Sản xuất và kinh doanh hậu dịch: Thập diện mai phục

NAM MINH 26/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Nhiều thách thức bủa vây cộng đồng doanh nghiệp trên con đường trở lại trạng thái bình thường.

Ngay sau khi Sài Gòn cho phép mở lại một số hoạt động kinh tế, chủ một cửa hàng bán đồ vi tính ở Thủ Đức dán thông báo các mặt hàng của shop tăng giá ít nhất 30.000 đồng, do khâu nhập hàng từ Trung Quốc về khó khăn. 

Tại quận 5, giám đốc một công ty tài chính quyết định đóng cửa vì khó tiếp tục gánh chi phí mặt bằng, nguồn thu giảm trong khi nhiều nhân viên đã bỏ phố về quê. Chặng đường tiến tới trạng thái bình thường mới đang ngổn ngang thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Dệt may là ngành thiếu lao động trầm trọng nhất sau dịch. Ảnh: Brink News

 

Thiếu lao động, đứt nguyên liệu, hạn chế khâu tiêu thụ

Thiếu hụt nhân công trầm trọng trở thành câu chuyện lớn sau dịch. Đã có hơn 1,3 triệu lao động rời các thành phố lớn để về quê tránh dịch. 

Nếu TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10-2021, rất khó để công nhân quay lại làm việc đầy đủ, vì chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. 

Ngoài ra, chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. 

“Tôi cho rằng thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%” - ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định.

Trên nhiều công trường xây dựng, thực trạng khan hiếm công nhân đang gây đau đầu cho các nhà thầu. Các yêu cầu phải giảm số lượng công nhân làm việc trong cùng thời gian, đòi hỏi giấy xét nghiệm âm tính mới được vào công trường... khiến tiến độ các dự án khó lòng đẩy nhanh.

Triển vọng kinh doanh chưa chắc chắn khiến các doanh nghiệp chưa dám quay lại thị trường lao động. Khảo sát mới đây của công ty nguồn nhân lực Navigos Group cho biết vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể ra quyết định ngay lập tức có nên tuyển dụng hay không (chiếm 17,5% tổng số được khảo sát). 

Ngoài ra, họ cần một khoảng thời gian nhất định để quay trở lại tuyển dụng: 7,3% cho biết cần nửa tháng sau khi kiểm soát dịch bệnh, 6,7% cần 1 tháng, 7,8% doanh nghiệp cần 3 tháng và khoảng 3,5% cho biết cần ít nhất đến 6 tháng. 

“Tỉ số phần trăm trên chứng minh ở giai đoạn hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn có sự chần chừ và cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có thể quay trở lại khuấy động thị trường lao động” - Navigos Group nhận định.

Ngoài thiếu hụt lao động, hiện các doanh nghiệp đối mặt với thách thức tìm thị trường tiêu thụ trong khi các đơn hàng đã bị rút đi rất nhiều. 

Thống kê của hiệp hội dệt may cho biết tỉ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam hiện đã tăng lên 40 - 50%. 

Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng, như vậy ít nhất 6 tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã rời khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc, Indonesia.

Đứt gánh chuỗi cung ứng nguyên liệu là bài toán khó thứ ba cho ngành sản xuất chế biến. 

Đơn cử ở lĩnh vực chế biến thủy sản, mặc dù nguồn cầu được ghi nhận tăng vọt tại Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp khó lòng đón bắt cơ hội vì không mua được nguyên liệu sản xuất nên không có hàng để xuất. 

Việc giãn cách lâu và đứt đoạn trong khâu vận chuyển khi di chuyển qua nhiều tỉnh thành có cơ chế kiểm soát dịch không đồng bộ khiến người dân không thể thu hoạch và quyết định ngừng thả giống. 

Thời gian nuôi một vụ tôm mất khoảng 3 - 4 tháng nên công suất ngành thủy sản sẽ khó lòng phục hồi sớm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý 3 đã giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.

Hay như các sự kiện quy mô lớn, chiến dịch bán hàng, hội nghị khách hàng... hiện vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho các nhà bán lẻ. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải tổ chức sự kiện công bố dự án và bán hàng qua hình thức trực tuyến, nhưng hiệu ứng lan tỏa thông tin và mức độ hiệu quả chưa bằng phương thức bán hàng truyền thống.

Cần chính sách đồng bộ dài hạn

Nguy cơ lạm phát và giá năng lượng tăng nhanh là thách thức khác cho kế hoạch phục hồi kinh tế. Mới đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thép Hòa Phát Hưng Yên ra thông báo tăng giá thép cây và thép cuộn các loại thêm 200.000 đồng/tấn trên phạm vi toàn quốc. 

Ảnh: tcf.org

 

Mức giá mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 7-10. Nguyên nhân của việc tăng giá bán là do giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào thời gian qua liên tục tăng. Giá thép vốn đã tăng chóng mặt từ đầu năm, vì vậy đợt điều chỉnh lần này càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Hiện giá dầu Brent đã vượt mức 85 USD/thùng, trong khi giá khí, than đá tăng mạnh đang gây áp lực mới lên lạm phát. Giá năng lượng tăng vọt khiến chi phí sản xuất đội lên, gây tổn thương cho những ngành nghề có biên lợi nhuận mỏng hay tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, ximăng. 

Theo dự báo giá dầu của các hãng phân tích tài chính lớn, giá dầu thế giới thậm chí có thể leo lên mốc hơn 100 USD/thùng vào cuối năm nay và sẽ duy trì xu hướng tăng đến tận năm 2025, với mức đỉnh điểm dự báo là hơn 160 USD/thùng trong giai đoạn này.

Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết kể từ tháng 8, khoảng 24.000 doanh nghiệp tại TP.HCM đã rời thị trường, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số thực tế có thể còn cao hơn do nhiều doanh nghiệp không thông báo được tình trạng của mình.

Trước mắt cần ổn định thị trường lao động và thu hút người dân quay lại các khu công nghiệp, công trường để các doanh nghiệp có cơ sở hoạch địch kế hoạch sản xuất. 

Trước đó, khoảng 30% công nhân đã mất việc làm. 

Lĩnh vực da giày bị mất lực lượng lao động nặng nhất với 62%, tiếp theo là dệt may ở mức 42%, khách sạn ở mức 37% và thực phẩm và đồ uống ở mức 38%. Nhiều người từ chối quay lại làm việc, hoặc không chọn TP.HCM để làm việc nữa. 

Vì vậy, Chính phủ và chính quyền địa phương cần giải pháp khuyến khích người lao động trở lại sau khi đại dịch đã được kiểm soát, chẳng hạn như giúp họ đi lại và tiêm phòng.

Chính phủ cần có kế hoạch dài hạn, ổn định và có tính dự báo cho doanh nghiệp. 

Theo đề xuất của tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), từ nay đến quý 1-2022 Chính phủ cần ưu tiên phòng chống dịch bệnh, kết hợp các chính sách vĩ mô, trong đó có thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững qua thời kỳ khó khăn, duy trì cải cách môi trường kinh doanh. 

Sau quý 1 đến cuối năm 2023, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được nới lỏng, kích thích nền kinh tế và tạo sức bật hơn cho các doanh nghiệp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các chính sách về tiền tệ, giảm bớt thủ tục hành chính, miễn hay cắt giảm phí thông quan, phí hạ tầng, điện nước... đi cùng chính sách hỗ trợ cho lưu thông hàng hóa trong nước và tiếp cận thị trường nước ngoài. 

“Chính phủ cần sớm xây dựng và thực hiện một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19” - bà Minh nói.■

Với các doanh nghiệp FDI, chưa kịp hoàn hồn khi đại dịch vừa lui thì những khó khăn nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ lại ập tới. 

Ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc làm giá nguyên liệu cơ bản tăng, giá xăng và tình hình thiếu container rỗng làm chi phí vận tải đường biển tăng 200 - 400%. 

Nghiêm trọng hơn, tình trạng thiếu chip bán dẫn được dự báo kéo dài đến hết năm 2021. 

Doanh nghiệp FDI và người lao động đứng trước một trạng huống éo le: đơn hàng có, nguồn lực nội tại sẵn sàng nhưng lại không thể tăng sản lượng đầu ra vì những lý do có muốn họ cũng không thể giải quyết. 

Điểm yếu của một nền sản xuất không có nền công nghiệp cơ bản lộ rõ khi gặp phải những khó khăn mang tính đứt gãy, ở thời điểm không ai mong muốn nhất.

“Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%”

Ông Vũ Đức Giang (chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận