TTCT - Nếu "các nhà văn không viết gì khác ngoài bản thân mình" như Marguerite Duras từng khẳng định, ngòi bút của Annie Ernaux không tìm kiếm gì khác ngoài cuộc đời của chính bà. Các tác phẩm của Annie Ernaux.Nếu "các nhà văn không viết gì khác ngoài bản thân mình" như Marguerite Duras từng khẳng định, ngòi bút của Annie Ernaux không tìm kiếm gì khác ngoài cuộc đời của chính bà. Ở bà, cái tôi là chất liệu chính của tác phẩm văn học... Những kỷ niệm, trải nghiệm của bản thân, được bà mổ xẻ nhằm giải mã các hiện tượng phổ quát hơn, biến cái riêng thành một phòng thí nghiệm nghiên cứu thế hệ mình, thời đại mình.Nếu chưa đọc Annie Ernaux, ít ai lại có thể ngờ được nữ văn sĩ sinh năm 1940, người đàn bà đẹp, thông minh, lịch lãm đó, lại xuất thân trong một gia cảnh vô cùng khiêm tốn. Tuổi thơ của bà gắn liền với căn nhà nhỏ thị trấn Yvetot vùng Normandie, có tầng trệt là nơi cha mẹ bà vừa mở cà phê vừa bán tạp hóa. Xuất thân từ nông dân nghèo, sau đó trở thành công nhân, rồi gia nhập tầng lớp tiểu thương, họ luôn nguyện ước cho cô con gái duy nhất được học hành đầy đủ, "để biết tới một cuộc sống thú vị hơn, độc lập hơn".Lúc nhỏ học tại trường tư thục của các nữ tu, Annie Ernaux theo ngành sư phạm, đỗ thạc sĩ văn chương, vừa dạy học vừa viết sách. Được biết đến từ những năm 1970 với cuốn Những chiếc tủ rỗng (Les Armoires vides, 1974), bà nhận giải Renaudot cho tác phẩm Chỗ đứng (La Place) năm 1984.Từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ, Annie Ernaux không ngừng viết, tạo được vị trí hàng đầu trên văn đàn Pháp và nhận giải thưởng Nobel văn chương 2022. Chưa hết, bà là nữ sĩ đầu tiên của xứ lục lăng được Hội đồng Thụy Điển vinh danh.Ở Annie Ernaux, ý tưởng trở thành nhà văn đã hình thành rất sớm. Có lẽ từ năm 1960, khi ghi tên vào văn khoa, như sau này bà viết trong cuốn Kỷ niệm thời thiếu nữ (Mémoire de jeune fille, 2016): "Ngay từ thời đó, tôi đã bắt đầu biến mình thành một sinh vật văn học, sống mọi thứ như thể một ngày nào đó chúng sẽ được viết thành văn". Bản thảo đầu tay của bà có tên Cây (L’Arbre, 1962), ảnh hưởng phong trào Tiểu thuyết mới (Nouveau roman), bị Nhà xuất bản Seuil từ chối. Bà ghi trong nhật ký: "Tôi sẽ viết để trả thù cho chủng tộc của mình". Thay vì từ "giai cấp" (classe), Annie Ernaux dùng từ "chủng tộc" (race) để nhấn mạnh đến bất công và tủi nhục mà những kẻ xuất thân từ tầng lớp "bị thống trị" (chữ của bà) như cha mẹ mình phải chịu đựng."Viết là phương sách cuối cùng, sau khi đã phản bội"Nghĩ về vị trí xã hội mới của mình, Annie Ernaux luôn coi nó như một sự "phản bội". "Thành công" của bà - tấm bằng thạc sĩ, cuộc hôn nhân và lối sống trưởng giả - đào thêm khoảng cách ngày càng sâu giữa bà và cha mẹ. Hổ thẹn với xã hội về địa vị hèn kém của những đấng sinh thành, đó chính là sự "phản bội". Và sau đó, hổ thẹn với chính mình về sự hổ thẹn đó, đã mang bà đến văn chương. Vì vậy, Annie Ernaux cho ngòi bút của mình một nhiệm vụ gần như duy nhất: viết về cuộc "đào ngũ" đó. Nghiệp văn của bà từ gần 50 năm nay với hàng chục tác phẩm, dường như là cách bà trả lời cho câu hỏi "Viết để làm gì?". "Viết là phương sách cuối cùng, sau khi đã phản bội" - Annie Ernaux ghi như vậy trong đề từ cuốn Chỗ đứng, trích lời nhà văn tiền bối Jean Genet (1910-1986).Với một người làm văn chương như bà, phản bội giai cấp của mình còn đồng nghĩa với phản bội ngôn ngữ "mẹ đẻ", thứ ngôn ngữ bình dân đã nuôi dưỡng bà trong những năm tháng đầu tiên. Trong Nơi chốn thực sự (Le Vrai Lieu, 2014), bà kể là luôn mong muốn tìm lại "sức mạnh", "cơ thể" của thứ ngôn ngữ đầu đời đó: "Qua trường học và sách vở, tôi có được thứ Pháp văn chính đáng, đúng đắn, đẹp đẽ. Trong văn chương, tôi sử dụng thứ ngôn ngữ này, nhưng nó luôn cho tôi một cảm giác là không thực".Annie ErnauxNhững cái "tôi" phi hư cấuSau khi đã xuất bản một số tiểu thuyết, khoảng từ năm 1982 trở đi, Annie Ernaux vứt bỏ hoàn toàn thể loại hư cấu. Kể về bản thân mình đã trở thành nhu cầu khẩn cấp. Lớn lên vào những năm 1960-1980, bà đặc biệt quan tâm các vấn đề liên quan đến nữ giới, tình yêu, tình dục và giải phóng phụ nữ. Nhiều cuốn sách của Annie Ernaux viết về những trải nghiệm và mất mát của riêng mình. Trên các bìa sách của bà, hai chữ "tiểu thuyết" dần dần được tháo gỡ. Căn cước cái "tôi" của người kể chuyện ngày càng trùng khít với căn cước ngoài đời của nữ văn sĩ. Năm 1963, đang còn là sinh viên văn khoa, Annie Ernaux có thai ngoài ý muốn và tìm cách phá thai. Để hiểu được chông gai mà những người phụ nữ ở thế hệ bà và trước đó phải sống, có lẽ nên mở ngoặc để thêm rằng phải đợi đến năm 1975, Quốc hội Pháp cuối cùng mới thông qua điều luật cho phép phụ nữ phá thai (trong bất kỳ hoàn cảnh nào). Sự kiện này sẽ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của bà, như một vết thương khó lành. Năm 2021, bộ phim Sự kiện (L'Événement) của nữ đạo diễn Pháp Audrey Diwan, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Annie Ernaux, đã đoạt giải Sư tử vàng tại Venise.Như thế, ngòi bút của bà không ngừng đào xới từng giai đoạn, từng cột mốc của đời mình: tuổi thơ vùng Normandie trong Những chiếc tủ rỗng (Les Armoires vides), cuộc sống xoay vần của gia đình trong Chỗ đứng (La Place) hay Tủi hổ (La Honte), hôn nhân rồi ly hôn trong Người đàn bà đóng băng (La Femme gelée), kinh nghiệm phá thai trong Sự kiện (L’Evénement), bệnh mất trí nhớ của mẹ trong Tôi chưa ra khỏi đêm tối (Je ne suis pas sortie de ma nuit), cái chết của bà trong Một người phụ nữ (Une femme), một mối tình ngắn ngủi trong Sự đam mê giản dị (Passion simple), người chị chết yểu trong Đứa con gái khác (L’Autre Fille), kinh nghiệm tình dục đầu tiên trong Kỷ niệm thời thiếu nữ (Mémoire de fille). Và trên hết, tác phẩm mang tên Những năm tháng (Les Années, 2008), bao trùm một khoảng thời gian hơn 6 thập kỷ, bắt đầu từ năm 1940 và chạy suốt đến năm 2007, mở đầu với "Tất cả các hình ảnh rồi sẽ biến mất" rồi khép lại với "Cứu vớt chút gì của thời mà chúng ta sẽ không bao giờ còn nữa".Cứ như thể, suy cho cùng, thì viết về những cái "tôi", ở những thời điểm khác nhau, qua đó cảm nhận được dòng chảy của thời gian và những biến chuyển của thời cuộc, mới là điều quan trọng. Và trên hết, ngôn ngữ. "Không chỉ có thế giới đang thay đổi cùng năm tháng. Mà cùng với nó, nhiều từ cũng biến mất, những từ mà cha mẹ tôi từng nói, thuộc về tuổi thơ của tôi, tôi không còn nghe thấy từ hàng thập kỷ nay rồi", bà trả lời phỏng vấn tờ Le Monde ngày 27-4-2019.Ở Annie Ernaux, sống và viết là hai hoạt động quan trọng nhất. Hơn thế nữa, chúng đồng hành, trộn lẫn vào nhau, đem lại ý nghĩa cho nhau. Nếu từ năm 1960, bà đã muốn biến mình thành "một sinh vật văn học", quyết định "sống mọi thứ như thể một ngày nào đó chúng sẽ được viết thành văn", thì đến năm 2022, bà khẳng định trong một cuốn tự truyện mới, Chàng trẻ tuổi (Le Jeune homme), kể về mối quan hệ, cách đây vài thập kỷ, của bà với một thanh niên kém mình 30 tuổi: "Mọi sự (của đời sống thực tế) sẽ không kết thúc được, nếu tôi không viết về chúng".Nếu "các nhà văn không viết gì khác ngoài bản thân mình" như Marguerite Duras từng khẳng định, ngòi bút của Annie Ernaux không tìm kiếm gì khác ngoài cuộc đời của chính bà. Ở bà, cái tôi là chất liệu chính của tác phẩm văn học. Và chẳng bao giờ bà che giấu điều đó. Tuy nhiên, đọc Annie Ernaux, ta sẽ thấy bà không coi mình là trung tâm vũ trụ. Bà thường kể về mình như thể đó là kẻ khác. Luôn có khoảng cách. Và không khoan nhượng. Những kỷ niệm, những trải nghiệm của bản thân được bà mổ xẻ nhằm giải mã các hiện tượng phổ quát hơn, biến cái riêng thành một phòng thí nghiệm nghiên cứu thế hệ mình, thời đại mình.Không phải ngẫu nhiên mà một cuốn sách của bà có tên Viết như một lưỡi dao (L'Écriture comme un couteau, 2003), trong đó Annie Ernaux đưa ra một định nghĩa mới về tự truyện: theo bà, "cái cá nhân đã và luôn mang tính xã hội, bởi vì không thể nào tồn tại một cái tôi hoàn toàn thuần túy, không quan hệ gì tới xã hội, luật pháp, lịch sử".Một lối viết "phẳng"Viết tự truyện đã đành. Nhưng viết thế nào về tôi, về cha, về mẹ, về những gì cá nhân nhất, riêng tư nhất? Câu chữ nào và hình thức nào? Thái độ nào và thế đứng nào? Đó là những câu hỏi Annie Ernaux không ngừng đặt ra ngay trong tác phẩm của mình.Trong Chỗ đứng (La Place), để tả lại cuộc đời khốn khó của cha mẹ mình, bà viết: "Tôi không có quyền đứng về phía nghệ thuật, tìm cách tạo nên một cái gì đó ‘tuyệt vời’ hay ‘xúc động’. Tôi sẽ tổng hợp lại các lời nói, động tác, sở thích của cha tôi, những sự kiện quan trọng của đời ông, những dấu hiệu khách quan của một số phận mà tôi đã từng chia sẻ. Sẽ không có thi vị của kỷ niệm, cũng không có chế giễu tưng bừng. Lối viết phẳng đến với tôi một cách tự nhiên…".Đây là một ví dụ về lối viết "phẳng", đã trở thành thương hiệu của Annie Ernaux: "Khi tôi nói: ‘Một đứa bạn con được đi thăm lâu đài vùng sông Loire’, thì ngay lập tức bố mẹ tôi nổi giận: ‘Trước sau thì mày cũng đến đó thôi. Nên vui với cái mày đang có’. Thiếu thốn triền miên, vô tận. Nhưng muốn chỉ để muốn thôi, vì không biết cái gì thực sự là đẹp, và nên thích cái gì. Cha tôi luôn theo lời khuyên của các ông thợ sơn và các ông thợ mộc, về các vấn đề liên quan đến màu sắc và hình dáng, người khác thế nào thì mình thế ấy. Ông còn không biết đến ý tưởng rằng người ta lại có thể lựa chọn từng đồ vật trong nhà của mình. Ở phòng cha mẹ tôi, không có một trang trí nào hết, chỉ có mấy khung ảnh, vài cái khăn trải bàn nhỏ được khâu vào dịp lễ các bà mẹ, và trên lò sưởi, một bức tượng trẻ em bán thân bằng gốm sứ, là do người bán giường tặng không lấy tiền" (trích Chỗ đứng).Chính vì vậy Annie Ernaux đã từng thổ lộ là bà không thể nào yêu thích Proust. Những câu dài yểu điệu, cách hành văn bay bướm, tinh thần "nghệ thuật vị nghệ thuật" tuyệt đối của ông thật xa lạ với bà. Bà nói: "Ông bà tôi chỉ biết dùng tiếng địa phương. Nhiều kẻ cho rằng cách nói dân dã có nhiều chất thơ. Chẳng hạn Proust say sưa kể lại những câu sai ngữ pháp và những từ cũ kỹ của Françoise. Cái ông quan tâm duy nhất, đó là thẩm mỹ. Ông khen Françoise vì bà ta chỉ là đầy tớ nhà ông thôi, đâu phải là mẹ ông".Nhiều lần Annie Ernaux tuyên bố: trong nghệ thuật không có đề tài "cao quý" hay "hèn kém". Tương tự, không có đồ vật hay hiện tượng nào tự bản thân lại "nên thơ" hay "dồi dào thi hứng". Bà viết về phá thai, tàu hỏa hay siêu thị, với cùng một cách như khi viết về thời gian, quá khứ, lãng quên. Tổng cộng tất cả những thứ đó làm nên cuộc sống. Trong nghệ thuật cũng như đời thường, chúng tồn tại bên nhau, "phải tồn tại bên nhau".Với Annie Ernaux, viết chính là lật đổ trật tự văn chương, và trên hết, lật đổ trật tự xã hội.■(*) Tiến sĩ văn học Pháp tại Đại học Paris 7, giáo sư văn học Việt Nam tại Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông Paris, người từng giới thiệu tự truyện của Annie Ernaux ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội năm 2008. Tags: Nhà văn Annie ErnauxNobel 2022Nobel văn chươngVăn chươngNhà vănTác phẩmAnnie Ernaux
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.