Nghịch lý giữa hai kỳ thi

THƯ HIÊN 10/08/2012 19:08 GMT+7

TTCT - Kết quả thi ĐH, CĐ năm nay không còn gây xôn xao vì hàng nghìn bài thi điểm 0 môn lịch sử như năm ngoái. Song dư luận vẫn choáng váng vì nhiều học sinh vừa đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT lại không đạt nổi 5 điểm cho ba môn thi ĐH. Ở nhiều hội đồng tuyển sinh vẫn thấy la liệt điểm 0, điểm 1...


Phụ huynh thí sinh chờ con em trước cổng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong đợt thi ĐH lần 1-2012 - Ảnh: thuận thắng


Thi nghiêm túc, điểm đại học kém thê thảm

Trong suốt quá trình chuẩn bị thi cho đến khi diễn ra lần lượt ba đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, lãnh đạo Bộ GD-ĐT liên tục khẳng định đề thi năm nay nhẹ nhàng, phân hóa tốt, đề thi vẫn đảm bảo mục tiêu sàng lọc để tuyển chọn nhưng sẽ hạn chế tối đa thí sinh chỉ có 0-2 điểm/môn. Nói cách khác, thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT (đỗ tốt nghiệp) thì ít nhất cũng phải tránh được điểm liệt.


Chỉ đạt 2-3 điểm thì sức học quá kém

“Với đề thi năm nay, điểm thi ĐH dự kiến cao hơn năm trước, giúp nguồn tuyển của các trường dồi dào hơn, trường tuyển dễ hơn. Thí sinh đỗ ĐH cũng không quá chật vật. Thí sinh chỉ đạt 2-3 điểm/môn thì đồng nghĩa với sức học quá kém, không thể theo nổi chương trình ĐH”.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có tỉ lệ đỗ xấp xỉ 100%, trong đó tỉnh có tỉ lệ đỗ thấp nhất là 95% đã khiến nhiều người lạc quan khấp khởi tin điểm thi ĐH năm nay sẽ khác nhiều so với năm trước. Nhưng theo thống kê điểm thi tại nhiều trường ĐH, nhất là ở các trường khu vực phía Bắc, điểm thi nhiều môn thấp thê thảm.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh có hơn 2.600 thí sinh dự thi thì có đến hơn 1.000 thí sinh có điểm môn toán từ 0-1 điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gần 3.000 thí sinh dự thi khối C thì số thí sinh điểm 0-1 ở môn sử đã chiếm hơn 1/4 với hơn 800 em (trong đó điểm 0 hơn 180 em), nếu tính rộng ra số thí sinh môn thi này từ điểm 3 trở xuống thì con số lên đến gần 1.800 em. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có hơn 600 trường hợp điểm 1 trở xuống ở môn sử trong khoảng 3.900 thí sinh dự thi. Trường ĐH Nội vụ có hơn 2.400 thí sinh dự thi thì số điểm 1 trở xuống cho môn sử gần 900 em, số bị điểm 0 là hơn 140 em...

Cách đây vài năm, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) đã thử thống kê để so sánh tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp và tỉ lệ đỗ ĐH ở một số địa phương thì thấy một nghịch lý: nhiều nơi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, nhiều điểm khá giỏi nhưng đỗ ĐH lại rất ít, kết quả lẹt đẹt ở điểm kém. Những con số quá nhạy cảm này đã không được công bố vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cục diện này không được thay đổi khi tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần đều, ngày càng nhích lên gần với số 100%, nhưng ở nhiều nơi, kết quả thi ĐH của học sinh vẫn kém.

Khảo sát ở một số trường ĐH địa phương, hầu hết tuyển sinh thí sinh thường trú tại địa phương thì thấy rõ điều này. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (trường đóng tại Nam Định, địa phương luôn dẫn đầu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, năm 2012 xấp xỉ 100%) - số thí sinh chạm điểm sàn cũng rất thấp. Số liệu thống kê từ nhà trường cho thấy trong hơn 1.000 thí sinh dự thi chỉ có khoảng 200 em có tổng 10 điểm trở lên.

Phải đạt điểm 5 mới hợp lý

GS Đỗ Thanh Bình (khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: với môn lịch sử, đề thi tuyển sinh ĐH yêu cầu cao hơn đề thi tốt nghiệp. Vì thế, không phải thí sinh nào đạt điểm giỏi thi tốt nghiệp cũng có thể đạt điểm cao khi thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, đề thi có nhiều câu hỏi, độ khó khác nhau. “Với đề thi sử vào ĐH-CĐ năm nay, thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản, vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp thì chí ít cũng phải đạt điểm 5. Nếu chỉ được điểm 1-2, thậm chí điểm 0 thì vô lý quá” - ông nhận xét.

Thầy Đặng Quang Minh (giảng viên khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội đồng thời là giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Tất Thành) cho rằng đề thi môn sử năm nay “dễ nhất trong vòng năm năm trở lại đây”, nên “thi tốt nghiệp tỉ lệ đỗ chót vót, điểm thi sử tương đối cao, trong khi thi ĐH lẹt đẹt, nhiều điểm 0, điểm liệt thì quá dễ để tự hiểu kỳ thi tốt nghiệp THPT không thật sự nghiêm túc”.

Nhiều thầy cô giáo dạy toán ở bậc phổ thông cũng nhận xét với đề thi toán ĐH, học sinh trung bình vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cũng có thể làm được ít nhất 1-2 câu. Như vậy, việc nhiều thí sinh chỉ có điểm 0, điểm 1 trong kỳ thi ĐH cho thấy “nên xem lại việc đỗ tốt nghiệp”.

GS Văn Như Cương khi trao đổi về “nghịch lý điểm thi tốt nghiệp và ĐH” cũng cho rằng: việc hàng ngàn thí sinh bị điểm liệt môn toán đã đánh giá đúng thực lực của thí sinh. Điểm kém chứng tỏ thí sinh hổng kiến thức, không ôn luyện. “Cái khó hiểu ở đây là nhiều thí sinh đã thi đỗ tốt nghiệp, thậm chí đạt điểm cao môn toán ở kỳ thi tốt nghiệp nhưng lại bị điểm 0, điểm 1, điểm 2 ở kỳ thi ĐH. Đề thi ĐH dù khó hơn nhưng không quá khó đến mức xảy ra sự chênh lệch lớn về điểm số giữa hai kỳ thi như vậy”.



Không thực chất thì nên bỏ?

GS Văn Như Cương đưa ra một phép tính đơn giản: Cứ tính mức chi “giản dị” cho mỗi thí sinh (thi tốt nghiệp THPT) là 1.000 đồng thì kỳ thi này đã tốn 1 tỉ đồng. Chưa kể có rất nhiều khâu khác nhau liên quan đến coi thi, chấm thi, thanh tra... Một kỳ thi quá tốn kém như vậy kéo dài nhiều năm nhưng chưa có nghiên cứu nào để đong đếm xem hiệu quả của nó có tương xứng với số tiền bỏ ra không? “Thi mà nhìn thấy rõ là không thực chất thì không nên thi làm gì” - GS Văn Như Cương nhấn mạnh.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) khẳng định ngành giáo dục lâu nay chỉ coi trọng đánh giá tổng kết mà xem nhẹ đánh giá tiến trình, coi kỳ thi tốt nghiệp mang tính ăn thua nặng nề. “Hàng chục năm nay, chúng tôi đã đề nghị tốt nghiệp không nên xem là kỳ thi quốc gia. Tổ chức kỳ thi quốc gia là để đánh giá học sinh cùng trên một chuẩn chung. Song giáo dục hiện nay còn có sự chênh lệch giữa các tỉnh, các vùng. Thành ra khi đặt ra một tiêu chuẩn chung không thực hiện được, đã lại sinh ra những chính sách để cộng điểm cho tỉnh này, tỉnh kia. Vậy thì mục tiêu theo chuẩn quốc gia có đạt được đâu mà cố duy trì?” - ông nêu câu hỏi. 

Cách tốt nhất, theo GS Thiệp, là chuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho tỉnh đảm trách, với những tiêu chuẩn do bộ sẽ đặt ra, đúng như giá trị đơn giản của tấm bằng tốt nghiệp. “Những đề thi tốt nghiệp năm nay rất dễ, chứng tỏ nó nặng nề về cách tổ chức chứ không phải ở nội dung. Kỳ thi cồng kềnh không đáng rất dễ gây ra tâm lý ăn thua, dễ nảy sinh tiêu cực”.

GS Thiệp cũng cho hay lộ trình hướng đến hợp nhất một kỳ thi quốc gia thay cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH liên tiếp của bộ bị đóng băng mấy năm qua. “Lộ trình hướng đến việc giảm bớt các kỳ thi quốc gia là việc phải làm của ngành giáo dục. Song tôi cho rằng ý tưởng để phần lớn các trường ĐH chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là không khả thi, vì kết quả kỳ thi đó sẽ không còn khách quan, nhất định địa phương sẽ tìm cách can thiệp. Ở Việt Nam, điều đó dễ xảy ra lắm. Từng có thời ngành giáo dục xét tuyển ĐH thông qua học bạ, kết quả các tỉnh miền xa cao hơn nhiều ở Hà Nội vì người ta thay học bạ hết”.

“Tôi cho rằng vẫn cần một kỳ thi để dựa vào đó làm căn cứ xét tuyển ĐH, nhưng đó sẽ không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay. Đó sẽ là một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh cuối bậc phổ thông, có thể tổ chức nhiều lần, học sinh cuối lớp 11, đầu lớp 12 cũng có thể tham dự. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực của người học ở cuối bậc phổ thông, thí sinh chưa đạt trong đợt này có thể nâng cao năng lực để thi đợt sau” - GS Thiệp nói.

__________

Khi “thi” không kết nối được với “học”

“Với cách tổ chức các kỳ thi như vậy, mối liên hệ giữa thi và học rất lỏng lẻo” - ông Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trao đổi với TTCT.

Về kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng khó "gộp lại một giỏ" để đánh giá, so sánh hai kỳ thi - vốn có mục tiêu khác nhau, sử dụng đề thi khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh của cả hai kỳ thi đều là học sinh vừa học xong chương trình phổ thông.

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh: Thư hiên

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay của cả nước gần 98% và chỉ em nào đỗ tốt nghiệp mới đủ điều kiện dự thi tuyển sinh ĐH. Theo logic thông thường, tất cả thí sinh thi ĐH đều phải có học lực trung bình trở lên, lại có thêm một tháng để tiếp tục ôn tập, cũng chỉ phải thi ba môn thế mạnh của mình nên sẽ là bình thường nếu điểm bình quân/môn ở kỳ thi ĐH từng em "đẹp" hơn điểm bình quân/môn ở kỳ thi tốt nghiệp. Vấn đề là ngược lại, điểm thi ĐH nhìn chung rất thấp, điểm 1 điểm 2 rất nhiều, điểm 0 không ít. Tình trạng này kể từ khi thi "ba chung" tới giờ đều thấy rất rõ.

Cả hai kỳ thi đều có vấn đề

* Như vậy một trong hai kỳ thi có vấn đề, hoặc là cả hai? Hay đề thi ÐH khó quá chăng, thưa ông?

- Tôi tin vào sự nghiêm túc trong việc tổ chức thi tuyển sinh ĐH hiện nay cũng như đánh giá cao mức độ phù hợp với nội dung chương trình phổ thông của kỳ thi ĐH. Điểm thi thấp đơn giản là do mặt bằng trình độ học sinh phổ thông của ta thấp.

Kỳ thi tốt nghiệp thì thật sự có vấn đề. Tôi trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục (ông Nguyễn Tùng Lâm là hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - PV) và có nhiều bạn bè, đồng nghiệp đang hoạt động trong ngành giáo dục ở nhiều địa phương khác nhau nên tôi tin vụ tiêu cực thi cử như ở Đồi Ngô (Bắc Giang) không phải cá biệt. Hiện tượng giám thị lờ đi để học sinh ném bài, bảo bài nhau diễn ra ở nhiều nơi, chẳng qua những nơi đó "chưa bị lộ" thôi.

* Như Trường Ðinh Tiên Hoàng, nếu đánh giá đúng thì ông nghĩ khoảng bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp?

- Tôi đồ rằng chỉ khoảng 50%. So với mặt bằng chung toàn thành phố thì trường tôi thuộc diện trung bình và có những lớp, khi đánh giá cuối học kỳ hay cuối năm chỉ 10% học sinh đạt yêu cầu. Tôi vẫn phải chấp nhận tỉ lệ đó. Có thế các em mới chịu cố gắng học trong những học kỳ tiếp theo. Mình cứ "nống" điểm lên, làm sổ sách cho đẹp thì học sinh không chịu học, giáo viên cũng dạy qua loa cho xong chuyện.

* Nhưng rốt cuộc các em vẫn đỗ tốt nghiệp 99-100%?

- Chính vì thế mà tôi trăn trở, làm sao kết nối được chuyện thi và học, làm sao để thi cử, kiểm tra phản ánh đúng chất lượng dạy học, tác động tích cực trở lại quá trình dạy và học? Thi cử của chúng ta hiện đầy áp lực, đến mùa thi cả xã hội nháo nhào, người dân khổ sở, cả Nhà nước và phụ huynh tốn kém, nhưng mục tiêu cơ bản của thi cử lại không đạt được.

Tôi tin rằng cách đánh giá mà chúng ta đang làm nằm ngoài mong muốn của phụ huynh. Đại đa số người dân vẫn hướng tới một nền giáo dục chất lượng thật. Người ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền cho con học ở trường thu phí cao, thậm chí ra nước ngoài học là bởi họ muốn con em được hưởng chất lượng giáo dục thật. Nhưng chúng ta, cả người làm giáo dục và người dân, đang bị những tiêu cực của xã hội làm tha hóa những chuẩn mực.

Người ta nghĩ dù con mình không cố gắng nhưng bằng những mối quan hệ khác của người lớn, họ vẫn có thể bù vào cái khoảng trống đó. Chính vì sự lắt léo lách qua những chuẩn mực khiến học sinh không chịu học vẫn không thấy làm sao vì đằng nào mà chẳng lên lớp, học hết 12 năm đằng nào mà chẳng đỗ tốt nghiệp! Điều này rất nguy hiểm. Chúng ta sẽ có những thế hệ không tự tin vì không có năng lực thật, không sáng tạo, không ý chí và chỉ suốt đời làm nô lệ.

* Nhưng ông vừa khen kỳ thi ÐH...

- Khen khi đặt trong một tình huống cụ thể là việc tổ chức thi. Nhưng nếu đặt thi cử như một hoạt động tham gia cấu thành chất lượng giáo dục thì tôi chê. Tổ chức thi ĐH như hiện nay chẳng ích gì cho giáo dục con người toàn diện như chúng ta mong muốn, không thúc đẩy quá trình học hoàn thiện hơn của học sinh. Vào lớp 10, học sinh nào cũng chỉ nhăm nhăm học ba môn mà mình sẽ thi ĐH, những môn khác chỉ cốt đủ điểm mà để được cái "đủ điểm" đó nhiều khi không cần học do những cái lắt léo mà tôi phân tích ở trên.

Phòng giám sát thi với hệ thống camera tại kỳ thi đại học năm 2012 ở Trung Quốc - Ảnh: news.cn

Học sinh phải tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình

* Ông có ý tưởng gì nhằm cải thiện vấn đề?

- Trước hết, cả xã hội phải thay đổi nhận thức, quan điểm về thi cử. Người học phải xác định học là để lấy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện nhân cách, bằng cấp chỉ cụ thể hóa kết quả rèn luyện. Vì vậy người học phải nỗ lực học tập thật sự, và chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình. Hiện nay, động một chút chúng ta lại lên án ngành giáo dục, lên án thầy cô giáo mà chẳng bắt người học phải chịu trách nhiệm gì hết trong khi hoạt động dạy - học đòi hỏi sự nỗ lực cả từ hai phía: người dạy và người học.

Ở các cấp học dưới, việc đánh giá kết quả học tập của các em nhẹ nhàng hơn, nhưng lên đến cấp THPT thì học sinh phải có ý thức, bản thân mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc học của mình.

* Ðặt vấn đề theo hướng này, ông có nghĩ mình sẽ đối đầu với dư luận khi người ta cho rằng áp lực học hành lên con em họ hiện nay là quá lớn?

- Sở dĩ người ta thấy áp lực quá lớn là vì họ chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng, đỗ hay trượt chứ không quan tâm nhiều tới quá trình học, quá trình nỗ lực của học sinh. Nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện việc đánh giá theo chuẩn mực đã đặt ra mà con em họ không đạt chuẩn thì xã hội cũng cần đồng lòng để cùng chúng ta làm lại cho con em họ.

Hiện nay đa số phụ huynh ứng xử theo kiểu "trăm sự nhờ thầy cô, cuối năm thầy cô cho cháu lên lớp". Rồi người ta dùng các mối quan hệ khác để thay thế năng lực cá nhân học sinh. Cái nguy hiểm là chỗ đó. Ông thầy cũng bị cuốn vào. Rốt cuộc là dù học sinh học như thế nào cũng bị đẩy lên lớp. Năm này qua năm khác như vậy và dồn toa vào kỳ thi tốt nghiệp.

Bỏ thi đại học

* Nhưng việc kêu gọi thay đổi nhận thức giải quyết được vấn đề gì khi mà cách thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử vẫn như hiện nay?

- Cần phải đổi mới thi cử ngay từ năm sau, không cần chờ đến khi có chương trình sách giáo khoa mới như Bộ GD-ĐT dự định. Trước hết, hằng năm, từng trường tổ chức đánh giá nghiêm túc, học sinh nào đạt yêu cầu mới cho lên lớp. Ngành GD-ĐT không vì phổ cập giáo dục mà cho lên lớp ào ào, bất chấp chất lượng thật. Phụ huynh thì chấp nhận cho con em mình lưu ban. Có thể đồng loạt tổ chức thực hiện cho lớp 1 đến lớp 12 luôn, không phải làm lần lượt. Có thể mất vài ba năm xáo trộn, nhưng tôi tin sau đó hoạt động dạy học có chất lượng sẽ đi vào nề nếp.

Về thi, bỏ luôn kỳ thi tuyển sinh ĐH, chỉ tổ chức thi tốt nghiệp nhưng theo một cách thức hoàn toàn mới, đảm bảo khoa học và phản ánh chính xác kết quả học tập của học sinh. Để bỏ áp lực tỉ lệ đỗ phải đạt 99-100% cho các địa phương trong những năm đầu đổi mới thi cử, Bộ GD-ĐT nên đưa ra tiêu chuẩn: học sinh nào học xong lớp 12 coi như tốt nghiệp THPT nếu không nghỉ học quá 45 ngày/ năm học, điểm trung bình các môn không môn nào dưới 3,5 điểm (đây chính là quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT - PV).

Học sinh vẫn phải trải qua một kỳ thi mới được nhận bằng nhưng kỳ thi đó không nhằm đánh giá đỗ - trượt mà chỉ đơn giản ghi nhận điểm số từng môn thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào kết quả thi đó để tuyển sinh với những tiêu chí tự quyết trên những môn mà nhà trường cần, trên cơ sở đảm bảo kết quả toàn diện. Chỉ cần các trường công khai luật chơi và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của người dân về việc thực hiện luật chơi đó.

* Làm sao các trường ÐH, CÐ đủ niềm tin để sử dụng kết quả của kỳ thi đó?

- Vậy mới cần phải thay đổi cách tổ chức thi, không cần phải lập hội đồng nọ, hội đồng kia, đổi chéo giám thị, chấm chéo bài thi... vừa nhiêu khê, phức tạp, tốn kém, lại không ngăn được tiêu cực. Theo tôi, cứ tổ chức thi ngay tại trường, thầy trò tự coi nhau, cả nước vẫn thi chung ngày, chung đề. Các cơ quan quản lý giám sát toàn bộ kỳ thi bằng cách quy định mỗi phòng thi phải lắp camera, mỗi túi bài thi gửi cho hội đồng chấm thi kèm theo băng ghi hình của phòng thi đó. Ngành GD-ĐT và các địa phương có thể tổ chức những hội đồng giám sát của cộng đồng để giám sát vòng ngoài, đảm bảo kỳ thi thật sự nghiêm túc.

* Việc lắp camera liệu có tốn kém? Và áp lực của kỳ thi ÐH sẽ không mất đi mà thay vào đó dồn lên một kỳ thi tốt nghiệp?

- Tiền mua camera, theo tôi không đáng là bao so với cách thức tổ chức kỳ thi cồng kềnh như hiện nay. Chỉ cần bỏ không tổ chức một mùa thi tuyển sinh ĐH, chúng ta thừa tiền để trang bị camera phục vụ thi tốt nghiệp cho tất cả các trường THPT.

Còn về áp lực thì ta phải chấp nhận. Điều đáng nói ở đây, áp lực nếu có thì chỉ là áp lực chuyện học hành. Nhưng chẳng ai cho không chúng ta cái gì cả. Nếu anh muốn nhàn nhã, thảnh thơi thì anh chẳng được gì hết. Muốn học thật, thi thật thì phải có áp lực, nhưng cái áp lực đó nó tác động tích cực trở lại quá trình dạy - học. Thi nghiêm túc buộc ông thầy phải dạy thật, học sinh học thật chứ không dạy giả vờ, học giả vờ. Áp lực về xã hội sẽ không còn vì thí sinh không phải "khăn gói quả mướp" lên thành phố trọ thi ĐH, không còn cảnh phụ huynh chầu chực, ăn vật nằm vạ ngoài hè phố chờ con đi thi.

* Cảm ơn ông!


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận