mới có thể được tiêm, trong khi virus không ngừng lây lan và biến đổi.

Mặc dù vấn đề tài chính phần nào được giải quyết nhờ cơ chế tài trợ vắc xin COVAX, có một thực tế không thể chối bỏ: rất nhiều quốc gia không có đủ nguồn lực công để đáp ứng “quy mô và tốc độ tiêm chủng chưa từng có tiền lệ” với vắc xin COVID-19, và vì thế sự tham gia của lĩnh vực tư nhân là cần thiết, theo WEF.

“Hãy để chúng tôi tham gia”

Vắc xin khó mua, triển khai quá chậm, còn lâu mới đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng là tình hình chung của nhiều quốc gia khắp thế giới trong đại dịch COVID-19. Ở nhiều nơi, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng họ cần được phép tham gia cùng chính phủ để cải thiện tốc độ và tính hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng.

“Đã đến lúc chính quyền [Thủ tướng Úc Scott] Morrison cho phép lĩnh vực tư nhân tham gia điều hành các chương trình tiêm ngừa COVID-19 để bảo vệ các ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế” - The Australian Financial Review ngày 29-6 dẫn lời Chris Ellison, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty khoáng sản Mineral Resources.

Nhà tỉ phú ngành khai mỏ này nhấn mạnh Mineral Resources có sẵn hệ thống các phòng khám ở bang Western Australia, vốn dành để kiểm tra sức khỏe công nhân làm việc tại 60 công ty khai khoáng và dầu khí trước khi họ ra hiện trường. Vì thế công ty có thể mua nhập và triển khai vắc xin ngay khi được chính phủ cho phép.

Đa số công nhân Mineral Resources chưa được tiêm ngừa COVID-19, trong khi biến thể Delta đã khiến dịch bùng trở lại tại một mỏ vàng do công ty khai thác. Ellison cho rằng cho phép lĩnh vực tư nhân nhập và tổ chức tiêm sẽ là cách tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai vắc xin ở Úc, khi tỉ lệ tiêm chủng đang kém xa một số nước. “Tôi đã thử xin cấp phép nhiều lần nhưng chính phủ liên bang vẫn ngăn không cho tư nhân tự nhập vắc xin” - Ellison nói.

Ellison cũng nhấn mạnh Mineral Resources sẽ không cạnh tranh, làm ảnh hưởng việc mua vắc xin của chính phủ, cũng như không đòi ưu đãi đặc quyền trong việc tiếp cận vắc xin, mà trái lại, còn góp thêm vào nguồn quỹ vắc xin cho chiến dịch tiêm quốc gia.

Chỉ 1 ngày sau đó, báo The Sydney Morning Herald dẫn lời trung tướng John Frewen, chỉ huy chiến dịch vắc xin COVID-19 của Úc, cho biết các ngân hàng, công ty khai thác mỏ lớn và các doanh nghiệp tư nhân khác sẽ được yêu cầu tiêm phòng cho nhân viên của họ vào cuối năm, góp phần tăng tốc độ triển khai vắc xin.

“Tôi biết trong cộng đồng doanh nghiệp, có nhiều lĩnh vực muốn tự tổ chức tiêm vắc xin nhưng hiện tại chưa được phép làm điều đó” - Frewen nói. Hiện tại Úc tiêm miễn phí vắc xin AstraZeneca và Pfizer thông qua mạng lưới các bệnh viện, phòng khám hô hấp công và bác sĩ gia đình.

 
 Ảnh: EPA-EFE

Một liều hy vọng của Philippines

Khởi động từ tháng 11-2020, A Dose of Hope (ADOH, Một liều hy vọng) là chương trình hợp tác 3 bên giữa liên minh tư nhân - chính quyền địa phương với chính phủ quốc gia và Hãng dược AstraZeneca, nhằm đảm bảo đủ vắc xin ngừa COVID-19 cho người Philippines.

Nhờ vào sáng kiến này, các công ty tư nhân đã đặt mua tổng cộng 5,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca. Lô hàng đầu tiên trong số này, với trên 1,15 triệu liều do 500 công ty và 1 số chính quyền địa phương cùng mua, đã về tới Philippines hôm 16-7.

Nhân dịp này, lãnh đạo ADOH, ông Joey Concepcion đề xuất giải pháp đạt miễn dịch cộng đồng quy mô nhỏ (micro-herd immunity) thông qua việc để tư nhân tiêm vắc xin cho người lao động tại các trung tâm mua sắm, văn phòng và các tòa nhà văn phòng nói chung.

“Tôi tin rằng nếu có thể tiêm ngừa cho 80% nhân viên hoặc hơn tại một tòa nhà thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng với nhóm nhân viên đó; đây là điều cần thiết để khôi phục kinh tế trong khi chờ miễn dịch cộng đồng toàn quốc” - Concepcion nói.

Với 5,5 triệu liều vắc xin, ADOH sẽ giúp hơn 2,7 triệu người trong lĩnh vực tư nhân được tiêm ngừa COVID-19. Lô hàng thứ 2 gồm 1,5 triệu liều AstraZeneca dự kiến về Philippines trong tháng 8 này, và số còn lại sẽ lần lượt nhập trong các tháng tiếp theo.

Concepcion, hiện là cố vấn về doanh nghiệp cho Chính phủ Philippines, nhấn mạnh mục tiêu của ADOH là để giúp chính phủ triển khai vắc xin nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. “Nếu để [tư nhân] tham gia, chúng tôi có thể tập trung tiêm phòng cho nhân viên của mình, trong khi các chính quyền địa phương lo cho bộ máy của họ, và chính phủ quốc gia lo cho những người còn lại - [những người] không có bảo hiểm. [Philippines] cần triển khai vắc xin nhanh chóng, và khu vực tư nhân giờ đã có thể làm điều đó cho nhân viên của mình với lô vắc xin đầu tiên từ AstraZeneca này” - ông nói.

 
 Chích ngừa dịch vụ ở Ấn Độ. Ảnh: The Financial Express

Lựa chọn của người dân: miễn phí

Một liều hy vọng có vẻ thực sự mang lại hy vọng ở Philippines. Còn tại Ấn Độ, chương trình cho tư nhân cùng mua và triển khai vắc xin, cuối cùng phải đảo ngược vì những phát sinh ngoài dự kiến.

Tờ Hindustan Times ngày 23-7 tóm tắt các giai đoạn của chính sách tiêm chủng ở Ấn như sau. Đầu tiên, chỉ có nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu, người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền được tiêm. Vắc xin do chính phủ huy động và cung ứng cho các bang (tiêm miễn phí) và trung tâm tiêm chủng tư nhân (có phí). Từ ngày 1-4, đối tượng tiêm chủng mở sang người trên 45 tuổi, chuyện mua và phân bổ không đổi.

Từ ngày 1-5, Ấn bắt đầu tiêm cho người trên 18 tuổi, dù nguồn vắc xin vẫn thiếu trước hụt sau. Chính sách lúc này thay đổi: các bang được đặt mua 25% vắc xin sản xuất nội địa, các bệnh viện tư mua 25% và 50% còn lại sẽ do chính phủ mua.

Chuyện phân chia này diễn ra được 1,5 tháng với đủ vấn đề rối ren - cung không có trong khi cầu tăng mạnh, các bang và bệnh viện nhỏ gặp vấn đề về quản lý kinh phí, mua sắm và hậu cần vắc xin, các hệ thống bệnh viện lớn với đa số cơ sở ở thành thị gom mua, gây bất công cho vùng nông thôn...

Cuối cùng, từ ngày 21-6, chính phủ sửa chính sách thêm lần nữa: trung ương nhận 75% lượng vắc xin có thể mua và triển khai miễn phí, còn lĩnh vực tư nhân mua và tiêm có thu phí với 25% nguồn hàng còn lại.

Giá chích dịch vụ bị áp trần không quá 150 rupee (khoảng 46.000 đồng) so với giá trả cho nhà sản xuất. Các bệnh viện tư phải đặt hàng thông qua chính quyền bang. Giá (chưa tính phí) của 2 vắc xin sản xuất và sử dụng nội địa ở Ấn là Covishield (600 rupee) và Covaxin (1.200 rupee).

Tính đến ngày 14-7, Ấn đã chích được 39,1 triệu liều, với tốc độ 3-4 triệu mũi tiêm/ngày. Con số kỳ vọng là 5-6 triệu mũi/ngày vẫn không đạt được dù có tư nhân tham gia như kỳ vọng của chính phủ. Nguyên nhân, theo các bệnh viện là do người dân vẫn thích chích miễn phí tại các điểm do chính phủ điều hành hơn, và chỉ có những người cần gấp hoặc sẵn sàng chi tiền mới tiêm dịch vụ.

Chẳng hạn, theo The Hindu Businesss Line, bang Andhra Pradesh được cấp 3,5 triệu liều cho các bệnh viện tư nhân kể từ tháng 5, nhưng chỉ có 463.000 liều được sử dụng tính đến ngày 22-7. Tương tự, trong số 18,55 triệu liều được sử dụng ở bang Tamil Nadu, chỉ 5% là tiêm tại các bệnh viện tư.

Nhiều bang đã đề nghị sửa chính sách một lần nữa, chẳng hạn để tư nhân mua 10% thay vì 25% số vắc xin có thể cung cấp như hiện nay, hoặc chính phủ phải can thiệp để không lãng phí số vắc xin đã phân cho khu vực tư nhân nhưng triển khai quá chậm. Santanu Sen, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, cho rằng chính phủ nên đảm trách toàn bộ chuyện tiêm chủng thay vì để phần cho lĩnh vực tư nhân, vì “người dân đang bị thu phí cao tại các điểm tiêm chủng tư một cách vô lý”.

Tư nhân “hứa lèo”

Theo báo The Hindu ngày 25-7, bộ trưởng Công nghiệp và công thương Ấn Độ đã chỉ trích gay gắt lĩnh vực tư nhân vì từng hứa những điều bay bổng như giúp tiêm hàng chục mũi, mang vắc xin đến những nơi xa xôi nếu được tham gia cùng nhà nước, nhưng rốt cuộc không làm được. “Tôi vẫn nhớ quý vị từng tranh cãi và đòi mở cửa cho tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng với tôi như thế nào, để rồi giờ đây quý vị thậm chí còn không mua hết quota 25% vắc xin được giao” - Goyal nói. Ông bộ trưởng trấn an rằng chính phủ sẽ đảm bảo mọi người dân đều được tiêm miễn phí mà không cần sự tham gia của tư nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận