TTCT - Không hẹn mà gặp, Trung Quốc và Ấn Độ đều có vẻ đang rất hào hứng - ít nhất là trên mặt báo - về tác động tích cực của trào lưu homestay đối với những miền quê. Du khách tham quan vườn cây của một homestay cao cấp ở làng Feishizhuang, Qinhuangdao, tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, ngày 5-6-2023. Ảnh: Tân Hoa xãLiên tiếp vài tháng gần đây, báo giới tại hai quốc gia đông dân nhất và nhì thế giới đưa tin không ngớt việc ngành này đang ăn nên làm ra thế nào tại vùng nông thôn, núi cao.Tín hiệu vui từ làng quêNgày 2-10, Tân Hoa xã chạy tít "Du lịch nghỉ dưỡng góp phần hồi sinh nông thôn Trung Quốc", đưa người đọc đến với những dãy homestay nằm giữa cảnh quan độc đáo dưới chân núi Jiguan, một thắng cảnh quốc gia ở tỉnh Cát Lâm. "Khi bước vào khoảng sân ấm cúng của một trong những homestay này và nhấc nắp một chiếc nồi hấp lên, mùi thơm của gà om nấm nhanh chóng lan tỏa trong không khí" - bài viết mô tả.Chủ homestay - Wang Juan, 56 tuổi, vừa bận rộn chuẩn bị món đặc sản vừa tranh thủ dọn dẹp phòng ốc. Năm 2015, Wang là người đầu tiên trong làng Jixing "hô biến" nhà của mình thành homestay. Sau tám năm, danh mục homestay của Wang đã tăng từ một lên ba - dù chỉ là nhà lợp ngói đơn sơ. Wang kiếm được thu nhập bình quân hơn 60.000 nhân dân tệ (khoảng 200 triệu đồng) mỗi năm.Theo Tân Hoa xã, hằng năm Jixing thu hút một lượng lớn khách du lịch đến trải nghiệm vẻ đẹp mộc mạc của vùng nông thôn tràn ngập sức sống này. Cách đó khoảng 2.500km về phía tây nam, anh Li Ping bỏ việc lương cao ở thành phố về quê ở tỉnh Hồ Nam mở homestay sau Wang chỉ một năm. Quê anh Li là làng Longweiba nằm gần vùng lõi của khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên, nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.Ngôi làng heo hút trước đây bị ô nhiễm trầm trọng, nồng nặc mùi nước thải độc hại, rác rến vương vãi khắp nơi, đường sá gồ ghề, giao thông không thuận lợi, nay thay da đổi thịt, trở thành điểm đến của khách du lịch từ hơn 60 quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tân Hoa xã cho biết Longweiba thay đổi đáng kể trong những năm gần đây nhờ nhiều dự án cải thiện môi trường sống và nâng cấp cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương.Thứ thu hút khách du lịch đến đây không chỉ là non xanh nước biếc, cảnh quan hùng vĩ, mà còn có dịch vụ homestay đa dạng, chu đáo đến từng chân tơ kẽ tóc mà anh Li và nhiều người trong làng mở ra. Wu You, quản gia của một trong số 12 homestay khác trong làng, chia sẻ: "Chúng tôi dự đoán nhu cầu của khách và đưa ra hướng dẫn về trang phục cũng như những thứ cần chuẩn bị khác sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết hiện tại. Chúng tôi cũng giúp khách sắp xếp chỗ đậu xe, giúp họ lên kế hoạch hành trình và đề xuất các tuyến đường theo nhu cầu của họ".Mục tiêu của các homestay là làm cho khách cảm thấy như đang ở nhà, chứ không đơn giản là chỗ ngủ qua đêm trong chuyến du lịch. Suốt 12 năm qua, ông Li Simin, 86 tuổi, đã thật sự thấy "như ở nhà" mỗi lần đi từ Nam Xương đến làng Sanping, thị trấn Zhongyuan, thuộc huyện Tĩnh An (cùng tỉnh Giang Tây) nghỉ hè.Bao quanh bởi núi Cửu Lĩnh (Jiuling) với tỉ lệ rừng che phủ gần 90%, mùa hè ở đây có nhiệt độ trung bình 18-22oC khiến tất cả homestay ở đây thường kín chỗ trong kỳ nghỉ hè, du khách phải đặt phòng trước vài tháng. "Chúng tôi có một nhóm khách hàng ổn định, nhiều người còn trả tiền cọc đặt phòng cho năm tiếp theo" - Liu Fangyong, chủ sở hữu "ngôi nhà" của Li, nói.Một nhân viên đang dọn dẹp tại một homestay cao cấp ở làng Feishizhuang, Qinhuangdao, tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, ngày 5-6-2023. Ảnh: Tân Hoa xãCũng giống như Longweiba, cách đây nhiều thập niên Zhongyuan là một thị trấn tương đối kém phát triển với những con đường gập ghềnh đầy cát bụi và hầu như không có cây cối nào mọc trên những ngọn đồi gần đó. Vào thời điểm đó, phần lớn dân làng rời khỏi thị trấn để đi tìm việc. Mọi chuyện thay đổi khi thị trấn thực hiện phát triển xanh và bắt đầu xây dựng du lịch nông thôn vào năm 2000. Theo Chen Wuhe - một quan chức làng Sanping, hiện tại 90% người di cư đã quay trở lại thị trấn và kinh doanh homestay, với mức tăng thu nhập trung bình hằng năm là 100.000 nhân dân tệ (khoảng 335 triệu đồng) mỗi hộ gia đình.Không chỉ riêng Sanping, Longweiba hay Jixing, thống kê cho thấy trong quý 2 năm nay, 306 điểm du lịch nông thôn ở Trung Quốc đã đón trung bình 38.800 du khách, tạo ra thu nhập 13,69 triệu nhân dân tệ. Theo số liệu mới nhất từ trang đặt phòng và vận hành homestay Tujia, toàn Trung Quốc có gần 800.000 homestay "miệt vườn".Có thể ban đầu đây chỉ là trào lưu tự phát, tuy nhiên các bài viết của Tân Hoa xã cho thấy một sự đầu tư bài bản và có quy mô từ chính quyền địa phương trong thời gian gần đây.Chẳng hạn, cũng ở tỉnh Cát Lâm, tại làng Guangdong gần biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, chính quyền mở một công viên tham quan cánh đồng lúa rộng 10.000m2. Những bông lúa vàng đung đưa duyên dáng trong gió, tạo nên phông nền lý tưởng để du khách ghi lại khoảnh khắc này qua các bức ảnh. Bên cạnh đó là một loạt hoạt động mang đậm văn hóa của người Triều thiểu số ở đây. Một cách tự nhiên, ngôi làng miền biên cương thu hút khoảng 150.000 khách du lịch mỗi năm.Sự nở rộ của homestay cũng đóng vai trò là mắt xích quan trọng, giúp làng Guangdong xây dựng thương hiệu gạo riêng, được công nhận cả trong nước lẫn quốc tế tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Làng sản xuất được 2.000 tấn gạo hữu cơ trong năm 2022, mang lại giá trị sản lượng 23 triệu nhân dân tệ. Cũng trong năm này, thu nhập kinh tế tập thể của làng tăng gần 15 lần so với năm 2015.Hẻo lánh mấy cũng có homestayNhư thể "có hẹn trước" với Trung Quốc, homestay đang mọc lên như nấm sau mưa ở Ấn Độ, ngay cả ở nơi xa xôi hẻo lánh từng bị cấm đến vì lý do an ninh như Panchari - một ngọn núi tuyết được bao quanh bởi những khu rừng tuyết tùng dày đặc trên vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir.Theo trang Daily Excelsior, kể từ khi Ấn Độ và Pakistan gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Jammu và Kashmir vào tháng 2-2021, những ngôi làng và vùng núi biên giới bị cô lập trước kia mới có lại cơ hội khai thác các địa điểm du lịch. Tuy nhiên, những khu vực này thiếu thốn cơ sở hạ tầng khách sạn thông thường, không có chỗ nghỉ qua đêm, chỉ biết dựa vào những gì có sẵn trong cộng đồng địa phương.Thế là sáng kiến du lịch biên giới ra đời, những ngôi nhà gỗ cổ điển được dựng lên bên cạnh các tiện ích cần thiết khác để làm dịch vụ homestay ở vùng liên bang vào năm ngoái, tạo tiền đề để địa điểm đẹp như tranh vẽ này đón nhận lượng khách du lịch đông đúc. Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến cuối tháng 7 năm nay đã có 12,7 triệu khách du lịch đến thăm Jammu và Kashmir, trong đó lượng du khách nước ngoài tăng 59% sau hơn ba thập niên. Một quan chức đánh giá số lượng khách có thể vượt quá 20 triệu trong năm nay. Những du khách sử dụng dịch vụ homestay ở đây cho biết họ đã có trải nghiệm rất thoải mái và cảm thấy hứng thú khi được tìm hiểu nền văn hóa tuyệt vời của Kashmir.Theo một quan chức địa phương, homestay không những không gây tác động tiêu cực tới môi trường mà còn mang lại cơ hội việc làm hiệu quả cho giới trẻ, đồng thời thúc đẩy bảo tồn văn hóa địa phương.Khách du lịch trải nghiệm homestay ở vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Ảnh: Rising KashmirSuhail Khan, một cư dân ở Keran, bày tỏ lòng biết ơn trước sự thay đổi này: "Với sự ra đời của chính sách về du lịch biên giới, hòa bình đã đến và chúng tôi đang thu được nhiều lợi ích". Chia sẻ với trang Rising Kashmir, Suhail cho biết anh có một ngôi nhà gỗ trang trí đẹp mắt bên cạnh một ngôi nhà một tầng dành cho khách. Hiện anh thuê một đầu bếp, một người giúp việc và vài hướng dẫn viên để phục vụ khách du lịch.Raja Sajad Khan, cư dân Ladua Ladoora ở Rafiabad, nhấn mạnh khía cạnh hòa nhập văn hóa: "Du khách và người dân địa phương thường hình thành tình bạn khăng khít trong quá trình ở homestay và giữ liên lạc sau đó". Raja đang kinh doanh homestay đầu tiên ở Rafiabad và thuê những người buôn lậu gỗ trước đây làm người thồ hành lý trên lưng ngựa.Tổng cộng, chính quyền Jammu và Kashmir đã hỗ trợ tài chính, giúp 500 thanh niên xây dựng homestay trong năm 2022. Kết quả là khoảng 5.000 phòng với 9.500 giường đã thành hình ở Jammu và Kashmir trong gần hai năm qua. Chính quyền mong muốn tiếp tục ưu tiên xây dựng homestay ở những vùng sâu vùng xa hơn. Số lượng quản gia (housekeeper) homestay ở Trung Quốc đang ngày càng tăng theo đà đi lên của số lượng homestay. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến nghề này được công nhận là một nghề mới trong phiên bản cập nhật năm 2022 của sách tham khảo chính thức về nghề ở Trung Quốc.Xét về nhóm tuổi, thế hệ quản gia homestay sinh từ năm 2000-2009 đạt mức tăng trưởng nhanh nhất so với cùng kỳ năm ngoái - 140%. Trang Tujia cũng cho biết trong số các chủ homestay mới đăng ký trên nền tảng của họ trong nửa đầu năm 2023, 70% là thế hệ Z - những người sinh từ năm 1995 đến năm 2009. Đa phần đều có bằng đại học, thông thạo Internet và nắm bắt nhanh các xu hướng marketing trên mạng. Tags: Làng homestayDu LịchVùng nông thônKhách du lịchHomestayLàng quêTRUNG QUỐCẤn độ
Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới TRUNG NGHĨA 25/11/2024 Chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas sáng 9-11.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.