Ngôi sao lạc

TRẦN VĂN THƯỞNG 14/08/2012 23:08 GMT+7

TTCT - Mưỡu (*): Lúc khởi sự thiên truyện này, tôi đặt tiêu đề như chúng ta vừa thấy. Đi đến quá nửa, tôi quay lại sửa thành Những ảnh tượng của tâm thức, vì nghĩ rằng nó phải thế.

Nhưng cuối cùng, khi mọi sự đã an bài, ai về nhà nấy, tựa đề nảy sinh trong ánh chớp sáng tạo đầu tiên tự nó đã cất vang tiếng nói. Và tôi tôn trọng điều đó.

Phóng to
Minh họa: Hoàng tường

***

Đó là năm nóng nhất trong lịch sử. Đến độ có thể tan chảy cả giấc mơ. Nhất là giấc mơ không và sẽ không bao giờ thành hiện thực. Điều đó giống như một dụ ngôn về sự lạc lối. Có một cái gì đó tượng hình lên thành ngôi lời. Chảy xuyên qua tháng năm, trôi dạt về quá khứ. Một quá khứ vụt tắt mãi mãi khi lời nguyền của tổ tiên không chỉ là nỗi ám ảnh vô cớ.

Hắn ngồi đó. Trên đống hoang tàn đổ nát một cõi tâm thức lạc loài của con thú hoang. Không hơn. Người cha sáu mươi lăm tuổi bệnh hoạn chỉ còn cách ngưỡng lời nguyền tiên tổ đúng hai năm: Đàn ông họ Xu Xê nhà hắn xưa nay không ai qua ngưỡng sáu bảy. Rõ ràng có điều gì đó phi lý trong lối mặc định này. Như thể nó không cho phép người ta cưỡng lại. Cụ cố... Cụ nội... Ông nội... Và bây giờ sắp sửa đến lượt cha hắn, nếu chưa muốn nhắc tới phiên hắn (vì hắn vẫn còn cách quá xa cái mốc mặc định của dòng họ!).

Vậy thì điều gì khiến hắn quyết tâm chữa chạy cho người cha mắc bệnh tâm thần phân liệt - cũng là ẩn số trong lời nguyền? Vì cớ gì hắn ngang nhiên sống chung với tiếng gào thét gầm gừ của người cha khi bị trói chặt như một con thú sắp tử thương bởi nỗi sợ đi hoang do ảo huyễn của một người bệnh tưởng? Để tiếp tục liệu pháp chữa trị cộng với chế độ kiềm tỏa, cộng với chút le lói hi vọng trở lại, cộng với chút ý chí ngông cuồng sắt đá hòng cưỡng lại quy luật - đương nhiên. Như thế, như thế mới đúng là con người, hắn đã nghĩ.

Những dòng suy tưởng phù nề nhưng không kém phần mãnh liệt đó được hắn triển khai trên bàn phím. Gõ vào hư không. Mỗi phím chữ như một nhát kim đâm vào đầu mút ngón tay, dẫn truyền thẳng về tim. Buốt nhói. Thốn cả tâm can.

Nhiều năm nay, hắn sống chung với căn bệnh khó hiểu. Mỗi lần gõ lên phím là mỗi lần bị đày ải. Dường như mỗi con chữ, ký tự phải trả giá bằng một khoảnh khắc nhói tim. Gõ vào phím, chữ hiện lên màn hình, và từng cơn nhói đau vang lên trên đầu mút ngón tay. Nhưng hắn khéo biết chuyển xoay tình thế. Thay vì cắn răng chịu đựng cơn thốn trong mỗi lần gõ chữ, hắn chợt khoái cảm như đang trải nghiệm dương cầm. Từng phím rướm máu là từng nốt dương cầm gãy gọn, cao vút - khi ào ạt như thác đổ, lúc dìu dặt như chuông nguyện hồn ai, và cũng có khi thoảng qua như cơn gió. Nhiều năm qua, hắn đã sống chung với hiệu ứng phím máy tính và cũng ngần ấy năm hắn trôi vào dòng thác lũ âm vang tưởng tượng dương cầm.

Có tiếng kêu van, rên rỉ chạnh lòng dội bè từ đâu đây: “Con ơi... Con ơi...” Và: “...!” Dừng nghỉ một đoạn cao trào chữ nghĩa, hắn bước sang phòng bên cạnh, lấp ló nhìn vào thế giới đọa đày của cha hắn: một ông già khắc khổ nằm hiên ngang trên sàn nhà, tay chân bị cố định bằng dây trói và chỉ được cởi bỏ, phóng thích đôi tay vào mỗi giờ cơm. Tất cả đều diễn ra đúng với mệnh lệnh gắt gao của hắn - không được để người cha một phút giây rảnh rỗi nào để toan tính chuyện đi hoang dưới sức thúc ép kinh khủng của bệnh hoang tưởng. Thời gian khỏi bệnh có thể sẽ là hai năm - theo liệu trình chữa trị, và đó cũng chính là quỹ thời gian còn lại trước khi cha hắn chạm tới đích lời nguyền.

***

Một cô gái cao lớn đang cởi trói hai tay cho ông già, bón cơm cho ông. Ông già ngước mắt nhìn cô. Ông nhíu mày, suy tư. Vừa nhai cơm, vừa suy tư như thể cố xem sinh thể trước mặt mình là ai. Ông lắc đầu. Vừa lắc đầu, vừa nhai cơm. Rồi ông lại gật gù, tự thỏa mãn một điều gì đó. Vừa gật gù, vừa nhai cơm.

Không tài nào ông biết được. Và từ chỗ tìm mọi cách để thoát khỏi dây trói, ông chuyển sang chơi trò phỏng đoán: “Cô gái này là ai?”. Hắn phì cười, nghĩ thầm: “Đừng suy tư vô ích, ba ạ, vì chính con cũng không biết người đó là ai”. Cô gái vụt hiện như một ngôi sao lạc. Bên hắn, cô lặng lẽ chăm sóc người đàn ông bệnh hoạn, có đôi chút đáng sợ, và thường khi tội tình.

Một điều duy nhất hắn biết được, một điều không thể lẫn lộn cô gái là học trò của hắn, đến nhà hắn học tiếng Anh chuẩn bị du học, tuần ba buổi hai tư sáu. Nhưng cô không chỉ học ngoại ngữ. Cô còn học ở hắn sự kiên định, học cách ngự trị ước mơ, học làm người con nghiêm khắc, học lối xúc cảm mơ hồ và cả những điều ít ai nghĩ cần phải học.

Thật ra, họ đã gá nghĩa huynh - đệ, một kiểu quan hệ lỏng lẻo giữa thời đại số. Và ít ai biết được số phận họ sẽ đi đến đâu. Vì họ là huynh đệ của nhau. Mỗi khi đối diện, họ nhìn nhau bằng đôi mắt tương kính. Lúc ở một mình, hắn luôn lẩm bẩm câu không ai hiểu nổi: “Quá muộn để nuối tiếc và quá sớm để bắt đầu”. Đôi lúc, hắn chợt cảm thấy bất an với biểu hiện kỳ lạ của chính mình. Những lời lẩm bẩm không duyên cớ bật ra bất cứ lúc nào có thể. Như thể hắn bị ông già lan truyền sang. Ông già: “Con ơi... Con ơi...” Và: “...!”, chỉ có thế. Đến khi nào thì tới lượt hắn đây?

Những ngày của hắn trôi qua trong bóng câu mờ nhạt, không rõ sắc màu. Hắn có thể sẽ tàn phai trong mụ mị nếu không có cô gái taekwondo - người huynh đệ, người trò nhỏ Anh ngữ nhưng là bậc thầy của hắn trong nghệ thuật phô diễn sức mạnh.

Hắn thích nhất là đòn số 4. Cả đời hắn sẽ không quên trải nghiệm đòn số 4 taekwondo, và chỉ có thể thỏa mãn điều đó, với cô. Hai người sẽ cùng đá lượn vòng, tung hết lực trong cú quét quyết định để rồi kết thúc thật hoàn hảo bằng cú đá hậu, để rồi cùng ngã vào nhau. Đó là một nhịp điệu. “Nường” thầy taekwondo tỏa một hấp lực đầy sức dụ hoặc, luôn dẫn dắt hắn đi về phía trước, phía của võ đạo. Nơi đó, hắn chỉ là một trò nhỏ. Không hơn.

“Nường” taekwondo là một võ sư thực thụ, ngũ đẳng huyền đai. Mỗi buổi lên câu lạc bộ, “nường” huyền đai oai vệ đứng trước cả trăm môn sinh. Nường tỏa hương uy với những tiếng “hey”, “hey” vang rền, đánh bạt cả những ngọn gió chướng, lôi tuột chúng về một nẻo, nẻo có tên gọi nghệ thuật thượng phong.

Cứ thế, bằng sự mẫn cảm của mình, nét nhẹ nhàng vi tế của một võ đẳng thượng đài, cô gái taekwondo đã làm dịu bớt những cơn đau giật, và bệnh hoang tưởng của cha hắn cũng bị đẩy lùi. Cuối cùng, con thú tật nguyền đã dần bị khuất phục. Một câu chuyện kéo dài suốt hai năm đằng đẵng. Hai năm của những lo âu. Hai năm của cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai thái cực bi quan và hi vọng. Hai năm của nhiều đêm trắng dài dằng dặc.

Nhưng đó cũng là khoảng thời gian ngắn nhất trong đời hắn. Giờ đây, khi cha đã biết cất tiếng gọi con một cách tử tế như một quý ông thực sự, hắn mơ hồ nghĩ đến lúc cô gái sẽ ra đi. Một cách như thể được báo trước, sau khi kết thúc sứ mệnh của mình. Sứ mệnh của một ngôi sao lạc.

***

Đó là những ngày đẹp âm u nối tiếp nhau. Trong xóm nhỏ của mình, hắn thường để mắt dõi theo hình ảnh những đứa trẻ con mỗi chiều vui đùa cùng chiếc bong bóng bay. Bóng bay - bay - bay trên một sợi dây tơ. Từng đứa trẻ ngước mắt lên trời, chú mục vào quả bóng của mình như đang bay bổng cùng giấc mơ của riêng em. Chúng mỉm cười nhìn lên trời. Đến hồi bóng vỡ, xác bóng tan tành trên những bàn tay em bé. Có đứa buồn muốn khóc. Đứa lại mỉm cười nhìn bóng vỡ trên tay. Còn hắn, hắn bị dẫn dụ đi qua cả hai trạng thái đó.

Hắn một mình ngồi trên bancông, lúc đầu bật cười, sau đó thì khóc. Lúc sau lại dở khóc dở cười. Hắn biết hắn đang bị ai đó dẫn dụ đi đâu. Rồi hắn lạc vào âm điệu một giai phẩm mang âm hưởng đồng dao nói về bóng bay, bóng vỡ và ước mơ bị chối từ của những đứa trẻ con.

Dẫu biết thế nhưng làm sao hắn từ bỏ cho được cảnh tượng huy hoàng đó vào mỗi buổi chiều. Làm sao hắn có thể dửng dưng trước những thước phim của đời sống tái hiện một quãng đời thơ ấu của hắn, của tất thảy. Và mỗi lần như thế, hắn lại dở khóc dở cười. Nhiều ngày qua, hắn đã vật vờ sống trong tâm cảnh không ngày, không đêm, không đớn đau, không vui sướng, không lo âu mà cũng chẳng muộn phiền. Chỉ có mong chờ. Mong chờ một điều gì đó thật vô vọng, hoang đường.

Và mỗi lần như thế, hắn lại dở khóc dở cười. Nhìn theo chiếc bóng bay lên trời trong xóm nhỏ vào mỗi chiều tà, hắn như thoáng thấy bóng ảnh người huynh đệ taekwondo của mình. Bóng bay, bay lên, rồi khi vỡ tan tành, bóng ảnh nụ cười kia cũng tan vỡ. Hắn đã truyền hết cả những gì hắn có cho cô gái taekwondo. Ngày cô lên đường đi du học, hắn gục ngã vì hụt hơi. Hắn không còn gì nữa để mà mất.

Người đầu tiên phát hiện ra hắn trong tâm cảnh đó chính là cha hắn. Lúc này ông già tỉnh táo hơn bao giờ hết. Ông thường nói chuyện triết đạo với con trai vào mỗi buổi chiều, sau giờ bóng bay. Ông nói như thể mai đây là ngày cuối cùng của ông trong cuộc đời. Vì thực sự, một ngày nào đó ông cũng sẽ ra đi. Hóa vào đâu đó trong cõi cát bụi thanh khiết này.

Đêm nay là một đêm đặc biệt đối với hắn. Hắn chơi một bản dương cầm duy nhất, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Bản dương cầm này hắn đã soạn sẵn cho đời hắn. Và cứ thế mà hắn chơi. Khi hồi hạ, người ta thoảng nghe đâu đó trong không trung âm giai thê thiết dương cầm lời của đá vàng vọng vào nghìn năm: “Nếu em là ngôi sao lạc trong vũ trụ bao la, tôi mong ngôi sao đó quay lại quỹ đạo và tỏa ánh lấp lánh chiếu soi quả đất sau thời gian bay lạc ở đâu đó trên bầu trời”.

***

Hậu (*): Tôi có biết hắn. Tôi biết câu chuyện của hắn và cô gái taekwondo. Tôi nhìn thấy cả viễn tượng phía sau, xa của câu chuyện này. Mà không làm gì được cho ai. Bởi tôi chỉ là khán giả, kẻ đang dõi theo một cuốn phim, chỉ chứng kiến mà không hề được dự phần vào.

_________

(*): Trong cấu trúc một bài hát nói truyền thống, hai phần mào đầu và kết thúc được gọi là “mưỡu đầu” và “mưỡu hậu”. Tuy nhiên, thiên truyện này không hẳn đã được kết cấu theo lối như vậy [chú thích của tác giả].

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận