Tiêu chuẩn hóa: Thực chất là cuộc chiến giành lợi thế thương mại

VŨ THÁI HÀ 16/03/2019 18:03 GMT+7

Hoàn toàn không quá đáng nếu nói rằng “cuộc chiến” tiêu chuẩn chính là cuộc chiến giành lợi thế thương mại.

 

Khi một lần nữa, nước mắm lại trở thành tâm điểm của truyền thông và mạng xã hội với bản dự thảo TCVN-12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra, câu hỏi trọng tâm xuất hiện: Liệu tiêu chuẩn này có thiên vị sản phẩm nước mắm được sản xuất công nghiệp và “giết chết” nước mắm truyền thống hay không?

Nhu cầu tiêu chuẩn hóa  của nền kinh tế

Tiêu chuẩn hóa là một vấn đề rất lớn của mọi nền kinh tế. Và kể từ khi thế giới bước vào sản xuất công nghiệp cho đến nay, tầm mức quan trọng của vấn đề này chỉ liên tục tăng. Tiêu chuẩn hóa chính là con đẻ của sản xuất công nghiệp, đồng thời nó cũng là một động lực quan trọng giúp sản xuất công nghiệp phát triển về quy mô với tốc độ ngày càng nhanh.

Tiêu chuẩn hóa trực tiếp giúp giảm chi phí sản xuất, đơn giản hóa quá trình tạo ra sản phẩm, để từ đó đảm bảo sự ổn định về chất lượng của sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Các nhà sản xuất đều hiểu rõ giá trị của việc làm này.

Nhìn từ phương diện thương mại quốc tế, mỗi ngành trong mỗi quốc gia lại có quá nhiều các tiêu chuẩn khác nhau, vì thế chúng sẽ là trở ngại đối với các giao dịch. Để “khớp lệnh” cho các yêu cầu mua bán hàng hóa qua biên giới, các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu sẽ phải dung hòa nhiều các chuẩn mực khác nhau, khiến chi phí và rủi ro trong giao dịch tăng cao.

Tiêu chuẩn hóa tự nó đã ngụ ý sự thống nhất và nhất quán từ tên gọi, ý nghĩa và quy cách thể hiện các tính chất của sản phẩm, cho đến quá trình tạo ra sản phẩm đó, cùng với các phương pháp và công cụ giám sát, kiểm tra và đo lường nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất ra đáp ứng các chuẩn mực đã công bố.

Có thể nói rằng, chuẩn hóa trong giao thương quốc tế là “dịch” các yêu cầu mang tính địa phương ra thứ “ngôn ngữ” quốc tế hơn, được hiểu và chấp nhận ở nhiều nơi hơn. Tiêu chuẩn hóa, vì thế còn là công cụ để truyền đạt nội dung của sản phẩm đến với các thị trường mới, khách hàng mới.

Cụ thể, “nước mắm” của Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ được biết đến bởi người Việt nếu nó không được “dịch” và chuyển tải vào một tên gọi chung khác đã được cả thế giới biết đến và chấp nhận: fish sauce. Như vậy, tiêu chuẩn hóa đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu, nặng về kỹ thuật, để trở thành một nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thương mại: nếu “nước mắm” không phải là “fish sauce” thì để thương mại hóa được, người ta sẽ phải tiếp thị nó lại từ đầu; đấy là một nỗ lực tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, nhất là trên thị trường quốc tế, và điều đó có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất này trên diện rộng.

Có thể nói dứt khoát rằng hội nhập kinh tế càng sâu rộng thì tiêu chuẩn hóa càng phải được quan tâm. Thực tế thì chậm tiêu chuẩn hóa là một rào cản lớn đối với hội nhập. Câu hỏi còn lại là: Tiêu chuẩn hóa như thế nào?

Nghề làm nước mắm Nam Ô, bối cảnh phục dựng ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: baotangdanang.vn
Nghề làm nước mắm Nam Ô, bối cảnh phục dựng ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: baotangdanang.vn

Các nhóm tiêu chuẩn khác nhau

Tiêu chuẩn hóa luôn có mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, và nếu xét trong bối cảnh của việc làm ra sản phẩm thì nó thường điều chỉnh hai phạm vi: (1) Quy cách, thuộc tính, tính chất và đặc điểm của sản phẩm cụ thể, và (2) Quá trình sản xuất ra sản phẩm đó.

Các tiêu chuẩn điều chỉnh phạm vi thứ nhất vẫn được gọi là các tiêu chuẩn dành cho sản phẩm, chẳng hạn tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2018 dành cho sản phẩm nước mắm. Các tiêu chuẩn điều chỉnh phạm vi thứ hai thường được gọi là tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý hay tiêu chuẩn dành cho các quá trình, chẳng hạn tiêu chuẩn TCVN-12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm mà đại diện của cơ quan soạn thảo đã cho là sẽ “đưa ra các khuyến nghị, khuyến khích về việc xác định các mối nguy và từ đó có thể đưa ra cách thức khuyến nghị mối nguy đó cho chính nhà sản xuất và cho người tiêu dùng. Có thể áp dụng hay không áp dụng tùy vào điều kiện nhà sản xuất”.

Còn nếu nhìn từ mức độ quan tâm đến người tiêu dùng thì sẽ dễ dàng nhận thấy các tiêu chuẩn được đặt ra là để đảm bảo (1) an toàn và vệ sinh khi sử dụng, (2) minh bạch về thông tin sản phẩm, và (3) cơ chế ứng phó khi có sự cố ngoại ý trong quá trình lưu thông và sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn còn khác nhau về mức độ tuân thủ khi thực thi: có những tiêu chuẩn mang tính “pháp lệnh”, đòi hỏi sự tuân thủ hoàn toàn và nghiêm ngặt, và có những tiêu chuẩn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến nghị và hướng dẫn, khi đó các nhà sản xuất có thể chọn áp dụng một phần hay toàn bộ, tùy nhu cầu thực tế của mình.

Các yêu cầu của tiêu chuẩn càng cao bao nhiêu thì việc tuân thủ chúng các đòi hỏi nhiều đầu tư bấy nhiêu. Đó chính là lý do vì sao người ta còn xem tiêu chuẩn hóa như một công cụ để thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực của các nhà sản xuất nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Nâng cao năng lực cũng chính là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không phải vô cớ mà các nền kinh tế có trình độ thấp hơn vẫn chọn việc tăng tốc tiêu chuẩn hóa như một giải pháp cho phát triển: bằng việc “bắt buộc” hoặc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn, Nhà nước có thể nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế để đương đầu với cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiêu chuẩn hình thành như thế nào?

Các nghiên cứu và quan sát thực tế cho biết rằng các tiêu chuẩn thường được hình thành từ ba nguồn: (1) do các hội ngành hay hội nghề nghiệp xây dựng (committee-based), (2) do thị trường quyết định (market-based), và (3) do nhà nước thiết lập (government-based).

Trong trường hợp thứ nhất, các bên hữu quan sẽ cùng nhau thiết lập tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Họ có thể bao gồm các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu hay xuất khẩu, và các tổ chức chuyên môn nghề nghiệp. Các tiêu chuẩn hình thành theo hướng này thường được chấp nhận và tuân thủ tốt, do các đơn vị áp dụng cũng chính là các đơn vị tham gia xây dựng tiêu chuẩn trong suốt quá trình dài, lợi ích của họ đã được phản ảnh vào nội dung của tiêu chuẩn liên quan.

Ở trường hợp thứ hai, tiêu chuẩn hình thành qua quá trình cạnh tranh: nhiều nhà sản xuất cùng đưa ra thị trường một kiểu loại sản phẩm cạnh tranh nhau, cuối cùng sản phẩm nào chiếm vị thế áp đảo thì tiêu chuẩn tương ứng của nhà sản xuất đó sẽ trở thành tiêu chuẩn mà thị trường đi theo. Các tiêu chuẩn loại này thường cần nhiều thời gian để định hình và được nhìn nhận, thường thì chúng cũng phản ảnh cục diện của cuộc cạnh tranh trong thị trường tương ứng.

Nếu hai hình thức trên đây là phổ biến ở các nền kinh tế phát triển, có bề dày về công nghiệp hóa, thì hình thức thứ ba lại là lựa chọn phổ biến của các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi: nhà nước đứng ra xây dựng các tiêu chuẩn để tạo ra các hành lang và động lực cho các ngành kinh tế khác nhau của quốc gia.

Cho dù nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì nguồn tri thức để xây dựng các tiêu chuẩn cũng vẫn phải được huy động từ cộng đồng xã hội. Ưu điểm của các tiêu chuẩn do nhà nước xây dựng là có tính “pháp lệnh” cao, còn nhược điểm của chúng là hay gây tranh cãi và không được đón nhận một cách suôn sẻ, nhất là khi cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn lại không huy động được sự đóng góp của các nhà sản xuất, là những thực thể sẽ phải tuân thủ hoặc áp dụng tiêu chuẩn trên thực tế, có quyền lợi liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Các phương phức hình thành tiêu chuẩn này thật ra không loại trừ nhau mà cùng tồn tại, và chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của mỗi ngành nghề cũng như mỗi quốc gia.

Mặt trái của tiêu chuẩn

Cho dù ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì khi nói về tiêu chuẩn hóa trong hoạt động kinh tế, người ta luôn phải lưu ý đến mặt trái của nó. Các tiêu chuẩn có thể trực tiếp hay gián tiếp tác động và làm méo mó thị trường ở hai khía cạnh: độc quyền và bảo hộ.

Trong thị trường nội địa, nếu tiêu chuẩn sản phẩm của một nhà sản xuất nào đó, vì bất cứ lý do gì, được chọn là tiêu chuẩn của ngành, hay thậm chí là tiêu chuẩn của quốc gia, thì nó dễ dàng trở thành rào cản ngăn chặn các nhà sản xuất khác tham gia thị trường.

Ở mức độ ít cực đoan hơn, nếu một nhà sản xuất nào đó đưa được các yêu cầu hay điều khoản có lợi cho mình vào trong các tiêu chuẩn thì họ cũng có thể chặn được bước đi của các đối thủ cạnh tranh. Các đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện cũng vậy, bằng cách đưa vào tiêu chuẩn các điều khoản có lợi, họ có thể có được cơ hội tốt hơn khi gia nhập thị trường.

Ở bình diện quốc tế, câu chuyện hoàn toàn tương tự, và các tiêu chuẩn luôn là nội dung lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Các tiêu chuẩn về sản phẩm, về nguyên vật liệu vẫn thường được các quốc gia sử dụng như các rào cản để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm nhập khẩu, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, mà các yêu cầu cụ thể của tiêu chuẩn luôn khoác bên ngoài một lớp áo hiền lành và chính đáng: bảo vệ người tiêu dùng, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, phù hợp với văn hóa và phong tục... Hoàn toàn không quá đáng nếu nói rằng “cuộc chiến” tiêu chuẩn chính là cuộc chiến giành lợi thế thương mại.

Trở lại với câu chuyện đang nóng trên các diễn đàn: việc định nghĩa sản phẩm như thế nào là nước mắm là một vấn đề cực kỳ nghiêm túc, và đưa đến ngay lập tức một lưỡng nan. Nếu chỉ xem nước mắm sản xuất theo cách truyền thống là nước mắm, còn lại tất cả các sản phẩm khác không được gọi là nước mắm thì sẽ có thể bảo hộ được ngành nghề truyền thống, nhưng sẽ bỏ ngỏ thị trường, bởi năng lực sản xuất của các nhà thùng khó mà đáp ứng được nhu cầu quá lớn của thị trường. Đó là chưa kể thị trường xuất khẩu, câu hỏi là những sản phẩm trong nước nào sẽ còn được sử dụng tên gọi fish sauce, vốn đã được thị trường quốc tế nhận biết dễ dàng?

Ngược lại, nhìn nhận nhiều sản phẩm sản xuất theo nhiều phương thức khác nhau là nước mắm sẽ giúp cho các nhà sản xuất phi truyền thống có cơ hội tham gia thị trường nước mắm, và chắc chắn chính họ sẽ củng cố được năng lực cạnh tranh của ngành này trên thị trường quốc tế; tuy nhiên, áp lực cạnh tranh mà họ đặt ra cho các nhà thùng là lớn và không thể tránh khỏi.

Vận chuyển nước mắm ở Nam Kỳ, hình vẽ trong sách Monographie dessinée de l'Indochine (1935). Ảnh: Flickr
Vận chuyển nước mắm ở Nam Kỳ, hình vẽ trong sách Monographie dessinée de l'Indochine (1935). Ảnh: Flickr

Lời giải nào cho bài toán tiêu chuẩn hóa “nước mắm”?

Tiêu chuẩn hóa rõ ràng không phải là câu chuyện của các định nghĩa, quy trình và quy phạm, mà nó là câu chuyện của thương mại và kinh tế, có tác động về kinh tế và xã hội rất lớn. Không hề quá đáng khi dư luận lên tiếng, thậm chí là rất gay gắt, khi dự thảo tiêu chuẩn liên quan đến nước mắm được công bố.

Một mặt, sự việc làm dấy lên mối quan ngại về môi trường cạnh tranh; mặt khác, nó khiến cho cộng đồng lo âu về tương lai của một nghề truyền thống, vốn được xem là đã tạo nên sản phẩm mang quốc hồn quốc túy, và an sinh của một bộ phận không nhỏ những người đang làm việc trong nghề đó.

Hơn thế nữa, cái gì đang xảy ra với nước mắm thì cũng có thể đã, đang và sẽ xảy ra với các sản phẩm khác, như cà phê hay trà chẳng hạn. Một phương án để giải bài toán tiêu chuẩn hóa một cách hợp lý, hợp lệ, nhằm phát huy tối đa các lợi ích mà nó mang lại, trong khi phải hạn chế được các bất cập, ngăn ngừa được các lạm dụng có thể đưa đến cạnh tranh không lành mạnh, cố ý làm méo mó môi trường kinh doanh, là một yêu cầu chính đáng và bức thiết của các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Để làm được như vậy, dường như chỉ có một lựa chọn, đó là áp dụng tối đa các nguyên tắc trên đây vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, bắt đầu với việc đánh giá lại tác động xã hội của công tác tiêu chuẩn hóa liên quan đến sản phẩm nước mắm, chỉ ra các rủi ro của chính việc làm này về kinh tế và xã hội, từ đó xác định cho các tiêu chuẩn liên quan một phạm vi áp dụng phù hợp, cùng với các biện pháp cần thiết để giảm các tác động tiêu cực.

Trên hết, hãy để cho các bên hữu quan, các đối tượng có lợi ích bị ảnh hưởng được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn; họ có thể bao gồm các doanh nghiệp sản xuất ở quy mô lớn, các cơ sở sản xuất truyền thống, các doanh nghiệp thương mại và xuất nhập khẩu, và cả đại diện của người tiêu dùng.

Bài toán rõ ràng là không thay đổi, bởi các câu hỏi vẫn là: (1) Sản phẩm nào được gọi là nước mắm, và (2) Việc sản xuất nước mắm cần và nên tuân theo các quy phạm nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cái cần thay đổi chính là con đường đi tìm lời giải. ■

Từ năm 2018, theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2018 do Bộ Khoa học - công nghệ công bố, sản phẩm nước mắm có 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm, không áp dụng quy định phân hạng nước mắm như trước đây theo tiêu chuẩn TCVN 5107:2003.

- Nước mắm nguyên chất (genuine fish sauce) là sản phẩm dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.

- Nước mắm (fish sauce) là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi.

Cách tránh lạm dụng

Độc quyền và bảo hộ là hai tình trạng không được chào đón trong nền kinh tế thị trường nói chung; cho nên mọi tiến trình có nguy cơ dẫn đến tình trạng này đều phải được kiểm soát để tránh bị lạm dụng. Tiêu chuẩn hóa là một tiến trình như thế; tiến trình xây dựng các tiêu chuẩn, bản thân tiêu chuẩn và việc thực thi, áp dụng nó có thể đưa đến việc triệt tiêu cạnh tranh.

Các khuyến nghị đối với quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho biết nếu tiến trình đó tuân thủ các nguyên tắc sau đây thì sẽ không làm hạn chế sự cạnh tranh: (1) Đối tượng tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn là không hạn chế, (2) Quy trình xây dựng tiêu chuẩn là minh bạch, (3) Việc tuân thủ tiêu chuẩn là không bắt buộc, và (4) Việc tiếp cận với nội dung của tiêu chuẩn là bình đẳng. Các nguyên tắc này đảm bảo rằng mọi bên liên quan, có lợi ích bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn, đều được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn một cách bình đẳng, minh bạch và tự nguyện.

Trong khi các nguyên tắc khác là hoàn toàn khả thi trên thực tế thì nguyên tắc về tuân thủ không bắt buộc lại không thể trở thành phổ quát, bởi trong nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn là bắt buộc tuân thủ, nhất là khi chúng liên quan đến sự an toàn của người sử dụng. Vì các lẽ đó, công việc tiêu chuẩn hóa luôn cần đến vai trò của các định chế xã hội, như các hội ngành nghề, hội nghề nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận