Nhìn lại 10 năm xã hội hóa sách giáo khoa

VĨNH HÀ 04/09/2023 10:35 GMT+7

TTCT - Sau 4 năm thực hiện, chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK) vẫn là vấn đề nóng vì nhiều bất cập phát sinh.

Nhìn l

Tích hợp cần nhắm vào người học, kết quả, và tính ứng dụng, chứ không chỉ là tích hợp cơ học. Ảnh: Share America

Tích hợp cần nhắm vào người học, kết quả, và tính ứng dụng, chứ không chỉ là tích hợp cơ học. Ảnh: Share America

Với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK), việc biên soạn, phát hành SGK không còn là độc quyền của NXB Giáo Dục Việt Nam. Nhiều đơn vị đã tham gia theo hướng xã hội hóa, nhưng sau 4 năm thực hiện, SGK vẫn là vấn đề nóng vì nhiều bất cập phát sinh.

Vẫn chủ yếu là "người trong nhà"

Năm học đầu tiên có 5 bộ SGK đầy đủ thì 4 bộ của NXB Giáo Dục VN. Bộ SGK Cánh diều "đội mũ" nhiều NXB khác, nhưng thực chất cũng do Công ty VEPIC đầu tư và thành phần chủ chốt của công ty này từng là người của NXB Giáo Dục VN thời độc quyền. Sau này còn 3 bộ SGK đầy đủ (từ lớp 2 trở lên), thì cuộc cạnh tranh của SGK xã hội hóa, về cơ bản vẫn là của "người trong nhà" theo một nghĩa nào đó.

Năm 2019, khi SGK lớp 1 được thẩm định, nhiều người hẳn còn nhớ có một bộ SGK lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại chủ biên bị loại gây nhiều tranh cãi. SGK Tiếng Việt và Toán của GS Đại từng được đưa vào nhà trường ở hơn 40 tỉnh, thành phố. 

Đặc biệt là sách Tiếng Việt của GS Đại từng có thời cứu nguy cho ngành giáo dục trong việc giảm tỉ lệ học sinh "ngồi nhầm lớp" và bỏ học gia tăng quá nhanh ở nhiều tỉnh khó khăn. Nó có thời gian "thực nghiệm" kỷ lục trong lịch sử giáo dục VN: hơn 40 năm. 

Kỳ thực đó là hành trình đưa một công nghệ dạy học vào đời sống giáo dục. Kết quả của nó từng được Viện Nghiên cứu giáo dục VN đánh giá, đo lường và công nhận một số kết quả tốt.

Khi tham gia biên soạn SGK theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự cũng phải thay đổi nhiều về cấu trúc và cách thiết kế để có thể đăng ký thẩm định. Nhưng bộ SGK này bị loại hoàn toàn khi áp vào hàng chục chỉ báo do bộ đề ra. GS Đại không chấp nhận sửa vì ông có triết lý riêng và minh chứng từ thực tế hơn 40 năm thực nghiệm.

Việc sách của GS Đại bị loại cho thấy dù luật quy định mọi tổ chức, cá nhân đều có thể biên soạn SGK, nhưng SGK vẫn là lĩnh vực "khó nhằn". Những đơn vị, tổ chức muốn tham gia, ngoài nguồn lực đủ mạnh, còn phải thu hút, nắm giữ được đội ngũ tác giả giàu kinh nghiệm, rồi có khả năng chiếm lĩnh được thị trường trong bối cảnh mới: cạnh tranh khốc liệt.

Trên thực tế, thị phần của SGK Cánh diều ở mức 30-40%, các bộ SGK của NXB Giáo Dục VN còn khoảng gần 70%. Một sự phân chia dù chỉ tạm thời, nhưng rõ ràng là các bên đều phải "nhìn nhau để cùng tồn tại", từ việc biên soạn đến định giá.

Gần 400 đầu SGK được phê duyệt: Nhiều bộ đồng phục

Nếu tính SGK lớp 4, 8 và 11 sẽ được sử dụng trong năm học sắp tới, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt gần 400 đầu SGK. Trong đó mỗi môn học có từ 3-10 SGK khác nhau. Những môn có nhiều đầu SGK là các môn mỹ thuật, âm nhạc và tiếng Anh. Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu biên soạn SGK môn giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm. 

Tới thời điểm hiện tại, có 6/7 NXB được cấp phép đã chính thức tham gia biên soạn, xuất bản và cung ứng SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có trên 1.000 tác giả là các nhà giáo dục, nhà khoa học, giáo viên phổ thông tham gia biên soạn, thẩm định SGK. Đây là lực lượng đông đảo nhất so với thời độc quyền. 

So với năm đầu tiên triển khai chọn SGK ở các địa phương với kết quả tập trung chủ yếu vào một bộ SGK của một đơn vị, hiện việc lựa chọn đa dạng hơn. Một trường có thể chọn SGK từ 2-3 bộ SGK khác nhau. Nếu tìm kiếm những "điểm sáng" của SGK xã hội hóa thì đây sẽ là những ưu điểm phải khẳng định.

Nhưng tính đa dạng của SGK xã hội hóa mới là đa dạng người viết, đơn vị xuất bản và lựa chọn trong các bộ SGK đã có. SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, gồm các tiêu chí nặng về hình thức và kỹ thuật. Nó giống như các bộ đồng phục được may giống nhau, chỉ có chất vải khác nhau đôi chút.

Chính vì thế, mặc dù chủ trương "đa dạng hóa nguồn tài liệu", nhưng chưa có những bộ SGK giá rẻ hơn hẳn cho người nghèo, chưa có những bộ SGK phù hợp hơn với những vùng miền đặc thù, chưa có những cuốn SGK đặc biệt vài trăm trang như ở nước ngoài, trong đó ngoài nội dung chính, kèm theo nhiều tài liệu tham khảo…

Nếu ở nước ngoài, nhiều bộ SGK có mặt trong thư viện, tủ sách ở lớp học để giáo viên, học sinh cùng tham khảo thì ở VN, hệ thống thư viện, tủ SGK dùng chung ở nhà trường chủ yếu duy trì nhờ nguồn tài trợ, từ thiện và trong một thời gian dài không được chăm sóc. 

Vì thế cho dù có nhiều bộ SGK, giáo viên và học sinh thường vẫn chỉ có một bộ. Ngoài ra thực tế giảng dạy vẫn là thay vì dạy học căn cứ vào chương trình, yêu cầu cần đạt trên cơ sở linh hoạt, sử dụng nhiều học liệu, đại đa số giáo viên hiện vẫn bám theo SGK, học sinh vẫn chỉ có một tài liệu gần như duy nhất là cuốn SGK được hội đồng cấp tỉnh lựa chọn.

Sách giáo khoa không nên trở thành "pháp lệnh" với người dạy và học.  Ảnh: Fluent U

Sách giáo khoa không nên trở thành "pháp lệnh" với người dạy và học. Ảnh: Fluent U

Giá cao, sách nhiều sạn, lùm xùm chọn sách

Giá cả và nhiều sạn từng là những vấn đề của thời SGK độc quyền, là động lực để xã hội hóa. Nhưng SGK xã hội hóa hiện đều cao gấp 2-4 lần giá SGK thời độc quyền. Lý giải dễ đưa ra là SGK xã hội hóa không được Nhà nước trợ giá nữa, lại còn "khổ to, giấy đẹp".

Nhưng còn một khoản chi phí tác động đến giá sách là chi phí thị trường. "Chi phí thị trường" tới nay vẫn là điểm mờ, dẫn tới những hoài nghi về việc chi tiền hoa hồng quá mức để bôi trơn nhằm mở rộng thị trường. 

Đáng nói là không chỉ chiết khấu cao cho các đơn vị phát hành, cung ứng SGK, đã xuất hiện hoài nghi về "nhóm lợi ích" giữa đơn vị xuất bản, cung ứng SGK với những người liên quan tới việc quyết định chọn SGK ở các địa phương.

Báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021 và 2021-2022 với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, với SGK là 28,5%, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Hiện mức chiết khấu đã giảm xuống còn 21-22,5% nhưng vẫn là mức cao. Những chi phí đội lên từ SGK xã hội hóa tác động thẳng đến túi tiền người dân.

Vì vậy, Chính phủ đã có kế hoạch đầu tư một lần 3.500 tỉ đồng mua SGK đưa vào các thư viện, tủ sách dùng chung của các nhà trường, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Sau đó mỗi năm bổ sung thêm 20%. Nhưng tới nay chưa có báo cáo về kết quả thực hiện.

Ở vấn đề thứ hai, SGK xã hội hóa vẫn nhiều sạn. Nhìn lại từ SGK lớp 1, nhóm Cánh diều từng phải in lại một số bài để thay đổi ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt vì bị phản ứng đưa ngữ liệu không phù hợp. SGK Khoa học tự nhiên 6 của NXB Giáo Dục VN bị thu hồi để sửa và in lại hàng chục ngàn cuốn. SGK vẫn quá nặng, nhất là Tiếng Việt lớp 1, nhiều nội dung, ngữ liệu chưa hợp lý...

Một bất cập khác là khâu chọn SGK. Hiện việc chọn SGK tập trung vào một hội đồng cấp tỉnh, sau đó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục sách được chọn. Có nghĩa SGK không thực sự do giáo viên, học sinh và phụ huynh lựa chọn. 

Nhiều sai sót nảy sinh trong quá trình chọn sách dẫn tới năm nào cũng chậm công bố danh mục chọn sách. Kéo theo đó, các đơn vị xuất bản cũng chậm đấu thầu tổ chức in ấn, không chủ động trong cung ứng SGK trước năm học mới, gây nên tâm lý không yên tâm về SGK.

4 lần đổi mới chương trình - SGK

Lần thứ nhất, 1956-1975. Đây là lần chuyển hệ giáo dục 9 năm thành 10 năm. SGK giai đoạn này kế thừa nhiều nội dung học tập từ các nước xã hội chủ nghĩa thời đó. Việc biên soạn SGK do Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đảm nhiệm. Năm 1957, NXB Giáo Dục VN ra đời để xuất bản SGK.

Lần thứ hai, 1976-2000. Đây là giai đoạn hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc - Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó có nhiệm vụ tổ chức biên soạn SGK và hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo chương trình cải cách giáo dục cho các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học.

Lần thứ ba, 2002-2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo NXB Giáo Dục biên soạn và xuất bản SGK theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ năm 2002. Đây là thời kỳ nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm ngược: viết sách xong mới có chương trình. So với các lần thay SGK trước, lần này SGK được chuyển sang khổ to 17x24cm. Trong đó SGK tiểu học được in 4 màu, có hình thức đẹp hơn trước.

Lần thứ tư, từ 2018. Đây là giai đoạn triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Theo nghị quyết 88/2014/QH13, SGK được xuất bản theo chủ trương một chương trình, nhiều SGK, bỏ độc quyền xuất bản SGK, chuyển sang giai đoạn SGK xã hội hóa. Tháng 12-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình tổng thể).

"Một chương trình, nhiều SGK" vẫn là định hướng đúng

Nên hay không nên thực hiện "một chương trình, nhiều SGK" là vấn đề lại được khơi ra tại nhiều phiên họp giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các phiên góp ý cho đổi mới chương trình - SGK vừa rồi.

Nhìn lại 10 năm, việc này đã được mang ra bàn nát nước. Đó là thời điểm chuẩn bị ban hành nghị quyết 88/2014/QH13, ban hành Luật Giáo dục 2019 và "một chương trình, nhiều SGK" đã được ghi vào luật. 

Nhưng tới khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngay trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu vẫn nêu lại vấn đề "một bộ SGK nhà nước". Có người còn không phân định rõ chương trình khác SGK, nên lo ngại khi một đất nước có "nhiều chương trình giáo dục".

"Một chương trình, nhiều SGK" là xu thế phổ biến gần như khắp thế giới, nên vấn đề không phải là ở định hướng, mà là khi triển khai. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không triệt để yêu cầu giáo viên thay đổi nhận thức về vai trò SGK thì việc "đa dạng SGK" sẽ trở nên phiền phức và mất đi ít nhiều ý nghĩa.

Cũng phải nhắc rằng mong muốn về một bộ SGK nhà nước từng phá sản khi còn trong trứng. Ngược dòng thời gian, giai đoạn 2018-2019, sau khi công bố chương trình tổng thể và các chương trình môn học, 

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng dự định lựa chọn đội ngũ nhân sự để biên soạn một bộ SGK nhà nước. Bộ SGK này sử dụng nguồn kinh phí của đề án đổi mới chương trình - SGK (vay của Ngân hàng Thế giới). Nhưng rốt cuộc bộ đã không làm được, khi những người có khả năng biên soạn SGK đều đầu quân cho các đơn vị xã hội hóa, chưa kể nhiều ràng buộc về thủ tục giải ngân nguồn vốn vay.

Bộ phải trình Chính phủ và trình Quốc hội về "nhiệm vụ bất khả thi" và bằng nghị quyết 51/2020/QH 14, Quốc hội cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải biên soạn những SGK mà thị trường đã có. Cho tới nay, SGK lớp 1-12 của các đơn vị xã hội hóa đã đầy đủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp thoát nhiệm vụ treo trên đầu, thì đột nhiên vấn đề "bộ SGK nhà nước" được lật lại!

Sự xuất hiện của SGK nhà nước có thể sẽ phá vỡ chủ trương xã hội hóa, đẩy SGK xã hội hóa vào thế cạnh tranh không công bằng và thui chột dần. Cùng với đó, chủ trương "một chương trình, nhiều SGK" cũng có nguy cơ phá sản, và càng đẩy giáo viên vào tình trạng coi SGK là "pháp lệnh" mà chúng ta đang muốn tránh.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK chỉ là tài liệu chính để giáo viên, học sinh sử dụng, đồng nghĩa người dạy và học không nhất thiết phải đúng trình tự, đầy đủ và bám sát SGK. Giáo viên hoàn toàn có thể căn cứ chương trình và yêu cầu cần đạt của môn học để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đặt ra việc khích lệ ra đề kiểm tra, đề thi nằm ngoài SGK, nhưng việc này hầu như chưa được thực hiện. Hầu hết nhà trường và giáo viên, học sinh vẫn coi SGK là cơ sở duy nhất để dạy và học. Vì thế SGK bị khoác một trọng trách quá lớn, và càng bị săm soi, kỳ vọng và chê bai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận