Myanmar hồi sinh

TỔNG THỐNG MYANMAR THEIN SEIN 19/12/2012 04:12 GMT+7

TTCT - Chỉ ít lâu sau khi tự cởi trói và được tháo gỡ cấm vận, Myanmar đã đề ra mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới với giá bán không phải là “bèo”. Đây là kết quả của quá trình “cởi trói” mọi mặt của đất nước này.

Phóng to
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6-12 tại Yangon với tư cách lãnh đạo của phái bộ điều tra việc giải tán bằng vũ lực vụ phản kháng ở mỏ đồng Letpadaung - Ảnh: Reuters

Hôm thứ tư tuần trước, Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) loan báo năm 2013 Myanmar sẽ xuất khẩu được 100.000 tấn gạo, một con số lẻ so với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thế nhưng, vấn đề đầu tiên cần lưu ý là gạo mà Myanmar đang bán có chất lượng ra sao và bán với giá nào? Câu trả lời từ phía MRF: “Chất lượng gạo của chúng ta nay có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Gạo của chúng ta cao giá hơn gạo của Ấn Độ và Pakistan, chỉ thua gạo của Thái Lan”.

Theo MRF, gạo Myanmar đang xuất ở giá 500-510 USD/tấn, so với 560-570 USD của Thái Lan, 440-450 USD của Pakistan và 430-440 USD của Ấn Độ. Trong khi đó, giá gạo bình quân 11 tháng năm nay của Việt Nam là 445,56 USD/tấn (1). Khoảng cách 50 USD/tấn giữa giá gạo của Myanmar và của Việt Nam là khá lớn, những 10%.

Sẽ giành lại vị trí số 1 trong vòng ba năm

“Bà ấy (Aung San Suu Kyi) trước kia ở vị trí đối lập, song nay là một đồng sự. Chúng tôi cùng làm việc cho đất nước”

100.000 tấn gạo xuất khẩu cho năm 2013, đây mới chỉ là khúc dạo đầu của sự khôi phục vị trí nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới của Myanmar trong những năm 1960. Lịch trình đề ra cho sự trở lại này chỉ kéo dài “trong vòng ba năm mà thôi, nếu như mọi việc tốt đẹp” theo kế hoạch được vạch ra từ tháng 8 năm nay của Bộ trưởng kế hoạch và phát triển kinh tế Tin Thein (2).

“Việc tốt đẹp” mà ông Tin Thein mong chờ chính là việc Mỹ tháo gỡ các lệnh cấm vận đất nước ông đã gánh chịu từ mấy mươi năm qua. Trong thực tế, lệnh cấm vận của Mỹ nơi Myanmar nhiều như cả một cánh rừng, nên việc tháo gỡ phải lần hồi. Chính Cơ quan Nghiên cứu phục vụ Quốc hội Mỹ còn mô tả như sau: “Cho dù các lệnh tháo gỡ của tổng thống có cho phép tạm thời ngưng các biện pháp trừng phạt, song việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện tại có lẽ sẽ còn phức tạp hơn nữa do sự chồng lấn của các điều khoản luật liên quan đến chế độ trừng phạt hiện hành” (3).

Nhìn lại những lần tháo gỡ trong năm nay sẽ thấy đúng là cả một rừng lệnh cấm vận: tháng 5, tháo gỡ lệnh cấm đầu tư (song vẫn còn cấm một số lĩnh vực); tháng 6, tháo gỡ tiếp một số lệnh cấm vận đầu tư; tháng 9 tháo gỡ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa, tháo gỡ lệnh cấm sử dụng thẻ tín dụng của Mỹ tại Myanmar...

Tất nhiên, việc tháo gỡ lệnh cấm vận là tối cần thiết trong việc xuất khẩu, song để giành lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới sẽ đòi hỏi Myanmar có nhiều nỗ lực vượt bậc trong canh tác, cơ bản là giống chất lượng cao và phân bón. Myanmar đang trải thảm mời các hãng giống cây trồng hàng đầu thế giới như DuPont Pioneer vào đầu tư, song song với việc khởi công xây hàng loạt nhà máy xay lúa.

Tự cởi trói

Tất nhiên, việc tháo gỡ cấm vận chỉ có được sau khi Myanmar “tự cởi trói” sau xấp xỉ nửa thế kỷ dưới ách quân phiệt. Còn nhớ vào đầu thập niên 1960, cả thế giới đều biết tiếng một chính khách người Miến Điện (Myanmar, theo cách gọi cũ ở Sài Gòn) tên U Thant, được cả Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu làm tổng thư ký để lèo lái con tàu Liên Hiệp Quốc đang trong cuộc đối đầu kịch liệt giữa Mỹ và Liên Xô qua vụ khủng hoảng tên lửa Cuba và bức tường Berlin... Ấy thế mà chỉ ba tháng sau, Myanmar lại rơi vào họa độc tài bởi cuộc đảo chính của tướng Ne Win.

Đến tháng 5-1990 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cao độ, một cuộc bầu cử đã được tổ chức và Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi với 80% số ghế quốc hội, song cánh quân đội vẫn không chịu chuyển giao quyền hành. Mãi đến năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tháng 8-2007 sau khi giá xăng dầu tăng vọt, sau cơn bão Nargis tháng 5-2008 tàn phá vựa lúa Irrawaddy khiến 200.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại lên đến 10 tỉ USD, cánh quân đội “bó tay” trước tai ương phải chịu mở cửa nhận cứu tế từ Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các nước.

Sau thiên tai Nargis, cánh quân đội mới chịu sửa đổi hiến pháp, để rồi sang năm 2010 tổ chức tổng tuyển cử và cuối cùng quyết định tự giải tán vào tháng 3-2011. Tháng 2-2011, ông Thein Sein được quốc hội bầu lên làm tổng thống. Cho dù là một tướng giải ngũ, song ông Thein Sein vẫn tiếp tục tiến trình “cởi trói” đất nước. Trong cuộc bầu cử ngày 1-4 năm nay, Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành 43/45 ghế quốc hội được đưa ra bỏ phiếu. Tuy vậy, vẫn còn đến 25% số ghế trong hai viện quốc hội là “đương nhiên” của quân đội. Trong bối cảnh đó, diễn biến chính trường Myanmar tùy thuộc vào sự sáng suốt của ông Thein Sein và cả sự thức thời của cánh quân đội.

“De Klerk và Mandela" của Myanmar

Cuối tháng 9 năm nay, ông Thein Sein quả quyết sẽ không chống lại việc bà Aung San Suu Kyi thế chỗ ông (vào năm 2015, năm bầu tổng thống), nếu như đó là ý nguyện của dân chúng, song ông không thể tự tay sửa đổi hiến pháp được để cho bà ra ứng cử và lên nắm quyền. Số là theo bản hiến pháp “dân chủ trong kỷ luật” năm 2008, bà Aung San Suu Kyi vẫn còn bị cấm giữ chức tổng thống (Quốc hội Myanmar mới chỉ bỏ phiếu cho bà và đảng của bà ra tranh cử quốc hội). Để sửa đổi hiến pháp theo chiều hướng đó sẽ cần đến sự đồng ý của cánh quân đội đang giữ 1/4 số ghế đại biểu. Về vấn đề này, cựu bộ trưởng quốc phòng, tướng Hla Min, cho biết quân đội sẽ giảm vai trò đại biểu của mình trong quốc hội “khi đến lúc”.

Trong khi chờ đợi, vẫn có thể thấy thiện chí của ông Thein Sein: hôm thứ bảy tuần rồi, Chính phủ Myanmar đã bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi cầm đầu phái bộ điều tra việc giải tán bằng vũ lực vụ phản kháng ở mỏ đồng Letpadaung ở tây bắc Myanmar. Phái bộ này cũng sẽ góp ý với chính phủ xem liệu có thể tiếp tục dự án này hay không (4). Vấn đề ở chỗ dự án mỏ đồng này vốn là một dự án liên doanh giữa Tập đoàn Union of Myanmar Economic Holdings Ltd. (UMEH) do quân đội làm chủ với Wan Bao, một công ty con của Tập đoàn sản xuất vũ khí Norinco của Trung Quốc, và dân địa phương phản đối việc giải tỏa 3.200ha đất và di dời họ đi nơi khác.

Nếu biết rằng vốn ban đầu của Tập đoàn UMEH khi được Bộ Quốc phòng Myanmar khai sinh vào tháng 2-1990 đã lên đến 1,6 tỉ USD thì sẽ thấy lợi ích của cánh quân đội lớn đến đâu. Không dễ gì buộc cánh quân đội bỏ ngay những đặc quyền, đặc lợi của mình, nên việc ông Thein Sein đứng ra xin lỗi sự cố ở mỏ Letpadaung rồi nhờ bà Aung San Suu Kyi điều tra và tư vấn, có thể được xem như một động thái nhằm “giải tỏa” lần hồi thế lực và lợi ích của quân đội.

Báo chí Myanmar và quốc tế không ngớt so sánh sự hợp tác giữa ông Thein Sein và bà Aung San Su Kyi với sự cộng tác giữa tổng thống cuối cùng của chế độ apartheid ở Nam Phi là ông Frederick De Klerk với lãnh đạo phong trào ANC Nelson Mandela trong giai đoạn kết liễu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Cơ duyên nào đã khiến ông Thein Sein nay cộng tác với bà Aung San Suu Kyi? Đó chính là lòng yêu nước như chính ông thừa nhận: “Bà ấy trước kia ở vị trí đối lập, song nay là một đồng sự. Chúng tôi cùng làm việc cho đất nước”.

____________

(1) http://www.bernama.com/bernama/v6/newsworld.php?id=714092
(2) Burma looking to become world s No 1 rice exporter, Friday, 10 August, Mizzima News
(3)
http://www.networkmyanmar.org/sanctions
(4) http://articles.washingtonpost.com/2012-12-01/business/35585606_1_buddhist-monks-suu-kyi-yangon

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận