"Người máy giúp tôi nhận thức chính mình"

VZ.ru 07/12/2011 00:12 GMT+7

TTCT - Giáo sư Nhật Hiroshi Ishiguro nổi tiếng thế giới như nhà khoa học chế tạo người máy, đứng thứ 26 trong danh sách “100 thiên tài đang sống” (do Công ty tư vấn quốc tế Creators Synectics lập ra) và được tạp chí Nhà Khoa Học Châu Á (*) xếp là một trong số 15 nhà khoa học châu Á “cần quan sát”. Ông vừa có chuyến làm việc tại Đông Âu và Nga.

TTCT trích đăng trả lời phỏng vấn của ông cho báo chí Nga.

Phóng to
Giáo sư Hiroshi Ishiguro (phải) và người máy Geminoid của ông - Ảnh: Itogi

* Ngài Ishiguro, ông gọi những người máy của mình - Geminoid - là anh, cô hay trung tính?

- Phòng thí nghiệm của chúng tôi đã chế tạo ba người máy kiểu Geminoid (gemi: cặp đôi, noid từ humanoid: có đặc tính giống người - TTCT): Geminoid Hi-2 - bản sao của tôi, Geminoid F - hình mẫu của người máy này là một phát thanh viên đài truyền hình Nhật và Geminoid DK - bản sao đồng nghiệp tôi, giáo sư Henrik Scharfe.

“Chỉ cần chúng ta dừng hệ thống máy tính thì người ta sẽ mất phương tiện của mình, nhiều người trong số họ sẽ tự tử. Chúng ta đã không thể coi thường mạng máy tính. Điều đó cũng xảy ra với người máy. Như tôi đã nói, người máy đơn giản là sự tiếp nối của máy tính. Nếu các bạn cho rằng hệ thống máy tính kiểm soát cuộc sống chúng ta thì trong trường hợp đó, người máy cũng sẽ kiểm soát chúng ta. Tôi không thấy có gì khác nhau giữa chúng” - trích trả lời của giáo sư Ishiguro với Dmitry Istkov, người sáng lập “Nước Nga 2045” trên VZ.ru.

* Người ta bảo ông chế các Geminoid giống mình để giao người máy làm những việc mà ông chán làm, có phải không?

- Tôi có một lịch làm việc dày đặc, nên anh ta có thể giảng bài thay tôi hay có mặt tại hội nghị. Về nguyên tắc, các người máy có khả năng thực hiện hoàn hảo những nhiệm vụ thư ký tại các buổi tiếp tân hay quảng cáo, làm việc với tư cách hướng dẫn viên trong bảo tàng hay triển lãm.

* Thế thì người máy đó, xin lỗi ông, chạm vào cảm thấy thế nào?

- Dễ chịu, bởi cơ thể của nó được làm bằng poliuteran và khung sườn kim loại, rồi phủ bằng lớp da silicon 5mm, sau đó được tô bằng màu da người. Dĩ nhiên, khó thể sao chép đầy đủ bên ngoài của con người. Nhưng để có thể giống con người tối đa, người máy phải chuyển động. Để làm được điều đó, chúng tôi trang bị cho nó các ống dẫn bằng khí có thể làm việc không gây tiếng ồn. Người máy này được một người điều khiển từ xa. Hệ thống này sẽ nhận biết biểu cảm trên gương mặt người điều khiển và truyền đến người máy, người máy chỉ việc lặp lại. Các chuyển động của mắt được thực hiện tự động.

* Tại sao ông phải cố làm người máy giống hệt bề ngoài con người?

- Bởi vì con người cảm nhận tốt hơn về những tạo vật như thế, và điều đó rất quan trọng cho việc xử lý các mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá thể. Có thể nói những người máy giống hệt người là một phương tiện truyền thông đại chúng. Cá nhân tôi nhận định trong lĩnh vực thông tin, người máy thậm chí còn được việc hơn con người. Thí dụ, trong lần giao tiếp đầu tiên, một số người trong chúng ta khó xây dựng được một cuộc trò chuyện thuận lợi, chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc hồi hộp.

Người máy không thấy vậy. Anh ta không thấy khó chịu đối với người máy khác hay người khác, như giữa con người với nhau, và nhờ đó không có phức tạp trong giao tiếp. Mặc dù dĩ nhiên người máy không hay chuyện như con người.

Trong khi đó, việc giống với con người cũng có vai trò tiêu cực - bất cứ một sự khác biệt nào trong cử chỉ hay chuyển động cũng có thể làm người máy trở thành một tạo vật kỳ lạ. Vì thế chúng tôi đã rất cố gắng để người máy có thể tái hiện chính xác tối đa những động thái, cử chỉ của người điều khiển, có thể thay đổi nét biểu cảm trên mặt, nhăn trán, nhướn mày...

Thú vị là khi người máy bất động, chẳng hạn khi nó ngồi thì 70% người được hỏi nói trước mặt họ là người máy. Nhưng chỉ cần nó dịch chuyển thì tới 70% tin nó là người. Việc hiểu ra rằng trước mặt họ là một người máy biết nói chỉ đến với họ 5-10 giây sau đó, thế nhưng trong một số tình huống chuẩn bị sẵn, thời gian để họ nhận ra điều này có thể lên đến 10 phút.

* Có thể sử dụng Geminoid vào việc gì? Bởi nghiêm túc mà nói, nó khó có thể thay thế người ở các cuộc thương lượng hay trong công việc.

- Tại sao chứ. Thí dụ, đã có các kiểm soát viên và các máy bán vé tự động... Mua vé ở người máy sẽ đơn giản hơn. Trong một số trường hợp, Geminoid còn là các hộ lý tối ưu ở bệnh viện và nhà dưỡng lão: chúng không có những cảm xúc quấy rầy chúng làm phận sự. Chưa kể chúng không biết mệt.

* Tốn bao nhiêu cho việc chế tạo một y tá như thế?

- Geminoid bản sao của tôi trị giá gần triệu USD. Geminoid F thì rẻ hơn, gần 100.000 USD vì mẫu đó ít phức tạp hơn. Nhưng tiền không phải là vấn đề, vì các người máy này được chế tạo nhằm mục đích nghiên cứu, do nhà nước tài trợ. Còn trong các trường học Nhật, để việc học tích cực người ta sử dụng các người máy giá 30.000 yen (400 USD). Chúng có thể giúp bạn trong thuật toán, nếu bạn phạm lỗi sẽ thấy ngay bởi người máy sẽ chuyển động không đúng. Còn có người máy khiêu vũ nữa, có giá 50.000-100.000 yen.

* Các người máy độc lập tới đâu? Trong các phim giả tưởng về việc chiếm lĩnh Trái đất của người máy, mọi chuyện thường bắt đầu bằng việc người máy nhận thức mình như một thực thể riêng biệt khỏi con người. Liệu điều đó có thể không?

- Geminoid không thể tư duy độc lập và ra quyết định. Chúng không có trí khôn nhân tạo. Chúng cũng không phân biệt giới tính và không thể nhận biết lẫn nhau là chàng hay nàng. Chúng không có các dấu hiệu giới tính tiên quyết. Chúng tôi chế tạo Geminoid không nhằm mục đích đó. Chúng không thể thay thế con người. Nhưng các khả năng và công nghệ mới luôn mang tới những mối lo âu nào đó cũng như một số phản hồi tiêu cực.

Và nói về những kịch bản tận thế thì không có gì có thể quấy rầy những người hâm mộ, không cho họ sợ hãi. Có thể nói máy tính đang điều khiển cả thế giới hiện đại, mà giữa máy tính và người máy không có gì khác biệt về nguyên tắc. Thế nhưng vấn đề quan hệ giữa người và người máy đã không còn là lĩnh vực hoạt động của tôi. Làm thế nào xây dựng quan hệ với người máy - đó là công việc của chính xã hội. Tôi chỉ là người chế tạo ra chúng. Tôi là nhà khoa học.

* Có bao giờ Geminoid 2 trở thành người nhân bản vô tính của ông? Khi đó ông có sợ không?

- Không, nó chẳng làm tôi sợ, bởi đó chỉ là cái máy có thể tắt bằng cách nhấn nút. Còn muốn nó trở thành người nhân bản của tôi, cần phải mất 100 năm nữa.

* Các kỳ vọng khoa học tiếp theo của ông đang hướng về đâu?

- Tôi luôn đặt câu hỏi: chúng ta là ai và sống để làm gì, linh hồn là gì? Người máy giúp tôi nhận thức con người, trong đó có chính mình. Khi các Geminoid đọc bài giảng thay tôi, tôi theo dõi phản ứng của giảng đường và hiểu ra bản chất tự nhiên của con người. Khi còn bé, tôi mê hội họa, muốn vẽ tranh sơn dầu. Nhưng vì những lý do khác nhau tôi lại nghiên cứu kỹ thuật người máy.

Công việc hiện nay của tôi cũng giống công việc của một họa sĩ: họa sĩ vẽ tranh, còn tôi chế tạo tạo vật giống người. Liệu trí khôn nhân tạo có trở nên tinh tế như của người không? Tôi không biết. Nếu điều đó xảy ra, tôi chẳng còn gì để nghiên cứu cả. Nhưng tôi nghĩ khi tôi còn sống thì điều đó chưa diễn ra.

Trong chuyến thăm Nga, nhà sáng chế Geminoid đã gặp gỡ nhà sáng lập phong trào “Nước Nga 2045” Dmitry Itskov. Đây là một phong trào xã hội với sự tham gia của các nhà vật lý, hóa học, sinh học, những chuyên gia hứa sẽ nâng cao chất lượng sống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, đồng thời sẽ khiến con người thành bất tử vào năm 2045. Tuyên ngôn của “Nước Nga 2045” viết: những thành viên của nó sẽ “thanh toán nạn già cỗi, thậm chí cái chết, khắc phục những biên giới cơ bản trong năng lực thể lý và tâm lý của con người mà cơ thể sinh học định đoạt cho”.

Theo tổ chức này, “không trễ hơn năm 2045, cơ thể nhân tạo không chỉ qua mặt đáng kể những năng lực thiên định của nó, mà còn đạt được sự hoàn thiện của hình thức và sẽ đẹp hơn con người hiện đại. Khi đó, con người có thể tự mình thông qua quyết định tiếp tục sống và phát triển trong một cơ thể mới, sau khi tất cả nguồn dự trữ của cơ thể sinh học đã cạn kiệt”.

__________

(*) Asian Scientist Magazine: là một chuyên san khoa học công nghệ do Viện Công nghệ Massachusetts khởi xướng từ tháng 3-2011. Hiện tạp chí này có trụ sở ở Singapore, được 20 nhà báo chuyên nghiệp, các tiến sĩ y khoa và nhà khoa học thực hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận