Thử làm tay truyền bá tin giả

TỊNH ANH 14/10/2019 21:10 GMT+7

TTCT - Những kẻ phát tán tin tức giả (fake news), những nội dung kích động thù hận, phân biệt đã làm gì để gieo rắc những thông điệp đó? Không có cách nào hiểu điều ấy tốt cho bằng chính ta thử gia nhập đội truyền bá tin tức giả.

Troll Factory giúp người chơi hiểu tin giả để tránh mắc lừa tin giả
Troll Factory giúp người chơi hiểu tin giả để tránh mắc lừa tin giả

Nhưng biết tìm đâu ra đầu mối hay lãnh đạo để xin gia nhập đội phát tán tin giả? Yle, một hãng truyền thông Phần Lan, có cách giúp người dùng “thâm nhập thực tế” hoạt động thao túng thông tin trên mạng xã hội mà không cần thực sự làm công việc đáng lên án đó: một trò chơi điện tử.

Trò chơi có tên Troll Factory (https://trollfactory.yle.fi/) giúp người chơi trở thành nhân viên một “cơ sở” chuyên gieo rắc tin giả hay các nội dung gây cảm xúc và ảnh chế (meme) để thao túng cảm xúc, ý kiến và quyết định của người dùng mạng xã hội.

Trong thời điểm mà lượt thích (like) và chia sẻ (share) trên mạng xã hội đã trở thành vũ khí để gia tăng thiên kiến và sự mất lòng tin, người chơi Troll Factory sẽ đóng vai nhân viên mới, chat với “sếp” mỗi ngày để nhận nhiệm vụ, với mục tiêu xuyên suốt là “giành ảnh hưởng bằng cách gieo rắc nỗi sợ và mất lòng tin trên mạng xã hội”.

Trò chơi ban đầu được viết bằng tiếng Phần Lan, nhưng vừa được cập nhật bản tiếng Anh. Ngay ngày đầu tiên “nhận việc”, người chơi sẽ được yêu cầu “xây dựng cơ sở” - tăng lượng người theo dõi (follower) trên mạng xã hội để sau này dễ bề lan truyền tin giả - thông qua việc đăng một bản tin có nội dung chống người nhập cư.

“Sếp” sẽ đưa ra 3 phương án để người dùng chọn lựa cái nào dễ kích động hơn và dễ được lan truyền hơn. Bạn sẽ chọn một thông điệp “hiền” như “hãy ngăn bọn nhập cư”, hay một bài viết mở đầu bằng tiếng chửi thề, tiếp đến là một câu nguyền rủa người Hồi giáo và kết thúc bằng một hashtag tục tĩu?

Sau mỗi lựa chọn, số like và follower sẽ được cập nhật tùy theo mức độ hiệu quả của phương án được chọn, và người dùng cứ thế tiếp tục để “ghi điểm” trong mắt “sếp”, đồng nghĩa với việc có nhiều người chia sẻ và theo dõi các nội dung sai lệch mà mình truyền bá.

Thông qua các nhiệm vụ, nhận xét và lời khuyên từ “sếp”, người dùng sẽ thực sự hiểu được một kẻ được trả tiền để lên mạng thao túng thông tin, truyền bá tin giả là như thế nào. Người chơi Troll Factory sẽ được “dạy” về cách chọn đúng đối tượng nhân khẩu học (người nhập cư, người Hồi giáo, những người không tin biến đổi khí hậu) để “mớm tin”, cách chọn hình ảnh, từ ngữ tùy theo thông tin giả và thuyết âm mưu mình muốn lan truyền.

“Cậu có thể quảng bá bài viết (tin giả) của mình nhanh hơn nếu nhằm đúng người... một số người đơn giản là cái gì cũng tin” - người chơi sẽ được “sếp” khuyên như vậy. Các “bài học” này được thiết kế với mục đích không phải để “huấn luyện” chúng ta thành kẻ gieo rắc tin giả thực thụ, mà nhằm giúp ta hiểu và áp dụng ngược lại vào đời thực để tránh trở thành nạn nhân của tin tức giả.

Dùng game để “nâng cao nhận thức” về tin tức giả thật ra là ý tưởng của Đại học Cambridge. Hồi tháng 2-2018, Đại học Cambridge giới thiệu Bad News (http://getbadnews.com), trò chơi trên nền web, giúp người dùng học cách xây dựng lượng người theo dõi trên mạng để thao túng thông tin.

Điều khác biệt là Troll Factory dùng nội dung thật - những tin tức giả, meme, thuyết âm mưu và nội dung thù hận thu thập được từ mạng xã hội trong đời thực để đưa vào trò chơi, chứ không nghĩ ra một tin giả vô thưởng vô phạt nào đó. Chẳng hạn ngoài chống người nhập cư, Troll Factory còn đưa vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, bài Hồi giáo... Điều này cũng giúp người dùng học được ngay từ thực tế - có thể họ từng tin, từng bấm chia sẻ một số nội dung được đưa vào trò chơi.

Jarno Koponen, trưởng nhóm trí tuệ nhân tạo của Yle, nói với trang The Next Web các ví dụ, thủ đoạn tuyên truyền fake news nói trên đều có thể được diễn giải thông qua các hình thức khác như báo chí, truyền hình, song thể hiện chúng ở dạng trò chơi điện tử là cách để tiếp cận nhiều người nhất có thể.

“Trong nền kinh tế chú ý (attention economy), chúng tôi cho rằng trò chơi điện tử là cách lý tưởng để giúp một người tập trung hoàn toàn trong khoảng 6 phút” - Koponen nói. Nghe có chút mỉa mai khi người dùng ngày nay dường như tin ngay vào mọi thứ họ thấy hoặc xem trên mạng, huống hồ dành đến hơn 5 phút để tập trung vào một cái gì đó, như là học cách tránh fake news?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận