Mỹ: Làm sao tăng thuế nhà giàu được!

DANH ĐỨC 30/11/2011 01:11 GMT+7

TTCT - Một lần nữa, tiểu ban lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đặc trách cắt giảm thâm hụt ngân sách lại thất bại trong thương thảo cắt hay tăng những khoản gì. Tranh cãi không khoan nhượng ở chỗ một bên (Đảng Cộng hòa) nhất định “chớ đụng đến túi tiền nhà giàu”.

Bế tắc vì thuế nhà giàu!

Phóng to

Tổng thống Barack Obama rời phòng họp ở Nhà Trắng sau khi thông báo việc tiểu ban lưỡng đảng Quốc hội Mỹ ngày 21-11 không đạt được thỏa thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang - Ảnh: Reuters

Tiểu ban đặc biệt này gồm sáu nghị sĩ Thượng viện và sáu dân biểu Hạ viện, mỗi đảng ba người trong mỗi viện. Trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” (1) của nhà báo David Gregory hôm chủ nhật 20-11 vừa qua, đại diện Đảng Cộng hòa là nghị sĩ Jon Kyl và Đảng Dân chủ là nghị sĩ John Kerry đã cho thấy căng thẳng lập trường hai bên là không thể hòa giải được.

Nhà báo David Gregory bắt đầu cuộc đối thoại bằng một đề nghị: “Trở lại với các đạo luật miễn, giảm thuế thời ông Bush (2). Ngay cả những “ông trùm” chủ trương thâm thủng ngân sách như Alan Greenspan - nguyên sếp của Cục Dự trữ liên bang (FED), (tỉ phú) Michael Bloomberg - nay là thị trưởng New York, hay Peter Orszag - người đang đứng đầu cơ quan ngân sách của chính quyền này, đều nói: Thôi hãy để đạo luật đó hết hạn luôn đi cho rồi để mọi người cùng được nhờ, cả người giàu lẫn người trung lưu. Nếu quý vị muốn thật sự giảm thâm thủng, hãy để cho đạo luật đó của ông Bush hết hạn luôn! Đảng Cộng hòa nghĩ gì về thuế? Đó mới chính là trung tâm của vấn đề”.

Giảm thuế cho người giàu để tăng trưởng kinh tế

Thuế suất đánh vào 400 người có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã giảm từ 30% vào năm 1995 xuống còn 18% vào năm 2008, theo Forbes ngày 17-10-2011

Ngay khi bắt đầu nhậm chức, ông Bush đã đề xướng và phê chuẩn một đạo luật miễn giảm thuế trong vòng 10 năm, lên đến 1.350 tỉ USD, để kích thích kinh tế. Chủ tịch FED giải thích: “Giữ cho lãi suất thấp đi lâu dài tức là làm giảm chi phí vốn, và qua đó làm tăng đầu tư tư nhân”. Tất nhiên người hưởng lợi nhiều nhất từ đạo luật này là người giàu và thu nhập trung bình - cao.

Ác hơn nữa, ông Bush “đá văng” chính sách EITC (cho vay tín dụng bù cho việc đóng thuế thu nhập) của người tiền nhiệm Clinton, mà trong thực tế đồng nghĩa với miễn thuế cho hàng triệu người thu nhập thấp (3). Cơ chế bầu cử tổng thống qua các “đại cử tri” chứ không phải do phiếu bầu trực tiếp cho phép ông Bush bất cần sự ủng hộ của giới bình dân. Bằng cớ là trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2000 trước đó, số phiếu bầu trực tiếp của ông Bush thua ông Al Gore, song ông Bush lại đắc cử nhờ có được nhiều phiếu “đại cử tri” hơn.

Nay đạo luật này sắp hết hạn vào cuối năm 2011, Đảng Dân chủ muốn Đảng Cộng hòa không gia hạn đạo luật đó dưới bất cứ hình thức nào, thậm chí đòi nâng mức thuế “đỉnh” lên 39%!

Nghị sĩ Jon Kyl giãi bày lý do tại sao Đảng Cộng hòa nhất định đòi gia hạn đạo luật trên: “Nếu thật sự muốn nghiêm túc cắt giảm ngân sách, đất nước này phải tăng trưởng kinh tế để đưa dân chúng trở lại với công ăn việc làm. Từ đó mới tạo ra của cải để đánh thuế. Không theo cách này, chúng ta sẽ không thu thuế gì được. Chúng ta cần tăng trưởng, và không thể nào tăng trưởng được một khi tăng thuế ngay giữa lúc kinh tế suy thoái. Tăng thuế thì làm sao tạo ra công ăn việc làm được?”.

Nghị sĩ Jon Kyl kết thúc phát biểu của mình bằng một câu mỉa mai: “Ở giữa Washington này có một nhóm người nhất định không cắt giảm ngân sách lấy một đồng, trừ phi chúng tôi tăng thuế lên!”.

Trong những tranh luận nghị trường, Đảng Cộng hòa vốn trung thành với lợi ích của người giàu muốn đưa mức thuế thu nhập “đỉnh” từ 35% xuống còn 28%, ngược lại đòi nâng hạn tuổi để được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí (Medicare) từ 65 hiện nay lên 67... để giảm chi ngân sách. Tất nhiên đảng này cũng vuốt giận dân chúng bằng cách đề nghị giảm thuế thu nhập cho mọi gia đình (4), dù thực tế nhà giàu vẫn hưởng lợi cao hơn.

Về phần mình, nghị sĩ John Kerry phát biểu cho thấy Đảng Dân chủ cũng muốn nhượng bộ đôi chút để đi đến một thỏa thuận ngân sách, tránh phải “vay nóng” ngân khố mỗi USD phải trả 36 xu tiền lãi (5). Ông nói: “Tháng 12 tới chúng ta sẽ cải cách thuế cho doanh nghiệp. Sẽ có thể hạ thuế doanh nghiệp. Chúng ta có thể thổi lên những làn gió sáng kiến nhằm tạo ra công ăn việc làm, chứ không chỉ là gia hạn đạo luật giảm thuế thời ông Bush”.

Nhà giàu nào đòi đóng thêm thuế?

Trong bối cảnh đó, một số nhà giàu không thiên về đảng nào lên tiếng đòi được đóng thuế cao hơn. Đứng đầu là tỉ phú Warren Buffett. Từ tháng 9, ông này đã đề nghị tập trung đánh thuế nơi 50.000 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn cùng các nhà đầu tư tài chính. Thật ra, số tỉ phú tán thành đề nghị của ông Buffett khá hiếm: chỉ 8 trong số 400 người đứng đầu danh sách các nhà giàu của báo tài chính Forbes cho biết họ đồng tình. Đó là các tỉ phú John Arnold, Mark Cuban, Leon Cooperman, Herbert Simon, James Simons, George Soros, Todd Wagner và Warren Buffett.

Thành ra trong một trả lời phỏng vấn tuần trước, ông Buffett lên án giới nhà giàu: “Họ luôn bảo rằng cho chúng tôi thêm tiền (thuế), chúng tôi sẽ tiêu tiền nhiều hơn và điều đó sẽ nhểu xuống cho mỗi người. 10 năm đã trôi qua rồi (kể từ đạo luật giảm thuế của ông Bush), song hứa hẹn này đâu có thành hình. Tôi muốn công chúng Mỹ nhận chân điều đó”.

Tuần trước, ông Buffett gửi thư cho dân biểu Tim Huelskamp cung cấp vài số liệu thuế của mình trong năm 2010: thu nhập trước thuế là 62.855.038 USD, thu nhập chịu thuế là 39.814.784 USD, thuế thu nhập liên bang là 6.923.494 USD, tức thuế suất trung bình 17,4%.

Trước đó, trong một bài trên mục “ý kiến” của tờ New York Times 14-8, ông đã gây sốc khi so sánh thấy thuế suất trung bình của 20 người trong văn phòng của ông cao hơn ông nhiều, từ 33-41%. Trong thực tế, theo Forbes ngày 17-10-2011, thuế suất đánh vào 400 người có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã giảm từ 30% vào năm 1995 xuống còn 18% vào năm 2008. Không lấy làm lạ khi tờ báo này kết luận: đánh thuế người giàu không hề là mục tiêu dễ dàng!

Chưa hết, trước khi rời Nhà Trắng, ông Bush đã “cứu” giới đầu tư (và đầu cơ) tài chính bằng một gói giải cứu lên đến 700 tỉ USD, trong khi đó giáo sư Tobin, giải Nobel kinh tế 1981, từng đề xuất đánh thuế lên chính các thương vụ tài chính này. Ở đâu đó cũng nhao nhao “cứu chứng khoán”. Đó là lý do khiến một tỉ phú hàng đầu như ông Warren Buffett bất bình. Và phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” có xuống đường cũng đâu có làm “ô danh” Chính phủ Mỹ, trái lại.

__________

(1) http://thepage.time.com/2011/11/20/transcript-meet-the-press-2/#ixzz1eL6r9U9D
(2) Đó là các đạo luật: “Economic Growth and Tax Relief Reconciliation Act of 2001” (EGTRRA) và “Jobs and Growth Tax Relief Reconciliation Act of 2003” (JGTRRA)
(3) The Bush economic legacy: The U.S.'s decade of descent, Joseph Lazzaro
(4) “Supercommittee, supercollider”, The Economist, Nov 21st 2011
(5) Panel set to fail to cut deficit $1.2 trillion, Associated Press/ November 21, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận