Những ngóc ngách của cuộc đàm phán 

HỮU NGHỊ 18/06/2018 20:06 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un ở Singapore chỉ là khởi đầu cho một thỏa thuận khung và cho cả một quá trình đàm phán chi tiết với thực thi thỏa thuận đó. “Đọc” và “giải mã” quá trình đàm phán này như thế nào? Cần nhìn lại quá khứ mới đây để hiểu rõ hơn câu chuyện “thượng đỉnh lịch sử”.

Cái bắt tay lịch sử. Ảnh: AP
Cái bắt tay lịch sử. Ảnh: AP

 

12 ngày trước cuộc gặp, chuyên san ngoại giao Foreign Affairs còn đăng một bài mà tựa đề “Liệu thỏa thuận với Triều Tiên có thực sự khả thi? Khoảng cách giữa mong đợi và thực tế” nêu lên nhiều hoài nghi hơn là lạc quan. Bài báo là của một trong những quan chức am hiểu Triều Tiên nhất trong bộ máy đối ngoại của Mỹ: Joseph Yun, người mới rời ghế đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về chính sách với Triều Tiên kiêm trợ lý ngoại trưởng về Triều Tiên và Nhật Bản vào tháng 3 vừa rồi.

Hoài nghi

Nhà ngoại giao Mỹ gốc Hàn 64 tuổi, với 33 năm làm việc cho Bộ Ngoại giao, quả thực “rành sáu câu” về Triều Tiên. Ông cảnh báo đừng để bị chia trí khỏi vấn đề cơ bản là “thỏa thuận tối giản giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ thế nào?”.

Chủ nghĩa hoài nghi ở đây không chỉ do tính khí bất thường của hai vai chính 72 tuổi và 34 tuổi Trump và Kim. Tuần trước nữa, 2-6, tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly không giấu giếm những băn khoăn: “Kinh nghiệm quá khứ về CHDCND Triều Tiên cho thấy rằng nếu muốn đối phó với vấn đề này, ta phải sẵn sàng để chịu đựng thường xuyên những gáo nước lạnh”.

Những “gáo nước lạnh” đó được giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Daniel Coats mô tả trong phiên điều trần trước Tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6-3-2018: “Mỗi người nên hít sâu một hơi dài để nhận ra rằng chúng ta có một lịch sử đàm phán dài những 27 năm với Triều Tiên. 27 năm đó cũng là lịch sử họ phá vỡ mọi thỏa thuận từng đạt được với Mỹ và cộng đồng quốc tế” (Reuters 26-3).

Mới chỉ từ khi bắt đầu có tin hai bên sẽ gặp nhau, Nhà Trắng đã nhận bao ê chề rồi. Hôm 25-5, nhằm giải thích việc ông Trump quyết định không gặp ông Un nữa, một quan chức cao cấp Nhà Trắng tuyên bố: “Hàng loạt lời hứa đã bị phá vỡ khiến Hoa Kỳ phải ngưng cuộc gặp...

Về chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã hứa hai bên sẽ gặp nhau tại Singapore tuần trước, cùng nhau làm việc về chuẩn bị hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh. Một nhóm tiền trạm của Nhà Trắng đã đến Singapore chờ đợi và chờ đợi. Và phía Triều Tiên không bao giờ xuất hiện. Họ không thông báo gì với chúng tôi. Họ đơn giản là không tới”.

Quan chức cao cấp này cho biết thêm: “Trái với cam kết của Triều Tiên cho phép các chuyên gia quốc tế xác minh việc phá dỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân của họ, chỉ có một nhóm các nhà báo quốc tế được phép xem. Lời hứa đó đã bị phá vỡ... Chúng tôi sẽ không có bằng chứng “pháp y” về những gì đã được thực hiện”.

Quan chức này bày tỏ sự hoài nghi và ngán ngẩm tột cùng: “Có thể các đường hầm được thiết kế theo cách sẽ vẫn cho phép chúng được sử dụng trong tương lai”. Nên nhớ tất cả điều đó diễn ra chỉ vài tuần, trước không khí hồ hởi của cuộc gặp thượng đỉnh vừa rồi.

Thật ra, chuyện 27 năm bội tín, Tổng thống Trump vẫn còn nhắc khi ông đã trên đường tới Singapore, qua tweet trên máy bay: “Sẽ mất bao lâu để tìm hiểu xem họ có nghiêm túc không? Người ta thường nói để biết có thể thích ai đó được hay không chỉ trong 5 giây đầu tiên...”.

Khác biệt tâm thế và mục tiêu

Theo cựu trợ lý ngoại trưởng Joseph Yun, nguy cơ đầu tiên là “các mục tiêu khác nhau của các bên tương ứng với các nhận thức khác nhau về sức mạnh thương lượng tương đối”. Theo ông Yun: “Ông Trump cảm thấy rằng mình chính là người cầm cái và rằng ông Kim, do áp lực từ những tác động của trừng phạt, nay sẵn sàng mặc cả”.

Ngược lại, “mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In xác quyết rằng ông Kim nghiêm túc về việc giải trừ vũ khí hạt nhân, rõ ràng là ông Kim, nay với tư cách lãnh đạo một quốc gia được chứng thực là có vũ khí hạt nhân, cũng đang tin rằng mình tham gia các cuộc đàm phán từ thế mạnh”. Nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào đến từ việc cả hai cùng nghĩ rằng mình ở thế mạnh, những vụ “dẹp đi” (từ phía ông Kim) rồi đến “khỏi gặp” (từ phía ông Trump) là những cảnh báo trước.

Nguy cơ thứ hai đến từ sự khác biệt tâm thế, ông Joseph Yun nhận xét: “Trong đầu ông Kim nay là câu hỏi: Tại sao tổng thống Mỹ lại đồng ý gặp tay đôi?” - mục tiêu mà cả cha và ông nội ông đều đã không bao giờ có thể đạt được?

Trên thực tế, ông Kim Jong Un nay không thể không tự hào vì với dân chúng và cả giới lãnh đạo trong nước, ông là nhà lãnh đạo tối cao (1) đã đưa Triều Tiên vào “câu lạc bộ” các cường quốc hạt nhân và tên lửa đạn đạo; (2) từ đó đã buộc tổng thống (đế quốc) Mỹ lần đầu tiên phải “xuống nước”. Cả hai niềm tự hào này là điều mà suốt 65 năm qua, tính từ sau chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã luôn ấp ủ.

Bản tin “Ngày quốc tế thiếu nhi năm nay” của Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đề ngày 6-6 phản ánh tâm trạng đó: “Lãnh đạo tối cao Kim Jong Un, người tiếp tục đeo đuổi quan điểm cao quý của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong Il về các thế hệ đang lớn lên, đã có bài phát biểu chúc mừng tại Hội nghị toàn quốc kỷ niệm 66 năm thành lập Tổ chức thiếu nhi Triều Tiên... Các đội viên thiếu nhi Triều Tiên đang chuẩn bị để trở thành những người dự bị đáng tin cậy xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa tài năng của mình mà không có gì phải ghen tị với thế giới”.

Cụm từ “mà không có gì phải ghen tị với thế giới” nói lên tất cả, cả sự tự tôn hay mặc cảm tự ti (nếu có). Dù là gì đi nữa, lòng tự ái to lớn của Bình Nhưỡng đang là điều mà phía Mỹ, trong đó có cả báo chí, cần... né. Mới hôm 29-5 vừa qua, tờ “công báo” Rodong Sinmun giận dữ quở trách: “Truyền hình Fox News, CBS và CNN của Mỹ gần đây đã để cho các quan chức cấp cao Mỹ xuất hiện trong các chương trình của họ và trích phát biểu về đàm phán Triều - Mỹ.

Họ đã trơ tráo đưa ra những luận điệu rác rưởi rằng nếu CHDCND Triều Tiên đáp ứng các yêu cầu của Mỹ sẽ có thể nhận được “viện trợ kinh tế phi chính phủ quy mô lớn”, và rằng Triều Tiên sẽ phải cho thấy việc giải trừ hạt nhân được tiến hành một cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược... thật chẳng biết đối thủ của mình là ai... Nhất định phải làm rõ rằng chính phía Mỹ đã yêu cầu gặp Triều Tiên trước tiên”. Cảnh cáo này của tờ Rodong Sinmun cho thấy sau này sẽ có thể ngưng đàm phán bất cứ lúc nào vì lý do “chạm tự ái”! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận