TTCT - Vì sao các trận động đất có thể chết chóc hơn, tùy vào nơi bạn sống? Theo báo cáo của Cơ quan giảm thiểu rủi ro thiên tai Liên Hiệp Quốc, 90% trường hợp tử vong vì thảm họa thiên nhiên trong giai đoạn 1996-2015 là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Thực tế cho thấy có sự chênh lệch lớn về số người chết mỗi khi có thảm họa giữa các nước phát triển và đang phát triển, và sự bất cân xứng đó gọi là disaster divide.Theo trang Vox, chính sự thiếu hụt tài nguyên và của cải, khả năng đầu tư hạn chế vào những thứ có thể làm giảm thương vong - từ các tòa nhà kiên cố hơn, năng lực dự báo thời tiết đến cách ứng phó nhân đạo hậu thảm họa, mới là nguyên nhân khiến một trận động đất, một cơn cuồng phong, hay một đợt bão quét trở nên dữ dội hơn, chứ không phải các con số trên thang đo cấp bão hay độ Richter.Tất nhiên, nước giàu không phải miễn nhiễm trước các hiện tượng thời tiết cực đoan hay biến động địa chất, song các quốc gia này có khả năng nâng cấp các tòa nhà, xây dựng hạ tầng chống chịu động đất và đầu tư vào huấn luyện và trang bị nhân lực vật lực cho các đội ứng phó khẩn cấp. Với những sự trang bị đó, các nước này nhiều khả năng sẽ xoay xở tốt hơn các nước kém giàu có hơn trong các trận động đất.Khoảng 20.000 trận động đất xảy ra hằng năm, tương đương khoảng 55 trận mỗi ngày, theo Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ. May cho con người là đa số là các trận động đất nhẹ, không gây thiệt hại, thậm chí diễn ra mà không ai biết. Với các trận động đất mạnh (từ 7 độ Richter trở lên), tần suất xảy ra vào khoảng 16 lần/năm.Nhưng cường độ một trận động đất không nhất thiết tương ứng với mức độ thiệt hại. Tháng 1-2010, một trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển Haiti, khiến khoảng 220.000 người chết, 300.000 bị thương và 1,5 triệu người mất nhà cửa. Chỉ một tháng sau, Chile hứng chịu một trận động đất thậm chí còn mạnh hơn, 8,8 độ Richter, song số người chết nhỏ hơn nhiều (500 người) và có ít thiệt hại về nhà cửa.Thiệt hại từ trận động đất 7 độ Richter ở Haiti (trái), so với trận động đất 8,8 độ Richter ở Chile. Ảnh: AP, EPALý do là vì Chile đã học được bài học từ lịch sử. Năm 1960, động đất ở thành phố Valdivia khiến hàng ngàn người chết, 2 triệu người mất nhà cửa và gây thiệt hại 550 triệu đô la (tương đương 5,4 tỉ đô la ngày nay). Từ thảm họa này, Chile đã đặt ra các quy tắc xây dựng chặt chẽ hơn và tạo ra cơ chế phối hợp ứng phó khẩn cấp cấp quốc gia cho các trường hợp tương tự, chẳng hạn trận động đất tháng 2-2010. Trái lại, nhiều trường hợp tử vong trong động đất ở Haiti năm 2010 là do các tòa nhà không sử dụng bê tông cốt thép và không được thiết kế để chịu chuyển động ngang do động đất gây ra đổ sập hoàn toàn. Đây chính là tác động của chênh lệch giàu nghèo trong thiên tai."[Chile] có đủ phương tiện để sống sót ngay cả sau những trận động đất lớn. Vấn đề là chi phí, khả năng chi trả và sự sẵn sàng làm mọi thứ" - Luigi Di Sarno, giám đốc chương trình kết cấu dân dụng bền vững tại Đại học Liverpool, nói. Từ quan trọng ở đây là "sự sẵn sàng", bởi tiền chỉ là điều kiện cần. Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy việc có chính sách nhưng không thực thi hoặc thực thi không đến nơi đến chốn có thể dẫn đến thảm họa thế nào.Cũng như Chile, Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra các quy tắc xây dựng nghiêm ngặt sau trận động đất giết chết 18.000 người ở ngoại ô Istanbul năm 1999. Vấn đề nằm ở việc thực hiện và giám sát. Theo The Economist, giấy phép xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ dễ xin, và các dự án chỉ tuân thủ tiêu chuẩn của chính phủ khi khởi công, đến xây xong thì "hên xui". Murat Guvenc, một nhà quy hoạch đô thị, nói với The Economist ngay khi thanh tra xây dựng quay đi thì chủ đầu tư sẽ giảm số lượng hoặc chất lượng sắt thép, và sẽ "đàm phán không chính thức" với chính quyền địa phương để dàn xếp mọi thứ.Cái giá phải trả là nhân mạng. Nhiều tòa nhà trông có vẻ đáp ứng tiêu chuẩn đã sụp đổ trong trận động đất vừa qua, và hàng trăm người có thể bị mắc kẹt dưới một khu nhà ở sang trọng chỉ mới hoàn thành cách đây một thập kỷ ở phía nam thành phố Osmaniye. Nhà thầu công trình này đã bị bắt hôm 11-2 khi cố rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, ở thành phố Erzin, không một tòa nhà nào bị sập. Thị trưởng Erzin cùng người tiền nhiệm của ông nói với truyền thông địa phương rằng họ không cho phép bất kỳ hoạt động xây dựng trái phép nào diễn ra, vì "lương tâm tôi trong sáng"."Nếu những tòa nhà được xây dựng hợp pháp, được chính quyền phê duyệt mà còn đổ sập thì những cái bất hợp pháp làm sao chịu nổi?" - Halise Sen, trưởng cơ quan kiến trúc Osmaniye, vừa chỉ tay vào đống đổ nát của một tòa nhà chung cư, vừa nói với The Economist. Khi mọi thứ chỉ còn đống gạch vụn, người ta mới thấy cả tòa nhà "không có cốt thép, thành ra cả sàn cả cột cứ thế mà rụng ngay khi mặt đất vừa bắt đầu rung chuyển". Chồng bà Sen góp chuyện, cho rằng mọi thứ phải sớm thay đổi từ lúc này, nếu không "10 năm nữa ta lại thấy cảnh y hệt thế này xảy ra ở đâu đó". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria Tiếp theo Tags: Thảm họa thiên nhiênĐộng đất thổ nhĩ kỳThiên taiThảm họaChileThổ Nhĩ KỳHaitiGiàu nghèo
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.