Sự hoàn chỉnh của bức tranh bị hỏng

TTCT - Sáng chủ nhật, lúc 9 giờ, theo chương trình đã tự ấn định, ông Thao phải dọn lại kệ sách cho sạch sẽ ngăn nắp. Việc này không còn hẹn được nữa.

Kệ sách trải dài cả một bức tường 2x6, từ lâu đã nhét lộn xộn những sách là sách. Nằm có, ngồi có, lớp lâu lớp mới, chẳng ra cái thể thống gì cả. Lúc này, ông xổ ra một đống giữa nhà, tuyển chọn lại. Những quyển nên giữ, ông cho lại kệ. Những quyển không cần, ông ném dồn đống vào góc nhà.

May ô. Quần đùi. Làm việc miệt mài. Sách phong thủy, tướng số, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ, mỹ thuật và văn học, ông giữ lại. Sách nấu nướng, xây cất, thời trang, âm nhạc và kinh tế, ông thải ra.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

***

Mãi đến lúc 11 giờ, ông Thao gặp một quyển sổ cũ mèm, mối mọt đã gặm xung quanh nham nhở. Ông giũ bụi và mở ra xem. Ðó là một quyển sổ sáng tác thơ tình thuở mới quen bà xã. Từ tình yêu đến bà xã. Con đường chỉ có ổ gà và lỗ chân trâu. Ổ voi ổ bò và mương rãnh không có. Tuyệt đối không có trắc trở gì. Xuyên suốt đối tượng yêu chỉ có mỗi bà này. Tuổi đời quyển sổ chắc chắn gần 50 năm.

Gớm thật, giấy mà cũng bền nhỉ. Nửa thế kỷ mà vẫn chưa rách. Một quyển sổ mà giấy kẻ carô đã xỉn sang màu đất, có chữ thơ chỉ khoảng ba tờ, còn lại các trang khác đều trống vắng. Có lẽ khi đám cưới xong, tuyệt đối không có chuyện làm thơ nữa. Thơ đã chắp cánh bay đi xa và mất hút đến giờ.

Như bắt được tang chứng thằng Thao ngày trước, ông Thao ngày hôm nay háo hức đọc, với một tâm trạng thật sự tò mò:

Bài số 1 dường như viết một hơi. Không nhan đề. Không sửa: "Dưới ánh đèn/ Trên trang giấy/ Anh thấy em đâu đó trên vùng đất rộng lớn này/ Anh thấy em/ Và sự chia xa/ Có lẽ phải tìm em/ Tìm em/ Ðể nói điều này/... Bởi mắt em trong nên lấp lánh bóng tối/ Bởi môi em đỏ nên rực vết thương/ Bởi vai em tròn nên tay biết khóc/ Bãi cát hoàng hôn không định hình biển ru mãi ngày qua/ Hang động rừng xanh thác đổ cần cù/ Cả bát bún khô, tờ báo và anh/ Ðều làm bằng sáp/... Em hiền đến mềm cả tứ chi móng vuốt/ Em đẹp đến không còn yêu ai/ Dĩ nhiên/ Trừ anh/... Trời của nóc nhà em đổ mưa/ Anh thênh thang vì mưa bao vây/ Anh như đóa sen xa bùn thở bằng hương thơm xa xứ/ Nuôi nấng hương thơm/ Có thể pha trà để uống/ Có thể cắt đi mà cắm vào bình/... Ðó là bài thơ/ Dưới ánh đèn/ Trên trang giấy/ Một bài thơ nằm bên lề thơ/ Anh khóc/ Anh cười/ Như thể người điên/ Người loạn...".

Ông Thao lẩm bẩm: "Hừ, thằng Thao này cũng ray rứt và nghệ sĩ gớm nhỉ. Nó khổ sở tầm cỡ. Căng thẳng như dây đàn. Lúc ấy, nhà thương điên Chí Hòa sắp đón".

Ông xem đến bài số 2, có lẽ cũng viết một hơi. Cũng không nhan đề. Không sửa: "Gió, mưa và mưa/ Ướt những kỷ niệm đã khô/ Mọc nhiều nấm lạ/ Những chiếc nấm vừa nhú lên đã già bạc tóc/ Như hành vi/ Cứ sợ ngày mai/... Hôm nay là ngày mai hôm qua/ Cũng vẫn ước mơ một lần bão nổi/ Ngày mai rất giống em/ Cũng biết đánh lừa/... Ngày mai/ Ngày mai/ Và cả ngày mai của ngày mai/ Cơn gió thổi từ phía em/ Trầm hương luôn bay...".

Ông Thao lại lẩm bẩm: "Hừ, nó đã bị một vố xáo trộn và rớt vào vũng lầy triết học rồi".

Ông lại xem bài số 3 cũng viết một hơi. Không nhan đề. Cũng không sửa: "Chỉ là một trái tim bình thường nằm trong lồng ngực/ Từ khi yêu em anh tung lên trời bay đi lả tả/ Mảnh rớt tương lai mảnh chìm quá khứ/ Rồi gom về ôm trọn hiện tại đây/... Anh nhìn kỹ trái tim mầu nhiệm/ Vẫn là tim anh/ Mà thịt máu của em...".

Ông Thao cười phá ra: "Quái, cái thằng Thao nó biến thành Tôn Ngộ Không hồi nào vậy cà. Hừ, tim anh mà máu thịt của em".

Ông xem tiếp bài số 4 cũng viết một hơi. Không nhan đề. Không sửa: "Có những ngày mưa/ Hồn anh lên mốc/ Gặp những ngày nắng/ Trải hồn ra phơi/ Còn những đêm mưa/ Anh cuộn hồn lại/ Gói em/...Có những ngày vừa nắng vừa mưa/ Anh khó khăn quá đỗi/ Nửa hồn ướt/ Nửa hồn khô/ Không ngờ/... Thời buổi sao mà khó khăn/ Cả đến mối tình cũng vậy/ Ðời và tình/ Thở hơi lỗ tai/... Có lẽ phải quẳng bớt hành trang cho nhẹ nhàng cuộc sống/ Nhưng nhẹ nhàng/ Ðể đi về đâu?".

Ông Thao thích chí cười to hơn nữa: "Nhẹ nhàng để đi... cưới vợ chứ còn đi về đâu? Quái. Lại siêu giả vờ. Làm thơ mà cũng giả vờ. Chán thật".

Ông Thao mỉm cười, ông gấp cẩn thận quyển sổ rách rưới lại vì sợ nó rách thêm. Ông phủi bụi một lần nữa thật kỹ, thật nhẹ nhàng. Và đặt lên kệ sách, vào chỗ trang trọng nhất và nói trịnh trọng: "Hỡi đồ giả đò điên loạn yêu quý! Những bài thơ tình trên là gì? Là kỷ niệm ư? Không. Là tiếng lòng thổn thức ư? Không. Là dư vị hạnh phúc ư? Không. Tất cả chỉ là sự toan tính để yêu thêm lần nữa. Yêu thêm lần nữa? Ðúng. Tao mà không biết tao à? Ông Thao mà không rõ thằng Thao của tao à? Thơ với thẩn!".

Ông Thao sung sướng cười sang sảng. Tiếng cười vang vọng rất đế vương. Cười xong, ông lên võng nằm nghỉ. Trong óc ông xảy ra suy nghĩ lung tung. Ðúng là một mớ bòng bong. Lằng nhằng. Muốn lằng nhằng và làm bộ bứt phá lằng nhằng. Một sự thở than ma mãnh của thiên nhiên háo hức đội lốp. Mà phải công nhận hồi đó mình cũng hay chữ gớm nhỉ!

Ông Thao đạp mạnh chân xuống nền nhà, đưa võng vun vút. Tự sướng và tự vượt quá khứ để chiêm ngưỡng mình. Ông Thao đã rớt vào giấc ngủ hồi nào không hay. Trên miệng còn đọng lại nụ cười chưa kịp ngủ theo.

***

Ðang thơ thẩn đi dạo giữa cánh đồng cỏ xanh bát ngát. Cỏ xanh như chưa bao giờ xanh như thế. Ðột nhiên, ông Thao bị chặn lại bởi một cái giá vẽ. Bên cạnh lổn nhổn những cây cọ và vô số sơn dầu. Phía sau ông là một hàng người chen lấn, háo hức để xem ông vẽ cái gì. Ðồng cỏ đã biến mất. Hình như ông Thao đang đứng giữa chợ thì phải. Và cũng hình như đây là một cuộc trình diễn tài năng mà ông là người phải thực hiện.

Từ lâu, ông Thao mơ ước được vẽ nhưng chưa có điều kiện. Nay đầy đủ tiện nghi như thế này, cứ vẽ thoải mái sợ gì. Ông vén hai ống tay áo cao lên sát cùi chỏ. Thoạt tiên, ông vẽ hai trái chôm chôm và một quả chuối thòng xuống ở giữa. Hàng người phía sau lập tức lấy tay che mắt, nhưng vẫn nhìn lén qua kẽ ngón tay. Họ động viên: "Ðừng ngượng, đừng ngượng, can đảm lên, cứ vẽ tiếp đi, hỡi họa sĩ tài ba".

Ðược đám đông cổ vũ, ông Thao vẽ tiếp phía bên dưới trái chuối hình hai miếng đu đủ cụm vào nhau. Thấy thế, hàng người phía sau phấn khích, la lớn để lên dây cót tinh thần họa sĩ: "Ðừng ngượng, đừng ngượng, can đảm nữa lên, cứ vẽ đẹp vào, hỡi họa sĩ tài ba". Ồn ào quá, ông Thao bực mình, liền quệt sơn dầu, vẽ một vòng tròn bao quanh và quăng cọ. Hàng người phía sau lập tức bỏ tay ra khỏi mắt.

Họ đồng loạt lầm bầm: "Hóa ra nó vẽ mặt người! Chuyện phải như vậy. Họa sĩ này đạo đức quá xá! Mất toi cả buổi sáng! Phí cả mắt để xem!". Nhưng lập tức, họ cũng vẫy tay chào thân thiện và giải tán trong im lặng.

Thật sự, lúc ấy ông Thao muốn vẽ một bức tranh tĩnh vật toàn là trái cây, nhưng hàng người phía sau đã hiểu sai và nghĩ bậy. Ðể thoát ra khỏi cái u ám khó chịu này, ông phải vẽ tiếp một vòng tròn bao quanh để tạo thành cái mặt con người. Và bức tranh tĩnh vật của ông đã hỏng.

"Ồ, không hỏng đâu. Mình chỉ cần xóa cái vòng tròn, bức tranh tĩnh vật lại về ngay". Ông Thao thì thầm trong cổ họng như thế. Và ông thi hành ngay. Ông liền cầm lại cọ. Vừa xóa xong, hàng người ban nãy chạy lại. Họ ở đâu mà chạy lại nhanh thế nhỉ? Họ xé tan bức tranh. Họ phẫn nộ hét toáng lên: "Nó thành hình nhân rồi. Không được hủy hoại. Mày đang vẽ tình yêu đó. Có biết không, cha nội?". Và họ xông vào đánh ông túi bụi. Và ông Thao kinh hoàng tỉnh giấc.

***

Vẫn nằm trên võng thở gấp. Ông ngơ ngác nhìn quanh. Quyển sổ thơ tình cũ mèm vẫn chễm chệ ngồi trên kệ sách. Ông thòng chân đạp xuống nền nhà, lại đưa võng vun vút. Ông đã toát mồ hôi vì bị xúm vào đánh trong giấc mơ. Hừ, họ bảo mình vừa vẽ tình yêu ư? Ông Thao duyệt lại giấc mơ và thấy thật logic và đúng đắn. Những kẻ vừa đánh ông thật chân thành. Hình ảnh và việc nghĩ bậy của họ trong thực tế luôn tạo ra một đứa bé xinh tươi, đơn sơ và trong trắng.

Nhưng ông chưa bao giờ làm họa sĩ cơ mà? Việc xảy ra trong mơ thật không ngờ. Tất cả tiến trình đó đều hoàn chỉnh trong bức tranh tĩnh vật bị hỏng. Những bài thơ nằm bên lề thơ vẫn còn hoạt động. Sự kỳ lạ của giấc mơ vẫn còn bộn bề, như căn phòng đang bề bộn sách vở...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận