Thương lượng với trắc ẩn

HOÀNG CÔNG DANH 26/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Một khi lòng trắc ẩn bị tổn thương, lẽ nào ta phải thương lượng với chính mình?

Từ bữa ra ở nhà riêng, vợ bảo nên nuôi một con vật gì đó, chó, mèo chẳng hạn. Lần lữa mãi đến nay đã ba năm chúng tôi chẳng nuôi được con gì. Nhưng chỗ ô thông gió trên mái nhà lại có chim sẻ đến làm tổ. Thôi cứ cho nó ở đấy, coi như mình nuôi mà chẳng mất công gì.

Buổi sáng mở cửa nghe ríu rít tiếng chim trên đầu. Chiều quét sân thấy cặp chim bay về tổ, thản nhiên đứng trên ô gió rỉa mỏ. Đấy là khoảnh khắc lũ chim cho tôi thêm yêu căn nhà của mình và thèm trở về tổ ấm mỗi ngày.

Cái ô gió quá nhỏ, nên chỉ sau một năm rơm rác chim gắp về làm tổ đã thòi ra ngoài, rồi thành một ụ rơm rõ rệt. Chim tới họp bạn nhiều hơn, dễ đến chục con chúi rúc, rác rơm rơi xuống bậc thềm hiên.

Tổ chim ngay mặt tiền ngôi nhà, ai đến chơi cũng thấy. Dăm ba người bảo đất lành chim đậu, coi đó là sự lành. Dăm ba người bảo nó làm xấu ngôi nhà, rác treo trên đầu, rác phủ trước mặt. Cũng dăm ba lần tôi định phá tổ chim bất thành. Mãi đến gần đây, đang lúc dọn dẹp nhà cửa thì ý định dỡ tổ chim lại trỗi dậy. Đi mượn một cái thang dài, bắc lên tới chỗ tổ chim, tôi trèo lên, thò tay đụng mấy cọng rơm, nghe tiếng chít chít chim non mà vội vàng tụt xuống.

 

Đấy là lúc ký ức tuổi thơ trở về.

Những buổi trưa trốn nhà cùng đám trẻ làng men lũy tre tìm tổ chim. Chim cu cườm, chim sáo, chào mào, chim sẻ… buổi ấy vẫn còn nhiều ở làng quê, đi một vòng thể nào cũng tìm được ít nhất một tổ. Bắt được tổ chim mừng húm, chia nhau mỗi đứa một con đem về nuôi.

Chim sáo thường dễ nuôi nhất, cứ lấy nước miếng đút cho chim thì lớn lên nó mến người nuôi, tự bay đi kiếm mồi và chỉ cần nghe tiếng huýt gió là trở về. Chim cu không khó nuôi nhưng nó không mến người chăm, phải nhốt kín trong chiếc lồng tre, thả ra nó sẽ bay mất. Chim sẻ là loại không thể nuôi được. Bắt sẻ non về chỉ độ ba hôm là nó chết ngay. Những con chim chết, đối với trẻ thơ, cũng như một thứ đồ chơi bị hỏng. Hầu như không có nỗi ám ảnh nào lúc ấy.

Phải đến khi dịch cúm gia cầm lan về tới làng quê, những con chim tôi nuôi trong lồng lần lượt chết. Buổi sáng thấy con sáo ủ ê, bỏ ăn bỏ uống. Đến trưa nó đã thành một đám xác phủ lông bất động. Tôi đào cái hố nhỏ đặt xác con sáo xuống, rải lên trên một lớp vôi bột trắng và lấp đất. Những con chim còn sống thoi thóp cũng bị cho xuống hố. Người lớn khuyên đằng nào chim cũng chết, chôn sống cho đỡ lây lan. Suy nghĩ ấu thơ của tôi lúc ấy cũng đơn giản là thà cho nó khuất mắt mình sớm chừng nào hay chừng đấy.

Khi cái hố được lấp đất đầy, cũng là lúc tôi biết đến cái cảm giác của sống chết chia lìa. Đốt hết mấy cái lồng tre, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ nuôi một con vật nào nữa. Đấy mới chính là cái ám ảnh khiến tôi ngần ngại chuyện nuôi một con vật. Ám ảnh ấy trở lại lúc tôi sắp gỡ tổ chim trên mái nhà mình. Tôi sợ phải chạm tay vào một sinh linh bé nhỏ non nớt mà khi dời khỏi cái tổ mẹ, nó không sống nổi qua ngày thứ ba. Tôi quyết định tụt xuống, bỏ mặc rác rều treo trước nhà.

Chuyện nếu chỉ có thế thì không cần phải nói. Cho đến hôm nọ, đang ở trong nhà, tôi nghe một tiếng cạch, rồi tiếng chim kêu xáo xác. Tôi chạy ra, thấy hai kẻ săn chim bằng ná cao su vừa vù xe máy chạy, trả lại một tràng cười khoái chí. May không có con chim nào chết rơi xuống, chỉ thấy một hòn sỏi rớt trước sân. Tôi nhặt hòn sỏi lên, nghĩ dại nghĩ khôn rằng nếu lỡ nó lệch đường, bay vào nhà, mà trúng ai đó thì sao. Tưởng tượng đến đó thì lại dấy lên ý định gỡ tổ chim.

Một khi lòng trắc ẩn bị tổn thương, lẽ nào ta phải thương lượng với chính mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận