Đưa cà phê vào luật chơi quốc tế

THS NGUYỄN HOÀNG MỸ PHƯƠNG 02/07/2013 01:07 GMT+7

TTCT - Không chỉ gạo, vấn đề về mua, tạm trữ và bán những nông sản chủ đạo như cà phê của Việt Nam đã, đang và sẽ còn đối mặt nhiều bất trắc nếu không biết tận dụng những công cụ mới, thay đổi nhận thức của các bên liên quan và thực thi kế hoạch dài hạn cho ngành cà phê Việt Nam.

Phóng to
Người trồng cà phê một nắng hai sương có được lợi ích gì từ chuyện mua, tạm trữ? - Ảnh: Tiến Thành

Hàng loạt thông tin không tốt dồn dập xuất hiện trong ngành cà phê Việt Nam gần đây: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hủy niêm yết bắt buộc đối với Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa (chuyên về sản xuất và xuất khẩu cà phê), bảy ngân hàng đến xiết nợ Công ty TNHH Trường Ngân (chuyên mua, chế biến, xuất khẩu cà phê), thông tin nguy cơ vỡ nợ hàng loạt trong ngành cà phê...

Thêm vào đó, theo thông tư 08/2013 của Bộ Công thương, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có giấy phép xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu, chứ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.

Như vậy, nhiều công ty xuất khẩu trong nước đã phá sản hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi DN FDI không được mua cà phê trực tiếp của nông dân. Giá cà phê trong nước cũng như giá của hợp đồng kỳ hạn ở sở giao dịch kỳ hạn NYSE Liffe (giao dịch cà phê Robusta - loại cà phê mà Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đứng đầu thế giới) hiện đang có xu hướng giảm bởi nhiều nhân tố thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Kết quả của giải pháp tạm trữ đã thực hiện năm 2001 và năm 2010 mang nhiều ý kiến trái chiều mà nghiêng về không hiệu quả, gây tốn kém là chủ yếu. Trước tình hình này và nhất là chỉ còn khoảng bốn tháng nữa là thu hoạch cà phê niên vụ 2012-2013, liệu lịch sử của ngành cà phê Việt Nam cách đây hơn 10 năm có lặp lại: giá 1kg cà phê không bằng giá 1kg cà pháo?

Nông dân loay hoay tự cứu mình

Những đứa con trong thị trường cà phê Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường thế giới gần 20 năm rồi mà dường như vẫn chưa trưởng thành, cứ bám mãi “váy mẹ”, khi gặp khó khăn thì cầu cứu tạm trữ, hỗ trợ vốn hay găm hàng hi vọng giá tăng. Trong khi đó, chính những đứa con chưa trưởng thành này lại đầu tư ngoài ngành dẫn đến thua lỗ, hoặc trong khi công cụ tài chính dùng để quản trị rủi ro thì lại sử dụng như công cụ đánh bạc đỏ đen, chẳng hạn trong cơn sốt cà phê qua mạng năm 2006 dẫn đến phá sản hàng loạt trong thời kỳ mới bắt đầu cho phép thử nghiệm hợp đồng kỳ hạn. Việc đánh bạc đỏ đen đó vẫn tồn tại đến bây giờ.

Theo dõi diễn đàn cung cấp thông tin về thị trường cà phê dễ dàng bắt gặp những bình luận, chẳng hạn găm hàng chờ giá lên bởi vì “chẳng còn gì để mất”, tạo khan hiếm nguồn cung góp phần tăng giá... Tuy nhiên, chỉ giữ cà phê trong nhà mà không thực hiện các bửu bối “bảo vệ” thì chẳng khác gì ôm một mớ “bom nổ chậm”, không biết khi nào phát nổ (khi giá bán thấp hơn chi phí đầu tư cho cà phê). Hành động này đặt nông dân vào tình huống rủi ro hơn là loại bỏ hoặc hạn chế rủi ro về giá mà họ đang đối mặt.

Ở góc độ thị trường, hiếm khi nào người ta làm chuyện cực kỳ lãng phí là “nhốt” giá trị cà phê cố định một chỗ mà không cho luân chuyển để sinh lời. Nhưng liệu kênh cung cấp vốn chính thức như ngân hàng có dám cho vay với tài sản thế chấp là đống “bom nổ chậm” này hay không?

Đứng dưới góc độ đánh giá rủi ro để cho vay, câu trả lời có lẽ là không. Thế nên nông dân đành cậy nhờ vào nguồn vốn phi chính thức, chẳng hạn từ các đại lý nhận ký gửi. Hậu quả là vỡ nợ hàng loạt khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn khó, hàng loạt vụ lừa đảo làm xói mòn niềm tin trong kinh doanh và trong cộng đồng.

Đáng lẽ ra nguồn giá trị đó phải được xoay vòng vốn để tái đầu tư đón chào mùa vụ mới, để nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, để con em nông dân được tới trường tiếp thu kiến thức rồi sau này tiếp quản việc trồng trọt của gia đình mình một cách bài bản hơn.

Vậy thì làm thế nào để hạt cà phê sau khi thu hoạch mang lại lợi ích bền vững trước hết cho nông dân, sau là cho nền kinh tế thay vì bất lực nằm im lìm trong kho?

Những giải pháp khác

Trước mắt, có lẽ giải pháp nhanh nhằm tránh tình trạng lo sợ giá rớt mà bán tống bán tháo càng làm tình hình thêm xấu đi là Nhà nước đứng ra đảm bảo mức giá sàn mà vẫn tạo cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi giá tăng, vẫn đúng “luật chơi” thị trường chứ không dùng cách can thiệp thị trường theo kiểu bình ổn giá hay tạm trữ - đó là mua quyền chọn bán.

Mua quyền chọn bán (put option) nghĩa là người mua có quyền bán hoặc không bán một hợp đồng kỳ hạn vào một ngày trong tương lai với giá cố định vào hôm nay. Cụ thể: giả sử 1.600 USD/tấn cà phê là mức giá sàn mà Nhà nước đảm bảo.

Vào ngày 24-6-2013, quyền chọn trên hợp đồng kỳ hạn tháng 9 đang giao dịch tại NYSE Liffe với giá thực hiện 1.600 USD/tấn, có phí quyền chọn là 26 USD/tấn (tương đương 546.936 đồng/tấn). Nếu Nhà nước đồng ý mua quyền chọn bán cho tất cả sản lượng cà phê sản xuất tại Việt Nam, khoảng 1,5 triệu tấn, thì chỉ cần chi ra 39 triệu USD là nông dân có thể an tâm rằng cà phê sẽ được bán không dưới mức 33.658 đồng/kg mà không cần thực hiện tạm trữ gì cả.

Một lựa chọn khác, tùy theo khả năng và sở thích của mỗi người mà họ mong muốn mức giá đảm bảo khác nhau. Khi đó, nông dân sẽ thanh toán thêm một khoản chênh lệch để đạt được mức giá đảm bảo mong muốn.

Ví dụ, một người mong muốn được đảm bảo với mức giá 36.813 đồng/kg (tương đương 1.750 USD/tấn), với mức giá này thì phí quyền chọn là 79 USD/tấn, do Nhà nước hỗ trợ 26 USD/tấn theo mặt bằng chung nên chỉ cần thanh toán thêm 53 USD/tấn, hoặc nếu muốn được đảm bảo với mức giá 37.865 đồng/kg (tương đương 1.800 USD/tấn) thì chỉ cần thanh toán thêm 81 USD/tấn.

Theo Nhóm quốc tế quản trị rủi ro hàng hóa tại các nước đang phát triển ITF-CRM, giải pháp thích hợp nhất cho nông dân là mua quyền chọn bán. Bởi đối với các tổ chức cung cấp công cụ phái sinh, hạn chế lớn nhất khi kinh doanh với nông dân tại các nước đang phát triển là rủi ro tín dụng khi không đáp ứng được các yêu cầu ký quỹ nghiêm ngặt nếu giao dịch hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, quyền chọn bán với khoản thanh toán phí quyền chọn trước đã loại bỏ rủi ro tín dụng này.

Với quyền chọn bán trong một thị trường đang giảm giá, nông dân có thể vẫn đảm bảo được mức giá sàn bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi. Nếu sau khi mua quyền chọn bán mà giá tăng, đơn giản là để quyền chọn ấy hết hạn mà không thực hiện, và cà phê có thể đem bán với mức giá cao hơn theo thị trường lúc đó. Nghĩa là mua quyền chọn bán có thể giới hạn thua lỗ mà vẫn có cơ hội khi giá tăng trở lại.

Vấn đề là những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ sẽ khó tham gia trực tiếp thị trường kỳ hạn - ít nhất là không tham gia đến khi họ tích lũy được kiến thức, nguồn lực và năng lực cần thiết. Để giải quyết vấn đề này, Brazil đã sử dụng quyền chọn bán nhưng là do Chính phủ Brazil đứng ra bán giúp nông dân và đây là một mô hình để Việt Nam học hỏi sau này. Trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay, cách tốt nhất là Nhà nước đứng ra thay mặt nông dân tổng hợp nhu cầu phòng ngừa rủi ro, thực hiện các giao dịch trên sở giao dịch... sau đó thanh lý hợp đồng tại thời điểm thích hợp.

Cần lưu ý đôi khi phí quyền chọn sẽ trở nên đắt, bởi phí bảo hiểm thường cao nhất khi chúng cần thiết nhất. Nhưng một mặt khi phát đi thông tin Việt Nam mua quyền chọn bán cho toàn bộ sản lượng cà phê của mình, phí quyền chọn sẽ tăng cao, nhưng mặt khác phát đi tín hiệu Việt Nam đang học hỏi và bắt đầu biết chơi luật chơi chung của thế giới.

Khi nông dân Việt Nam đã tự mua hoặc Chính phủ hỗ trợ mua quyền chọn bán cho sản lượng cà phê thì điều này mang lại sự đảm bảo hơn cho cà phê lưu kho. Và có thể ngân hàng sẽ cân nhắc lại quyết định cho vay dựa trên cà phê lưu kho đã được “bảo vệ” này so với việc cho vay dựa trên cà phê không có sự phòng ngừa rủi ro nào trước đây. Có thể mở rộng cách thức này một cách bài bản hơn như Guatemala đã thực hiện.

Năm 1994, Liên hiệp Nông dân trồng cà phê quốc gia (National Coffee Growers’ Federation - Anacafé) đã giới thiệu hệ thống nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại và những hộ nông dân thường dựa vào chương trình này để vay ngân hàng.

Theo đó, sử dụng các công cụ quản trị rủi ro là điều kiện tiên quyết để tham gia chương trình tín dụng. Vì vậy rủi ro cho ngân hàng giảm đáng kể, cho phép họ cung cấp tín dụng cho nông dân trồng cà phê với lãi suất thấp hơn (theo ước tính của Anacafé, tiết kiệm được tiền lãi cho nông dân hơn 10% giá trị khoản vay - khoảng 2 triệu USD mỗi năm) (Rutten và Youssef, 2007).

Như vậy, hai mặt của một vấn đề: quản trị rủi ro giá và cung cấp tín dụng có mối quan hệ khắng khít.

Phía sau những giải pháp tạm thời

Nhưng sâu xa mà nói, cũng như nhiều giải pháp khác, mua quyền chọn bán cho toàn bộ 1,5 triệu tấn cà phê Việt Nam nếu được chọn cũng chỉ mang tính tức thời nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp hiện nay. Điều quan trọng hơn hết là thay đổi nhận thức của các bên liên quan và thực thi kế hoạch dài hạn cho ngành cà phê Việt Nam.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hầu như cách xử lý từ trước đến nay của Nhà nước đều mang tính sự vụ mà chưa thấy đưa ra kế hoạch mang tầm chiến lược dài hạn: khi giá giảm thì tạm trữ, khi doanh nghiệp kêu khó thì hỗ trợ, chẳng hạn mới đây Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê.

Thị trường luôn dẫn lối và chính thị trường để lại một bài học thiết yếu, đúng với mọi nền kinh tế, rằng luôn cần tạo văn hóa phòng ngừa rủi ro cho toàn xã hội để mỗi người tự nhận thức được rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình mà tự giác tìm tòi cách thức tự bảo vệ.

Và để giúp họ, Nhà nước cần tạo khung thể chế phù hợp. Ông trùm tài chính George Soros từng nhận xét: “Trong khi thị trường tài chính mang tính chất toàn cầu (global), những nhà cầm quyền vẫn còn mang tính chất quốc gia (national) [...] cho nên nhà cầm quyền cũng phải vươn ra quốc tế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận