Thú cưng và người trẻ

BÌNH MINH - VŨ THỦY 10/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Những người trẻ, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, đang cưng thú cưng theo cách rất khác với thế hệ cha anh. Với họ, thú cưng là những người bạn thân xứng đáng được hưởng những dịch vụ tốt nhất cho mọi nhu cầu, từ chuyện ăn uống đến chăm sóc sức khỏe và giải trí. Tất cả làm nên một thị trường phục vụ thú cưng trị giá hàng trăm tỉ USD.

Hoàng Nhật Hạ và chú chó corgi tên Bơ. Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Mỗi tháng bé Bơ "xài" 2-3 triệu đồng

“Bé Bơ” là tên gọi đầy trìu mến mà Hoàng Nhật Hạ (30 tuổi) dành cho chú chó Corgi 3 tuổi của mình. Bơ bước vào cuộc sống của Hạ trong những ngày cô đối diện với chứng trầm cảm và khủng hoảng, rồi dần dần cùng Hạ bước qua khoảng thời gian khó khăn ấy.

“Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi từ khi có Bơ. Thay vì đi làm về chỉ trốn trong phòng và nghĩ quẩn, tôi dành hầu hết thời gian rảnh để chăm sóc Bơ, đọc thêm tài liệu về các giống chó, về cách nuôi dưỡng, chữa bệnh và sơ cứu đúng cách cho một chú chó”, Hạ kể.

“Lúc đó, Bơ kén ăn, viêm da, rối loạn đường ruột, mắc đủ thứ bệnh. Trong suốt thời gian điều trị, Bơ phải trải qua nhiều đau đớn, vừa uống thuốc, vừa chích nhưng vẫn cười tươi tắn. Sự lạc quan của Bơ tác động trực tiếp đến tinh thần của tôi, mang cho tôi nhiều động lực.

Những ngày tôi buồn, Bơ luôn ở cạnh lắng nghe, dụi đầu vào lòng tôi. Những việc làm nhỏ bé tưởng chừng như rất bình thường ấy, đối với một người đang tổn thương tinh thần như tôi, là sự an ủi và dỗ dành rất lớn”, Hạ nhớ lại.

Mỗi tháng, Nhật Hạ dành trung bình từ 2-3 triệu đồng để chi trả cho các nhu cầu của Bơ, từ thức ăn, đi spa, các sản phẩm thuốc định kỳ tùy thuộc vào thời tiết. Vào mùa mưa, Bơ được Nhật Hạ dẫn đi spa mỗi tuần một lần để đảm bảo vệ sinh, tránh các bệnh về da.

 Còn mùa hè, Nhật Hạ chủ yếu tự chăm sóc Bơ tại nhà với các bước chải lông hằng ngày, nhỏ mắt, rửa tai, lau chân, lau bụng, mài móng và chỉ đưa Bơ đến spa mỗi tháng một lần.

Dịch vụ chăm sóc thú cưng -tại nhà. -Ảnh: Xuân Lộc

 

Giúp cân bằng cuộc sống

Các sản phẩm sử dụng cho Bơ được Nhật Hạ đầu tư kỹ lưỡng, trong đó có 3 loại lược chải lông, máy mài móng, các sản phẩm khử mùi, rửa chân và bọt tắm khô riêng. 

Ngoài việc vệ sinh, ăn uống, Nhật Hạ cũng ghi lại lịch sổ giun, uống thuốc ngừa ve và các loại ký sinh trùng, chích ngừa dại và các loại bệnh đường ruột theo định kỳ năm. Mỗi 6 tháng, Bơ được đưa đi xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe và cao răng để có phương pháp vệ sinh mảng bám phù hợp.

Bên cạnh đó, Nhật Hạ cũng tự tay làm các loại bánh ăn vặt cho “người bạn” của mình. Cô tìm hiểu các công thức trên trang web nước ngoài, điều chỉnh cho phù hợp nguyên liệu tìm được ở Việt Nam cũng như sở thích, nhu cầu, cơ địa của Bơ, đi lựa từng khuôn bánh để có thành phẩm bắt mắt. 

Từ đam mê ban đầu này, Hạ mở The Barkery, một cửa hàng trực tuyến bán đồ ăn vặt, bánh sinh nhật cho thú cưng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc và nuôi dưỡng thú cưng. Đây cũng là nơi Hạ chia sẻ các công thức làm bánh để những người chủ tự tay làm cho vật cưng của mình.

“Có những ngày, đi làm về đã 7 giờ tối, tôi lao vào làm bánh đến tận 1 giờ sáng để kịp trả đơn cho khách”, Hạ chia sẻ. Vào cuối tuần, Nhật Hạ dẫn Bơ đi cà phê sáng, đi công viên chơi cùng các “bạn” thú cưng khác.

“Thú cưng trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình, hỗ trợ cân bằng cảm xúc, nâng cao đời sống tinh thần của chủ nuôi một cách tích cực. Với tôi, Bơ là một phần không thể thiếu, và tôi cảm kích sự hiện diện của Bơ trên đời”, Nhật Hạ bộc bạch.

Cộng đồng nuôi thú cưng hiện nay rất lớn và đoàn kết. Đó là những người xa lạ, được kết nối với nhau nhờ thú cưng. “Chúng tôi có chung động lực muốn thay đổi nhìn nhận về vai trò của thú cưng, muốn trở thành tiếng nói của chúng để chia sẻ những cảm xúc như vui, buồn, giận hờn, bởi các con xứng đáng được yêu thương”, Hạ nói thêm.

Bảng giá thực phẩm cho thú cưng tại một cửa hàng. Ảnh: Duyên Phan

 

“Người yêu không có nhưng chó phải có một con”

Đó là câu nói vui về những người độc thân nuôi chó mèo. Trong một căn nhà thuê 4 tầng ở một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu (quận 3, TP.HCM), Ngọc Diễm (30 tuổi) nuôi tới 7 con mèo và 1 con chó. Cô thuê một tầng hai phòng, trong đó một phòng dành riêng cho bầy chó mèo.

 “Tôi bán đồ ăn low-cab (ít đường, ít tinh bột) cho người ăn kiêng. Hằng ngày tôi nhận đơn, nấu nướng, chế biến rồi ship tới nhà cho khách hàng nên phần lớn thời gian tôi ở trong nhà. Ban đầu tôi cũng chỉ nuôi một chú cún để có bạn cho vui. Rồi nuôi thêm mèo. Mèo lại đẻ thêm mèo nên thành ra giờ là nuôi một bầy”, Diễm kể.

Với cả một “tiểu đội” chó mèo như thế, công việc chăm sóc không hề dễ dàng. “Từ ngày có bọn nó là hầu như không đi du lịch xa, đi đâu cũng phải lo về nhanh để chăm sóc cho bọn nó. Nhưng chơi với các em vui lắm, có thể ngồi cưng nựng bọn nó cả ngày”, Diễm nói.

Không những phải có không gian riêng dành cho thú cưng, việc cho ăn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho chúng cũng tốn kém không khác gì nuôi một đứa trẻ.

“Mèo nhà tôi không ăn đồ ăn chế biến sẵn. Ngày ăn hai bữa, ăn thịt tươi không nấu để tốt cho hệ tiêu hóa của chúng. Nuôi nhiều nên tôi thường mua sỉ 50-60kg thịt heo - gà về trữ đông để chúng ăn dần. Mua sỉ nên chi phí cũng giảm bớt”, Diễm cho biết.

Nguyễn Quang Đạt (29 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM) với “biệt đội” 7 chú cún cũng phải chịu thân phận “con sen”, mỗi ngày nấu ăn hai lần để phục vụ chúng. 

Đạt mua thức ăn tươi chế biến sẵn từ một nơi quen biết với khoảng 5 triệu mỗi tháng. Anh tự tay chăm sóc, tắm rửa cho bầy cún bởi đưa 7 con chó đi salon chăm sóc tốn rất nhiều tiền. “Mỗi lần tắm cho 2-3 con thôi, có những ngày bận quá, dồn vào cuối tuần thì phải mất cả ngày mới tắm xong”, Đạt nói.■

TP.HCM: khoảng 500 phòng khám, cửa hàng cho thú cưng

Với gần hai thập niên theo nghề bác sĩ thú y, bác sĩ Ngô Quốc Hưng (bác sĩ trưởng bệnh viện thú y quốc tế New Pet) cho biết ngành chăm sóc thú y hơn một thập niên qua đã có bước nhảy vọt cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông ước tính hiện ở TP.HCM có khoảng 500 phòng khám, bệnh viện, cửa hàng làm đẹp, chăm sóc, khách sạn... dành cho thú cưng. Riêng số lượng bệnh viện cho thú cưng có khoảng 30-40. Dựa trên số liệu chích ngừa của thú y TP.HCM, bác sĩ Hưng ước tính có khoảng nửa triệu thú cưng đang được người dân chăm sóc.

Khác với thời gian trước, bác sĩ Hưng cho biết số lượng chó và mèo tại TP đã có sự “dịch chuyển” khi ngày càng nhiều người dân nuôi mèo thay vì nuôi chó, những giống chó có thân hình to lớn dần chuyển về vùng ven thay vì được nuôi nhiều ở trung tâm TP. 

“Do nhiều chung cư cấm nuôi chó nên các gia đình chọn nuôi mèo, những gia đình sống trong diện tích nhà chật hẹp thì nuôi mèo cũng tiện chăm sóc hơn rất nhiều so với chó”, bác sĩ Hưng nói.

N.Hiển

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận