Nổi tiếng mất thời gian lắm!

DUY (TP.HCM) 13/11/2015 21:11 GMT+7

TTCT - Dù thích hay không thích nổi tiếng, mục đích sau cùng của một cá nhân trong xã hội vẫn là sự thừa nhận của cộng đồng về những giá trị tốt đẹp mà mình đã đóng góp.

Minh họa: BÍCH KHOA
Minh họa: BÍCH KHOA

1 Cháu gái học lớp 5 của tôi một hôm nhắn tin trên Facebook rằng: cháu muốn thi cuộc thi hát V. Tôi hỏi để làm gì, cháu bảo muốn nổi tiếng. Cả lớp cháu đã rủ nhau đăng ký đi thi.

Nhìn cháu, tôi ái ngại nghĩ đến trường hợp tương tự trong một cuộc thi hát khác khi cả gia đình bị truyền thông nhào nặn đến không nhìn ra, tôi tưởng tượng đến cháu gái của mình thoáng qua màn hình tivi, rồi nghĩ tiếp đến những clip tổng hợp các thí sinh đi thi hát nhưng lại thành diễn viên hài bất đắc dĩ trên sân khấu.

Thở dài hỏi cháu “Nổi tiếng để làm gì hả L.?”. Thấy màn hình bên kia im lặng. Một lúc sau cháu bảo: “Cháu muốn được lên tivi”. Nổi tiếng của cháu là được lên tivi.

Đi dự lễ khai giảng của một trường đại học nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Khi quan khách đang lắng nghe bài phát biểu của thầy hiệu trưởng thì một khách mời đi vào. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào vị khách.

Đến khi MC xướng tên: Đến dự buổi lễ hôm nay còn có sự góp mặt của diễn viên H. thì những tiếng thì thào vỡ òa. Từng tràng pháo tay giòn giã gửi đến khách mời. Diễn viên H. chắc không tin nổi trước khi cô đến, những vị quan khách, những thầy hiệu trưởng một thời chỉ nhận được những tràng pháo tay nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều.

Cô diễn viên doanh nhân, đẹp và giàu hẳn nhiên nổi tiếng trong lòng sinh viên trường X. hơn rất nhiều tiền bối của trường.

Còn nhớ cách đây không lâu, một công ty truyền thông đăng thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Quyền lợi của ứng viên khi được chọn là: cam kết về sự xuất hiện trên khoảng 20 báo đài. Quảng cáo thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Cho thấy việc được xuất hiện trên báo chí (dù chưa biết mục đích) là mơ ước của rất nhiều người.

Từ ngữ nổi tiếng hiện nay không mang tính tích cực hoàn toàn mà có phần hào nhoáng, phù hoa trong đó, nhưng không ít bạn trẻ vẫn yêu thích nó. Họ góp phần làm sự nổi tiếng bị lẫn lộn với sự phù phiếm, hư ảo, dối trá. Có lẽ nhầm lẫn lớn nhất của họ là còn không tin mình đang nhầm lẫn.

2 Để trở thành người nổi tiếng cũng phải biết cách. Trang Wikihow đề xuất: thứ nhất, phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đeo đuổi, phải xắn tay vào tìm hiểu. Muốn trở thành Gordon Ramsay không thể không vào bếp.

Chưa hết, cần phải tận dụng các cơ hội. Muốn thành sao trong lĩnh vực truyền hình thì phải tham gia các chương trình truyền hình, phải tận dụng cơ hội gặp các ngôi sao khác. Biết học hỏi từ thất bại của bản thân, biến điều bất lợi thành có lợi. Những bí quyết chia sẻ này phản ánh tư duy tích cực của việc trở thành người nổi tiếng.

Wikihow cũng khẳng định: Đừng dại dột đâm đầu vào tai tiếng bởi nó khác danh tiếng rất nhiều. Sự chú ý không đồng nghĩa với nổi tiếng, cho nên những trò lố hay ngốc nghếch trên sân khấu của các chương trình truyền hình thực tế sẽ khiến mua vui cũng được một vài trống canh, nhưng chẳng phải là giá trị lâu dài để duy trì.

Tuy nhiên, điều hệ thống truyền thông mà chúng ta đang ăn, ngủ cùng nó lại chấp nhận trả tiền cho việc được chú ý. Chỉ cần có sự chú ý thì bạn đã có thể sống tốt. Đó là lý do những Lệ R., Kenny S., bà T. vẫn đang điềm nhiên chiếm những ô chữ trên tạp chí hay trên những dòng thông tin của mạng xã hội.

Người ta không làm những việc không đem lại lợi ích cho mình. Việc chường mặt ở các mục vô thưởng vô phạt trên tạp chí hay các bàn cà phê vì có giọng hát quá dở, hoặc tâm thần hoang tưởng không phải là cảm giác dễ chịu với người bình thường. Nhưng sự thực dụng của truyền thông mạng xã hội không quan tâm đến cảm xúc của người trong cuộc.

3 Trong lớp học tiếng Anh của tôi, khi đặt câu hỏi “Em có muốn nổi tiếng không?”, một cô bé lớp 7 bảo rằng: “Em không muốn. Nổi tiếng mất thời gian lắm, đời tư bị soi mói”. Cậu SV Đại học Y dược thổ lộ không muốn nổi tiếng. Cậu chỉ muốn làm một bác sĩ tốt.

Giáo viên vặn lại: “Bác sĩ tốt sẽ có danh tiếng đấy chứ!”. Cậu trả lời: “Em không cố gắng bằng mọi giá. Em chỉ muốn làm tốt vai trò một bác sĩ. Sự thừa nhận về uy tín của em là do quan điểm của mỗi người”. Đó là câu trả lời mà tôi cho rằng thỏa mãn các tranh cãi về sự nổi tiếng.

Dù thích hay không thích nổi tiếng, mục đích sau cùng của một cá nhân trong xã hội vẫn là sự thừa nhận của cộng đồng về những giá trị tốt đẹp mà mình đã đóng góp. Đó là lý do những chiêu trò sẽ không thể tồn tại lâu trên con đường xây dựng uy tín cá nhân. Chỉ những thành quả thật sự được tạo ra bằng năng lực của mỗi người mới nên là mục tiêu đeo đuổi, hơn là một danh xưng nào đó của mạng xã hội.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận