Nhà “Táo” và “Phây”: Vì đâu nên nỗi thâm thù

HOA KIM 10/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Với khoảng cách thế hệ và triết lý làm công nghệ đối lập nhau, luôn có những bất đồng quan điểm chưa thể hóa giải giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook - CEO của Facebook và Apple. Thế nhưng chưa bao giờ người ta cảm nhận không khí thù địch rõ rệt như hiện nay giữa hai nhà lãnh đạo Big Tech quyền lực hàng đầuthế giới.

 
 Ảnh: Getty Images

Lập trường tương phản giữa hai con người cá tính đã bùng nổ thành một cuộc đối đầu trực diện. Bề ngoài là nhân danh quyền riêng tư và tầm nhìn về tương lai của Internet, còn thực chất vì cái gì thì chỉ người trong cuộc mới biết.

Lời tuyên chiến từ Apple

Tại một hội nghị dành cho các ông trùm công nghệ và truyền thông diễn ra ở Sun Valley, bang Idaho vào tháng 7-2019, Tim Cook và Mark Zuckerberg ngồi lại để tìm cách hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa họ. Những năm trước đó, sự kiện này là một trong những dịp hiếm hoi trong năm mà hai người chịu gặp riêng.

Lần này, tâm thế đôi bên đã khác. Facebook khi đó đang đau đầu xử lý khủng hoảng sau bê bối Cambridge Analytica liên quan thông tin của hơn 50 triệu người dùng bị bên thứ ba thu thập nhằm phục vụ các hoạt động quảng cáo chính trị mà không được sự đồng ý của họ. Tim Cook nằm trong số những tiếng nói công khai chỉ trích Facebook vì chính sách bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng lỏng lẻo.

Những người nắm nội dung cuộc họp thuật lại với báo New York Times rằng Zuckerberg đã xin lời khuyên từ người đồng cấp Apple về hướng xử lý scandal chấn động này. Đáp lời, Cook như giội gáo nước lạnh vào mặt vị CEO kém mình 24 tuổi khi nói thẳng Facebook nên xóa toàn bộ thông tin đã thu thập về người dùng bên ngoài các ứng dụng cốt lõi của mình.

Zuckerberg đứng hình sau phát biểu của Cook, nguồn tin đề nghị giấu tên tiết lộ. Cũng dễ hiểu, khi mà cơ chế kiếm tiền của Facebook phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu cá nhân nhằm xác định đối tượng cho các quảng cáo trực tuyến mà bên thứ ba trả tiền để xuất hiện trên giao diện người dùng. Xóa bỏ những dữ liệu này chẳng khác gì xúi Facebook tự hất đổ chén cơm của mình. Cuối cùng, Zuckerberg chọn cách phớt lờ lời khuyên của Cook.

Một trong những điểm ăn tiền của quảng cáo số là các công ty như Facebook có thể nắm được hành vi người dùng không chỉ trên nền tảng của mình mà còn theo chân họ sang các ứng dụng khác nhờ vào một dãy số ẩn danh được mã hóa gắn với người dùng đó. Dữ liệu này giúp các đối tác quảng cáo nhắm đúng nhóm khách hàng tiềm năng với chi phí tối ưu.

Nếu như trước đây các ứng dụng di động mặc định người dùng “ngầm hiểu” và chấp nhận bị theo dõi một khi đã đồng ý sử dụng dịch vụ, thì sắp tới cách làm này sẽ buộc phải thay đổi khi Apple ra mắt tính năng bảo mật mới kèm theo bản cập nhật hệ điều hành iOS 14.5 từ ngày 26-4.

Theo đó, khi mở app lần đầu, người dùng iPhone sẽ được hỏi họ có cho phép ứng dụng “theo dõi hoạt động của bạn trên các ứng dụng và website của công ty khác” hay không, với 2 lựa chọn là “cho phép” hoặc “yêu cầu ứng dụng không theo dõi (tôi)”.

Thà Apple đừng hỏi thì người dùng còn nhắm mắt cho qua; còn như câu hỏi với rành rành 4 chữ “theo dõi hoạt động”, chắc hẳn không ít người sẽ không muốn thói quen trên mạng của mình trở thành công cụ kiếm tiền cho kẻ khác. Chỉ một cú chạm tay trên màn hình có thể quyết định dữ liệu cá nhân của mình là riêng tư hay bị soi mói - một lựa chọn quá dễ dàng và hiển nhiên. Và Facebook, đế chế quảng cáo với doanh thu năm 2020 hơn 84 tỉ USD (chiếm gần 98% tổng doanh thu của hãng theo báo cáo tài chính công bố ngày 27-1-2021), không thích điều này.

Thực ra tính năng này đã được Apple nhá hàng từ giữa năm 2020 trong phần trình bày của quản lý kỹ thuật về quyền riêng tư Katie Skinner tại một hội nghị trực tuyến của các nhà phát triển. Dù bà Skinner chỉ lướt qua tính năng này trong vỏn vẹn 20 giây, chừng đó là đủ để chọc giận Zuckerberg. Đối với Facebook, đây được xem là “một lời tuyên chiến” chính thức, ba nguồn tin gồm cựu nhân viên và nhân viên đang làm việc tại Facebook tiết lộ với New York Times.

 
 Ảnh: Vanity Fair

Vì người dùng hay vì lợi nhuận?

Nói về tính năng bảo mật mới, Tim Cook viết trong một đoạn tweet ngày 18-12-2020 rằng “chúng tôi tin rằng người dùng nên có sự lựa chọn đối với dữ liệu đang được thu thập về họ và cách dữ liệu đó được sử dụng”.

Như để trêu ngươi Zuckerberg, đăng kèm dòng tweet là bức ảnh chụp màn hình minh họa thông báo mà người dùng sẽ nhận được khi tính năng đi vào hoạt động, không biết vô tình hay hữu ý mà ứng dụng được lấy làm ví dụ lại chính là Facebook.

Suốt nhiều tháng sau khi Apple hé lộ tính năng bảo mật gây tranh cãi, Facebook và Apple liên tiếp chĩa mũi dùi vào nhau trong thư gửi đến các tổ chức về quyền riêng tư cũng như liên minh quảng cáo. Đỉnh điểm là vào tháng 12-2020, khi Facebook mua nguyên trang quảng cáo trên các tờ báo lớn ở Mỹ, cả thiên tả lẫn hữu, để công kích trực diện Apple.

Facebook cáo buộc tính năng mới của Apple sẽ ảnh hưởng đến hơn 10 triệu doanh nghiệp nhỏ đang dựa vào công cụ quảng cáo của Facebook để tiếp cận khách hàng, tuyển dụng nhân tài cũng như kết nối với cộng đồng của họ, đồng thời tuyên bố mình đang “thay mặt các doanh nghiệp nhỏ khắp nơi đứng lên chống lại Apple”. Facebook cũng viện dẫn số liệu nội bộ để khẳng định nếu không có các quảng cáo được cá nhân hóa (dựa trên dữ liệu người dùng) thì doanh nghiệp nhỏ có thể chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm 60% trên cùng số tiền bỏ ra cho quảng cáo đó.

Facebook cũng được cho là đã gặp gỡ các đối tác quảng cáo để làm "công tác tư tưởng" về những thay đổi đến từ phía Apple, theo nội dung một bài thuyết trình bằng video mà New York Times tiếp cận được. “Apple đã đưa ra các quyết định đơn phương mà không tham khảo ý kiến của ngành về một chính sách sẽ có tác hại sâu rộng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Những thay đổi của Apple gây khó khăn (cho các doanh nghiệp) trong việc phát triển, thậm chí trong một số trường hợp là sống sót” - đoạn video cảnh báo.

Facebook rõ ràng nuốt không trôi giọng điệu chính nhân quân tử của Apple, ngược lại còn cáo buộc thứ mà Apple nhắm đến là lợi nhuận chứ không phải bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. “Các dịch vụ miễn phí, có hỗ trợ quảng cáo vẫn luôn thiết yếu cho sự phát triển và sức sống của Internet, nhưng Apple đang cố gắng viết lại các quy tắc theo hướng có lợi cho họ và bất lợi cho mọi người khác” - New York Times dẫn lời một người phát ngôn Facebook.

Nói với báo Wall Street Journal, một số nhân viên Facebook cho rằng Apple đạo đức giả khi làm ra vẻ ý thức về quyền riêng tư trong khi lại phớt lờ vấn đề này để mở rộng tại thị trường Trung Quốc. Apple cũng nhận hàng tỉ USD mỗi năm từ Google - công ty có lợi nhuận cũng chủ yếu đến từ hoạt động thu thập dữ liệu người dùng - để đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari, theo Wall Street Journal. Những hành động này có vẻ không phù hợp lắm với khẳng định chắc nịch của Tim Cook trong một cuộc phỏng vấn với Đài NPR năm 2015: “Quyền riêng tư là một quyền con người cơ bản”.

Hai nhân cách đối lập

Những người quen thuộc với Tim Cook và Mark Zuckerberg thừa nhận giữa hai vị giám đốc điều hành từ lâu đã tồn tại vách ngăn vô hình. Tim Cook, 60 tuổi, là một nhà quản lý dày dạn và đã leo lên vị trí cao nhất tại Apple nhờ các thành tích trong điều hành và xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả cho công ty. Trong khi đó, Mark Zuckerberg, 36 tuổi, xây dựng nên đế chế truyền thông xã hội hùng mạnh từ căn phòng ký túc xá rồi sau đó nghỉ ngang Đại học Harvard để tập trung cho đứa con cưng Facebook.

Trong khi ông chủ Facebook từng tản bộ và ăn tối cùng nhà đồng sáng lập quá cố của Apple là Steve Jobs - người hơn anh đến 29 tuổi, Zuckerberg lại chưa từng có sự gần gũi tương tự đối với Tim Cook. Cook thường xuyên gặp gỡ Larry Page, người đồng sáng lập Google, nhưng ông và Zuckerberg hiếm khi ngồi lại chỉ hai người với nhau tại các sự kiện mà cả hai cùng tham dự, huống hồ là sắp xếp một cái hẹn riêng.

Zuckerberg xem Apple “là một trong những đối thủ lớn nhất” của Facebook. Cook thì không cùng quan điểm. “Tôi nghĩ chúng tôi có cạnh tranh ở một số thứ, nhưng nếu hỏi tôi những đối thủ lớn nhất của Apple là ai, (Facebook) sẽ không nằm trong danh sách đó” - Cook nói với New York Times.

Những tương phản về tính cách đó càng làm sâu sắc hơn tầm nhìn khác biệt giữa họ về tương lai của thế giới số. Cook muốn xây dựng một thế hệ người dùng chấp nhận trả phí - tốt nhất là trả cho Apple - để tận hưởng một phiên bản Internet an toàn và riêng tư hơn. Đó cũng là chiến lược giúp Apple, một nhà sản xuất phần cứng, luôn nắm quyền kiểm soát.

Zuckerberg lại là người ủng hộ nhiệt thành một thế giới Internet hoàn toàn “mở”, nơi các dịch vụ như Facebook được cung cấp cho người dùng hoàn toàn miễn phí và kinh phí để duy trì đến từ quảng cáo, hay nói trần trụi hơn là “bán” dữ liệu người dùng.

Cả hai từng nhiều lần đâm chọc nhau. Năm 2017, một công ty chính trị ở Washington được Facebook và các đối thủ khác của Apple tài trợ đã xuất bản các bài báo nặc danh chỉ trích Cook và tạo ra một chiến dịch tranh cử giả mạo để kêu gọi người dân bầu… Tim Cook làm tổng thống Mỹ tiếp theo. Năm ngoái, Apple được cho là đã ít nhất 5 lần từ chối đưa ứng dụng Facebook Gaming lên App Store, viện dẫn quy định cấm các app có mục đích chính là phân phối trò chơi - một cách để hạn chế cạnh tranh trực tiếp với kho ứng dụng trò chơi của chính App Store.

Khi trả lời câu hỏi của Đài MSNBC năm 2018 rằng ông sẽ giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư của Facebook như thế nào nếu ở trong vị trí của Zuckerberg, Cook nói không kiêng dè: “Tôi (mà là anh ấy thì) sẽ không ở trong tình huống như vậy”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận