Perfect days: Sống cho tận một ngày

LÂM LÊ 10/03/2024 09:17 GMT+7

TTCT - Với Perfect Days, Wim Wenders gợi lên cho người xem những suy ngẫm sâu sắc về việc tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị trong thế giới hằng ngày để sống một cuộc đời tự tại nhất có thể.

Perfect days: Sống cho tận một ngày- Ảnh 1.

Trong nhiều tác phẩm xuất sắc trước đây, Wim Wenders - nhà làm phim cựu trào người Đức - từng nhiều lần đặt nhân vật của ông vào những hành trình vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tồn trong thế giới hiện đại. 

Nhưng với Perfect Days, một bộ phim đậm chất thiền định, giàu chất thơ, ông lại gợi lên cho người xem những suy ngẫm sâu sắc về việc tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị trong thế giới hằng ngày để sống một cuộc đời tự tại nhất có thể.

Từ nỗi sợ hãi trước sinh tồn

Nổi lên từ thập niên 1970, 1980 như một đạo diễn, một auteur tiên phong của phong trào New German Cinema (Điện ảnh Đức mới), Wim Wenders đã gặt hái vô số thành tựu trong sự nghiệp của ông, với các giải thưởng cao quý nhất tại ba LHP quốc tế hàng đầu là Cannes, Venice, Berlin.

Bộ ba phim hành trình (Road Movie trilogy) của Wim Wenders là sự khai phá của thể loại này, nổi bật nhất là Paris, Texas (giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1984).

Xuất thân là một nhiếp ảnh gia, Wim Wenders đã khiến Paris, Texas gây ấn tượng mạnh bởi những khung hình có bố cục chặt chẽ, gợi lên vẻ đẹp phong cảnh và khí hậu vùng sa mạc ở Texas. Nó là phông nền cho hành trình của một người đàn ông đã đánh mất cả trí nhớ, từ bỏ cuộc sống văn minh 4 năm trước, dấn bước lang thang vào cuộc sống hoang dã ở sa mạc. 

Khi được người em trai tìm thấy và giúp hồi tưởng quá khứ, Travis Henderson (Harry Dean Stanton đóng) tìm cách sửa chữa những lỗi lầm mà ông gây ra, chủ yếu là những lỗi lầm khởi đi từ sự sợ hãi trước sinh tồn của mình. 

"Bố không thể chữa lành những vết thương đã xảy ra trong quá khứ. Bố còn không thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra. Nó để lại cho bố một khoảng trống. Và giờ đây bố thấy sợ. Bố thấy sợ lại phải bước đi lần nữa. Bố thấy sợ những gì bố có thể tìm ra. Nhưng bố còn sợ hơn là không dám đối mặt với nỗi sợ này" - lời Travis nói với đứa con trai nhỏ.

Paris, Texas là bức thư tình mà Wim Wenders gửi cho nước Mỹ, một cái nhìn phản tỉnh về nước Mỹ của một người nghệ sĩ châu Âu. Sự âu lo và vỡ mộng của con người trước xã hội công nghiệp được ông lựa chọn như một chủ đề xuyên suốt, kể cả trong những tác phẩm trước và sau đó, như The American Friend (1977) hay Land of Plenty (2004)…

Wim Wenders cũng có một tình yêu đặc biệt với nước Nhật, nơi ông từng đến và làm bộ phim tài liệu Tokyo-Ga (1985) để bày tỏ tình yêu và sự kính trọng đối với tượng đài điện ảnh Nhật Yasujiro Ozu. Mỗi khoảnh khắc mà ông ghi lại trong bộ phim tài liệu ấy, từ những cuộc đối thoại với những nghệ sĩ từng cộng tác với Ozu đến những quan sát của ông về một Tokyo hiện đại trong vẻ đẹp truyền thống của nó, đều như một sự tri ân đến bậc thầy điện ảnh người Nhật Bản, người giúp ông thấy được những triết lý sống đậm chất thiền định từ một đất nước phương Đông.

Năm 2023, ông trở lại Nhật để làm Perfect Days. Bộ phim chỉ mất 16 ngày để quay, với màn trình diễn tuyệt vời của Koji Yakusho trong vai một người lau dọn nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo tận hưởng niềm vui sống của mình trong từng phút giây của mỗi ngày. 

Vai diễn này đã mang lại cho Koji Yakusho giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Cannes năm 2023, còn Perfect Days lọt vào top 5 tranh giải Phim quốc tế xuất sắc nhất tại giải Oscar 2024.

Sống chánh niệm trong từng phút giây

Hirayama (Koji Yakusho) là một cư dân lớn tuổi, làm công việc lau dọn những nhà vệ sinh công cộng ở quận Shibuya thời thượng ở Tokyo. Ông sống một mình trong một căn hộ giản dị tại một khu phố yên tĩnh. Mỗi ngày của ông đều diễn ra với những thói quen lặp lại đầy thanh thản và mãn nguyện. 

Ông thức dậy khi còn tờ mờ sớm, bước lên tầng trên làm vệ sinh cá nhân, ra khu vườn nhỏ chăm sóc cây cối, chụp ảnh chúng mỗi ngày và lưu lại trong những chiếc hộp có ghi ngày tháng bên ngoài. Rồi ông mặc bộ đồ lao động của công nhân vệ sinh, lái xe đi làm. 

Trên đường đi, ông mở những cuốn băng cassette cũ kỹ, thưởng thức những bản nhạc ông yêu thích từ thập niên 1970, 1980 của những nghệ sĩ hay ban nhạc tên tuổi như Lou Reed, The Velvet Underground, The Animals hay Van Morrison…

Đạo diễn Wim Wenders và diễn viên Koji Yakusho

Đạo diễn Wim Wenders và diễn viên Koji Yakusho

Khi đến các nhà vệ sinh công cộng, ông làm việc với thái độ tận tâm và kỹ lưỡng. Bữa trưa, ông ra công viên ngồi ăn một mình, nhìn lên những vòm lá xanh đung đưa trước gió. Buổi chiều, ông trở về nhà, thay quần áo, đạp xe ra phố, ghé một tiệm sách để đổi sách mới hoặc đến một quán bar, một quán ăn, một bờ sông. 

Buổi tối, ông trải chiếu tatami nằm ra giữa sàn nhà, bật đèn đọc sách cho đến khi chìm vào giấc ngủ và những cơn mơ - được biểu đạt bằng những hình ảnh đen trắng mờ ảo - cũng có vẻ rất bình yên và tự tại. Rồi ông lại thức dậy và bắt đầu một ngày mới được lặp lại với một nhịp điệu đều đặn như thế.

Bộ phim mang đến cho người xem một cuộc sống ngăn nắp, có tính nghi thức và hơi khổ hạnh nhưng giàu văn hóa, tri thức của một người đàn ông lớn tuổi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống giản dị và cô độc của mình. 

Nhưng đấy lại không phải là cuộc sống của một vị tu sĩ lánh đời. Ông vẫn nếm trải mọi cung bậc cảm xúc mà đời thường mang tới. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật như cô cháu gái và người em gái có vẻ ghẻ lạnh của mình dường như cho thấy ông từng có một quá khứ bất ổn và một mối quan hệ không hạnh phúc trong gia đình mình. 

Và dường như ông từng chạy trốn cuộc sống ấy, cho dù bóng ma của quá khứ thi thoảng vẫn đuổi theo ông, ngay cả trong giấc mơ…

Trong một cuộc đối thoại với cô cháu gái tuổi vị thành niên, ông nói rằng thế giới này được tạo ra bởi nhiều thế giới khác nhau. Một số trong đó có sự kết nối, nhưng một số hoàn toàn riêng biệt. Những giọt nước mắt hay sự thổn thức của ông khi người em gái và cháu gái rời đi cho ta thấy người đàn ông luống tuổi ấy chất chứa nhiều nỗi niềm và sự ưu tư trước cuộc sống này.

Với Koji Yakusho, một diễn viên kỳ cựu với hơn 100 bộ phim trong tay, trong đó có những tác phẩm lớn giành giải thưởng lớn hay gây tiếng vang quốc tế, nhân vật Hirayama có lẽ là vai diễn đơn giản nhất, nhưng đồng thời cũng là nhân vật gây bùng nổ cảm xúc nhất, đặc biệt là cú máy dài ở phân cảnh cuối cùng của bộ phim, mô tả những sắc thái cảm xúc giữa nụ cười và giọt nước mắt trên gương mặt ông khi lắng nghe ca khúc Feeling Good do Nina Simone thể hiện.

Perfect days: Sống cho tận một ngày- Ảnh 3.

Trong một ca khúc khác được vang lên hơn một lần trong phim là Perfect Day của Lou Reed, có một câu trong phần điệp khúc: "Bạn sẽ gặt hái những gì bạn gieo" (You're going to reap just what you sow). 

Ở chặng cuối của cuộc hành trình ấy, ta thấy Hirayama là một người đàn ông hạnh phúc, khi ông tận hưởng và biết ơn từng giây phút được sống, trong cả niềm vui và nỗi buồn mà nó mang lại.

Xuyên suốt trong Perfect Days, ta thấy những giấc mơ của Hirayama nhiều lần được biểu đạt qua những hình ảnh đen trắng mô tả sự xao động của cành lá, do chính Donata, vợ của Wenders, vốn là một nhiếp ảnh gia, quay lại. 

Ở phần credit của bộ phim, nó được giải thích bằng từ Komorebi, một từ trong tiếng Nhật chỉ sự lung linh của ánh sáng và bóng tối được tạo ra bởi những chiếc lá đung đưa trong gió. Nó chỉ tồn tại một lần, vào chính thời điểm đó.

Và vì thế, Perfect Days như một lời nhắc nhở về sống chánh niệm từng phút giây. 

Perfect Days ban đầu chỉ là một dự án phim tài liệu ngắn mà Wim Wenders được đặt hàng nhân kỷ niệm dự án nghệ thuật Nhà vệ sinh Tokyo, bao gồm 17 nhà vệ sinh công cộng do một kiến trúc sư thiết kế.

Ông từng rất thành công với nhiều bộ phim tài liệu trong quá khứ, với 3 lần được đề cử Oscar cho 3 bộ phim tài liệu dài. Nhưng cuối cùng, Wim Wenders biến nó thành một bộ phim nghệ thuật có phong cách tối giản và phần nào đó, được quay như một bộ phim tài liệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận