Tạm biệt quý ông đánh trống trang nhã của thời đại rock’n’roll

DU LÊ 11/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trong bức tranh âm nhạc đại chúng muôn hình vạn trạng suốt 6 thập kỷ qua, chúng ta không thể có một Beatles thứ hai, một Rolling Stones thứ hai, hay một cuộc cách mạng âm nhạc quy mô như trước. Hay như Charlie Watts, chúng ta không thể có một tay trống rock’n’roll điềm đạm nào như ông.

 
 Charlie Watts

 Rob Bowman, giáo sư ĐH và một cây viết âm nhạc đoạt giải Grammy, xem Charlie là một người tuyệt vời, dịu dàng, khiêm tốn với một bộ óc phi thường về lịch sử jazz. 

“Một phần bí quyết đằng sau âm thanh của Rolling Stones là tiếng snare (trống lẫy) vào hơi trễ, do đó gây ra một tranh chấp với tiếng guitar của Keith Richards. Nhưng quan trọng nhất, Charlie là một tay trống nhạc jazz” - ông kể trên tạp chí Q về lần phỏng vấn Watts năm 2002 để viết một cuốn sách về ban nhạc Rolling Stones.

 “Rolling Stones rốt cuộc chỉ là tiếng snare (*) của Charlie Watts.

Bruce Springteen (Rocker Mỹ)

Charlie và nhà máy chế tác Jazz

Quãng thời gian Charlie sinh ra và trưởng thành, jazz vẫn rất hợp thời và thu hút người trẻ. “Tôi yêu sao những mặt trống bừng sáng dưới đèn sân khấu” - Charlie cảm thán.

Jo Jones All Stars, nhóm nhạc jazz đầu tiên Charlie tham gia, đã thành một dung môi chất lừ theo suốt sự nghiệp đa dạng phong cách của Rolling Stones từ blues sang rock, country tới reggae, disco qua funk. “Tôi lớn lên bằng lý thuyết cho rằng tay trống đệm theo ban nhạc - Charlie chia sẻ năm 2008 - Tôi chẳng thích solo trống. Tôi ngưỡng mộ họ nhưng vẫn thích các tay trống chơi cùng ban nhạc. Thử thách của rock’n’roll nằm ở sự đều đặn. Việc của tôi là làm cho âm nhạc nhún nhảy, tung tẩy, dặt dìu”.

Ealing Club vùng Tây London, ra đời năm 1962, trở thành trung tâm nhạc blues, thu hút những Jimmy Page (Led Zeppelin), Rod Stewart, và cả những huyền thoại tương lai như Jack Bruce, Ginger Baker và Eric Clapton (nhóm Cream), Dick Heckstall-Smith và Graham Bond, và bộ ba Keith Richards, Mick Jagger, Brian Jones. Rolling Stones cần một người như Charlie Watts. 

“Charlie Watts ra đời, và rồi ông có trong Rolling Stones” - Edison viết trong quyển Sympathy for the Drummer: Why Charlie Watts Matters (Cảm thông cho một tay trống: Tại sao Charlie Watts đáng giá) vì rock không tồn tại với Charlie tới khi ông chính thức tham gia Rolling Stones, bởi còn bận chơi bán thời gian cho vài nhóm jazz nữa.

Charlie đặt điều kiện là mức lương 5 bảng Anh/tuần. Keith Richards viết trong hồi ức Life: “Chúng tôi phải cắt giảm chi phí cho riêng mình, vì muốn có Charlie quá sức”. Những ngày đầu, Rolling Stones chẳng gây ấn tượng gì với Charlie: “Ban đầu tôi nghĩ họ chỉ trụ được ba tháng, rồi một năm, rồi ba năm, rồi tôi ngừng không đếm nữa” - Charlie trả lời tờ Mojo năm 1994.

Trong phỏng vấn năm 2018, khi nghe hỏi “Liệu đây có phải chuyến lưu diễn sau cùng của Rolling Stones không?”, Charlie nói: “Tôi chẳng biết tị gì. Tôi chỉ mong tới chủ nhật, 8 tháng bảy, show cuối cùng. Chỉ chừng ấy thôi. Bọn họ bảo chúng tôi sẽ tong mãi từ năm 1965 nhưng...”.

 
 

 Quý ông cuối cùng của Rock’n’Roll

Năm 2019, tờ Variety mô tả Charlie “mến yêu, ngồi tại một bộ trống tối giản, chuyển động tối giản với nhịp jazz quen thuộc, nom như một tay chủ ngân hàng điềm đạm mà không một ai, trong bộ phim cướp ngân hàng, ngờ được đích thị là thủ phạm thụt két”. Năm 1969, Sam Cutler gọi Rolling Stones là “Ban nhạc rock’n’roll vĩ đại nhất thế giới”, nhưng Charlie chẳng thể nào công nhận tước hiệu ấy, với ông, nó dành cho những Little Richard, Dave Bartholomew, Fats Domino và Chuck Berry.

“(Tôi) Là một kẻ rất trọng riêng tư. Tôi không muốn nói quá nửa những điều [về ban nhạc], và còn quên rất nhiều. Tôi thật tình không hứng thú nói về mình và về Rolling Stones” - ông nói trong một cuộc phỏng vấn khác.

Dáng vẻ của Charlie trên sân khấu hay ngoài đời là cả một sự trang nhã, không hề có chút gì giống cái nhễ nhại, nóng rẫy và sực nức tình dục của các hòn đá còn lại. Trên sân khấu, ông vận áo thể thao tay ngắn, hoặc sơ mi. Ngày thường, ông mặc suit. Tờ Vanity Fair đưa tên Charlie vào danh sách Những nhân vật phục sức đẹp nhất 2002, còn GQ ưu ái xếp Charlie vào danh sách Những quý ông mặc đẹp nhất thế giới 2012.

 “Ta có thể học chơi như John Bonham (Led Zeppelin), có thể học chơi một bài của Rush, nhưng học chơi như Charlie Watts cũng như học cách trở thành thi sĩ. Không thể dạy được, mà ta cần cam kết và sống cùng nó” - Mark Edison, viết trong cuốn sách Sympathy for the Drummer.

Theo Edison, cách chơi trống khiêm tốn, hợp thời và đặc dị của một tín đồ jazz là thứ dìu dắt ban nhạc rock’n’roll vĩ đại nhất thế giới gần 6 thập kỷ qua. Và không như những tay trống thượng thặng cùng thời, Charlie không ngừng tiến triển, với những đoạn tăng giảm tốc lẫn âm lượng uốn lượn xuyên suốt bản nhạc.

Questlove của ban nhạc The Roots cũng cho rằng sự kiệm lời ở Charlie chính là sức mạnh, theo nghĩa đen lẫn bóng; và ảnh hưởng sâu rộng nhất của Charlie chính là, nhịp trống ông chơi dễ nghe vô cùng. Chỉ những tay trống đích thực, theo Questlove, mới hiểu được chân giá trị của chiếc metronome đếm nhịp vĩ đại nhất thế giới. Charlie là một huyền thoại chẳng phải bởi ban nhạc của ông, mà bởi nền tảng đơn giản và điềm tĩnh ông mang lại.

Sinh 1941, cách nay 80 năm, thời điểm bom của Đức quốc xã giội xuống lòng London, Charlie Watts lớn lên ở vùng ngoại ô Wembley, phía tây London. Ông bén duyên với trống vì say sưa tiếng dùi chổi của Chico Hamilton trong bản Walking Shoes lừng danh với cây sax huyền thoại Gerry Mulligan. Theo tờ Union-Tribune năm 1991, ông tự sắm và dùng mặt cây banjo, đã bẻ cần, làm trống để đánh. Ít lâu sau, năm 1955, ông được sắm một bộ trống, một lựa chọn với ông vừa hay ho vừa... tồi, bởi sự ồn ào của nó. Charlie chưa từng học trống từ ai, mà học chơi theo đĩa (và không sao bắt kịp được những gì đang nghe!).

Watts không đánh solo, không phô trương, diêm dúa màu mè, và chưa bao giờ cần gì nhiều hơn một bộ trống hiệu Gretsch căn bản bass 22” x 14”, snare 14” x 5”, tom 16” x 16” và tom 12” x 8” treo, đời 1957.

Trên sân khấu, mọi thành viên trong ban nhạc đều có thể ngơi tay, trừ tay trống. Trong bài phỏng vấn với tạp chí Down Beat năm 1987, ông nói: “Chơi trống thực chất là khả năng thích nghi với nhiều nhạc cụ ở các âm lượng khác nhau - một khúc solo tenor sax khác với một đoạn solo bass. Ta phải kiểm soát được âm lượng, và âm lượng kia tới từ cổ tay hay ngón tay”.

Với Charlie, mỗi đêm sau khi diễn, đôi tay ông thực hiện tiếp một nghi thức nữa: phác thảo những chiếc giường và nội thất khách sạn trú lại, một tập nhật ký bằng tranh, “vẽ mọi chiếc giường từng ngả lưng mỗi khi lưu diễn từ năm 1967 tới nay”, Charlie chia sẻ với tờ Rolling Stone vào năm 1996. Một quyển nhật ký đơn sơ, nhưng đa dạng chẳng khác gì những đêm live rực lửa, hay chính âm nhạc của họ theo thời gian.

Charlie Watts là một phần của cuộc hôn phối (đại chúng) vĩ đại nhất trong chính thời đại mà ông gắn trọn cuộc đời, với người vợ Shirley Shepherd. Bí quyết thành công của cuộc hôn nhân bền vững (gần như duy) nhất lịch sử rock’n’roll, theo Charlie cho tờ NME hồi 2018, “Vì tôi chả phải rockstar. Tôi không bị lầy vào danh tiếng ấy”. “Cô ấy hài hước và láu lỉnh, lại sở hữu nụ cười dễ lây nhất mà bạn từng nghe. Tôi còn yêu cái thế giới của cô ấy, của nghệ thuật và điêu khắc”, Charlie kể lại. Shirley cho biết Charlie luôn nói lời yêu thương mỗi ngày, và không một lần buông lời chỉ trích. Bà chính là lý do Charlie quay đầu, trong và sau một khủng hoảng trung niên vào giữa thập niên 1980 suýt nữa đoạt mạng mình. Bước ngoặt cảnh tỉnh xảy ra khi Charlie trượt và trật cổ chân trong lúc xuống hầm lấy rượu. “Tôi chấm dứt tất cả - rượu, thuốc lá, ma túy, tất tần tật và ngay tức khắc”.

 
  Charlie Watts trình diễn cùng ABC&D of Boogie Woogie tại the Steinway Festival 2013 ở London, Anh (Ảnh của Andy Sheppard/Redferns via Getty Images)

 Bản nhạc cuối cùng Charlie ghi âm và phát hành với Rolling Stones là Living in a Ghost Town, single năm 2020 trong album dự kiến sắp phát hành. Lần cuối chúng ta nhìn thấy Charlie Watts sau dàn trống là một hòa nhạc live vào ngày 30-8 tại sân vận động Hard Rock ở Miami - hoặc có thể tính lần trình diễn qua Zoom trong hòa nhạc trực tuyến One World: Together at Home 2020

Nhưng chúng ta còn biết thêm, lý do rất xác đáng để một tay trống kiếm tiền bộn nhất thế giới ngao ngán Festival âm nhạc ngoài trời Glastonbury lại là: “Chơi ngoài trời, điều tệ hại nhất là gió, nếu ta chơi trống, vì cymbal sẽ chuyển động và... khó đánh!”, Charlie trả lời tờ The Guardian năm 2013.■

(*) Trống Snare được thiết kế đặc biệt: mặt dưới của nó có một dải dây kim loại ép sát và nằm giữa mặt trống, được gọi là các snare. Khi chơi trống, dải dây này sẽ tạo ra âm cao hay trầm tùy thuộc độ căng của dây.

Theo phê bình gia và một “người nghe chuyên chính 'rock cổ'” George Starostin, trong cuốn Only Solitaire, lượng giai điệu pop/rock khắc tạc vào tâm trí đại chúng của Rolling Stones chỉ đứng sau The Beatles và có lẽ Bob Dylan. 

Starostin viết: các ban nhạc đương và cận thời Beatles như Rolling Stones, The Who, Beach Boys đã tiên phong trong việc nối chiếc cầu giữa văn hóa đại chúng và “nghệ thuật nghiêm túc” - hai đối trọng tồn tại xuyên suốt trong văn hóa từ khi âm nhạc lan dần khỏi những vòm thánh đường: nhạc của Bach đặt cùng nhạc một nghệ sĩ hát rong, nhã nhạc cung đình và những khúc hát làm nông ở Trung Quốc.

Khi rock’n’roll khởi thủy của Chuck Berry ầm ĩ vang lên, nghệ thuật nghiêm túc bỉ bai nó như thứ âm nhạc đại chúng mới, thời trang, xập xình dành riêng cho tuổi teen nổi loạn. Và khi rock’n’roll thăng hạng bởi độ phổ biến, tính đại chúng, thì jazz thu hẹp dần phạm vi. Rốt cuộc, rock’n’roll được giới tinh hoa cho là “nghiêm túc”. 

Vượt qua cây cầu này, rock’n’roll bùng nổ, đa dạng chưa từng có (chí ít trong ngót thập kỷ hoàng kim từ năm 1966 tới 1974). Charlie Watts xuất hiện ở một ngã ba lịch sử như thế, và 58 năm sau dàn trống không nghỉ dù chỉ một ngày, bất kể bao cuộc soán vị khác không ngừng xảy ra, như punk, metal, hiphop, disco, điện tử, và gần đây nhất, hyperpop. Rolling Stones vẫn đều đặn lưu diễn trên những sân khấu ngoài trời hàng chục ngàn khán giả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận