Sở thuế và doanh nghiệp: Dưỡng và dung

TRUNG TRẦN 05/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Không thể tư duy sở thuế chỉ như một cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ thu thuế, đó còn phải là một trong những cánh tay đắc lực nhất của chính quyền để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Môi trường đầu tư, thị trường lao động, an ninh, pháp luật rành mạch và công bằng… hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp cho doanh nghiệp, mà một trong những thành tố quan trọng nhất là chính sách thuế. 

Ở Việt Nam hiện nay thì sắc thuế liên quan mật thiết nhất đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM sáng 26-3. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Thu thuế: Một dịch vụ công đặc biệt 

Là công cụ quan trọng nhất trong việc bảo đảm ngân sách quốc gia, thuế không chỉ là nguồn để chi tiêu nhà nước mà còn là đòn bẩy hỗ trợ và kích thích hoạt động kinh doanh quan trọng. 

Bản thân chính sách thuế TNDN của Việt Nam 20 năm qua đã có những cải cách đáp ứng được thực tế phát triển của nền kinh tế và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Thuế suất căn bản của thuế TNDN đã giảm dần từ 28% xuống 25%, rồi 20% vào năm 2016, đồng thời xóa bỏ phân biệt thuế suất giữa doanh nghiệp nội địa và FDI. 

Các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho các ngành nghề, vùng miền đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, khoa học, giáo dục, địa phương kém phát triển, dân tộc thiểu số và ưu tiên nhân lực phụ nữ… đều đã được ban hành.

Về chính sách, đây là những điểm son của quản trị công trong nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực tế cho thấy chính sách vĩ mô đã tạo ra những tác động tích cực hữu hình: nhiều doanh nghiệp hơn tham gia các lĩnh vực khó tạo ra lợi nhuận nhưng có tính phúc lợi xã hội cao, dễ thấy là các khoản đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay sự bùng nổ của lĩnh vực giáo dục hay xuất bản tư nhân.

Bản thân sở thuế ít nhiều cũng giống một doanh nghiệp với nhiệm vụ thu đúng, thu đủ chỉ tiêu ngân sách - có thể coi là “doanh số mục tiêu” của “doanh nghiệp” sở thuế. 

Nhưng ngoài mục tiêu cứng đó, sở thuế còn phải bảo đảm những khoản thu là hợp luật và hợp lý. Hợp luật là không thu sai, thu sót; và hợp lý là phù hợp với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp - tức “khách hàng”. Lý thuyết hành chính công gọi là nguyên tắc “Công bằng, hiệu quả và khả thi”.

Nói cách khác, hoạt động của sở thuế cần được hiểu thêm khía cạnh dịch vụ công đặc biệt, với khách hàng là doanh nghiệp. Ban đầu cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, tức là dưỡng nguồn thu, sau đấy khi doanh nghiệp có lãi thì mới đến giai đoạn khai thác nguồn thu, và cần hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, minh bạch sổ sách kế toán.

Vế sau thực sự quan trọng, bởi đa số doanh nghiệp ở Việt Nam khi đã đạt được một mức doanh số đáng kể nào đó, thì minh bạch tài chính luôn là vướng mắc lớn nhất, mà nguyên nhân thường từ cả hai phía, doanh nghiệp và sở thuế.

Để làm đúng ngay từ đầu

Thuế TNDN cơ bản được tính bằng công thức: Doanh thu trừ các khoản được miễn và chi phí hợp lý, rồi nhân với thuế suất. Với các SME, để giảm thiểu số thuế phải đóng, cách phổ thông nhất là tăng chi phí hợp lý, văn phòng phẩm, xăng xe, khách sạn, vé máy bay, ăn uống… Tất cả sẽ suôn sẻ trong vài năm đầu. Cho đến khi… cơ quan thuế thanh tra.

Lúc này, khả năng của nhân sự kế toán cần mẫn, cẩn thận thuở đầu khởi nghiệp không còn đủ để giải trình với nhân viên sở thuế tại sao nhân sự công ty có 50 người mà 1 tháng dùng hết 200 bình nước lọc hay có đến 20 hóa đơn ăn nhậu.

Chủ doanh nghiệp tự nhiên phải đối phó với tình cảnh đang có lời thì bị truy thu thuế gần hết, vò đầu bứt tai quay ra trách kế toán, và cuối cùng, tìm đến giải pháp là nhờ cậy... nhân viên sở thuế, vốn quá quen với những “ca” này.

Câu chuyện thường thấy trước đây ở Việt Nam: nhân viên cục thuế vừa là người thu thuế vừa là… người tư vấn thuế không chính thức cho công ty. Bản thân doanh nghiệp thấy vẫn ổn. Sở thuế vẫn có số tăng trưởng và nhân viên thuế được “đảm bảo đời sống”. Chẳng phải như vậy ai cũng vui sao? 

Vấn đề là trong dài hạn, mãi mãi doanh nghiệp đấy dù có tăng trưởng bao nhiêu vẫn khó lòng có được một hệ thống sổ sách kế toán minh bạch tương ứng với sự phát triển đã lên tầm mức mới của các yếu tố quản trị khác như công nghệ, quản trị sản xuất, hệ thống chất lượng…

Để rồi đến lúc cần tái cấu trúc nhằm bước lên một đẳng cấp phát triển khác, dù chỉ để niêm yết hòng huy động thêm vốn, hay cho đúng các chuẩn mực quốc tế và vươn ra tầm khu vực hay thế giới, mọi chuyện trở nên cực kỳ rối rắm, khó khăn và chi phí tư vấn, minh bạch hóa tài chính đôi khi trở thành trở ngại lớn nhất.

Trong trường hợp này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (và phải nói là có cả động lực từ phía nhà nước) đi ngược lại slogan của nhiều công ty Nhật Bản: “Do right at first time” (làm đúng ngay từ đầu); nhiều SME nội địa đang “làm sai ngay từ đầu”. 

Hiện giờ, xu hướng số hóa nghiệp vụ kế toán và sử dụng tư vấn tài chính ngay từ đầu đang giúp giảm bớt những hệ lụy kiểu đó, nhưng để sự minh bạch tài chính trở thành nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, sẽ cần sự góp sức quan trọng của nhà cung cấp dịch vụ công đặc biệt - sở thuế.

Hiện sở thuế thường mở các lớp tập huấn 1-2 ngày để phổ biến chế độ kế toán cho doanh nghiệp. Nếu làm đúng thì phải hiểu nó như một dịch vụ cung cấp cho khách hàng thay vì là kiểu hội nghị không có KPI đo lường gì cả như hiện tại.

Có thể tham khảo cách của người Úc hỗ trợ doanh nghiệp khai thuế trên trang ato.gove.org. Ngoài chỉ dẫn chi tiết về thủ tục làm báo cáo thuế, chính phủ còn nêu rõ các tình huống khó khăn mà doanh nghiệp lần đầu khai thuế hay gặp, đồng thời đưa ra hướng dẫn chi tiết theo chủ đề ứng với các hình thức kinh doanh: tại nhà, online…, thậm chí có cả bản tiếng Việt!

Hỗ trợ chi tiết và hữu ích ngay từ đầu để doanh nghiệp quen lề lối làm đúng ngay khi khởi sự phải được coi là một mục đích quan trọng của sở thuế. 

Để doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh thuận lợi, họ mong muốn sở thuế dưỡng và dung. Dưỡng là cho họ cơ hội phát triển bằng các chính sách thuế, điều này chính sách vĩ mô đã làm khá tốt; nhưng dung, đảm bảo cho họ có tư duy làm đúng ngay từ đầu, là điều vẫn còn rất nhiều khúc mắc. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận