Không còn (ai)Tunes - ai buồn, ai nhớ?

TRƯỜNG SƠN 18/06/2019 03:06 GMT+7

TTCT - Khi Apple tuyên bố sẽ “khai tử” iTunes trong phiên bản sắp tới của hệ điều hành macOS, những tiếng reo vui đã vang lên mừng ngày tàn của “ứng dụng đáng ghét nhất của Apple”, nhưng cũng có những tiếc nuối cho di sản gần 20 năm với đầy đủ trầm luân của một phần mềm máy tính.

iTunes (2001-2019). Ảnh: fastcompany.net
iTunes (2001-2019). Ảnh: fastcompany.net

iTunes khởi đầu là phần mềm tiên phong, mở ra thời đại nghe nhạc số có trả tiền, nhưng rồi nhanh chóng lạc hậu khi nhân loại lại tiến đến một bước mới trong việc thưởng thức âm nhạc.

Tầm nhìn “trung tâm giải trí số”

Tại hội nghị các nhà phát triển phần mềm toàn thế giới WWDC 2019 hôm 3-6, Apple tuyên bố từ phiên bản hệ điều hành macOS Catalina dự kiến phát hành vào mùa thu năm nay, iTunes sẽ chính thức “về vườn” và được thay bằng 3 ứng dụng độc lập khác - Music, TV và Podcasts.

Đây là dấu chấm hết sau 18 năm hoạt động của iTunes, vì các tính năng chính của nó giờ đã phân thành 3 sản phẩm riêng lẻ. iTunes cùng với kho nhạc số iTunes Store và máy nghe nhạc iPod, “bộ ba thần thánh” đã làm thay đổi cách chúng ta nghe nhạc trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới, giờ sắp thành quá vãng.

iTunes, ra mắt tháng 1-2001, là bộ mặt đại diện cho Digital Hub - tầm nhìn của cố CEO Steve Jobs về việc máy tính cá nhân (cụ thể là máy Mac của Apple) sẽ là trung tâm giải trí của mọi ngôi nhà, giúp người dùng truy cập vào thế giới số, cũng như quản lý các thiết bị điện tử như máy ảnh, máy nghe nhạc và sau này là smartphone.

Ban đầu iTunes được giới thiệu là chiếc máy nghe nhạc số (cài trên máy tính cá nhân), cho phép chuyển nhạc từ CD thành file kỹ thuật số mp3 (gọi là rip), quản lý thư viện nhạc trên máy tính.

9 tháng sau iTunes, Apple tung ra iPod, máy nghe nhạc số nhỏ gọn trong lòng bàn tay, giúp nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, thay thế máy nghe CD còn cồng kềnh.

Tháng 4-2003, Apple tiếp tục giới thiệu iTunes Store, kho nhạc số với 200.000 bài hát cho phép người dùng mua và tải về iTunes với giá chỉ 99 xu đôla/bài.

Đây là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của âm nhạc, nói đúng hơn là trong cách chúng ta tiêu thụ âm nhạc.

Nếu không muốn bỏ tiền mua CD để “rip” thành nhạc số, người dùng ở thời điểm đó chỉ có thể tải các file mp3 lậu từ các trang như Napster - trang chia sẻ nhạc số được xem là “kẻ thù số 1” của ngành công nghiệp âm nhạc. iTunes Store xuất hiện và lần đầu tiên người ta có một địa chỉ chính quy - do một công ty có uy tín sở hữu - để mua nhạc trực tuyến.

Apple nhận thấy người dùng sẽ sẵn sàng trả tiền để sở hữu nhạc số thay vì sao chép lậu nếu việc đưa nhạc vào máy tính của họ và chép sang iPod đơn giản và gọn gàng nhất có thể. Sự kết hợp nhịp nhàng vì cùng chung hệ sinh thái giữa iTunes, iTunes Store và iPod đã mang đến thành công cho Apple. Người dùng chỉ cần mở iTunes là có thể “rip” nhạc từ các CD yêu thích, rồi tải thêm các bài mong muốn từ iTunes Store, sau đó sắp xếp thành các bộ sưu tập “nhạc tuyển” ưng ý, và cuối cùng là đồng bộ hóa (sync) bộ sưu tập bài hát này ngay sang iPod mà chẳng phải mở thêm một phần mềm nào.

Những chiêc iPOD từng được nhà sản xuất tự hào và tự tin tuyên bố soán ngôi các thiết bị nghe nhạc, nay đã thành dĩ vãng.

Nếu iPod cho phép người dùng “bỏ 1.000 bài hát vào túi quần” thì iTunes cho phép việc quản lý nhạc số chưa bao giờ dễ dàng hơn. Apple gặt hái thành công với iTunes, liên tục cập nhật tính năng và còn ra mắt cả phiên bản dành cho Windows để hỗ trợ người dùng iPod không có máy Mac.

Hết thời vì streaming

“Ngày tàn” của bộ đôi iTunes và iPod bắt đầu từ khi nghe nhạc trực tuyến (streaming) trở nên phổ biến và smartphone gần như là một thiết bị đời thường, ai ai cũng có.

Một phần mềm đa nhiệm, chạy trên máy bàn chứ không phải di động, hoạt động theo cơ chế trả tiền để sở hữu - những đặc điểm từng khiến iTunes là kẻ tiên phong, lại chính là những thứ khiến nó trở nên lạc hậu, khi người ta tiêu thụ các nội dung đa phương tiện bằng cách trả phí thuê bao và xem/nghe trực tuyến mọi lúc mọi nơi, thay vì tải về máy.

“iTunes sụp đổ dưới sức nặng của chính nó”, tác giả Jon Porter mô tả cái chết của iTunes trên The Verge ngày 3-6. Khởi đầu là một “chợ nhạc số”, iTunes lần lượt cho phép người dùng mua sách nói, sô truyền hình, video ca nhạc, chương trình phát thanh tin tức (podcast), phim ảnh.

Những tính năng mở rộng này rốt cuộc chỉ khiến iTunes ngày càng trở thành một phần mềm cồng kềnh, giao diện kém thân thiện và không còn cần thiết. Apple từ lâu đã có các app độc lập để nghe nhạc (Apple Music), xem nội dung video (Apple TV) và nghe tin tức (Apple Podcasts) dành cho hệ điều hành di động iOS. Chính việc Apple sẽ lần đầu tiên ra mắt bộ ba ứng dụng này cho macOS trong phiên bản kế tiếp là dấu chấm hết cho iTunes.

Những dấu hiệu iTunes sắp phải nhường chỗ cho một hình thức nghe nhạc mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2008, khi Spotify ra đời, và sang giai đoạn 2013 - 2014, khả năng iTunes phải “về vườn” trở nên gần như chắc chắn, khi đa phần người dùng nghe nhạc trên smartphone.

smartphone
smartphone

Chúng ta có tiếc nuối bộ sưu tập nhạc đã dày công xây dựng trên iTunes hay không? “Điều đó không còn ý nghĩa khi bạn bắt đầu đăng ký tài khoản Spotify” - Jordan Bassett viết trên tạp chí âm nhạc NME (Anh), ngụ ý kho nhạc số khổng lồ trên Spotify đủ bù đắp cho những gì ta đã có trước đó. “Có thể quý vị cũng sẽ ngậm ngùi chép nhạc từ iTunes vào một ổ cứng di động và cho nó vào xó tủ, bất chấp số tiền bỏ ra mua chúng (dù chỉ 99 xu/bài) giờ cộng lại cũng bằng tiền đủ mua một căn nhà nhỏ nơi phố thị”.

Mua nhạc số đã thành dĩ vãng, giờ là thời của thuê bao nghe trực tuyến. Những giá trị cốt lõi của iTunes giờ đã lạc hậu. Tại sao phải mua từng bài và lưu vào thiết bị trong khi chỉ trả tiền thuê bao một lần là nghe gì cũng có bằng cách phát từ “đám mây”? Các dịch vụ streaming đã lo hết phần lưu trữ, sắp xếp cho ta, và ta chỉ còn làm động tác duy nhất là tạo danh sách nghe theo ý mình. Mà có khi cũng chẳng cần làm thế nốt, bởi các app đều có trí tuệ nhân tạo để đề xuất danh sách bài hát yêu thích đúng gu người dùng.

Cũng chính Apple nhanh chóng bắt kịp trào lưu streaming và thuê bao thay vì mua và tải từng bài nhạc: chừng nào người dùng còn duy trì thuê bao Apple Music, họ có thể nghe trực tuyến từ kho nhạc hàng chục triệu bài mọi lúc mọi nơi.

iTunes sẽ được nhớ đến như là bằng chứng cho thấy người ta có thể tải nội dung số một cách hợp pháp, trả tiền để mua nhạc một cách dễ dàng thay vì dùng nhạc “ăn cắp”. iTunes cách mạng hóa cách chúng ta nghe nhạc và truy cập kho nhạc của mình.

Sự xuống dốc và cuối cùng là suy tàn của iTunes cũng có một chút ý nghĩa cuối cùng: nó chứng minh sự chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh chóng và tàn nhẫn ra sao. iTunes và kho nhạc bị smartphone, công nghệ đám mây và streaming đánh bại, cũng như cassette từng soán ngôi đĩa than vinyl, để rồi lại bị CD “giết chết”.

Sự thay đổi nào, dù đau lòng đến đâu, thì cũng là để người nghe dễ dàng thưởng thức âm nhạc hơn. Đĩa than không cho “tua” nhanh, quay lại hay chọn bài ngẫu nhiên. Cassette cho phép “tua” nhưng không thể chuyển ngay đến bài kế tiếp hay chọn nghe bất kỳ. Các máy nghe CD và MP3 lại giải quyết được chuyện này.

Đĩa than
Đĩa than
cassette
cassette
mp3
mp3

Ngày nay, nghe nhạc chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Muốn có âm nhạc khi dã ngoại bên bờ biển ư? Chỉ cần một loa bluetooth xách tay và một smartphone có cài Apple Music hay Spotify và kết nối Internet. Tất cả bỏ gọn trong chiếc xắc tay và thậm chí không cần ổ điện, dây nhợ vướng víu.

20 năm trước, ngay cả Steve Jobs cũng không thể đoán được rằng trung tâm giải trí của con người không phải là máy tính, mà là thứ họ có thể bỏ vào túi quần và mang đi khắp nơi, kết nối với một “đám mây” chứa mọi thứ trên đời.■

Vào thời nghe nhạc bằng CD còn phổ biến, vấn đề đau đầu nhất là đã bỏ tiền ra mua đĩa gốc, nhưng mỗi album ta chỉ thích có 2-3 bài.

Muốn làm một CD tuyển tập nhạc yêu thích, tổng hợp từ những đĩa đã có trong bộ sưu tập, thì phải làm sao? Chỉ có thể dùng phần mềm để chép nhạc từ CD thành file nhạc số lưu trên ổ cứng, sau đó lại dùng một phần mềm khác để ghi (burn) các file mp3 đã sưu tầm và tuyển lựa ra CD.

CD
CD

Các dịch vụ nhạc streaming đã biến điều này thành dĩ vãng với tất cả mọi người, chứ không chỉ người dùng iTunes và iPod.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận