Nhọc nhằn chiến tranh và bình yên

THANH VÂN 27/01/2013 04:01 GMT+7

TTCT - Cùng ra mắt vào thời điểm cuối năm 2012 đầu 2013, tiểu thuyết Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh và tập truyện Nhiệt đới gió mùa (*) của Lê Minh Khuê đều khai thác đề tài quen thuộc lịch sử - chiến tranh.

Phóng to
Phóng to

Không phải ngẫu nhiên mà hai tác giả đều lấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên làm nền để triển khai câu chuyện của mình. Cát nóng, nhiệt đới gió mùa bức bối - đó là cái nền của một xứ sở nhọc nhằn cả trong chiến tranh và trong từng phút hòa bình ngắn ngủi.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, cát trọc đầu là một hình dung cụ thể về địa hình của các mỏm cát làng quê Quảng Bình, và cách tiếp cận vấn đề của ông cũng nóng bỏng, trực tiếp, dồn dập như gió cát miền Trung vậy. Từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết là các sự kiện được kể ra liên tục, móc nối vào nhau đầy cuốn hút, không có quãng nghỉ. Các nhân vật và hành động của họ, dù anh hùng hay đê hèn, vô tư hay toan tính, đều được đẩy cao mức kịch tính để phô bày trực tiếp, không vòng vo giấu giếm cách cảm nhận của tác giả về chiến tranh, để người đọc cảm thấy được cả cái thật xấu và cái thật đẹp trong đó.

Nhà văn Lê Minh Khuê là cây bút chuyên sáng tác truyện ngắn. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 và 2001. Giải thưởng Byeong Ju Lee của Hàn Quốc năm 2008. Ngoài ra các tập truyện ngắn của bà đã được dịch và in ở Mỹ, Đức, Thụy Điển, Ý, Hàn Quốc.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã sáng tác nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, truyền hình, sân khấu và là tổng đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật.

Dùng một nhân vật phản diện - Nguyễn Hữu Bá - làm trung tâm, tác giả không che đậy bản chất của hắn. Ngay từ những trang đầu, người đọc đã biết Bá là người như thế nào và qua từng tình huống, mức độ xấu xa của hắn càng tăng lên, để cân xứng với tính khốc liệt của chiến cuộc trong một không gian trải dài từ hậu phương đến đường mòn Hồ Chí Minh. Cuốn sách thu hút nhờ diễn biến nhanh cộng với cách mô tả chiến tranh ở tầm mức gần gũi, qua cách sống của con người với nhau.

"Khi sống ở nơi chỉ có sỏi, đá, đói nghèo và khắc nghiệt, con người mới sống thực nhất với mình. Họ bộc lộ cả khát vọng lẫn hằn học, cao cả lẫn ti tiện, lãng mạn lẫn thực dụng". Bởi thế với họ, chiến tranh không chỉ là cuộc chiến với quân xâm lược mà còn là cuộc chiến với cái ác, với sự sa đọa trong tâm hồn.

Khác với Cát trọc đầu, Nhiệt đới gió mùa mang lại cảm nhận về sự cô đọng và sắc sảo của nghệ thuật truyện ngắn. Với lối viết lão luyện và ngôn từ độc đáo, Lê Minh Khuê tạo nên sức cô đúc ấn tượng khiến người đọc phải rùng mình với từng chi tiết hư cấu mà thực đến độ ám ảnh, đồng thời kèm theo cái nhìn hài hước và tinh quái.

Là trung tâm của tập gồm 12 truyện, Nhiệt đới gió mùa xoay quanh mối thù giữa hai anh em trai cùng cha khác mẹ ở hai đầu chiến tuyến - Hiếu và Phong, qua đó bao quát những biến cố đau thương trong hơn 50 năm của dân tộc. Dưới sức mạnh của cái lực lượng ghê gớm mang tên lịch sử, họ gây ra cho nhau bao tổn thương ghê gớm mà không nhận ra đó là vô nghĩa, bởi "không gì trên đời có thể sánh nổi cái tình con người với nhau".

"Vùng nhiệt đới gió mùa mang theo hơi ẩm từ biển vào luôn gây ra cho con người những cơn bức bối khó chịu không biết trút vào đâu, người ta hay trút vào nhau. Dải đất hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy mong manh như làn khói, gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận. Thù hận làm đời ta ngắn lại...".

Chiến tranh chỉ là một phần của lịch sử, nhưng từng số phận cá nhân nhỏ nhoi bên trong và bên ngoài chiến tranh liên tục phải chiến đấu, đó là định mệnh của một dân tộc sống trong khí hậu khắc nghiệt, loạn lạc liên miên qua bao thế hệ. Cảm giác về sự dữ dằn, bứt rứt mà "nhiệt đới gió mùa" gây ra vì thế không hề mất đi trong những truyện ngắn tiếp theo viết về cuộc sống ngày nay.

Hai tác phẩm, hai lối viết với chung một cái nhìn "địa - văn hóa", có thể nói là đã đem đến một hướng tiếp cận mới cho một đề tài luôn ám ảnh các nhà văn Việt Nam. Chiến tranh không chỉ diễn ra ở chiến trường, và không bao giờ kết thúc ở chiến trường, thực tế đó lúc nào cũng sẵn sàng để chờ các cây bút có tâm khai thác.

THANH VÂN

___________

(*): Cát trọc đầu - tiểu thuyết của Nguyễn Quang Vinh, NXB Trẻ 2013. Nhiệt đới gió mùa - tập truyện của Lê Minh Khuê, NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam, 2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận