"Thế giới tươi đẹp, người ở đâu": Nghiêm nghị u tối và chối bỏ đầy bi thương

ZÉT NGUYỄN 15/03/2024 05:00 GMT+7

TTCT - "Thế giới tươi đẹp, người ở đâu" có thể đọc như một câu hỏi cần câu trả lời hay một câu hỏi tu từ, hay một cảm thán. Rooney chạm vào không biết bao nhiêu trái tim độc giả thế hệ gen Y và gen Z.

Sally Rooney

Sally Rooney

Một đất nước nhỏ bé chỉ 5 triệu dân mà có đến 4 Nobel Văn chương, 6 Booker và vô số giải khác. Viết trong một truyền thống lẫy lừng như vậy, Sally Rooney - người thường được gọi là Jane Austen của thế kỷ 21 - lại vươn tới được một phổ độc giả rộng lớn hơn các tiền bối của cô rất nhiều.

Thế giới tươi đẹp, người ở đâu (*), (tựa gốc Beautiful world, where are you) cuốn tiểu thuyết thứ ba của cô, chỉ trong 5 ngày ra mắt hồi 2021 đã bán được 40.000 bản. Thứ năm tuần trước, tin cuốn tiểu thuyết thứ 4 của cô, Intermezzo sẽ được ra mắt vào tháng 9 năm nay, gây nên một cơn địa chấn trên các kênh tin tức và mạng xã hội.

Thành công lẫy lừng như vậy, oái ăm thay, lại khiến Rooney rơi vào cảnh bị chất vấn: tác phẩm mà được số đông yêu thích nhiều thế thì chắc không phải văn chương nghiêm túc?

Thế giới tươi đẹp lấy tựa đề từ một câu thơ trong bài thơ Die Götter Griechenlands (Các vị thần Hy Lạp) của Friedrich Schiller, một bài thơ miêu tả thời cổ điển hạnh phúc để rồi sang thời Thiên Chúa giáo thì đầy mất mát, băn khoăn, buồn bã - những từ khóa cho chính các tác phẩm của Rooney. Thêm người trẻ vào nữa là đủ lệ bộ.

Cuốn tiểu thuyết, với các chương đan xen giữa ngôi kể thứ ba và email mà hai nữ chính viết cho nhau, bắt đầu bằng một cuộc hẹn ở một quán bar sau khi người phụ nữ và người đàn ông quẹt nhau trên Tinder. 

Một cuộc trò chuyện diễn ra không nông không sâu, không niềm nở không lạnh lẽo, tiếp nối cảnh đến thăm nhà của người phụ nữ ngay sau đó, kết thúc bằng hình ảnh một mảng tường trắng sau các trụ lan can. 

Chỉ một chương đầu, với giọng kể chuyện xa cách và sắc lạnh, với những nhấn nhá thông tin và chi tiết đủ để giữ sự tò mò của độc giả, với cách kết chương đầy vắng lặng, ta biết mình đang đọc một cây viết có nghề.

Thế giới tươi đẹp, khác với các tiểu thuyết trước đó của Rooney như Conversations with Friends (Trò chuyện với bạn bè) hay Normal People (Giữa hai chúng ta), kể về một lát cắt ngắn trong đời của bốn nhân vật. 

Alice, nhà văn 29 tuổi, thành công rất sớm ở tuổi 25, trở thành tỉ phú và nhanh chóng suy sụp tinh thần, giờ đây chuyển về vùng quê sống tách biệt trong một căn nhà rộng thênh thang. Felix, một chàng trai làm việc trong nhà kho, thường xuyên bị đứt tay khi làm việc, mẹ vừa mất, yêu cả đàn ông lẫn phụ nữ. Eileein, bạn thân từ thời đại học của Alice, biên tập viên cho một tạp chí văn chương ở Dublin, chật vật vì tài chính không ổn định. Và Simon, người bạn từ thuở bé của Eileen, sùng đạo, làm việc trong lĩnh vực chính trị.

Tất cả đều chưa đến tuổi trung niên, mò mẫm trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội, mất kết nối và cảm thấy lạc lõng trong thời cuộc. Thế giới tươi đẹp, người ở đâu có thể đọc như một câu hỏi cần câu trả lời hay một câu hỏi tu từ, hay một cảm thán. Rooney chạm vào không biết bao nhiêu trái tim độc giả thế hệ gen Y và gen Z.

Khiến độc giả cảm thấy đồng cảm vì nói được các vấn đề của họ, hiểu được những nỗi khổ sở của họ khi phải rời xa gia đình để tìm bản sắc và vị trí trong xã hội người lớn, cùng họ thám hiểu những vùng mờ trong trải nghiệm tính dục, với những nhân vật bình thường nhưng cũng không thật bình thường, nên không mấy khó hiểu khi Rooney là nhà văn có lượng người hâm mộ đông đảo nhất hiện nay.

"Thế giới tươi đẹp, người ở đâu": Nghiêm nghị u tối và chối bỏ đầy bi thương- Ảnh 2.

Nhưng Rooney vượt lên trên thứ văn chương tình ái oằn oại chỉ dành cho thanh xuân, bởi một loạt kỹ thuật viết mà độc đáo nhất là loại bỏ hoàn toàn dấu ngoặc kép trong đối thoại. Người đọc rơi vào một dòng chảy trộn lẫn đối thoại, lời người kể và ý nghĩ của nhân vật, đôi lúc miên man khó phân tách. Kỹ thuật này đặc biệt phát huy tác dụng ở những phần nhân vật đối đáp qua lại liên tục, khiến người đọc có thể tiếp cận gần hơn với các nhân vật mà Rooney miêu tả.

Đọc Rooney luôn khiến cho tôi ở trong một tình thế lưỡng nan: hiểu và đánh giá cao cách cô xây dựng nhân vật, kinh ngạc ở khả năng viết đối thoại sắc lẹm đầy tung hứng và hài hước, dò được các tầng nghĩa phản biện và phê phán xã hội theo kiểu Marxist của nhà văn và các phát ngôn của nhân vật của cô, đồng thời cười toét vì sự nghiêm túc đến u tối và chối bỏ đầy bi thương, như một câu thơ trong bài "Các vị thần Hy Lạp", cũng của chính các nhân vật này khi họ bày tỏ quan điểm về chủ nghĩa tư bản, về sự sụp đổ của thế giới và cái đẹp, cũng như việc họ tự mãn khi nhìn mình mà không hề biết là mình tự mãn. Và đặc biệt là nhăn nhó khi đọc các cảnh tình dục dày đặc, mà như một nhà phê bình nhận xét, "làm tình mà như chuyển đồ".

Trong bài giảng ở rạp Abbey ở Dublin vào tháng 10-2022 mà sau được đăng lại trên Paris Review với tên "Misreading Ulysses," Rooney cho rằng "vẻ đẹp - thậm chí có thể nói ma lực - của tiểu thuyết với tư cách một truyền thống văn chương: chính là khả năng khiến chúng ta bị cuốn vào về mặt cảm xúc trong mối quan hệ của các nhân vật chính[…]. Tác phẩm nghệ thuật không thành công hay thất bại dựa trên phẩm chất kỹ thuật hoặc lý luận của chúng: chúng thành công hay thất bại tùy thuộc vào cách chúng tác động đến khán giả của mình".

Rooney, không đi vào những bức tranh lịch sử hoành tráng, không phục dựng đời sống gia đình hay dân tộc dưới góc nhìn sử thi, mà chỉ tập trung vào những mối quan hệ đầy tế vi giữa bạn bè, người tình, anh em và với chính bản thân mình. Và cô tác động được hàng triệu độc giả vì họ tìm thấy mình trong các nhân vật của cô.

(*) NXB Phụ Nữ Việt Nam, dịch giả Phạm Thu Hà.

Cillian Murphy, diễn viên chính của bộ phim bom tấn Oppenheimer đang được đồn đoán sẽ quần thảo giải Oscar năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với BBC đã ngợi ca những tài năng Ireland, "Người Ireland kể chuyện rất tài, trong quán rượu nói chuyện với nhau… Chúng tôi có truyền thống kể chuyện. Chúng tôi thấy thoải mái với các câu chuyện kể, với các bài hát, với thơ ca. Những thứ này như kiểu một bản tính thứ hai với chúng tôi vậy". Báo chí và người dân Ireland tự hào về Murphy bao nhiêu trên lĩnh vực điện ảnh, thì ở địa hạt văn chương, Sally Rooney, nữ nhà văn trẻ sinh năm 1991, cũng đang làm mưa làm gió trên toàn cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận