NATO: Lịch sử một tổ chức quân sự

YÊN BA 26/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Để hiểu được cuộc xung đột ở Ukraine hiện tại, không thể không nhìn lại một lịch sử rất dài, ít ra là từ những ngày ngay sau cuộc chiến lớn gần nhất ở châu Âu.

Ngày 5-3-1946, trong bài phát biểu tại Đại học Westminster, bang Missouri, Mỹ, Thủ tướng Anh Winston Churchill, người kiên định sự nghi kỵ không giới hạn với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (ngược lại cũng thế), tuyên bố: “Từ Stettin ở Baltic tới Trieste ở Adriatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa”.

Bức điện hơn 5.500 chữ và học thuyết ngăn chặn

Trước đó một tháng, tháng 2-1946, Bộ Tài chính Mỹ điện hỏi sứ quán nước này tại Matxcơva lý do Liên Xô chống lại việc thành lập Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đại sứ Mỹ tại Liên Xô khi ấy Averell Harriman đang về nước nghỉ phép nên George Kennan, một viên chức ở sứ quán, trả lời thay. 

Kennan gửi về một bức điện dài 5.542 chữ nêu ra những biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô trên trường quốc tế. Bức điện được đệ trình lên tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman, rồi trở thành cơ sở để hình thành học thuyết Truman, theo đó Mỹ nên dùng mọi sức mạnh có thể có để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của Liên Xô. 

 
 Việc mở rộng NATO là một trong những vướng mắc lớn nhất của quan hệ Nga - Mỹ suốt thời gian ông Putin cầm quyền, trải 5 đời tổng thống Mỹ. Ảnh: The New York Times

Học thuyết này, còn được gọi là học thuyết ngăn chặn, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ tiến trình chiến tranh lạnh.

Tháng 6-1947, tại ngôi trường danh tiếng Hardvard, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ George Marshall công bố kế hoạch viện trợ của Mỹ để tái thiết tất cả các quốc gia châu Âu, bao gồm Liên Xô. 

Nhưng Matxcơva từ chối tham gia, nên 16 nước nước châu Âu lập ra một cơ chế để điều hành nhận viện trợ từ Mỹ, gọi là Ủy ban Hợp tác kinh tế châu Âu, sau đổi thành Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC).

Từ tháng 6-1948 đến tháng 5-1949, do các nước đồng minh đơn phương tiến hành cải cách tiền tệ ở Tây Đức và Tây Berlin, các lực lượng Liên Xô ở Đông Đức quyết định phong tỏa Berlin lần thứ nhất, ngăn chặn mọi tiếp tế bằng đường bộ đến khu Tây Berlin do ba nước Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát. 

Các nước này phải lập cầu hàng không cho khu vực Tây Berlin, trong 10 tháng, họ thực hiện gần 200.000 chuyến bay, vận chuyển 1,5 triệu tấn lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cho khu vực này. Phong tỏa Berlin lần một kết thúc, nhưng đối đầu giữa Liên Xô với các đồng minh cũ trong Thế chiến II là điều khó tránh khỏi.

Trong Thế chiến II, chính phủ lưu vong của ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg ký tại London vào tháng 9-1944 hiệp ước thành lập Liên minh thuế quan Benelux (lấy các chữ cái đầu trong tên ba nước bằng tiếng Anh). Rồi năm 1947 ở Dunkirk, để kỷ niệm cuộc rút quân quy mô khổng lồ thành công thời chiến trước quân Đức, hai nước Anh và Pháp ký hiệp ước quốc phòng song phương.

Trên cơ sở hai hiệp định đó, và trong nỗi sợ Liên Xô sau chiến tranh lớn dần, ngày 17-3-1948, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxemburg ký Hiệp ước Brussels. Mục tiêu ban đầu của hiệp ước là một liên minh quân sự để đối phó với mối đe dọa nước Đức có thể hồi phục sau chiến tranh và chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng trên thế giới. 

Các nước tham gia Hiệp ước Brussels có nguồn lực quân sự khá hạn chế, nhưng trong hiệp ước có một điều khoản phòng thủ chung, cung cấp cơ sở cho việc mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ ở bên kia đại dương.

NATO, “cây gậy” và “củ cà rốt”

Cùng thời gian đó ở Mỹ, Tổng thống Truman bàn với thượng nghị sĩ Athur Vandenberg, thủ lĩnh phe Cộng hòa trong Thượng viện, về ý tưởng huấn luyện các đơn vị tổng hợp và chọn lọc cho quân đội Mỹ. 

Ông Vandenberg đề xuất cần có các tổ chức quân sự khu vực để hỗ trợ triển khai viện trợ của Mỹ ở nước ngoài trong kế hoạch Marshall. Kết hợp lại, ông đi tới ý tưởng ký một hiệp ước quân sự giữa Mỹ với các nước Tây Âu, tạo ra đối trọng về mặt quân sự với kế hoạch Marshall về kinh tế.

Ngày 4-4-1949, dưới danh nghĩa “anh cả” trong cuộc Thế chiến, Mỹ “triệu tập” đại diện 10 nước châu Âu - gồm 5 nước tham gia Hiệp ước Brussels cùng Bồ Đào Nha, Ý, Na Uy, Đan Mạch và Iceland, ở Bắc Mỹ có thêm Canada, thống nhất ký với Mỹ văn bản hình thành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ban đầu có 12 thành viên.

Sự ra đời của NATO được người Mỹ cho là rất đúng lúc khi ngày 29-8-1949, sau những chiến dịch điệp báo tinh vi ở Mỹ, các nhà khoa học Liên Xô dưới sự lãnh đạo của viện sĩ Igor Kurchatov đã chế tạo và cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của nước này tại bãi thử Semipalatinsk, chấm dứt độc quyền nguyên tử của Mỹ.

Điều khoản then chốt trong hiệp ước hình thành NATO là điều 5 - có thể ví von là phỏng theo tinh thần của các chàng ngự lâm quân trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Điều 5 này tuyên bố “một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên hoặc hơn” của liên minh đồng nghĩa “nhằm vào tất cả” - và do vậy, tất cả sẽ cùng chống lại (điều ước phòng thủ tập thể).

Hoài thai và sinh thành một phần dựa trên nỗi sợ Liên Xô, nên giai đoạn đầu, NATO căn bản là một tổ chức phòng thủ. 

80% quân số của tổ chức do các nước Tây Âu cung cấp được bố trí ở châu Âu (riêng Iceland không có quân đội riêng nên lực lượng Mỹ đóng tại Iceland nắm luôn vai trò phòng vệ cho nước này), Mỹ chủ yếu lo trang bị vũ khí, thiết bị quân sự và quan trọng nhất: tiền. Đúng theo luật “ai trả tiền người đó có quyền đặt nhạc”, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, NATO về cơ bản là nhảy theo nhạc của Mỹ.

Ra đời được ba năm thì NATO bắt đầu mở rộng lần thứ nhất: cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy vẫn còn hữu hảo, cùng gia nhập NATO vào tháng 2-1952 để nối dài vành đai bảo vệ về phía nam châu Âu, đồng thời đe dọa Liên Xô từ phía nam nước này.

Năm 1945, nước Đức bại trận bị chia hai, một vùng do ba nước phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp chiếm giữ, bên kia do Liên Xô kiểm soát. Năm 1949, Mỹ, Anh, Pháp thống nhất những vùng họ kiểm soát thành nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức); cùng năm, Liên Xô đáp trả, hình thành nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).

Ngày 5-5-1955, các lực lượng vũ trang Mỹ, Anh, Pháp chấm dứt chiếm đóng và Tây Đức trở thành quốc gia độc lập. 4 ngày sau, bất chấp sự e dè của Pháp nhưng được Mỹ ủng hộ, Tây Đức gia nhập NATO (đến năm 1990, tư cách thành viên NATO của Tây Đức được chuyển cho nước Đức thống nhất).

Việc Tây Đức trở thành thành viên chính thức của NATO ngày 9-5-1955 gây ra phản ứng cấp kỳ từ Liên Xô: ngày 14-5-1955, Liên Xô thành lập Tổ chức Hiệp ước Warszawa gồm Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Albania và Đông Đức (năm 1961, Albania rút lui do bất đồng với Liên Xô và các thành viên còn lại).

Từ đó, đối đầu giữa hai khối quân sự NATO và Warszawa trở thành xương sống chủ đạo chi phối đời sống chính trị quốc tế suốt chiến tranh lạnh. 

Trong hai thập niên 1950-1960, tùy theo tình hình, NATO sử dụng chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt” để duy trì sức mạnh đối trọng với khối Warszawa. Tuy nhiên, Liên Xô không phải là con thỏ nên “củ cà rốt” của NATO thường không mấy tác dụng, trong khi “cây gậy” lại không đủ mạnh để Liên Xô e sợ. 

Bằng chứng là Liên Xô, dưới danh nghĩa Hiệp ước Warszawa, đã hai lần sử dụng quân đội can thiệp vào Hungary năm 1957 và Tiệp Khắc năm 1968 để duy trì chính quyền cộng sản, trong khi NATO trơ mắt đứng nhìn.

Bên phía NATO cũng có chia rẽ. Trở thành tổng thống vào đầu năm 1959, Charles De Gaulle đưa nước Pháp theo con đường độc lập và rút lực lượng Pháp khỏi Hạm đội Địa Trung Hải của NATO. Trong hai cuộc khủng hoảng Berlin và tên lửa Cuba sau đó, Pháp không có lập trường cứng rắn như Anh và Mỹ. 

Đến năm 1966, Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO (tuy vẫn ở trong NATO), đến tận năm 2009 mới quay lại làm thành viên đầy đủ dưới thời Tổng thống Nikolas Sarkozy.

 
 Các mốc thời gian mở rộng NATO ở châu Âu. Ảnh: Statista

Cuộc đông tiến

Sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của khối Hiệp ước Warszawa vào năm 1991 bất thần để lại một khoảng trống mênh mông dưới chân NATO. Cả một khối liên minh quân sự đối trọng bấy lâu nay đột nhiên biến mất. 

Nước Nga kế thừa Liên Xô cũ run rẩy trên nền kinh tế hoang tàn như một nước thuộc thế giới thứ ba, chính trị hỗn loạn và một quân đội trang bị vũ khí thông thường lạc hậu, chậm tiến so với đối thủ. Chỉ duy nhất có lực lượng vũ khí tiến công chiến lược tiếp tục được duy trì mới giúp nước Nga giữ lại đôi chút vị thế của một cường quốc.

Khi Nga tạm thời không còn đủ sức giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế ở ngay châu Âu, thời cơ của NATO đã tới. 

Ở Nam Tư, nhà lãnh đạo Josip Tito vào năm 1946 đã xây dựng một đất nước liên bang gồm 6 “nước cộng hòa” (Serbia, Croatia, Slovenia, Bosnia, Montenegro và Macedonia) và “hai tỉnh tự trị” (Kosovo và Vojvodina).

Suốt 34 năm sau đó, bất chấp những o ép của Liên Xô, Tito đã duy trì thành công một nhà nước liên bang Nam Tư theo chiều hướng trung lập và hòa hợp, trấn áp được mọi khuynh hướng quốc gia chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau cái chết của ông vào năm 1980, các khuynh hướng này bắt đầu trỗi dậy. 

Đến 1989, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Nam Tư lập tức rơi vào hỗn loạn. Các nước cộng hòa chia tách, đem quân đánh lẫn nhau và thực hiện nhiều vụ thảm sát, thanh lọc sắc tộc tàn bạo.

Ở Serbia, khu vực tỉnh tự trị Kosovo với đa số sắc dân là người Albania nổi lên đòi độc lập. Thoạt đầu, họ đấu tranh tương đối ôn hòa, nhưng rồi thành lập các đơn vị vũ trang để thực hiện mục tiêu của mình. Năm 1989, Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic ra lệnh tấn công quét sạch lực lượng vũ trang Kosovo. 

Mọi nỗ lực hòa giải quốc tế đều thất bại. Mỹ và NATO lên tiếng cảnh cáo Milosevic không được phép tiến hành các cuộc thảm sát dân thường, nhưng ông này phớt lờ. Vào thời điểm đó, hơn 800.000 người Kosovo bị ép buộc phải rời quê hương, hơn 10.000 người chết.

Tháng 3-1999, NATO với Mỹ dẫn đầu lần đầu tiên trong lịch sử, với tư cách là một liên minh phòng thủ, bắt đầu không kích dữ dội Serbia. 

Cuộc không kích kéo dài suốt 78 ngày đêm cuối cùng buộc Milosevic phải rút quân đội khỏi Kosovo. 50.000 quân NATO được cử đến Kosovo để giữ gìn hòa bình, trong khi một nghị quyết của LHQ do Nga hậu thuẫn vẫn coi Kosovo nằm trong thành phần Serbia.

Với Kosovo, NATO lần đầu “tự diễn biến”, thực hiện các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lãnh thổ một nước có chủ quyền và tự thiết lập luật chơi mới.

Cuộc không kích Serbia không phải là điểm mới duy nhất của NATO sau khi Liên Xô: tổ chức quân sự này cũng đã kết nạp hàng loạt thành viên mới và không ngừng mở rộng về phía đông.

Sau lần kết nạp thêm Tây Ban Nha vào tháng 5-1982, đến tháng 3-1999, NATO tiến hành đợt kết nạp đầu tiên các nước Đông Âu: Ba Lan, CH Czech (tách ra từ Tiệp Khắc) và Hungary; năm 2004, đến lượt Bulgaria, Romania, Slovakia (tách ra từ Tiệp Khắc), Slovenia (thuộc Nam Tư cũ) và đặc biệt là ba nước cộng hòa Baltic là Estonia, Latvia, Litva. Địa giới của NATO vậy là đã chạm vào địa giới nước Nga!

Từ 2009 đến 2020, NATO kết nạp thêm Croatia, Albania, Montenegro và Bắc Macedonia, hình thành một NATO với 30 thành viên, gấp đôi so với thời điểm năm 1955. Toàn bộ các thành viên mới kết nạp sau năm 1991 đều ở phía đông. 

Trong mắt giới lãnh đạo Nga, hành trình đông tiến đấy giống như câu chuyện cổ tích về một con sói lấn tới từng bước để rồi cuối cùng ngoạm cả con mồi là nước Nga. Lập luận của phía NATO là họ vẫn chỉ là một liên minh phòng thủ, và không một ai dám đe dọa an ninh nước Nga, siêu cường hạt nhân số một thế giới. Nhưng có vẻ như việc xây dựng lòng tin cuối cùng đã thất bại.

Tư duy chính trị cường quyền

Giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo NATO về cuộc “hành binh hướng đông” này, và coi Mỹ cũng như NATO phải chịu trách nhiệm chính trong mọi cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự vì các động thái mở rộng của họ.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một khi xuất hiện mối nguy cơ an ninh với nước Nga, dù chỉ ở dạng tiềm năng, thì việc của ông là phải dập tắt nguy cơ đó bằng mọi giá! 

Đó chính là tư duy chính trị cường quyền thường thấy các nước lớn, như giới lãnh đạo bành trướng Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979, như Mỹ năm 2003 cho quân đánh sập Iraq với lý do ngụy tạo “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Dù thích hay không, những cung cách tư duy cường quyền như thế vẫn tồn tại trong nền chính trị ngày nay.

Năm 2008, tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush (con) lần đầu tiên công khai ủng hộ ý tưởng hai nước cộng hòa cũ trong thành phần Liên Xô là Gruzia và Ukraine gia nhập NATO. 

Ngay trong năm 2008, cuộc chiến tranh chớp nhoáng Nga - Gruzia bùng nổ sau khi Gruzia mở cuộc tấn công vào khu vực ly khai Nam Ossetia được Nga hậu thuẫn. 

Chỉ sau 5 ngày giao tranh, Gruzia mất đứt hai vùng lãnh thổ là Nam Ossetia và Abkhazia, đồng thời cũng đánh mất luôn cơ hội gia nhập NATO bởi quy định của tổ chức này là chỉ kết nạp những quốc gia đang không có tranh chấp lãnh thổ!

Rồi những ngày đầu năm 2022, khi các đề xuất của Nga với phương Tây về việc đảm bảo bằng văn bản rằng NATO sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine bị phương Tây bác bỏ, ông Putin đã quyết định hành động…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận