Mộng lớn của ông Erdoğan

HỮU NGHỊ 11/08/2020 20:08 GMT+7

TTCT - Chú thích ảnh của nhật báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm thứ sáu 24-7 phản ánh phần nào giấc mộng của tổng thống nước này: “Hội đường Hồi giáo Hagia Sophia của thành phố Istanbul mở cửa cho buổi cầu nguyện đầu tiên sau 86 năm với sự tham gia của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan”. Liệu đây chỉ là một ước ao tôn giáo, hay còn là một tham vọng gì khác?

Ông Erdoğan bên trong công trình tráng lệ với ý nghĩa lịch sử trọng đại Hagia Sophia. Ảnh: rfi.fr
Ông Erdoğan bên trong công trình tráng lệ với ý nghĩa lịch sử trọng đại Hagia Sophia. Ảnh: rfi.fr

Tờ báo viết trên một mạch văn đầy hào hứng: “Sự chú ý của thế giới đã chuyển sang Đại hội đường Hồi giáo Hagia Sophia khi hàng ngàn người tập trung hôm thứ sáu cho những lễ cầu nguyện đầu tiên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục vai trò hội đường Hồi giáo của nơi này, từ chỗ là một viện bảo tàng cũ, sau 86 năm”. 

Cũng theo tờ báo, Đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) nhận xét rằng “giấc mơ thời niên thiếu của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan nay đã thành sự thật”. Để rộng đường dư luận, tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng “cân bằng” bài tường thuật bằng chi tiết: “Tuy nhiên, các lãnh đạo giáo hội Chính Thống giáo tại Hi Lạp và Mỹ đã lên kế hoạch cho “một ngày than khóc””. Nhưng vì sao lại than khóc?

Từ Byzantium tới Atatürk

Chuyện biến viện bảo tàng, di sản văn hóa thế giới theo UNESCO, trở lại thành hội đường Hồi giáo không đơn giản là chuyển đổi công năng, mà còn phản ánh sự thay đổi nhãn quan chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ: từ một chế độ cộng hòa thế tục với tổng thống khai sáng Mustafa Kemal Atatürk trở lại chế độ có màu sắc thần quyền thời đế chế Ottoman.

Chủ sự buổi cầu nguyện, Bộ trưởng Tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ Ali Erbaş long trọng cầm gươm thuyết giảng: “Hôm nay, những lời nguyện Allahu akbar (Allah là cao cả nhất), những lời cầu nguyện và lời chào salavat (hòa bình nơi Thượng đế) vang lên dưới mái vòm của Hagia Sophia, và lời kêu gọi adhan (xin được lắng nghe) trỗi dậy từ những ngọn tháp của nó. Hôm nay là ngày mà các tín hữu đứng lên cầu nguyện, mắt lấp lánh lệ vì niềm vui và xin được cúi đầu phủ phục với lòng biết ơn”.

Ông giải thích việc cầm gươm hành lễ: “Các bài giảng ngày thứ sáu đã được cử hành với một thanh gươm liên tục suốt 481 năm. Nếu Đấng Allah cho phép, chúng ta sẽ khôi phục truyền thống này từ bây giờ”. Thanh gươm cũng chính là biểu tượng của chinh phạt, như lời ông Erbaş: “Đây là một truyền thống biểu thị sự chinh phục…”.

481 năm mà ông nhắc là khoảng thời gian 1453 - 1934, khi công trình kỳ vĩ này trở thành hội đường Hồi giáo sau khi đã là nhà thờ Công giáo La Mã, rồi Chính Thống giáo, suốt 916 năm, tới khi Istanbul thất thủ vào tay đế chế Ottoman của người Thổ Hồi giáo năm 1453, cũng là cột mốc đánh dấu kết thúc sự tồn tại của đế chế Kitô giáo phương Đông vĩ đại cuối cùng: Byzantium.

Đến năm 1934, trong xu hướng thế tục hóa nhà nước của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ non trẻ, Hagia Sophia trở thành một công trình với chức năng dân sự: một nhà bảo tàng thu hút khách thập phương lớn bậc nhất thế giới. Để rồi ngày 10-7 vừa rồi, sau một phán quyết của Tòa Hành chánh tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, sắc lệnh 1934 bị hủy bỏ, tòa nhà trở lại với vai trò tôn giáo của nó.

Quyết định đấy đi ngược con đường mà người cha lập quốc của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Atatürk đã vạch ra hôm 1-3-1924 trước Quốc hội nước này sau cuộc chiến tranh giành độc lập: “Hồi giáo sẽ chỉ nâng mình lên nếu thôi là một công cụ chính trị, như đã từng trong quá khứ”.

Trong quá khứ đó, đế chế Ottoman là một nhà nước thần quyền (một caliphate), mà người lãnh đạo tôn giáo đồng thời là lãnh đạo quốc gia (caliph). Hai ngày sau tuyên bố của Atatürk, 3-3-1924, chế độ caliphate bị bãi bỏ. Ngày 8-4-1924, luật Hồi giáo sharia bị một đạo luật có tên đầy đủ là “Luật tương đương của luật phán xét Mehakimi vì lợi ích của luật pháp và tổ chức thẩm phán” phủ nhận.

Tháng 8-1925, Atatürk ra tuyên bố “đoạn tuyệt” với chế độ thần quyền: “Trước kiến thức, khoa học và toàn bộ nền văn minh rực rỡ, tôi không thể chấp nhận trong cộng đồng dân sự văn minh của Thổ Nhĩ Kỳ sự hiện diện của những người nguyên khai tìm kiếm lợi ích vật chất và tinh thần qua việc thuyết giảng. Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ không thể là một đất nước của các tín đồ.

Trật tự xã hội tốt nhất, chân thật nhất chính là trật tự của nền văn minh. Các nhà lãnh đạo thần quyền sẽ phải đóng cửa cung điện của họ và thừa nhận rằng trật tự của họ đã cáo chung”. Đó là lời phủ nhận kép dứt khoát và đanh thép với cả chế độ quân chủ và nền cai trị thần quyền.

Tất nhiên, việc bãi bỏ trật tự giáo quyền ngàn năm này ở Thổ Nhĩ Kỳ không dễ dàng, không chỉ ở thời bấy giờ. Bằng chứng là những gì đang diễn ra ngay năm 2020 này.

Quay lưng với nhà nước thế tục?

Trong một bài hôm 21-7 trên tờ Birgun, một nhóm trí thức Thổ Nhĩ Kỳ gồm các ông Nazif Ay, Mehmet Aliz và Yusuf Dülger đã chỉ trích quyết định của ông Erdoğan với Hagia Sophia. Nhóm này tự gọi mình là “những nhà thần học theo Kemal [tức Atatürk]” và nhấn mạnh: “Hagia Sophia không thể bị sử dụng như một công cụ chính trị” và “biến Hagia Sophia thành một hội đường Hồi giáo là quyết định phá hủy thông điệp hòa giải và công lý của Hồi giáo”.

Tất nhiên ông Erdoğan có lý của mình. Trong phát biểu nhân khánh thành trụ sở mới của cơ quan tình báo nước này, ông cảnh cáo: “Chúng ta đã thấy một số quốc gia không biết rằng Constantinople nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thế kỷ kể từ cuộc chinh phục. Chúng ta đã thấy họ vẫn không chấp nhận rằng Constantinople nằm trong tay quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo”.

Ông đưa ra một so sánh: “Đây là cuộc chinh phục Istanbul lần thứ nhì”, tức sánh ngang với chiến thắng năm 1453 của đại đế Mehmed II - Mehmed Người chinh phạt, khi ông đánh hạ thành Constantinople, thủ đô Đông La Mã (tức Byzantium). Một điều ông Erdoğan không nhắc: Mehmed II cũng là người đã chinh phạt và sáp nhập vào đế chế Ottoman gần như toàn bộ vùng Balkan ngày nay tới tận miền bắc Ý.

Tờ The Times of Israel, vùng đất cũng đã có hàng trăm năm thuộc về đế quốc Hồi giáo Ottoman, bình luận: “Các chuyên gia nhìn nhận động thái này của ông Erdoğan như một nỗ lực nhằm củng cố cơ sở cử tri bảo thủ và quốc gia chủ nghĩa trong bối cảnh kinh tế bất ổn ngày càng trầm trọng vì dịch bệnh bùng phát”.

Tờ báo đặc biệt lưu ý: “Thời điểm của buổi cầu nguyện đầu tiên rất có ý nghĩa vì nó trùng với kỷ niệm 97 năm Hiệp ước Lausanne, vốn thiết lập biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại sau nhiều năm xung đột với Hi Lạp và các cường quốc phương Tây”.

Hiệp ước mà tờ báo nói đến được ký ở Lausanne, Thụy Sĩ vào ngày 24-7-1923. Đế chế Ottoman trước đó, là bên thua trận trong Thế chiến I, đã bị chia năm xẻ bảy và có nguy cơ rơi vào vòng đô hộ của các cường quốc thắng trận Anh, Pháp, Ý, cũng như bị các nước Balkan mới thành lập xâu xé hơn nữa.

Hiệp ước Lausanne, trong khi đảm bảo nền độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu nước này: chấm dứt mọi yêu sách với quần đảo Dodecan, đảo Síp, Ai Cập và Sudan, Syria và Iraq, Libya và nhiều vùng khác ở bán đảo Ả Rập. Đế chế Ottoman chính thức bị khai tử.

Đó là một hiệp ước rất nhiều vấn đề, để lại tác động lâu dài và giải thích không ít cho những hành động ngày nay. Điều 3 về từ bỏ Syria chẳng hạn, góp phần giải thích lý do ông Erdoğan nhất quyết tiếp tục sự hiện diện và hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, bất chấp thỏa thuận với Nga và Iraq.

Reuters 21-7 loan tin ông Erdoğan đã ra một tuyên bố nhân cuộc bầu cử quốc hội tại Syria: “Giờ họ đang tổ chức cái gọi là bầu cử. Chúng tôi sẽ ở lại tới khi người dân Syria được tự do, hòa bình và an toàn”. Hay như tại Libya, Arab News 2-7 nhắc nhở: “Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài cuộc xung đột ở Libya bằng cách can thiệp hỗ trợ phe của Chính phủ thỏa thuận quốc gia (GNA) ở Tripoli, đảo chiều cuộc tấn công kéo dài 15 tháng của Quân đội quốc gia Libya (LNA) miền đông… với sự giúp đỡ từ lính đánh thuê do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp”. Libya, giống như Syria hay Hagia Sophia, đều là “cổ thành cựu địa” ngày nào chưa xa!

Thực tế và gần gũi hơn, bài xã luận trên tờ Daily Sabah giải thích lập trường của ông Erdoğan: “Rốt cuộc, Ankara sẽ không thôi bảo vệ lợi ích quốc gia một cách chủ động, bất chấp việc một số người mô tả chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nghĩa tân Ottoman hoặc Hồi giáo. Chính sách đối ngoại năng động của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện qua cam kết ổn định khu vực, bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và tương tác với những chủ thể khác, dù là cạnh tranh hay hợp tác”. ■

Vấn đề đảo Síp

Ngày 20-7-1974, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào đảo Síp - bông hoa trên vương miện đế chế Ottoman thuở nào. Cuộc can thiệp quân sự được Hoa Kỳ và NATO bí mật ủng hộ, bởi Ankara lúc bấy giờ là một đồng minh then chốt, “cặp sườn” Liên Xô trong cuộc chiến tranh lạnh.

Áp lực quốc tế dẫn tới cuộc ngừng bắn và thỏa thuận tạm thời kéo dài tới ngày nay: 37% lãnh thổ Síp thuộc vùng chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ, 170.000 người Síp Hi Lạp bị buộc rời nhà cửa ở miền bắc và 50.000 người Síp Thổ Nhĩ Kỳ phải ra đi theo hướng ngược lại. Sự phân chia đảo Síp diễn ra trên thực tế, chứ không phải về mặt pháp lý.

Năm 1983, người Síp Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tuyên bố độc lập, lấy tên Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc đảo Síp (TRNC), chỉ được mỗi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Tháng 11-2019, ông Erdoğan tuyên bố nhân kỷ niệm 36 năm thành lập TRNC: “Chúng ta sẽ không bao giờ để người Síp bị tước đoạt các quyền chính đáng với nguồn dầu khí ở đông Địa Trung Hải.

Là quốc gia bảo lãnh, chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh với người Thổ Nhĩ Kỳ và duy trì sự nghiệp quốc gia ở đảo Síp”. Ông cũng không thèm úp mở, nhất là khi bên tranh chấp Hi Lạp cũng có “đại bàng bảo kê”: “Không ai, đặc biệt là Liên minh châu Âu, có quyền trói người Síp Thổ Nhĩ Kỳ với chương trình nghị sự của người Síp Hi Lạp”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận