TTCT - Đối với thị trường nông sản, lịch sử chưa từng chứng kiến bất kỳ một kế hoạch tạm trữ hàng nông sản nào thành công. Mới đây bộ trưởng thương mại Thái Lan bị mất ghế do chương trình mua trữ và hỗ trợ giá gạo cho nông dân, làm Thái Lan lỗ 4,5 tỉ USD. Song, lỗ chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề lớn hơn là mất thị phần xuất khẩu gạo của nước đã từng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới. Phóng to Dù chơi luật gì, trên “sân” nào cũng phải tôn trọng lợi ích người trồng - Ảnh: Tiến Thành Cái giá của “trữ” Nhiều đợt tạm trữ hay đánh động tạm trữ cà phê tại nước ta thường cũng chỉ dẫn đến kết quả “tạm thời” vì giá chỉ tăng vài ba ngày ngắn ngủi không hơn không kém. Cái cốt lõi của chương trình tạm trữ thường lấy mục đích là nâng giá, dù nhiều nơi cố gắng sử dụng lắm công cụ tài chính và ngân sách nhưng chương trình tạm trữ vẫn không làm cho giá tốt lên một cách lâu bền, không chặn được giá rớt trên cả sàn kỳ hạn lẫn thị trường nội địa. Tại Brazil, các chương trình giữ lại hàng cà phê bằng cách áp dụng chương trình quyền chọn bán để ngăn chặn sức ép bán ra khi được mùa xem ra đến nay vẫn chưa thuyết phục mấy. Một mặt, các nhà phân tích thị trường chưa có đủ độ dài thời gian để đánh giá chương trình này. Mặt khác, dẫu cho các chương trình quyền chọn của Brazil được áp dụng “rất kêu”, giá cà phê arabica trên sàn Ice New York và giá nội địa tại Brazil vẫn cứ rớt một cách tự nhiên. Còn nhớ hồi năm 2002, Hiệp hội Các nước sản xuất cà phê thế giới đã phải tự giải tán sau khi chương trình trữ hàng bất thành do không kìm được giá rớt. Còn nhớ giá trị một cân cà phê tại thị trường nội địa nước ta thời bấy giờ có khi chưa bằng một cân cà pháo. Có công cụ, sao không dùng? Đối với nông sản, như một quy luật, thường sau một thời gian được giá do mất mùa lại đến giai đoạn được mùa nhưng mất giá. Khi giá càng cao, nông dân càng phấn khởi tăng diện tích, tăng năng suất sản lượng. Trường hợp cà phê của Brazil và Việt Nam trong mấy năm qua chứng minh điều này rất rõ. Sản lượng cà phê Brazil chỉ từ 42-43 triệu bao (nhờ giá tăng từ năm 2009-2011) nay nhảy lên 55-56 triệu bao cà phê/năm. Ngay cả trong niên vụ 2013-2014 hiện đang cho thu hoạch, dù theo chu kỳ lẽ ra mất mùa, Brazil vẫn dự báo được từ 49-54 triệu bao. Ngay tại nước ta, mới đây theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích đã gần 620.000ha, trước đó không lâu chỉ là 520.000ha. Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) vừa qua đưa ra ước tính sản lượng vụ này ước đạt 1,2 triệu tấn, nhưng đến cuối tháng 6, theo Tổng cục Thống kê, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu niên vụ (bắt đầu từ 1-10-2012) đã tròm trèm con số này. Nên phải nói rằng nhờ giá cao, năng suất và sản lượng cà phê nước ta vì thế tăng rất đều nhịp và tốt. Giả sử giá cà phê nội địa lên 50.000 đồng/kg, sản lượng nước ta sẽ là bao nhiêu cho vụ này? Một biện pháp giảm thua lỗ, bán sao cho đúng, cho được giá trong bài “Đưa cà phê vào luật chơi quốc tế” trên TTCT số 24 không mới nhưng đáng khích lệ. Bởi tác giả khuyến nghị sử dụng công cụ kinh doanh “mua quyền chọn bán” trên thị trường phái sinh để nông dân và người có hàng tự bảo vệ mình. Than ôi, cầu thủ và bóng có sẵn nhưng sân chơi đâu? Cơ sở vật chất, kỹ thuật và pháp lý cho một thị trường phái sinh nước ta chưa hình thành để kéo ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng theo luật chơi quốc tế? Nhiều người đã từng sử dụng nhưng dưới hình thức “cá cược” không hơn không kém. Vừa qua, một số đại lý tại các tỉnh Tây nguyên lỗ đậm do bán giá theo hợp đồng giao sau tính trên cơ sở chênh lệch đối với giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London (trừ lùi). Khi giao hàng chỉ nhận 70% giá trị lô hàng, 30% để lại làm tiền ký quỹ để bên bán giữ quyền chốt giá. Đáng ra, họ nên chốt khi giá London còn cao dù chưa đủ sở hụi. Sau đó, sử dụng hợp đồng kỳ hạn để mua lại lượng đã bán khi giá sàn xuống thấp để đợi giá tăng lại, bán ra bù lỗ. Nhưng nhiều người vẫn nằm yên “chịu trận”, mất lời, mất luôn cả một phần vốn trong 30% tiền ký quỹ ấy do bên mua giữ và hưởng trọn. Nhiều người đã bán được giá cao 46.000 đồng, rồi có tin hạn hán, lại dùng hết cả vốn lẫn lời mua lại cà phê với giá 43.000 đồng/kg. Nhưng từ ngày có tin hạn hán, giá trên sàn vẫn chỉ xuống theo cách của nó. Nhiều người buộc phải bán lỗ ở mức 33.000-35.000 đồng/kg. Qua đợt giá xuống mạnh vào dịp hai tuần cuối tháng 6, nhiều đại lý mua bán cà phê mất tiền tỉ. Thua lỗ do kinh doanh cà phê theo lối đầu cơ, do tâm lý bầy đàn... tất cả đều có bài để chữa, đang rất sẵn trên thị trường, gồm một số công cụ kinh doanh hàng hóa khá giản đơn. Nhưng chẳng mấy ai, chẳng mấy khi sử dụng để giảm rủi ro trong kinh doanh cà phê. Đó là những thực tế cần nhìn, cần chỉnh đốn và sử dụng một cách nghiêm túc trước khi ngành kinh doanh cà phê nước ta muốn theo luật chơi quốc tế. Tags: Cà phêNông sảnLuật chơi quốc tếCà phê Việt
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.