Người nổi tiếng và chính trị: ngôi sao gọi, cử tri có nghe?

D.KIM THOA 11/01/2024 05:35 GMT+7

TTCT - Vai trò và tác động từ sự ủng hộ của những người nổi tiếng với các chính trị gia ở Mỹ đã có từ trăm năm trước.

Ảnh: The Ringer/Getty Images

Ảnh: The Ringer/Getty Images

Gần đây khi có tờ báo Mỹ giật tít kiểu "Taylor Swift có thể cứu ông Joe Biden" trong cuộc bầu cử năm 2024, dư luận đã tranh luận khá sôi nổi về việc liệu sự ủng hộ của người nổi tiếng có "cứu" được một ứng viên tổng thống không, và việc này liệu có "tác dụng phụ" nào không với ứng viên đó?

Thực tế cho thấy, vai trò và tác động từ sự ủng hộ của những người nổi tiếng với các chính trị gia ở Mỹ đã có từ trăm năm trước, dù ban đầu sự ủng hộ đó có thể đến từ đơn đặt hàng của công ty quảng cáo. 

Trong các cuộc bầu cử gần đây tại Mỹ, người ta nhận thấy sự tham gia ngày càng chủ động và tích cực hơn của những người nổi tiếng, đặc biệt là giới showbiz. Vì sao có sự chuyển biến này và hiệu quả từ đó với chính trường Mỹ đã được đo lường ra sao?

Vì sao Taylor Swift được kỳ vọng?

Theo kết quả khảo sát công bố cuối tháng 11-2023 của Đài NBC (Mỹ), hơn một nửa dân số Mỹ tự cho mình là Swiftie - biệt danh để chỉ những người hâm mộ Taylor Swift.

Cô ca sĩ 34 tuổi cũng là ngôi sao có tỉ lệ người hâm mộ cao nhất trong số tất cả những người đã được NBC khảo sát: với tỉ lệ tích cực/tiêu cực là 40/16, còn cao hơn đương kim Tổng thống Joe Biden, cựu tổng thống Donald Trump và nhiều chính trị gia Mỹ khác.

Một điểm thú vị là dù môi trường chính trị Mỹ vẫn luôn tồn tại những phân cực sâu sắc, việc Swift công khai ủng hộ Đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden vẫn không khiến cô "mất điểm" trong mắt người Cộng hòa - tỉ lệ đánh giá tích cực về Taylor Swift vẫn chiếm đa số trong nhóm các cử tri Cộng hòa.

Nhưng đối tượng thực sự mà cô nhắm tới là người ủng hộ Đảng Dân chủ. Có khoảng 55% các Swiftie tự cho mình là người Dân chủ, hơn một nửa trong số họ đang sống tại các vùng ngoại ô và gần 3/4 là người da trắng.

Điều đặc biệt quan trọng với chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Biden là gần một nửa trong số các Swiftie đó là công dân thế hệ thiên niên kỷ (sinh trong giai đoạn 1981-1996). Đây chính là nhóm cử tri mà ông Biden đang chật vật tiếp cận. Theo khảo sát gần đây của trang Real Clear Politics, cử tri nhóm tuổi 18-34 có đánh giá khá tiêu cực về công việc quản trị đất nước của ông Biden.

Ảnh: Instagram Taylor Swift

Ảnh: Instagram Taylor Swift

Kể từ lần công khai sự ủng hộ của mình với các ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tại bang quê nhà Tennessee năm 2018, Swift đã không còn ngần ngại bày tỏ quan điểm chính trị. Tháng 10-2020, cô đăng tweet ủng hộ quyết định tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden. 

Khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí V, cô nói: "Sự thay đổi chúng ta cần nhất là bầu một tổng thống công nhận rằng người da màu xứng đáng được an toàn và được có tiếng nói, rằng phụ nữ xứng đáng có quyền được chọn những gì xảy ra với cơ thể họ, và rằng cộng đồng LGBTQIA+ xứng đáng được công nhận và được tính đến". 

Gần 4 năm sau, đó vẫn là lý do để Swift tiếp tục ủng hộ ông Joe Biden trong lần tái tranh cử năm 2024.

Cần nhắc lại hồi tháng 9-2023, khi Swift lên Instagram thúc giục 272 triệu người theo dõi đi đăng ký bầu cử, kèm đường link dẫn tới trang Vote.org, lượt truy cập đã tăng 1.226% (mỗi 30 phút lại có 13.000 người vào), và số đăng ký bầu cử mới đạt trên 35.000 người.

Cũng phải kể tới khả năng to lớn của Swift trong việc thuyết phục fan xuống tiền "không tiếc tay". Khi tour diễn The Eras (tháng 3-2023 đến tháng 12-2024) của Taylor Swift kết thúc, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ được bồi thêm 5,7 tỉ USD.

Bởi thế nên trong năm 2024, giới quan sát đang chờ đợi xem cô có thể phát huy tầm ảnh hưởng này trong đời sống chính trị ở Mỹ hay không.

Lịch sử 100 năm

"Bạn có thể quay về năm 1920 để xem một số ví dụ đầu tiên của chuyện này" - ông Mark Harvey, tác giả cuốn Celebrity Influence: Politics, Persuasion, and Issue-Based Advocacy (tạm dịch: Ảnh hưởng của người nổi tiếng: Chính trị, sự thuyết phục, và sự vận động cho một vấn đề) xuất bản năm 2018, nói với Đài CBC (Canada).

Đó là năm ca sĩ Al Jolson, một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất và có mức cát sê cao nhất tại Mỹ thời đó, ủng hộ ứng cử viên tổng thống Mỹ Warren G. Harding trong cuộc đua vào Nhà Trắng với bài hát Harding, You're the man for us (tạm dịch: Harding, ông là ứng viên lý tưởng của chúng tôi).

G. Harding thắng cử, trở thành tổng thống thứ 29 của Hoa Kỳ. Đến kỳ bầu cử 1924, ứng viên Calvin Coolidge (từng là phó tổng thống lên tạm giữ chức tổng thống khi ông Harding đột ngột qua đời vì bệnh tim năm 1923) cũng được Al Jolson tặng bài Keep Cool and Keep Coolidge (chơi chữ từ cool, có nghĩa là ngầu, trong tên ông). Coolidge là tổng thống thứ 30 của nước Mỹ.

Tuy nhiên ở thời đó, theo Harvey, sự ủng hộ các chính trị gia của giới nghệ sĩ không nhất thiết thể hiện quan điểm chính trị của họ. "Đã có một công ty quảng cáo mời họ, và họ chỉ làm công việc đó vì mục đích thương mại" - ông nói.

Người nổi tiếng và chính trị: ngôi sao gọi, cử tri có nghe?- Ảnh 3.

Trong vài thập niên tiếp theo, việc những người nổi tiếng ủng hộ chính trị tiếp tục phổ biến hơn. Ca sĩ Frank Sinatra đã tham gia vận động ủng hộ cho ông Franklin Roosevelt (tổng thống Mỹ thứ 32), rồi sau đó là John F. Kennedy (tổng thống Mỹ thứ 35).

Thời thế đã thay đổi nhiều kể từ thời của các ngôi sao như Jolson và Sinatra. Với nhiều người nổi tiếng hiện nay, việc công khai ủng hộ chính trị đôi khi còn là tình huống "cực chẳng đã" - họ có thể gặp rắc rối nếu không chọn bên trong một vấn đề chính trị, hoặc không đưa ra những sự ủng hộ cụ thể, theo Harvey.

TS David J Jackson, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Trường đại học Bowling Green State (Ohio, Mỹ), nhìn vấn đề theo cách khác: phàm là người nổi tiếng, nói cũng bị chửi mà im cũng bị chê, và nhiều người đã chọn lên tiếng.

"Tôi cho rằng dường như tình huống "đằng nào cũng thua" đã khiến một số thấy việc giấu giếm các niềm tin của mình là vô lý, nên họ đã chọn cách ủng hộ những điều họ tin tưởng với hy vọng có thể truyền cảm hứng để những người hâm mộ họ làm theo" - Jackson nói với báo The Independent.

GS Jackson từng nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa pop cũng như ảnh hưởng của những người nổi tiếng lên người trẻ và các xu hướng chính trị của họ. Ông cho biết nhiều người nổi tiếng đối mặt nguy cơ mất đi các fan khi họ công khai bày tỏ quan điểm tán thành một vấn đề hay ủng hộ các ứng cử viên. 

"Giải trí vẫn là một ngành kinh doanh. Cũng như việc một nhà hàng có thể mất khách nếu họ dựng biển hiệu ủng hộ ông Trump hay ông Biden, một người nổi tiếng cũng có thể mất các fan vì niềm tin chính trị của họ" - ông nói.

Con dao hai lưỡi

Ảnh hưởng của người nổi tiếng trong các tuyên bố ủng hộ chính trị của họ là có thật, tuy nhiên mức độ của nó lớn đến đâu thì vẫn là vấn đề còn tranh luận. Kênh MSNBC cho rằng nhìn chung những sự ủng hộ trong lĩnh vực văn hóa giải trí không phải nhân tố lớn có thể làm lung lạc số đông cử tri trong một cuộc bầu cử.

Chưa kể, trong góc nhìn của một số chuyên gia, sự ủng hộ của các ngôi sao cũng có thể là con dao hai lưỡi. Chẳng hạn, dù thế nào thì Hollywood trong quan niệm lâu nay vẫn luôn đồng nghĩa với chủ nghĩa tinh hoa - gắn với tầng lớp giàu có và được bảo bọc trong nhung lụa, bởi thế trong mắt một số cử tri, họ không phải là người đại diện cho tiếng nói của mình.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton được ví như một "ứng cử viên của Hollywood" khi vây quanh bà ở giai đoạn tranh cử là rất nhiều siêu sao lớn trong làng giải trí Mỹ: Beyoncé, Jay-Z, Katy Perry, Miley Cyrus - những cái tên "hoành tráng" hơn nhiều so với người ủng hộ ông Trump: Ted Nugent, Kid Rock, và khá nhất là Clint Eastwood. Nhưng rồi lần đó ông Trump đã thắng.

Đến cuộc tranh cử năm 2020, ông Biden cũng ở thế kém xa so với đối thủ trong vấn đề tranh thủ tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng, nhưng rồi cũng thắng. Còn năm 2018, Swift bày tỏ lo ngại về ứng viên Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn và ủng hộ ứng viên Dân chủ Phil Bredesen cho ghế Thượng viện, song người cô ủng hộ rốt cuộc đã thua.

Oprah Winfrey và thượng nghị sĩ Obama tại một buổi vận động tranh cử ngày 9-12-2007. Ảnh: whoohoo120/Flickr Oprah and Barack

Oprah Winfrey và thượng nghị sĩ Obama tại một buổi vận động tranh cử ngày 9-12-2007. Ảnh: whoohoo120/Flickr Oprah and Barack

Dĩ nhiên đã có những người nổi tiếng thực sự tạo được sự ảnh hưởng đáng kể, góp phần làm thay đổi chính trường Mỹ. Chẳng hạn, việc bà Oprah Winfrey ủng hộ ông Barack Obama trong lần tranh cử năm 2007 theo ước tính của các nhà kinh tế học đã thúc đẩy 1 triệu cử tri ủng hộ ông Obama. 

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra mặc dù sự ủng hộ của bà Winfrey không làm thay đổi cách nhìn của cử tri về ông Obama, song có thể nó đã tạo ra một ảnh hưởng nào đó trong việc giúp họ yên tâm hơn về khả năng thành công của ông.

Dù vậy, trường hợp của bà Winfrey "dường như chắc chắn là một ngoại lệ khi nói về các ủng hộ của những người nổi tiếng", MSNBC bình luận. Thế nhưng đài này vẫn để ngỏ khả năng vị thế của một siêu sao trong nhiều năm và đặc biệt là năm 2023 của Taylor Swift (giống như vị thế năm 2008 của bà Oprah) rất có thể sẽ tạo nên một ảnh hưởng nào đó tương tự trong cuộc bầu cử 2024. 

Đòn bẩy cho những chiến thắng sít sao?

Vào năm 2020, ông Joe Biden đã chiến thắng tại hai bang Arizona và Georgia chỉ với khoảng 11.000 phiếu chênh lệch, và thắng ở bang Wisconsin với việc có nhiều hơn 20.000 phiếu. Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 có thể có những độ chênh lệch sít sao hơn nữa tại một số bang chủ chốt, và nếu sự ủng hộ của Swift chỉ cần tạo được ảnh hưởng tới một phần trong số hàng triệu người ủng hộ cô, đó sẽ là hàng chục ngàn lá phiếu có thể tạo nên kết quả khác biệt cuối cùng cho ông Biden.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận