Cuộc chiến chống COVID-19: Ít vaccine nhưng quá nhiều người cần

HỒNG VÂN 25/11/2020 02:11 GMT+7

TTCT - Những ngày gần đây, các tin vui liên quan tới vaccine ồ ạt đến với công chúng.

Mới đây nhất, ngày 23-11, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy loại vaccine chỉ một liều dùng do Công ty AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) kết hợp phát triển có thể cho hiệu quả lên tới 90% và an toàn cho người sử dụng.

Đây là vũ khí mới nhất mà nhân loại có trong cuộc chiến chống COVID-19. So với các loại vaccine khác được công bố hiệu quả gần đây, vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford có giá rẻ hơn, dễ phân phối và sản xuất với số lượng lớn hơn. 

Vaccine này có tính ổn định với nhiệt độ và có thể bảo quản đơn giản bằng tủ lạnh (từ 2-8 độ C), nên nếu thành công, đây sẽ là tin vui cho người dân ở các nước nghèo và cả thế giới nói chung.

Phía Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ mong đợi xác thực cả về tính hiệu quả và an toàn của vaccine mới, vì dù hiệu quả đến 90% trong thử nghiệm với các tình nguyện viên là đáng khích lệ, số lượng người tham gia thử nghiệm vẫn còn khá nhỏ - chỉ 24.000 người.

Trước đó, Công ty dược Pfizer và đối tác BioNTech thông báo kết quả nghiên cứu vaccine COVID-19 giai đoạn 3 hiệu quả hơn 90%. Vaccine của Pfizer và BioNTech gồm 2 mũi tiêm, cách nhau 3 tuần. 

Các thử nghiệm trên khoảng 44.000 tình nguyện viên dùng vaccine hoặc giả dược ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine đạt tới 90% một tuần sau liều thứ 2.

Tuy nhiên, loại vaccine này đòi hỏi những điều kiện bảo quản đặc biệt, cụ thể là trong tủ âm sâu, dưới -80 độ C, nên sẽ là thách thức trong khâu hậu cần.

Với các nước giàu, việc sở hữu và đưa vaccine đến người dân giờ có thể trong tầm tay. Mỹ và Đức đang hi vọng triển khai tiêm vaccine trên diện rộng từ tháng 12.

 Anh cũng tràn trề hi vọng sẽ cung ứng vaccine rộng rãi vào mùa xuân tới. Ở Trung Đông, Saudi Arabia hứa sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả mọi người sống ở vương quốc này khi có vaccine hiệu quả và an toàn.

Câu hỏi là những người nghèo hơn sẽ ra sao? Lãnh đạo G20 - nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - ngày 22-11 cam kết sẽ bảo đảm phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày nhóm họp, G20 khẳng định: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết nhu cầu tài chính lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vaccine ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người”.

Ngày 23-11, tại Geneva, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ người nghèo và người dễ bị tổn thương sẽ phải đứng nhìn khi thế giới có quá ít vaccine mà có quá nhiều người cần. Ông kêu gọi số tiền cần thiết và khẩn cấp 4,3 tỉ USD cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu có tên COVAX. 

Rất nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đã cam kết tham COVAX để đảm bảo cung ứng vaccine cho những nước và những người không đủ khả năng tài chính. Cho đến nay, sáng kiến này đã huy động được 5 tỉ USD.■

Nguồn: WHO

Mới là bóng hình hi vọng

Những ai mòn mỏi chờ đợi ngày hậu COVID-19, để mọi chuyện ít nhiều bình thường trở lại hẳn thấy cuộc tìm kiếm vaccine kéo dài và những kết quả đầu tiên được công bố là đầy bối rối. 

Tuy nhiên, lịch sử dịch tễ học cho thấy giới khoa học đã thực sự lập được kỳ công với những loại vaccine hiệu quả sau một thời gian ngắn đến vậy, dù rất nhiều khó khăn còn chờ đợi phía trước.

Phải mất 9 năm sau khi cô lập được virus gây bệnh sởi vào năm 1954, giới khoa học mới có thể chế ra vaccine. Với bệnh bại liệt còn lâu hơn nữa, 20 năm từ những thử nghiệm đầu tiên tới khi vaccine được cấp phép ở Mỹ vào năm 1955.

 Cho nên, việc các nhà nghiên cứu tìm ra được vaccine hiệu quả chống lại virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 chỉ một năm sau khi dịch bệnh bùng phát thực sự là phép màu của thời đại khoa học tiến bộ này. 

Và không chỉ một loại: BBC cho biết có ít nhất 4 loại vaccine đã được phát triển của Anh, Mỹ, Đức-Mỹ, và Nga, với mức độ hiệu quả và đặc điểm khác nhau.

Tuy nhiên, dù đã có tin tốt, vẫn còn hai câu hỏi lớn phải đặt ra, về đặc tính của vaccine và năng lực phân phối chúng.

Về đặc tính, đây mới là những kết quả ban đầu. Ví dụ, vaccine của Pfizer/BioNTech dựa trên 94 trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ khoảng 44.000 tình nguyện viên. 

Còn cần thêm thời gian để cuộc thử nghiệm có dữ liệu đầy đủ hơn. Chẳng hạn người ta vẫn chưa rõ vaccine có bảo vệ được người già không, hay liệu người đã tiêm vaccine - dù không phát bệnh - còn có thể lây nhiễm cho người chưa tiêm hay không.

Trong lúc chờ đợi dữ liệu, vấn đề thứ hai là phân phối. Vaccine, dù cho loại nào hiệu quả, dự kiến sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung trong phần lớn năm 2021, nhất là với những loại nhiều hơn một liều như của Pfizer. 

Doanh nghiệp dược phẩm khổng lồ này nói họ đủ sức sản xuất tới 50 triệu liều cho tới hết năm 2020 và 1,3 tỉ liều nữa vào năm tới. Nghe thì lớn, nhưng riêng nước Mỹ thôi lúc này cần phải tiêm khẩn cấp cho 20 triệu người thuộc diện đối phó thường trực với dịch, bao gồm nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế, nhân viên nhà dưỡng lão và quân đội. 

The Economist dự tính có thể 1/5 dân số thế giới - hiện là 7,8 tỉ người - bao gồm 2/3 là những người trên 70 tuổi, có nguy cơ mắc COVID-19 các thể nặng. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một nỗ lực tiêm chủng cho cả hành tinh cùng một lúc. Vaccine là một chuyện, kim tiêm, và cả nguồn nhân lực y tế, lại là một chuyện hoàn toàn khác nữa.

“Chừng nào mà vaccine còn là hiếm hoi”, tờ báo viết. “Các chính phủ phải hiểu ưu tiên của mình là gì. Họ phải quyết định đúng đắn với điều kiện nước mình”. 

Các mô hình vi tính hóa cho thấy nếu 50 nước giàu nhất sử dụng 2 tỉ liều vaccine ở mức hiệu quả 80%, nhân loại sẽ ngăn chặn được 1/3 số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu; nhưng nếu vaccine được sử dụng với mức độ tương tự cả ở nước giàu và nước nghèo, số sinh mạng cứu được sẽ còn tăng gấp đôi.

Với từng quốc gia, câu trả lời là một bài toán tối ưu hóa đòi hỏi sự cam kết cộng đồng lớn lao. Vài tháng tới sẽ là giai đoạn quyết định, khi tỉ lệ tử vong toàn cầu hiện đã vượt mức đỉnh vào tháng 4 vừa rồi. Các chính phủ cũng sẽ phải vật lộn với công tác hậu cần cho việc tiêm vaccine.

“Lại để mất mát thêm sinh mạng khi đã có vaccine trong tay sẽ là điều rất bất nhẫn”, The Economist kết luận. “Khoa học đã làm phần của mình trong việc ngăn chặn con virus. Giờ là thử thách cho các xã hội”.

H. MINH

Việt Nam đang đàm phán để mua vaccine sớm nhất có thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-11, ngay sau khi một số quốc gia như Anh, Đức, Mỹ thông báo về thời gian bắt đầu tiêm ngừa vaccine COVID-19 mới, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết Bộ Y tế Việt Nam đang tích cực đàm phán “để có thể tiếp cận vaccine sớm nhất có thể trong điều kiện phù hợp”.

Tuy nhiên giai đoạn ban đầu, theo thông tin của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, khi đàm phán thành công, số lượng vaccine mua được chỉ đủ để tiêm cho người có nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, y bác sĩ ở bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm…

Trả lời câu hỏi về quy trình nhập khẩu vaccine liệu có phải áp dụng quy trình thông thường, tức phải trải qua thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam mới đủ điều kiện lưu hành, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng trong điều kiện đại dịch có thể rút gọn các khâu về thủ tục hành chính và thời gian nhưng vẫn nên thử nghiệm ít nhất là độ an toàn để đảm bảo về chất lượng vaccine.

Bộ Y tế cũng cho biết trong các nhà cung cấp mà Việt Nam đã đề nghị và đàm phán, có cả vaccine của Nga, Anh và một số nhà cung cấp tiềm năng khác. Việt Nam cũng đã tham gia liên minh 92 quốc gia để nhận được quyền ưu tiên về tiếp cận vaccine.

Tại Việt Nam hiện còn có 4 đơn vị tham gia phát triển vaccine ngừa COVID-19. Trong số này có vaccine của Công ty Nanogen đang ở giai đoạn “test thử thách” trên chuột lang, là giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm tiền lâm sàng trước khi tiêm thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh (thử nghiệm lâm sàng). 

Dự kiến vaccine này sẽ được đưa ra thử nghiệm lâm sàng vào tháng 12 tới, trong đó giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ tiến hành tiêm trên 20 người tình nguyện, giai đoạn 2 - sau giai đoạn 1 khoảng 3 tháng - là tiêm thử nghiệm trên 400 người.

Ông Quang cho biết nếu thuận lợi, cuối 2021 vaccine COVID-19 “made in Việt Nam” có thể hoàn tất các khâu nghiên cứu, thử nghiệm để đăng ký lưu hành. Ngoài vaccine của Nanogen, vaccine của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang cũng có triển vọng thử nghiệm lâm sàng vào 2021 tới đây.

Đây là lần đầu tiên các nghiên cứu, sản xuất vaccine ở Việt Nam thực hiện theo cách làm mới của thế giới, rút ngắn thời gian nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất. 

Trước đây thông thường thời gian nghiên cứu và hoàn thiện 1 vaccine kéo dài tới 5-10 năm, khi đó có thể dịch bệnh đó đã không còn hoặc số mắc không đáng kể để cần tiêm vaccine (như vaccine ngừa cúm A/H5N1 trên người).

Với COVID-19 và tình hình dịch như hiện nay, các chuyên gia cho rằng phải tiêm được 80% cộng đồng mới đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, hi vọng khi có vaccine “made in Việt Nam”, giá cả sẽ phù hợp để tiến hành tiêm ngừa rộng rãi. 

Chỉ khi đã có vaccine hiệu lực và đạt đủ số người tiêm để miễn dịch cộng đồng, khi đó mới có thể tự do đi lại, kinh doanh, học tập như trước đại dịch.

LAN ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận